Các Thánh

Các Thánh Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam

Nguyễn Ngọc Thể

 

Mỗi năm, khi mùa thu trở về, thời tiết đổi thay, và cái lạnh cũng làm cho con người cảm thấy rét run, co cụm. Giáo Hội đã chọn một ngày 24 trong tháng 11 hằng năm, để đặc biệt kính nhớ các Thánh Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam.

Ngược dòng thời gian, vào những thế kỷ trước, khi mà các nhà truyền giáo đến Việt Nam để gieo rắc Tin Mừng Cứu Độ cho bao lương dân. Việt Nam thời bấy giờ, chỉ là một xứ chưa có gì mở mang, một chế độ quân chủ, do vua quan cai trị, tự ví mình như những “thiên tử”. Con dân chỉ là là cỏ rác. Trên gọi “dạ”. Dưới bảo “vâng”. Nơi nào có vua ngự đến, thì cây úa là vàng, dân dân khiếp sợ. Nhưng kể từ khi các vị truyền giáo đặt chân đến đất nước Việt Nam, như mang đến một luồng gió mới, như mang đến một dòng sinh khí mới, và nhiều người đã đón nhận Tin Mừng, qua phép Rửa, từ các vùng hẻo lánh xa xôi nơi miền Bắc (Địa Phận Đàng Ngoài), rồi đến các tỉnh phía Nam (Địa Phận Đàng Trong).

Việt Nam thời đó, với tinh thần bảo thủ, các vua quan lo lắng vì số người theo đạo Chúa ngày một gia tăng. Hơn nữa, theo tục lệ, với quan niệm “trung thần bất sự nhị quân” (người tôi trung không thờ hai vua), nên các sĩ phu, vua quan lo lắng, bàn tính nhau phải ra tay chận đứng “luồng gió mới này” thổi từ phương Tây, đó việc nhiều con dân “bỏ đạo ông bà” (?) để theo tả đạo. Thế là lệnh trên truyền xuống khắp nơi, lệnh cho những ai đã “trót theo tả đạo”, hãy lập tức bỏ ngay. Nếu không, sẽ lãnh lấy những án phạt, từ tù đày, phân sáp, treo cổ, voi dày, ngựa kéo, vân vân, sẽ lãnh lấy muôn cực hình, bằng đủ mọi cách cách.

Tù đày là cách như ai cũng biết. Còn phân sáp là gì?  Phân là chia cách. Sáp, tức sáp nhập vào một đơn vị khác như gia đình hay một tập thể nào đó. Ví như, một gia đình có 5 người, vì đã tin theo đạo Chúa, nay theo lệnh trên, phải bị “phân sáp”, tức phân tán gia đình ra làm hai hay ba, để gởi tới sống chung nơi gia đình ngoại đạo. Còn xử trảm, tức chặt đầu, hoặc là “tùng xẻo”, tức người bị xử, mỗi lần lính đánh một tiếng trống, một tên lính khác cầm dao xẻo một miếng thịt. Cứ như thế, cho đến khi người bị xử phải chết thì thôi. Lại còn cách, bắt người bị xử, bị trèo lên cao, rồi truyền hai tay cầm những dây lạt nứa, lạt tre, đến khi ra lệnh, nhảy xuống, tay cầm những giây lạt, thì tay bị nứt ra, máu chảy dầm dề, v.v. Tất cả những cách hành hình như thế, nhằm khiến cho người tin Chúa, phải từ bỏ đạo lành.

Giờ, tôi xin đan cử một trường hợp đã xảy ra ngay tại tỉnh Bình Định, cách nay khoảng trên 200 năm, mà sử sách nơi Giáo Phận Qui Nhơn, còn lưu giữ. Đó là việc cụ Trùm Cả An-rê Nguyễn Kim Thông (hay còn gọi là Trùm Cả Năm Thuông), bị đày biệt xứ (Bình Định đến Mỹ Tho, khoảng 700 cây số). Ông sinh năm 1790 tại họ đạo Gò Thị, là một họ đạo có từ lâu đời, và cũng là nơi mà Đức Giám mục người Pháp, Etienne Théodore Cuénot đặt làm tòa giám mục. Trong thời gian ĐGM Cuénot ở đây thì đạo Chúa đang bị cấm cách nhiều nơi.

