Xã hội

Vẻ đẹp Thượng Đế phản ảnh trên gương mặt ta

Trần Mỹ Duyệt

 

“Đẹp” trong Từ Điển Tiếng Việt do Nhà xuất bản Hồng Phúc phát hành định nghĩa: 1. Chỉ người có vẻ mặt, hình dáng, cử chỉ, cách đứng ngồi nhìn khoái mắt. 2. Chỉ phong cảnh hay đồ vật có những nét, những màu sắc, những hình ảnh nhìn khoái mắt. 3. Chỉ những hành động gây được thiện cảm vì hợp đạo nghĩa hay có tính cách cao quí. Và Anh Việt Tự Điển của Nguyễn Văn Khôn dịch chữ “beauty” là vẻ đẹp. Sắc đẹp, nhan sắc. Đẹp được nhìn và nhận định dưới lăng kính của thẩm mỹ, văn hóa, tâm lý, xã hội, luân lý và đạo đức xã hội.

Khi mỗi ngày một già đi, chúng ta ai cũng sợ mình trở nên xấu xí, khó coi, kém hấp dẫn. Những thay đổi về thể xác như da nhăn nheo, rụng tóc, hói đầu, tai điếc, mắt kém, răng rụng, lưng còng, đi đứng chậm chạp hoặc phải dùng gậy, dùng xe lăn là những điều mà ai cũng không muốn xảy ra cho mình. Sợ nhất là về già mắc chứng Parkinson, run rẩy tay chân, hoặc chứng Alzheimer, lú lẫn, quên sót.

Theo thống kê, có khoảng 500.000 người Hoa Kỳ mắc bệnh Parkinson. Nhưng con số thực có lẽ còn nhiều hơn vì nhiều người không chịu đi chẩn đoán, hoặc chẩn đoán sai. Do đó, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, con số thực có thể lên đến 1 triệu. Riêng năm 2019, chung thế giới ước tính có 8,5 triệu người mắc chứng này.

Về bệnh Alzheimer, trên thế giới có khoảng 55 triệu bệnh nhân vào năm 2020. Con số này dự trù sẽ tăng gấp đôi mỗi 20 năm. Như vậy vào năm 2030 thế giới có khoảng 78 triệu, và năm 2050 số bệnh nhân bệnh Alzheimer sẽ là 139 triệu người. Đặc biệt con số bệnh nhân tăng nhanh ở các quốc gia mở mang.

Trong một bài viết của nhà kinh tế học Martin Ellison thuộc Oxford University và nhà sinh vật học David Sinclair của Harvard Medical School, thì để chống lại tình trạng tăng tuổi thọ, chống lại lão hóa chỉ trong một năm, dân Mỹ trung bình chi 700 tỷ dollars, nhiều gấp 3 lần sản lượng quốc gia. [1]

Ngăn chặn ảnh hưởng của lão hóa, và để che đậy những dấu vết bất toàn gây ra do thời gian và tuổi tác, một người Mỹ trung bình mỗi năm bỏ ra 1.754$ mua những sản phẩm làm đẹp. Trên 75% người Mỹ nói rằng những sản phẩm làm đẹp, giải phẫu thẩm mỹ rất quan trọng đối với họ. Để làm đẹp họ tiêu tiền không tiếc xót. Họ sẵn sàng chi cho những khoản này. [2]

Mong tìm nét đẹp hoàn hảo là một ý tưởng tốt, vì con người là sản phẩm tuyệt tác nhất của Thượng Đế. Nó là hình ảnh của Ngài, một Thượng Đế tốt lành, nhân hậu, đẹp đẽ và thiện hảo. Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài (Sáng Thế Ký1:27). Nhưng khi đi tìm vẻ đẹp của Thượng Đế nơi mình, con người lại chú tâm vào những gì thuộc về thể xác. Vì vậy, những cái mà con người cho là đẹp chỉ dừng lại ở cái nhìn vật chất, và không thể vượt ra ngoài những giới hạn của định luật thiên nhiên như sinh, lão, bệnh, tử. Xác thân con người được tạo dựng nên từ bùn đất: “Rồi Thiên Chúa nắn nên con người từ bùn đất và thở vào lỗ mũi của nó hơi thở sự sống, và con người trở nên sống động” (Sáng Thế Ký 2:7-9). Do đó, vẻ đẹp hoàn thiện của con người chỉ có thể tìm được qua hình ảnh Thượng Đế và trong ánh sáng phục sinh của niềm tin.

