Các Thánh

Trong sa mạc

Nguyễn Ngọc Thể

 

Chẳng còn bao lâu nữa, Chúa Giêsu kết thúc 40 ngày chay tịnh của Ngài, và Ngài sẽ làm gì và đi đâu? Xin hãy theo dõi những diễn tiến đầy đau thương. Những ngày này, nhà cầm quyền Do thái đang tìm bắt Chúa. Chúa trong vườn Cây Dầu. Quân lý hình đi tìm Chúa. Có tên phản là Giuđa Iscatiot, biết Chúa thường cầu nguyện ở đâu. Chúa đã bị bắt khi tên phản bội hôn thầy mình để giao nạp với chỉ 30 đồng bạc! Những ngày tiếp theo là những ngày khổ nạn, chịu tra tấn, đòn vọt, và chết đau đớn trên cây thập giá. Đồng tiền đã làm mờ mắt con người, bất cứ thời buổi nào.

 

Những ngày sống nơi sa mạc, “Chúa Giêsu đã sống giữa loài dã thú, phải chịu ma quỷ cám dỗ: Quyền hành, giàu sang phú quý, và nhất là bị cám dỗ về chuyện ăn uống, vì Ngài đã cảm thấy đói.” [Mc. 1: 12-15]

 

Vậy, muốn tìm gặp và trò chuyện với Chúa, chúng ta hãy vào nơi thanh vắng, nơi yên tịnh, giữa cảnh thiên nhiên. Ở đó, chúng ta có thể, diện đối diện, tâm tình, thân thưa với Chúa cách mật thiết.

 

Nói đến sa mạc, chúng ta sẽ nghĩ đến một vùng đất hoang vu, bao la, vắng vẻ, tĩnh mịch, mà ở đó chỉ có chim chóc, thú hoang, hoặc  nếu có người, thì chỉ một ít bộ lạc sống xa cách nhau, với tập tục riêng, cách ăn ở khác biệt. Sa mạc, còn là nơi của một số các ẩn sĩ (hermites), đã sống qua từng thời kỳ của nhiều thế kỷ trước, và đã được Giáo Hội tôn lên bậc hiển thánh (Saints) mà chúng ta kính nhớ ngày nay. Đây, chỉ xin đan cử một số ít vị thánh tiêu biểu, vì không thể liệt kê hết nơi trang này. Thánh Biển Đức, thánh Antôn Cả, thánh Arsenio Cả, thánh Giêrônimô, thánh Anathasiô thành Alexandria, thánh Gioan Chrysostom, vân vân và và vân vân.

 

Như trên đã nói, thế giới có những sa mạc, trong đó có sa mạc Sahara, mà ít nhiều người trong chúng ta cũng đã từng nghe nói đến. Sahara, nếu chúng ta đáp máy bay từ phi trường LAX (Los Angeles, California) để đến đó, phải mất đến 2 ngày và 5 giờ, với giá tiền từ 3.760 đô-la trở lên. Cũng có khách sạn để chúng ta ở, được hướng dẫn đi xem một số nơi.

 

Sahara, một sa mạc, trải dài qua một số nước Bắc Phi như: Algeria, Chad, Egypt, Lybia, Mali, Mauritania, Niger, Tây Sahara và Sudan, những vùng của miền nam Morocco và Tunisia, với diện tích 9 triệu 200 ngàn cây số vuông (hoặc 3.552 triệu dặm vuông). Nhiệt độ trung bình là 86 độ F (tức 30 độ C). Sa mạc Sahara nóng hơn các sa mạc trên thế giới và là sa mạc lớn thứ ba được xếp sau các sa mạc Châu Nam Cực (Antartica, vùng Nam Cực trái đất), và vùng Arctic (vùng Bắc cực).

 

Chính nơi sa mạc Sahara này, có một vị ẩn tu, dòng Trappist, nay đã là một vị thánh, đã sống ít nhất là 10 năm tại nơi sa mạc này, giữa những thổ dân Berber, chuyên phục vụ người nghèo.  Đó là thánh Charles de Foucauld (1858-1916). Sau đây là đôi dòng tiểu sử:

 

 

 

“Thánh nhân tên thật là Charles Eugène de Foucauld de Pontbriand, PFJ. Thánh nhân sinh ngày 15 tháng 9,1858 tại Strasbourg, Pháp quốc và mất ngày 1 tháng 12 năm 1916, lúc 58 tuổi đời. Ngài là cựu quân nhân người Pháp, nhà thám hiểm, nhà địa lý, nhà nhân chủng học, linh mục công giáo, và là một ẩn sĩ.

