Sinh hoạt chung

Tôi theo vợ dự Khóa Nazareth

Hoàng Ngự Tửu

Trước hết xin để lời cám ơn người vợ trẻ và đạo theo của tôi. Nhờ nàng mà tôi đã đến được với Khóa Nazareth II vừa qua tổ chức từ chiều Thứ Sáu, 22 đến chiều Chúa Nhật, 24 tháng 7 năm 2011 tại Seattle, Washington.

Gọi là vợ trẻ vì nàng thua tôi đúng 10 tuổi. Và bảo nàng là đạo theo, vì không biết do cảm Chúa hay cảm tôi, thời gian quen nhau tự nhiên nàng tình nguyện theo đạo Công Giáo. Cám ơn Chúa, nếu nàng không theo đạo, chắc chắn là hôn nhân của chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn mà không biết có thành sự hay không nữa. Lý do, me tôi bà ấy rất “ngoan đạo”…

Thọat đầu tôi đến với Khóa Nazareth vì vợ. Vợ là cổ, chồng là đầu, cứng đầu không bằng cứng cổ, chính vì thế mà tôi đành thua nàng. Nhưng nói thế cũng không phải là tôi hoàn toàn không có chút quyết định nào, bởi lẽ nếu tôi không đi thì nàng cũng chẳng làm gì được tôi.

Thật ra, tôi cũng đã nghe nói về sinh họat của Gia Đình Nazareth, nhưng tôi vẫn chưa tin, vì tôi thuộc dòng họ “Tôma”, có nghĩa là hơi đa nghi. Cái gì không nắm chắc, tôi không tin.

Không biết tôi có bị dị ứng về chuyện mấy ông cha bà dòng nói về hôn nhân, nói về tình yêu, nói về gia đình hay không, nhưng trong thâm tâm tôi mỗi lần nghe có giảng phòng, có hồi tâm, có nói chuyện về tình yêu, về hôn nhân, về gia đình do cha này, cha khác giảng là tôi “chuồn”. Với lý luận rất đơn giản, tôi nghĩ thế này đi tu thì biết gì mà giảng với giải. Bất quá cũng chỉ vài ba tư tưởng cóp nhặt trong sách vở nói đi, nói lại. Nhưng trong Khóa Nazareth nghe có giáo dân nói, và vì thế đã kích thích tính tò mò của tôi. Vừa chiều lòng bà xã, vừa đi nghe một lần cho biết. Hơn nữa, Seattle người đẹp, cảnh đẹp nên vợ chồng tôi cũng muốn có một cuối tuần trăng mật trăng đường cho ra vẻ romantic một chút. Đơn giản chỉ có thế.

Nhưng thật không ngờ, ngay chiều Thứ Sáu, vừa vào Khóa là tôi đã bị đánh gục, không phải là tiếng sét ái tình, mà là ôn lại tiếng sét ái tình mà tôi đã bị đánh cách đây gần 30 năm. Tôi có ý nói đến ảnh hưởng đề tài mà anh chị Nguyễn Văn Nhuệ-Thu Nhi nói về “Vợ Chồng Qùa Tặng Chúa Ban” đối với tôi.
Tối hôm đó, nằm vắt tay lên trán, tôi mới sực nghĩ ra là tại sao mà trước đến giờ tôi lại thờ ơ đến thế. Tôi có người vợ đẹp như vậy, dễ thương như vậy, yêu chồng như vậy mà vô tình để quên không nhắc tới. Nhất nữa là khởi đầu chuyện tình của chúng tôi tuyệt vời tưởng như mơ.

Chuyện tình ấy bắt đầu từ một bữa ăn trưa ở sở làm. Hôm đó nhân dịp có một cô mới vào làm, bọn con trai muốn “nổ”, nên đã rủ nhau cả đám đi ăn trưa. Mấy thằng ranh mãnh lừa tôi ngồi gần bà xã tương lai của tôi, rồi một thằng lên tiếng: “Hoàng Tửu và Hoàng Lan, anh chọn Hoàng nào?” Cảm đám hô to “Hoàng Lan”. Tôi còn đang ngơ ngác chưa biết phản ứng ra sao, thì một thằng khác xen vào, tụi tao chọn dùm mày đấy, Hoàng Lan và Hoàng Tửu nghe đẹp và khăng khít làm sao!

