Sinh hoạt chung

Bài Giảng Thánh Lễ Kỷ Niệm 10 Năm Thành Lập Gia Đình Nazareth Của ĐGM Phụ Tá Nguyễn Thái Thành, 27 tháng 1 năm 2019

ĐGM Nguyễn Thái Thành

 

Hôm nay Chúa Giêsu đã mở đầu cuộc đời rao giảng của Ngài qua bài đọc của Tiên Tri Isaia: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Người xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng cho người nghèo khó”.

Chúa Giêsu đã được chọn, Thiên Chúa ở với Người. Khi đã được xức dầu, Chúa Giêsu đã ra đi, Ngài đi rao giảng cho ai? Không phải là những người giầu có, những người thông thái, những người không cần ơn cứu độ. Nhưng Ngài đã đến với những người nghèo, những tâm hồn bệnh hoạn đau ốm. Chúa đến để giải phóng cho những người bị giam cầm, trong lo lắng sợ sệt, tự mình tù hãm chính mình. Chúa mở mắt cho người mù, những người mong chờ ánh sáng, mong được thấy. Chúa đến để mang tự do cho những người bị áp bức.

Chúng ta những người đã được rửa tội, đã được xức dầu Thánh. Chúng ta cũng được đầy Thánh Thần và Chúa sai chúng ta ra đi. Chúa giao phó chúng ta sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.

Thánh Têrêsa Avila đã nói: “Chúa đã về trời, Ngài không có mắt miệng trên thế gian này ngoại trừ mắt miệng của chúng ta. Chúa không còn tay chân trên thế gian này ngoại trừ tay chân của chúng ta.” Có nghĩa là Chúa cần mắt miệng và tay chân của anh chị em để tiếp tục công việc rao giảng của Ngài.

Thánh Phaolô nói rõ trong bài đọc II hôm nay. Mỗi người trong chúng ta là chi thể của Chúa Kitô. Chúng ta phải đem Tin Mừng cứu độ cho người nghèo tùy khả năng Chúa cho mỗi người. Ghandi, một nhà đạo đức Ấn Độ đã nói: “Tôi thương Chúa Kitô, nhưng tôi ghét người Kitô hữu”.

Kính thưa anh chị em, thoạt nghe chúng ta cảm thấy kinh ngạc nhưng khi kiểm soát lại câu nói của một người ngoại đạo, chúng ta cảm thấy chính chúng ta, đã không làm đúng lời mời gọi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, chúng ta quên mất quyền làm con Thiên Chúa.

Từ ngày chịu phép Rửa Tội, chúng ta đã làm gì để tiếp tục sứ mạng Chúa giao phó cho chúng ta? Chúng ta đã đem tự do giải thoát những người tù đày bằng cách nào? Chính chúng ta đã được tự do chưa? Làm sao chúng ta thuyên chữa những tâm hồn sám hối? Chúng ta có đủ sức mạnh, đủ đức tin để cảm nhận quyền năng của Chúa Thánh Linh trong chúng ta không?  Để được như vậy, chúng ta phải từ bỏ nếp sống cũ của tội lỗi và bắt đầu một cuộc sống mới theo thần khí của Chúa Kitô.

Bởi vì bất cứ ơn gọi Kitô hữu nào cũng đòi hỏi một sự từ bỏ lớn lao. Các Thánh Tông Đồ phải bỏ gia đình, nghề chài lưới để theo Chúa Giêsu. Mẹ Maria phải từ bỏ rất nhiều để xin vâng cho nhiệm vụ làm Mẹ Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu đã phải bỏ ngai trời để làm người cứu chuộc chúng ta. Bởi vậy, Chúa Giêsu dạy trong Phúc Âm: “Ai muốn theo ta hãy từ bỏ mình mà vác thập giá mà theo ta.”

Hôm nay chúng ta tụ họp nơi đây mừng kỷ niệm 10 năm Gia Đình Nazareth. Mà chúng ta qui tụ nơi đây không chỉ với tư cách cá nhân, nhưng với tư cách những người sống đời gia đình.