 

Thánh nhân mồ côi cha mẹ lúc lên 6, và đã được ông ngoại là đại tá Beaudet de Morlet chăm nuôi. Lớn lên, Foucauld theo gót chân ông ngoại, gia nhập quân đội và theo học tại trường quân sự Saint-Cyr. Ra trường, Foucauld là sĩ quan ngành kỵ binh. Khi tới tuổi thanh xuân, Foucauld mất đức tin khi tự mình mạo hiểm đến xứ Morocco. Ở đó, Foucauld bắt gặp những người theo đạo Hồi bày tỏ niềm tin của họ, Foucauld tự nhủ: “Lạy Chúa, nếu Ngài hiện hữu, xin làm cho con biết đến cùng Chúa.” Khi trở về Pháp, gia đình đã đón tiếp Foucauld cách niềm nỡ, khiến Foucauld tiếp tục nghĩ lại về đức tin của mình. Sau, nhờ sự dẫn dắt của cha Huvelin, Foucauld tìm về với Chúa. Lúc ấy Foucauld được 28 tuổi. Sau đó, Foucauld phục hồi đức tin của mình, biết Chúa nhiều hơn và chỉ biết sống cho một mình Ngài mà thôi.

 

Dịp đi hành hương Đất Thánh, Foucauld đã khám phá ơn gọi của mình: quyết sống theo cuộc đời của Chúa Giêsu Nagiarét. Foucauld đã sống qua 7 năm như một tu sĩ dòng Trappist, tại Pháp và rồi ở Akbès, Syria. Sau đó,  Foucauld sống đời cầu nguyện, chiêm niệm một mình gần tu viện các nữ tu khó nghèo thánh Clara ở Nagiarét.

 

Ngài ước muốn thành lập một tu hội, nhưng không ai muốn gia nhập. Lúc ấy ngài được chọn tên là tu sĩ Charles de Jésus. Ngài không những rao giảng Phúc Âm qua các bài giảng thuyết mà còn sống đời mẫu mực. Lối sống ẩn tu của dòng với tinh thần chiêm niệm đã cuốn hút cách sống của ngài qua những bài viết.

 

Lãnh chức linh mục lúc lên 43 tuổi (1901), Foucauld đến sa mạc Sahara, trước là sống nơi tu viện Beni Abbès, sau đó tại Tamanrasset giữa những sắc dân Touaregs thuộc vùng Hoggar. Sau nhiều năm sống đời ẩn tu và nghiên cứu, thánh nhân đã nghĩ đến việc lập một tu hội mang tên Dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu (Little Brothers of Jesus). Nói đến vị thánh Charles de Foucauld, mỗi khi nghĩ đến, tôi hằng đem lòng ngưỡng mộ một con người tài ba, đã từ bỏ mình không phải chỉ sống trong bốn bức tường của chốn tu viện, mà còn sống nơi vùng xa lạ, nơi sa mạc Sahara, to lớn và hoang vu. Ngày đêm chỉ nghe tiếng chim kêu, vượn hú. Lòng trí của vị thánh nhân chỉ chăm lo kết hiệp với Chúa, giữa khung cảnh thiên nhiên, hoang vắng. Ngài sống giữa những người dân Touareg nơi sa mạc. Ngài đã dịch Phúc âm ra tiếng Touareg và xuất bản tự điển bằng hai ngôn ngữ Touareg – Pháp, cũng như đã sáng tác hàng ngàn bài thơ nói về phong tục, tập quán của dân Touareg. Những nghiên cứu này còn được truyền tụng đến hôm nay. Lòng nhiệt thành truyền giáo đã mang lại cho ngài bao nguy hiểm. Vào chiều ngày 1 tháng 12 năm 1916, như vừa nói trên ngài đã bị sát hại do nhóm bộ lạc tại đó đã móc nối với nhóm người Senussi Bedouins, bao vây căn lều nơi ngài ẩn tu tại vùng Tamanrasset, phía nam xứ Algeria.

 

Một phép lạ nhãn tiền từ thánh nhân một vài ngày trước khi ngài bị giết chết. Có một thợ mộc người Pháp, tên là Charle, đang sửa chữa nhà nguyện ở Saumur, bên cạnh trường học mà thánh nhân đã đã theo học trước đây. Người thợ này đã té xuống từ độ cao hơn 16 mét. Ông giám đốc công trình sửa chữa này, cũng là một người công giáo, được một linh mục sở tại kêu gọi cầu nguyện với Foucauld, và lời nguyện đã được lan truyền nhanh chóng trong toàn địa phận, để cầu cho ông thợ mộc Charle. Các bác sĩ cho rằng, việc ông thợ mộc té xuống đã bị va chạm mạnh, khó thoát chết được, nhưng ông này đã không chết mà chỉ 6 ngày sau đó, ông ta có thể bước đi được.[2]

 

Charles de Foucauld được nâng lên bậc Đáng kính ngày 24 tháng 4 năm 2001 bởi ĐGH Gioan Phaolô II, rồi được phong lên hàng Chân Phúc ngày 13 tháng 11 năm 2005 bởi Hồng Y Jose Savaira Martins, thay mặt ĐGH Benedicto XVI. Ngày 27 tháng 5 năm 2020, Tòa thánh Vatican công bố phép lạ của thánh nhân qua lời chuyển cầu của ngài. Cuối cùng, ngài đã được phong hiển thánh ngày 15 tháng 5 năm 2022 tại Rôma bởi ĐGH Phanxicô.