Sau bữa ăn trưa ấy, tôi thấy Hoàng Lan như im lặng nhiều hơn. Tội nghiệp cô nàng, vừa mới vào làm chưa đầy ít tháng đã bị bọn đầu trâu mặt ngựa phá. Muốn ăn lại bày trò gắp bỏ cho người. Nhưng rồi bỗng nhiên vài tuần sau đó, cũng vào bữa ăn trưa, tôi thấy nàng đến gần tôi hỏi:
– Anh Tửu khỏe không? Sao coi bộ anh ít nói quá vậy?
Được lời như mở tấm lòng, tôi thành thật trả lời:
– Có gì đâu mà nói. Anh xin lỗi bữa ăn lần trước nhá. Tụi bạn anh nó vậy đó.
Thế rồi chỉ có vậy, tình cảm chúng tôi trở nên bén cháy lúc nào không biết, cho đến một hôm, nàng hỏi tôi:
– Cuối tuần này anh có mục gì vui không?
– Không! Thì cũng ở nhà thôi. Hoàng Lan có gì đặc biệt không?
– Không!
– Vậy nếu không ngại, ghé qua nhà anh chơi nghe. Me anh nấu phở ngon hết xẩy.
Nói xong câu đó tôi cũng không nghĩ là nàng nhận lời, và tôi cũng chẳng biết mình đã nói gì, tại sao lại nói như vậy. Lạ lùng thay, nàng nhận lời. Thứ Bẩy hôm ấy, tôi giới thiệu nàng với thầy me tôi. Và chúng tôi đã có những giờ phút thật dễ thương. Trước khi tiễn nàng ra về, vừa bước ra khỏi cửa, tôi đã nghe tiếng của me tôi nói với thầy tôi:
– Thầy nó có thấy gì không? Thằng “Cu Đen” nhà mình sao lại quen được cô bạn xinh quá thế nhỉ?
Nghe hai chữ “Cu Đen” tôi giật mình cái thót. Tai tôi lùng bùng, nóng ran. Chắc lúc đó mặt tôi cũng đỏ lắm, vì mắc cở sợ nàng nghe được cái tên cúng cơm của mình. Suốt cuối tuần ấy, tôi đi lễ, cầu xin để mong rằng nàng không nghe, hoặc có nghe thì cũng đừng cười tôi. Ai dè, Thứ Hai hôm sau vừa vào đến sở, gặp mặt nàng liền hỏi tôi:
– Me anh gọi anh là “Cu Đen” nghe cũng dễ thương anh nhỉ.
Chúa ơi, nghe đến đây, tôi muốn độn thổ để tôi khỏi phải đứng trước mắt nàng với cái tên cu đen. Nào ngờ, nàng lại bồi cho thêm một chưởng khác:
– Anh có thể cho em biết tại sao nhà anh gọi anh là “Cu Đen” không?
Chuyện đã đến nước này, tôi đành phải thành thật khai báo. Tôi cho nàng biết là khi còn nhỏ, tôi hay chạy chơi ngoài đường, bị cháy nắng và người đen như cục than. Một hôm thầy tôi nói với me tôi: Me mày coi, tôi đã đặt cho nó cái tên Hoàng Ngự Tửu đẹp như thế mà nó không biết giữ, ngày ngày chạy chơi ngoài đường đen đủi như thằng mọi. Thôi từ hôm nay gọi nó là thằng “cu đen” đi. Từ đó, cái tên cu đen đã trở thành tên cúng cơm mà người nhà vẫn thường gọi anh.
Nói xong, tôi hỏi lại nàng:
– Sao em lại muốn biết điều đó?
Và nàng đã e thẹn trả lời tôi:
– Em “thít”.
Nghe xong hai chữ “em thít” tôi cũng chả hiểu gì, chỉ thấy nàng nhìn tôi cách bí hiểm rồi cười, và tôi cũng cười. Chiều hôm ấy về nhà, tôi đã hỏi me tôi là cô bạn hôm đến nhà chơi, cô ấy nói cô ấy “thít” tên cúng cơm của con. Vậy “thít” là cái gì? Vừa nghe xong, me tôi cười ngặt nghẽo trả lời:
– Me không hiểu sao con bé đó lại thương con được, vừa nhát gái vừa thật thà như vậy mà có người thương cũng lạ thật. Nói rồi me tôi cắt nghĩa cho tôi nghe: “Thít”, tức là tiếng người Bắc đọc chại của chữ “thích”. Mà thích cũng có nghĩa là thương, hay là yêu. Con bé nói nó thít con là thích con, thương con, hoặc yêu con. Vậy con muốn cái nào?
À thì ra thít là thích, là thương, là yêu. Và điều này cũng vẫn thường lập lại sau này mỗi lần nàng nựng tôi bằng cách véo nhẹ vào má tôi và nói: “Em thít cu đen của em”.