Gia Đình Công Giáo khác với những gia đình ngoài Công Giáo ở chỗ là khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình là anh chị đáp lại tiếng gọi của Chúa. Anh chị em hỏi tôi: “Thưa Đức Cha, con có nghe tiếng Chúa gọi đâu, có nghe thì nghe tiếng vợ con hay là chồng con chứ Chúa đâu gọi con đâu.”

Cái câu quan trọng mà tôi thấy trong các thiệp cưới của người Công Giáo là: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly”. Thiên Chúa liên kết tức là gọi rồi! Cho nên cuộc sống hôn nhân gia đình anh chị em được gọi là một ơn gọi. Bằng chứng cụ thể là khi các anh chị em kết hôn với nhau đâu chỉ đơn giản là làm giấy hôn thú là xong. Cũng không chỉ đơn giảm làm một bữa tiệc linh đình. Nhưng mà đối với cặp vợ chồng Công Giáo, điều quan trọng nhất là dẫn nhau đền thánh đường để làm lễ hôn phối. Và trong thánh lễ hôn phối ấy, chính các anh chị nói lời thề nguyền trăm năm.

Chính các anh chị nói lời thề nguyền, mà không chỉ trước mặt thế gian, nhưng mà trước mặt Chúa và trước mặt Hội Thánh. Cho nên các anh chị đáp lại tiếng gọi của Chúa khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Và khi đáp lại như thế, thì cũng giống như các môn đệ của Chúa Giêsu, cũng giống như Đức Mẹ, chúng ta phải đối diện với những đòi hỏi về từ bỏ rất quyết liệt. Nhất là trong thời đại ngày hôm nay.

Tôi không nghĩ là cần phải nói chi tiết. Nhưng mà tôi chỉ cần nói đến những điều căn bản trong đời sống hôn nhân gia đình Công Giáo, thì các anh chị đã thấy trong thời đại này. Họ thách đố như thế nào. Chung thủy với nhau đến trọn đời. Không được ly dị. Tôn trọng sự sống ngay từ giây phút đầu tiên. Hỏi thật chúng ta đây, có ai giữ trọn không? Tôi nói giữ trọn là giữ từ trong tâm hồn.

Vì chính vì thế mà có những phong trào gia đình và trong đó cách riêng hôm nay là Gia Đình Nazareth, để làm gì? Để giúp nhau, để củng cố cho nhau, để nâng đỡ nhau trên con đường đáp lại tiếng gọi của Chúa, mà sống trọn ơn gọi hôn nhân gia đình.

Và tôi tin rằng Gia Đình Nazareth này đã đem lại những kết quả tích cực. Cho nên, hôm nay là một ngày tạ ơn Chúa. Tạ ơn Chúa về những hoa trái, về những thành quả mà Chúa ban cho mỗi gia đình và cho cả Gia Đình Nazareth.

Thêm một điều nữa, Gia Đình Công Giáo không chỉ đáp lại tiếng gọi của Chúa mà còn phải trở thành nơi mà ở đó tiếng gọi của Chúa được vang lên. Mẹ Maria được Chúa gọi làm Mẹ Thiên Chúa nhưng không được gọi trực tiếp bởi Đấng Toàn Năng, nhưng qua Thiên Thần Gabriel.

Các môn đệ ngày xưa cũng được Chúa gọi. Nhưng mà cũng không nghe tiếng gọi trực tiếp của Đấng Thiên Chúa vô hình ngự trị trong ánh sáng siêu phàm, mà nghe từ một con người có tên Giêsu thành Nazareth. Và chỉ từng bước một các tông đồ mới khám phá ra con người ấy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và là Thiên Chúa làm người.

Thế cho nên Thiên Chúa lên tiếng gọi mỗi người. Nhưng tiếng gọi ấy lại được cụ thể hóa qua ai đó trong cuộc đời này. Mỗi người chúng ta cũng có thể có kinh nghiệm như vậy.

