SỐNG TIN MỪNG

Cây nho và cành

Suy niệm và sống Tin Mừng

Trần Mỹ Duyệt

 

Chúa Giêsu, qua trích đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan (15:1-8) đã diễn tả về mối tương quan giữa Ngài và các môn đệ qua hình ảnh quen thuộc mà mọi người Do Thái đều biết, đó là hình ảnh cây nho. Ngài là cây nho và chúng ta là cành.

Cây nho mọc khắp nơi tại Palestine. Dù trồng ở đâu, việc chuẩn bị đất trồng vẫn là việc chính yếu. Ngoài ra còn phải biết cách chăm bón, cắt tỉa nữa. Cây nho trong ba năm đầu chưa có trái. Mỗi năm nó phải được cắt tỉa thật sạch để có thể phát triển và giữ được sinh lực. Thời gian tốt nhất để cắt tỉa xảy ra vào mùa xuân (tháng Hai/Ba, hoặc chậm nhất là đầu tháng Tư).

Suy niệm về dụ ngôn cây nho, có hai tư tưởng quan trọng cần thiết để áp dụng trong cuộc sống người Kitô hữu. Đó là: Kết Hợp giữa ta và Chúa Giêsu, và Sinh Hoa Trái Tốt.

Như cành nho phải gắn liền với thân nho, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta phải kết hợp với Ngài. Đây là điều kiện căn bản, vì có kết hợp với Ngài mới đem lại kết quả thiêng liêng cho chính mình và cho kẻ khác. Thêm vào đó, một cây nho nếu muốn sinh nhiều trái tốt, nó cũng đòi hỏi phải được cắt tỉa: “…còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (15:2). Cắt bỏ những cành khô héo, èo uột, và tỉa bớt những nhánh lá không cần thiết là công việc của người chủ vườn.

-Kết hợp cây và cành:

“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (15:5). Sự nối kết giữa các cành và thân cây là điều bắt buộc cho việc sinh trưởng, và phát triển của cây. Điều này hết sức quan trọng đến nỗi Chúa Giêsu đã nhắc đến nó 9 lần trong đoạn Tin Mừng chỉ vỏn vẹn có 8 câu. Vì sao? Vì Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh này để nói về sự kết hợp siêu nhiên giữa ta và Ngài.

Cành nếu không gắn bó với cây sẽ khô héo và sẽ chết. Đời sống siêu nhiên của chúng ta nếu không kết hợp mật thiết với Chúa cũng trở nên khô khan, nguội lạnh và dần dà đánh mất niềm tin. Khi  nói: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (15:4), Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh tới kết quả của việc kết hợp thiêng liêng này.

“Thầy là cây nho, các con là cành”. Như hình ảnh của một vườn nho khi mùa xuân đến, những cây nho tràn đầy sức sống, đâm chồi, nẩy lộc và trổ sinh hoa trái, chờ đến mùa thu, chúng trĩu nặng những chùm trái chín thơm. Để được như thế, các cành nho phải nối kết với thân cây. Tương tự như vậy, chúng ta rất cần đến Đức Kitô. Tách lìa khỏi Ngài là chúng ta không có nhựa sống, và không có khả năng sinh hoa kết trái: “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (15:6).

Một cây nhỏ trổ sinh nhiều hoa trái là một cây nho mà các cành nho nối liền với thân cây. Ở một nghĩa nào đó, cây nho cũng cần phải có nhiều cành. Nói một cách khác là Chúa Giêsu cũng cần đến chúng ta. Chúng ta là những cành nho của cây nho mầu nhiệm là Ngài. Cây và cành cần đến nhau, và các cành cũng phải kết hợp để làm nên một cây nho xum xuê cành lá. Đan sỹ Thomas Merton, một nhà chiêm niệm và tư tưởng đã viết: “Không ai là một hòn đảo”. Trong đời sống tâm linh, chúng ta phải kết hợp với Chúa để được thông ban sự sống, và chúng ta cũng thông truyền sự sống với nhau, để cùng nhau lớn lên, phát triển và trổ sinh hoa trái.

-Cắt tỉa và sinh trái:

Có hai loại cành, một sinh trái tốt và một không sinh trái hoặc sinh những trái chua, èo ọt. Loại cành không sinh trái phải bị cắt bỏ không thương tiếc, để lại, chúng hút mất nhựa sống của thân cây. Cây nho sẽ không sinh nhiều trái, nếu không được cắt tỉa đúng mức.

Cắt tỉa là một điều cần thiết để nho sinh nhiều trái. Tuy việc cắt tỉa là một quá trình gây đau đớn, nhưng mục đích không phải là bắt thân cây phải chịu đựng đau đớn, mà là để giúp cho cây phát triển, khỏe mạnh, đem lại nhiều hoa trái hơn.

Trong đời sống đức tin, việc cắt tỉa cũng làm chúng ta đau khổ, đòi hỏi phải hy sinh tinh thần cũng như thể xác. Thoạt nhìn, chúng ta có cảm tưởng như Chúa không yêu chúng ta. Ngài bỏ rơi chúng ta, để chúng ta phải nghèo đói, bệnh tật, thua thiệt, bị khinh bỉ và chà đạp. Nhưng qua ánh sáng Phúc Âm hôm nay, Chúa cho chúng ta thấy được giá trị của đau khổ, của thử thách.

Thiên Chúa muốn dùng đau khổ để thanh luyện, cắt xén, sửa sai những thói hư, tật xấu của chúng ta, để cho chúng ta sinh hoa trái tốt tươi về đàng thiêng liêng. Ngài muốn chúng ta can đảm đón nhận những cắt tỉa ấy với tinh thần đức tin và sự cậy trông ở tình yêu, ở lòng thương xót vô biên của Ngài. Vì thế, trong những lúc gặp gian nan, thử thách, chúng ta hãy dùng lời Thánh Vịnh để thân thưa với Ngài: “Lạy Thiên Chúa, xin hãy viếng thăm và bảo trợ vườn nho mà chính tay Chúa đã vun trồng” (Tv 80: 15-16). Ngài sẽ đến, bảo vệ, và nâng đỡ chúng ta.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Góp ý kiến