Sang ngày Thứ Bảy khi tìm hiểu về sự khác biệt nam nữ, tôi mới tá hỏa tan tinh ra là mình chẳng biết gì về thế giới đàn bà cả. Cũng may nhờ Tiến Sỹ Trần Mỹ Duyệt, tôi mới nhận ra tại sao nàng lại hay nhiều lời, hay bắt bẻ tôi, và nhất là hay cho rằng tôi khờ quá chẳng hiểu nàng. Thế giới đàn bà, ôi, nó là một cái “myth”, huyền bí và khó hiểu. Thế mà từ trước tới nay tôi cứ đơn sơ nghĩ sao nói vậy, nghĩ gì làm nấy thành thử lâu lâu lãnh cái búa với nàng về cái thói vô tâm, vô tính và phổi bò của mình. Cũng qua định luật “Tha không quên” mà tôi chợt nhớ đã có rất nhiều lần mình bị xử oan: “Đã bảo rồi. Tuần trước cũng lỗi, tuần này cũng lỗi như nhau. Không biết cái đầu để ở đâu?” Nghe thấy mà thảm!

Cũng nhờ có những đề tài khác như “Đồng Hành Với Chúa”, “Những Vấn Nạn Ngòai Xã Hội”, hoặc “Cách Đối Xử Với Song Thân Phụ Mẫu”, mà tôi hiểu thêm được chính bản thân mình, bản thân của vợ tôi khi phải va chạm với cuộc sống hiện tại ngòai xã hội. Phó tế Nguyễn Đức Mậu, anh chị Trần Đức Hòa-Khánh Thi cũng đã để lại trong tôi những suy tư và ý nghĩ hết sức độc đáo, ích lợi như phải biết mình, phải có Chúa trong đời và đồng hành với Ngài như thế nào. Những cạm bẫy đang rình chờ, và những gì chúng tôi phải làm cho nhau và vì nhau. Đặc biệt là đề tài “Sinh Lý Vợ Chồng” đã làm tôi sáng mắt sáng lòng. Nhờ anh chị Nguyễn Văn Nhuệ-Thu Nhi mà tôi hiểu thế nào là “đầu tư xa”, “đầu tư gần”. Thế nào là cái microwave và cái oven, và thế nào là chiếc đồng hồ chỉ 6 giờ 30. Nhưng trên hết là biết được giá trị cuốn sách vợ hay chồng mình và kiên nhẫn đọc nó để ngày lại ngày, “tái khám phá và phục hồi được giá trị và vẻ đẹp của ơn gọi hôn nhân”.

Ngày Thứ Bẩy đã đóng lại với một ý thức rất rõ ràng về sự khác biệt và vẻ đẹp riêng tư của phái tính. Cũng như sự huyền bí cần được khai triển của phái tính. Và tôi mới hiểu tại sao Freud, nhà phân tâm học lừng danh thế giới sau hơn 20 năm nghiên cứu cũng đã phải ngả mũ chào thua khi được hỏi: “Đàn bà muốn gì?”. Ông chỉ vỏn vẹn trả lời: “Không biết”.