Thế thì bây giờ Gia Đình Công Giáo được mời gọi để chính mình trở thành nơi mà ở đó tiếng gọi của Thiên Chúa được vang lên cho con cái của mình, cho những thành viên trong gia đình và cho cả những người ngoài gia đình mình. Sau đây là một chứng từ đến từ một ứng viên Phó Tế đã bày tỏ niềm hạnh phúc và biết ơn về gia đình của mình, nơi mà thầy được sinh ra, lớn lên, và được nuôi dưỡng ơn gọi thánh hiến:

“Con rất là có phước được sinh ra trong một gia đình đạo hạnh. Ba má con là người khôn ngoan, đạo đức dạy con về Chúa và tình yêu của Chúa. Đức tin, đời sống gương mẫu và hướng nhìn thiêng liêng của ba má con đã có ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống tinh thần của con. Họ là những dụng cụ mà Chúa uốn nắn con được như ngày hôm nay. Con cảm tạ Chúa hằng ngày về hồng ân đặc biệt này.

Con còn nhớ khi còn bé con đã đi nhà thờ với má mỗi ngày. Con đi với má khi đi thăm nhà thương, thăm viếng chích ngừa từ trẻ em cho đến những người già cả. Con tin tưởng rằng con có lòng yêu thương người nghèo là nhờ học vào gương mẫu của má con.

Ba con dạy con nhiều điều nhưng con nhớ nhất là: “Chúa cho con nhiều, Chúa đòi hỏi con nhiều.” Có một lần ba con nói với con như thế này: “Con ơi! Chúng ta cần phải trả lại cho Chúa những gì Chúa ban cho mình. Chúa cho gia đình chúng ta quá nhiều – nào là bình an, gia đình yêu thương đùm bọc lẫn nhau, công ăn việc làm, kiến thức rộng và đặc biệt là đức tin Công Giáo.” Ba con nói tiếp: “Chúng ta dùng những tài năng, tiền bạc Chúa ban giúp cho người nghèo khó bởi vì giúp người nghèo là giúp cho Chúa”.

Chính vì lòng yêu thương Chúa và tha nhân của ba má đã nuôi dưỡng và vun trồng trong tâm hồn con ơn gọi sống thánh hiến. Xem lễ mỗi ngày, làm việc từ thiện giúp đỡ người nghèo và thói quen tốt là đọc kinh mỗi đêm trước khi đi ngủ, đã dần dần cho con gần gũi với Chúa là gia nghiệp đời con.

Ơn gọi đến lúc chín mùi, con nhập Dòng Chúa Cứu Thế lúc 17 tuổi và sau 10 năm trong chương trình đào tạo, giờ đây con chuẩn bị xin vâng cho ơn gọi thiên chức phó tế mà con sắp lãnh nhận.”

Tôn xin mượn câu truyện này để diễn tả cái điều muốn chia sẻ với anh chị em. Gia Đình Công Giáo không chỉ là nơi đáp lại tiếng gọi của Chúa mà còn là nơi tiếng gọi của Thiên Chúa được vang lên cho con cái, thành viên trong nhà và cho cả những người ngoài gia đình chúng ta.

Kính thưa anh chị em, chúng ta tiếp tục cử hành kỷ niệm 10 năm. Kỷ niệm 10 năm là một dịp nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa vì biết bao những hồng ân, những thành quả Chúa ban cho Gia Đình Nazareth.

Kỷ niệm 10 năm còn là dịp để nhìn vào hiện tại. Để làm gì? Để đánh giá, đánh giá thực tế, đánh giá những thách đố mà mình phải đối diện.

Và kỷ niệm 10 năm còn là dịp để hướng đến tương lai. Khi chúng ta làm lại cái chọn lựa căn bản của Gia Đình Công Giáo, tin vào Chúa và bước theo Chúa thì chính chọn lựa căn bản ấy thúc đẩy chúng ta đi về phía trước để đáp lại tiếng gọi của Chúa một cách mạnh mẽ hơn, và để trở thành nơi mà tiếng gọi của Thiên Chúa vang lên cho chính con cái mình, cho những thành viên trong gia đình mình, và cho những người chung quanh.

Xin Chúa chúc lành cho sự qui tụ chúng ta hôm nay. Và đặc biệt, xin Chúa đón nhận những tâm nguyện mà cộng đoàn chúng ta dâng lên Ngài trong thánh lễ hôm nay. Amen.

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.