Ông Trùm Kim Thông phải giấu ĐGM, nay thì nơi này, mai phải đem đi nơi khác. Ông Trùm Cả chính là người đã tìm cách bảo vệ một số giáo sĩ đến và đi, không ngoài mục đích lo lắng cho sự an toàn các giáo sĩ trong việc truyền giáo. Ông Trùm là người giàu có, ruộng đất nhiều, lại có lòng đạo đức, nổi tiếng trong vùng, nên đã được ĐGM tiến cử chức Trùm Cả Bình Định. Ông Trùm, đặc biệt có lòng sùng kính Đức Mẹ, nên ông đã thực hiện đài Đức Mẹ ngay đàng sau vườn nhà, và ngày ngày lần hạt Mân Côi kính Mẹ. Ngoài việc trông lo công việc trong xứ đạo, Ông lại còn lo khai khẩn đất hoang, phát triển nông nghiệp, nên đã được vua Tự Đức ban cho tước hiệu “Cần Nông”.

Ông Trùm có đứa cháu nội tên Út trong nhà, vì tính tình ương ngạnh, khó dạy bảo, Ông đã khuyên răn đứa cháu nhiều lần, nhưng nó không nghe, nên nó đã âm thầm trình báo với quan trên là Ông Trùm có chứa chấp “đạo trưởng”. Sau đó, Ông Trùm đã được lệnh trên bảo phải ra xưng thú việc làm của mình. Ông không run sợ, lại can đảm xưng thú: “Trình quan trên, tôi nào có chứa chấp ai là đạo trưởng! Ông Trùm bị giữ lại trong ngục, thỉnh thoảng lại cho về nhà thăm, vì dù sao, ông cũng là người có thế giá, được nhiều người kính kể trong vùng. Lợi dụng dịp này, Ông đã khuyên bảo mọi người trong nhà, hãy trung thành với Chúa. Ông nói: “Phần tôi đã già rồi, tôi chẳng mong được sống lâu, và sẵn sàng chịu tù đày, chịu chết vì Chúa, đừng ai vận động để tôi được tha.” [1]

Nhiều lần Ông phải ra trước công đường, quan khuyên Ông rằng: “Ông cứ giẫm chân lên cây thập tự, chỉ có Ông và tôi biết, khi về nhà Ông lại xưng tội, lo gì?” Ông trả lời: “Thạch tín (cyanide) là loại thuốc độc, nếu uống vào, có thể nguy tử, dù vậy, cũng có thứ thuốc giải được. Tuy nhiên, không ai liều lĩnh uống thạch tín bao giờ. Tôi thà chịu chết, không thể giẫm lên cây thập giá là Chúa tôi thờ.” [2]

Thấy lòng dạ Ông Trùm ngay thẳng, cứng rắn, không sao thuyết phục được, nên cuối cùng Ông được lệnh phải bị đày biệt xứ, đến tận Định Tường (Mỹ Tho). Trên đường đi đày, dĩ nhiên có lính canh chừng đi theo. Khi vào đến đất Bình Thuận, nơi có người con của Ông là linh mục Nguyễn Kim Thủ, đang trông coi một họ đạo tại đó. Ông đã được phép lính canh ghé thăm người con. Thời gian dừng chân nơi đây thật ngắn ngủi. Cha Thủ đã giải tội cho người cha mình. Khi chia tay, cha Thủ quỳ gối tiễn biệt cha. Ông Trùm vội nâng cha Thủ dậy, và nói: “Cha là linh mục của Chúa, cha không làm vậy. Lẽ ra con phải quỳ xuống để nói lời từ biệt.” Rồi hai cha con, Ông Trùm và cha Thủ nghẹn ngào giã từ nhau, để Ông tiếp tục cuộc hành trình lưu đày như quan trên đã dạy.

Khi vào đến miền Nam, khu vực Định Quán, ông ngả bệnh, vì kiệt sức sau những ngày đường đi vất vả, lại sức khỏe mỏi mòn. Có một linh mục tại đó khuyên Ông nên ở lại để nghỉ sức, nhưng Ông một mực cáo từ và xin được đi đến nơi mà Chúa đã định cho Ông.