 

 

Một khi nói đến vị thánh nhân Charles de Foucauld này, tôi lại liên tưởng đến một vị chân tu khác, dù giáo hội địa phương hay giáo hội hoàn vũ chưa để ý đến. Đó là Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền (1921-1988), nguyên chủ chăn của giáo phận Huế. Dưới đây, người viết xin được sơ lược mấy dòng về tiểu sử của vị Tổng giám mục này.

 

“Ngài sinh ngày 13 tháng 3 năm 1921 tại Long đức, Trà vinh, nam phần Việt nam. Cụ thân sinh là viên chức trong hội đồng giáo xứ. TGM Nguyễn Kim Điền là con thứ tư trong gia đình có 7 người con. Năm 1928, gia đình đã dời về sống ở Gia định. Năm 1933, ngài được gởi học tại Tiểu chủng viện Sài gòn. Đến ngày 21 tháng 9 năm 1947, ngài được thụ phong linh mục. Năm 1949, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư và rồi làm giám đốc chủng viện. Trong khoảng thời gian này, linh mục Nguyễn Kim Điền cùng với linh mục Phaolo Nguyễn Văn Bình sáng lập tờ Nguyệt san Tông Đồ.

 

Cho đến năm 1955, ngài xin gia nhập dòng Tiểu Đệ Phúc Âm do linh mục Charles de Foucauld thành lập nơi sa mạc Sahara. Vì thế, cha Nguyễn Kim Điền phải sang Sahara (Phi châu) để tu tập với các tu sĩ dòng tại đó. Sau hai năm sống ở Sa mạc, năm 1957, ngài trở về Việt nam, dấn thân phục vụ cho những người nghèo khổ tại các vùng ngoại ô Sài gòn, như khu vực Bàn cờ, Cầu muối v.v.; làm phu khuân vác, sống bằng nghề đạp xích lô. Ngài cũng đã phục vụ tại Kata, cho người dân tộc Thượng ở Di linh, giữa những người dân tộc thiểu số, và rồi tại Cần thơ. Thời gian này, Giám mục giáo phận Cần thơ là Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình.

 

Ngày 24 tháng 11, 1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban hành Tông Hiến Venerabilium Nostrorum, thành lập hàng Giáo Phẩm Việt nam, gồm 3 Giáo tỉnh : Hà nội, Huế và Sài gòn. Cùng thời gian này, Tòa thánh cho thành lập các Giáo phận Long xuyên (được tách ra khỏi Cần thơ), Giáo phận Mỹ Tho và Giáo phận Đà lạt. Trong cùng ngày, Tòa thánh đã chọn linh mục Philipphê làm Giám mục tiên khởi tại giáo phận Cần Thơ, với khẩu hiệu: Omnia Omnibus (Mọi sự cho mọi người). Lm Nguyễn Kim Điền được chọn làm Giám mục đang khi đánh bắt cá ở ven sông. Sau khi được chọn làm Giám Mục, có người hỏi ngài đã có bằng cấp gì để trở thành Giám mục. Ngài đã trả lời: “Tôi có bằng đạp xích lô.”

 

Trong bút ký đề ngày 8 tháng 12 năm 1960, Giám mục tân cử viết: “Hôm nay tôi báo cho anh chị biết một tin buồn, tôi được chọn làm giám mục Cần Thơ, thế Đức cha Bình, trở thành Tổng Giám Mục Sài gòn, vì Hội Đồng Giám Mục được thiết lập tại Việt nam… Một Tiểu đệ được chọn làm giám mục. Tôi chân thành mà nói tôi khổ tâm và không thể hiểu nổi. Đại diện giáo quyền nói rằng tôi không thể khước từ. Tôi xin chấp nhận sứ mệnh này như lời mời đón nhận Thánh giá…” Năm nhận chức Giám mục, thì ngài được 39 tuổi.