Do quá chú tâm vào những gì thuộc thế giới vật chất, nên con người đã quên hoặc hiểu sai về ý nghĩa và mục đích của vẻ đẹp đích thực. Và khi suy nghĩ dựa vào vật chất, con người trở nên thấp kém, dễ bị sai lỗi và sa vào những cám dỗ. Một trong những cám dỗ đó là cậy dựa vào mỹ phẩm, vào dao kéo, vào những phát minh của khoa thẩm mỹ, khoa học tự nhiên để thỏa mãn giấc mơ làm đẹp của mình. Riêng với nữ giới, tư tưởng sau đây có lẽ làm nhiều người khó chịu, mặc dù thực tế nó rất đáng để suy nghĩ: “Người đàn bà ngoài 40 nên dồi phấn tâm hồn mình cho đẹp, hơn là dồi phấn trên khuôn mặt” (Billie Burke). Ca dao Việt Nam cũng có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”.

Một cách diễn giả sai lầm khác nữa về sắc đẹp, đó là nhiều người bề ngoài luôn tỏ ra khôi ngô, tuấn tú, đẹp đẽ, duyên dáng, khôn ngoan, lịch duyệt và tử tế, nhưng trong lòng lại chất chứa biết bao điều nham hiểm, gian tham, phi nhân và độc ác. Những nhà chuyên môn nhiều khi cũng hiểu lầm về họ và bị họ qua mặt. Tâm lý sống này và qua kinh nghiệm, người xưa đã diễn tả về họ: “Sông sâu còn có kẻ dò. Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.”

Với suy nghĩ và lối sống tự nhiên theo sinh vật học, và với những khuôn mặt giả nhân, giả nghĩa như vậy, đời sống chỉ “đi xuống”, làm mất đi ý nghĩa cũng như giá trị vẻ đẹp của con người. Vẻ đẹp đích thực toát ra từ phẩm giá, nhân cách, và tấm lòng nhân hậu. Nó là một tiến trình chuyển đổi từ chủ nghĩa ái kỷ (narcissism) để chấp nhận những ai tốt, đẹp, giỏi, hoặc thành công hơn mình. Đẹp tâm hồn sẽ không bị đen tối và bóng đen vật chất phủ ngập. Nó cũng không hoàn toàn cực đoan như thuyết Cynicism (Hoài Nghi Thuyết) là triết lý Hy Lạp cổ xưa chủ trương rằng chỉ có đức hạnh là điều tốt đẹp, và tinh hoa của đức hạnh là sự tự kiềm chế và bản lãnh của con người.

Một thân hình cân đối hấp dẫn, với khuôn mặt xinh xắn, thanh tú, phúc hậu, với nụ cười duyên dáng và ánh mắt dịu dàng là điều mà ai cũng mong muốn. Áp dụng những kỹ thuật tối tân của khoa học để sửa đổi những dị tật, khuyết tật nhằm tăng vẻ đẹp đã có sẵn như quà tặng của Thượng Đế là điều nên làm. Và chúng ta cũng không phải cay đắng, nguyền rủa những nhu cầu của xã hội, hoặc lối sống thông thường của thời đại. Nhưng sống ảo tưởng với sắc đẹp của mình, hoặc dùng sắc đẹp như phương tiện, như khí giới để phục vụ cho những toan tính bất chính là sự xúc phạm đến hình ảnh của Thượng Đế.

Tóm lại, với những người chọn sắc đẹp bên ngoài, đối với họ đẹp là trên hết; “Cái đẹp đè bẹp cái nết”. Hoặc với những ai muốn dùng sắc đẹp như phương tiện để đạt được những mục đích riêng tư, thầm kín, thì đẹp là một khí giới. Ngoài ra, cũng có những người tự hủy diệt vẻ đẹp tâm hồn cũng như thể xác, thì đối với họ phẩm hạnh, sắc đẹp không giá trị bằng thỏa mãn các đa mê như bài bạc, rượu chè, xì ke, ma túy hoặc dục vọng… Những người này đang làm biến dạng, làm cho xấu xí hình ảnh của Thượng Đế trong họ. Và như vậy mặc nhiên chúng ta tin rằng, dung nhan của Thiên Chúa chúng ta rất đẹp, rất uy nghi, rất nhân từ và hiền hậu. Thế nhưng trong thực hành, đa số chúng ta lại làm cho khuôn mặt ấy biến đổi trở thành xấu xí, khó ưa, hung dữ, và tàn bạo!

 __________

Tài liệu tham khảo:

  1. https://future.com/economic-case-for-curbing-aging/
  2. https://www.lendingtree.com/credit-cards/study/beauty-spending/

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Góp ý kiến