Sinh hoạt chung

Thanh niên: Cảm nhận của một người sau khi dự Khóa 8 Nazareth Seattle


Ninh-Diễm Tuyết

 

Họ là những thanh niên, thiếu nữ, đàn ông và đàn bà. Họ đầy nhiệt huyết với sức sống ở tuổi trên dưới 50. Mình gọi họ là những thanh niên hăng say không sợ khó. Và họ cũng là những người tâm hồn đầy ắp yêu thương, tràn dư sức sống ở tuổi trên dưới 70. Mình gọi họ là những người “nhân lão, tâm bất lão”. Tuổi tác và sức khỏe không làm cản trở nhiệt tình tông đồ của họ. Gọp chung lại, mình gọi họ bằng một từ là “thanh niên”. Nơi họ toát ra một sức sống dồi dào, một tình mến bao la đối với Thiên Chúa và các gia đình.

Tất cả họ làm việc cho khóa 8 Nazareth ở Seattle đều không ngại cực, không ngại khổ, làm việc không mệt mỏi để gieo niềm tin yêu, hạnh phúc, xóa tan những buồn khổ, lo âu cho từng cặp vợ chồng khóa viên.

Những người mặc áo đẹp ở vòng ngoài, và những người mặc áo xuềnh xoàng ở sau nhà. Không có những người mặc áo xấu nấu nướng, trang trí làm đẹp cho phòng ốc thì làm sao mà thành công được. Vợ chồng mình thì xin được yêu những người áo đẹp, và yêu hơn hết là những người áo xấu của gia đình Seattle.

Nhưng trong những người mặc áo đẹp và mặc áo không đẹp ấy, mình nhận thấy có ít nhất mấy bộ mặt khiến vợ chồng mình cho đến hôm nay mỗi khi nói chuyện với nhau vẫn không ngớt thán phục. Đối với lớp trẻ gồm các cặp Kiên-Khâm, Báu-Bền, Tiên-Phương, Lý-Thủy Tiên, Quân-Hương, Hào-Ninh, Châu-Thu, Đông-Điệp, Thảo-Vương. Giữa thành phần trẻ nòng cốt ấy là những cặp như Lưu-An, Thành-Nụ, và đặc biệt phó tế Nguyễn Đức Mậu. Họ thuộc lớp “nhân lão, tâm bất lão”.

Có lẽ sẽ là một thiếu sót nếu mình không kể về những người đã đến từ xa, xa tận California thuộc Ban Nội Dung. Họ cũng gồm những thành phần trẻ như các cặp Lễ-Vân, Tuyết-Ninh, Hòa-Thi, và những người thuộc thành phần “nhân lão, tâm bất lão” như anh chị Nguyễn Văn Nhuệ-Thu Nhi, tiến sỹ Trần Mỹ Duyệt, phó tế Trần Vân.

Mà còn cha Đào Xuân Thành, cha Trịnh Ngọc Danh, và Phạm Văn Nghiệp thì gọi là thành phần gì nhỉ, vì tuổi tác thuộc lớp thanh niên, còn chức vụ lại nằm trong số “già”. Già đến độ phải gọi là “cha”. Mình tạm gọi là lớp “xồm xồm” vậy.

Nói chung “Mỗi người một vẻ. Mười phân vẹn mười”. Tất cả hành động nghĩa hiệp quên ăn, quên mệt, đã dấn thân không mệt mỏi với mục đích xây dựng gia đình, hôn nhân hạnh phúc, là tấm gương cho con cái, và việc chăm sóc, nuôi nấng, tìm hiểu về tuổi trẻ của con cái chúng ta trong thời đại mà khoa học tiến bộ, đôi khi chính những tiến bộ, tinh vi đó, lại gieo rắc nhưng tội lỗi, sa ngã. Đó là những hình ảnh mà vợ chồng mình không thể nào quên được trong những ngày vợ chồng mình đến với đêm gia đình Nazareth ở Seattle 07/ 2018.

Đến đây thì mình muốn riêng tư đôi chút để nói về cảm tình cá nhân dành riêng cho phó tế Nguyễn Đức Mậu, phó tế Trần Vân, cô chú Nhuệ-Thu Nhi và tiến sỹ Trần Mỹ Duyệt. Quan sát những hy sinh của những vị này, vợ chồng mình phải tự nhủ lòng mình làm sao, làm sao… phải hàng động nhanh, khỏe như họ, làm việc với niềm đam mê cháy bỏng! Họ luôn thấy xuất hiện ở hàng ghế cuối cùng để ý thăm dò từng khuôn mặt, từng cảm xúc của từng khóa viên khóa 8. Đôi lúc mình để ý thấy mắt họ thỉnh thoảng nhắm, chắc chắn là phải mệt với những đêm dài không ngủ chứ! Nhưng có lẽ lỗ tai không bỏ sót một câu nói nào của thuyết trình viên, bởi vì cảm xúc bộc lộ theo nét mặt của họ. Chơi là chơi đến cùng là vật! Dù là thuốc trợ tim, mất ngủ, cao mỡ, cao máu, tiểu đường vẫn phải dùng đến vì làm hết sức! Lớp trẻ của mình tuy trẻ tuổi hơn, nhưng xin bái phục. Xin chế lời một bài hát nọ như một chút tâm tình trìu mến gửi trao những đại thụ, như cây tùng, cây bá, cây xến, cây lim, cây trắc bá giữa rừng già Gia Đình Nazareth:

Thanh Niên ơi! Ta quyết đi đến cùng!
Thanh Niên ơi! Ta thề đem hết lòng!
Tiến lên đồng tiến! Vẻ vang đời sống!
Chớ quên rằng ta là gia đình Nazareth!

Khóa 8 Nazareth Seattle, tháng 7 năm 2018

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.