 

Trước khi trở thành Giám Mục, là một tu sĩ Dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu, noi gương Thầy mình, luôn sống gần gũi với người nghèo. Ngài không chỉ đã đến Phi châu để tu tập với các tu sĩ cùng Dòng tại sa mạc Sahara, ngài còn đến để được sống giữa các người nghèo tại Phi châu. Đến ngày 30 tháng 9 năm 1964, ngài được đặt làm Giám quản tổng giáo phận Huế, thay thế TGM Phêrô Ngô Đình Thục. Sau đó, được Tòa thánh đặt làm Tổng giám mục cho Tổng giáo phận Huế. [3]

 

Những ngày TGM phục vụ tại tổng giáo phận Huế, nhất là những tháng ngày sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền nam Việt nam, tháng 4 năm 1975. Ngài đã bị chính quyền cộng sản thường xuyên để ý, theo dõi và bắt hội họp thường xuyên. Ngài đã có những nhận xét đáng cho mọi người lưu tâm: “Đã có những Giám Mục chịu chết vì bênh vực quyền lợi của Hội Thánh; nhưng ngày nay, có vị Giám Mục nào dám chịu chết để bênh vực cho con người?”

 

Trong những năm tháng sống dưới chế độ cộng sản, ngài đã nhiều lần bị theo dõi, khống chế. Cũng trong thời gian này, ngài bị một số bệnh hiểm nghèo, và ngài được đưa vào bệnh viện Nguyễn Trãi, Sài gòn và cuối cùng được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy để chữa trị. Nơi đây, ngài đã được người em ruột là nữ tu Nguyễn Thị Thủy, thuộc dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, thường xuyên ở bên cạnh ngài để chăm sóc. Y tá trực thường cho ngài uống thuốc mỗi ngày, khiến ngài cảm thấy khó chịu trong người.

 

Một hôm, nhằm chiều ngày 8 tháng 6 năm 1988, tại bệnh viện Chợ Rẫy, Sài gòn sau khi đã được y tá bệnh viện (theo lệnh cấp trên) cho uống một nắm thuốc. Sau đó, ngài thấy khó chịu, đã gọi báo cho nữ tu em của ngài: “Tôi đã uống xong chén đắng Chúa trao.” Xong, ngài tắt thở. Ngài ra đi khi mặt mũi, hai tay, trở nên bầm tím, khiến không ai có thể nhận ra được dung nhan ngài. Điều bí ẩn đối với cái chết của một vị TGM, cho đến giờ, vẫn còn trong bí mật. Đối với quý độc giả, cũng thẩm định được điều bí ẩn này. Được biết rằng, ngài đã có phép nhà cầm quyền cho đi ngoại quốc để chữa trị bệnh, và cũng là lúc tại Vatican đang chuẩn bị đại lễ phong thánh cho 117 vị  tử đạo Việt nam vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.

 

Tại buổi lễ phong thánh này, người viết cũng nghe kể được rằng, một vị Giám mục người ngoại quốc, khi biết tin vị TGM Nguyễn Kim Điền đã vừa ra đi tại Việt nam 11 ngày trước đó, đã nhận định rằng, “GH nên phong thêm một vị tử đạo nữa!”

 

Thật đáng khâm phục cho con người quả cảm cao thượng, nên gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau.[3]

 

Ngoài một số các vị thánh trong thời đại chúng ta như thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là những vị thánh thời danh, đã làm những việc vẻ vang cho Giáo hội. Gần đây nhất, chúng ta có thêm vị thánh Charles de Foucauld như đã nêu trên.

 

Những việc Chúa làm qua bao thời gian, chúng ta cùng suy gẫm, thật là những việc ngoài sức tưởng tượng của con người. Xin cùng cảm tạ ơn Chúa bây giờ và mãi mãi, đã thương ban cho Giáo hội những vị thánh nhân kỳ diệu.

 

Nguyện xin và nhờ lời chuyển cầu của thánh Chaarles de Foucauld thương ban cho mỗi người chúng ta được ơn sống nên thánh, theo gương Thầy Chí thánh Giêsu, trong những ngày sống tạm nơi dương thế; đồng thời, chúng ta còn nhờ chuyển cầu của vị TGM Phi-lip-phê Nguyễn Kim Điền, đang ở bên Chúa, sớm ban cho đất nước Việt nam được sớm hưởng tự do, sống trong niềm hoan lạc thái bình thực sự.

___________________________

[1] Nguồn: Wikipedia

[2] Nguồn: Wikipedia

[2] Nguồn: Lm Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong (Công giáo: Đạo và Đời)

[3] Nguồn: giaoxuvnparis.org và Youtube “Thôn quê Saigon TV”

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Có 1 ý kiến độc giả

  • Ông Giuda Iscariot bán Chúa với 30 đồng bạc, chuyện này xưa rồi. Ngày nay “tôi” bán Chúa bao nhiêu và mục đích gì? Dám cũng có người nói lên rằng, tôi đâu có bán Chúa?
    “Xin cho con biết Chúa,
    Xin cho con biết con…”

Góp ý kiến