Tưởng rằng như vậy là xong, sang ngày Chúa Nhật, tôi lại một lần nữa khám phá ra tôi đã biết rất ít về con cái, về cách thức đón nhận và giáo dục. Nhờ học hỏi trao đổi, tôi đã hiểu chút ít về tâm lý phát triển, tâm lý giáo dục. Ở tuổi nào thì phải làm gì và làm như thế nào mới gọi là giáo dục. Anh chị Bùi Thu Sơn-Mai Phượng đã cho tôi hiểu thế nào để nhìn những món quà con cái mà Chúa gửi đến qua những cách gói ghém cầu kỳ nhưng đầy ý nghĩa của Ngài.
Ngồi trong phòng họp, tôi miên man nghĩ đến 4 món quà mà Chúa đã ban tặng cho vợ chồng chúng tôi. Tuy không giống như những món qùa và cách gói ghém mà anh chị Sơn-Phượng đã trình bày, những món quà và cách gói của Thiên Chúa ban cho vợ chồng chúng tôi nhiều lúc tôi cũng chẳng hiểu tại sao? Thí dụ, đứa con gái rượu đầu lòng của chúng tôi. Chúa ơi! Nói ra sợ anh chị em cười, chứ nó yểu điệu thục nữa còn hơn mẹ nó nữa. Về cái vụ bạn bè qua lại thì vô số kể. Nhiều khi chúng tôi thấy sợ quá hối thúc nó lo cái chuyện cưới hỏi để mình yên thân. Mỗi lần như vậy nó đều nhìn chúng tôi như trêu ngươi với một lập luận thật dễ ghét: “Mẹ muốn đuổi con ra khỏi nhà phải không?” Hoặc “bố còn trẻ chưa làm ông ngọai được đâu”.

Những lúc như thế, tôi nghĩ rằng nếu có ông hay bà thánh nào mát tay làm quan thầy cho cái màn xe duyên, kết tóc, tôi tin là ông thánh hay bà thánh ấy rất ăn khách. Bố mẹ sẽ nườm nượp đến khấn vái. Bởi vì ở vào cái thời buổi hiện nay, con cái chúng lười lấy chồng, lấy vợ hơn cái thời của tôi. Cũng may tạ ơn Chúa, nhờ nhà tôi siêng năng cầu nguyện, đầu năm rồi chúng tôi đã “gỡ” được một ngòi nổ, vì người ta bảo nuôi con gái trong nhà là như chứa quả bom nổ chậm.

Tuy cháu đầu đã lập gia đình, và bây giờ thì chúng tôi sắp sửa làm ông bà ngọai, nhưng vẫn còn một trái bom nữa, cộng thêm 2 cậu ấm, anh em chúng nó vẫn là một nỗi lo canh cánh bên lòng vợ chồng chúng tôi. Riêng cô út thì chẳng biết bom nổ lúc nào, tịt lúc nào. Làm cha mẹ thời buổi này thật là nhức đầu và mau sói trán là vậy. Cho đến hôm nay, tôi cứ nhớ mãi mấy món quà và mấy kiểu gói mà anh chị Sơn-Phượng đã diễn tả. Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, chỉ có hai vợ chồng, chúng tôi lại mang ra ôn lại và tự nhủ mình để vừa sửa mình, vừa cầu cho con cái.

Nhưng nói đến Khóa Nazareth mà không nói đến những giờ “Bên Dòng Suối Mát Thánh Thể”, những buổi “Họp Nhóm”, hoặc những buổi “Hội Thảo Chung” là một điều thiếu sót. Khi chúng tôi quì bên Chúa Giêsu Thánh Thể, nhìn qua thấy nàng đang xụt xùi mới thấy lòng mình rung động. Tôi chả biết hứa gì, chỉ nhỏ nhẹ nói với Chúa, thế mà nàng cũng nghe được, đó là: “Lạy Chúa! Xin giúp con từ hôm nay hễ nàng bảo gì thì con làm như vậy, và làm ngay”. Tôi nghĩ mình hứa như vậy cho qua, nào ngờ khi về đến nhà nàng lặp lại lời hứa ấy và không quên gửi một thông điệp: “Đàn ông con trai, hứa gì thì phải giữ mới anh hùng!”.

Tóm lại, tuy là theo vợ đến với Khóa Nazareth nhưng không ngờ kết qủa thật khôn lường. Chuyện tưởng như đùa mà lại hóa ra thật, ở đây tôi nhớ lại câu châm ngôn để đời học được trong Khóa: “Bà xã tôi bao giờ cũng đúng”. Trong quyết định chúng tôi đi dự Khóa, nàng đã đúng trăm phần trăm. Tôi thiết tưởng nếu có ai hỏi tôi về Khóa Nazareth thì tôi sẽ không ngần ngại trả lời là: “Bạn hãy đến mà xem”. Thật tuyệt vời.

Hoàng Ngự Tửu

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.