Rồi, Ông tiếp tục cuộc lưu đày, nhưng khi đến Định Tường (Mỹ tho) thì Ông ngả bệnh nặng hơn, và đã lìa đời, về với Chúa, Đấng mà Ông hằng yêu mến suốt đời cho đến chết, nơi đất khách quê người, trong khi tay chân còn mang xiềng xích! Hôm ấy nhằm ngày 15 tháng 7 năm 1855. Ông đã được cử hành lễ an táng trọng thể tại Vĩnh Long, và thi hài Ông đã được yên nghỉ tại Cái Nhum, cũng thuộc Vĩnh Long.

Không lâu sau đó, gia đình Ông đã được phép vào tận Vĩnh Long để xin đưa xác về cải táng nơi quê Ông là Gò thị. Hài cốt Ông, sau được giữ tại Tiều chủng viện Làng Sông, và rồi hiện đang được giũ tại toàn Giám Mục Qui Nhơn. Hiện nay, thỉnh thoảng vẫn có những đoàn hành hương xuyên Việt, có ghé lại thăm mộ thánh nhân tại Gò Thị, nhưng trước khi đến đó, nên ghé lại nghỉ đêm tại cơ sở chủng viện Qui Nhơn, và để được hướng dẫn thêm.

Cụ Trùm Cả An-rê Nguyễn Kim Thông, qua dòng thời gian, được thánh Giáo Hoàng Pio X, phong chân phước ngày 2 tháng 5 năm 1909. Rồi 79 năm sau, đã được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II phong hiển thánh cùng với 116 vị thánh tử đạo khác, trong đó có thánh Giám mục Etienne-Théodore Cuenot, là Giám mục trong thời kỳ bắt đạo với thánh An-rê Nguyễn Kim Thông. Cụ Trùm Cả nguyễn Kim Thông có tất cả là 9 người con, trong số đó có linh mục Nguyễn Kim Thủ (như đã đề cập ở trên) và 2 nữ tu, thuộc dòng Mến Thánh Gia Gò Thị. Cha Thủ, cũng đã được phúc tử vì đạo.

Hiện đàn cháu hậu duệ của thánh Kim Thông đang sống rải rác khắp nơi, trong nước lẫn ở hải ngoại: trong số đó, đã có hai vị là Giám mục, cai quản Giáo phận Qui Nhơn, hàng trăm các linh mục và nam nữ tu sĩ thuộc một số các dòng tu. [3].

Nhân ngày kính các thánh tử đạo tiến nhân Việt Nam, mỗi Ki-tô hữu, cùng nhau nguyện cùng các chư thánh, cầu xin Chúa, sớm ban cho quê hương và dân tộc Việt Nam được mau thấy ngày tươi sáng hơn, sớm thoát khỏi chế độ vô thần, để mọi người dân được vui sống trong cảnh thái bình thực sự.

 “Kìa ai còn lưu tiếng thiên thu. Cương quyết vì đạo Chúa hiến thân. Lời ai hòa trong gió âm u. Máu ai còn tiếng vang xa gần. Dù kiếm sắt sợ chi. Dù gông mang sá gì! Treo gương cho khắp thế soi chung. Trong đau thương chí khí anh hùng. Lòng vàng đá không hề phai. Mặc đòn đánh, mặc gươm chém hay đầu rơi. Lòng vàng đá, không hề phai. Về cùng Chúa được vinh sáng trên cõi trời…Càng nung nấu nhiều vàng thêm trong, thêm sáng tươi. Gươm giáo kia ai hay chứng lòng sắt son. Càng đau đớn nhiều càng thêm hoa trên đường mới. Bước lên chốn trời cao còn hạnh phúc nào hơn [4]?

 

____________________________

[1] Nguồn: HĐGMVN

[2] Nguồn: Truyền thông GPQN – VN

[3] Nguồn: Gia phả thánh tử đạo An-rê Nguyễn Kim Thông.

[4] Thánh ca “Vết Tử Hùng” – Nhạc và Lời: Tâm Bảo-Vân Thi

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.