Văn

Anh Dũng

Tùy bút của Minh Diệu

 

Anh Dũng là cái chân hay đi. Khoái đi đây đi đó vô cùng. Nhớ có lần phải vô bệnh viện để mổ vì bị thoát vị bẹn, nhưng mà anh Dũng vui hết sức là vui. Thiệt tình chưa từng thấy ai như vậy bao giờ ! Có lẽ do bị bệnh tim, anh phải suốt đời ở trong nhà, nên mỗi khi được ra ngoài, dù bất kể là đi đâu, anh cũng đều hết sức vui mừng. Tội nghiệp anh quá!

Sau khi mổ xong, lúc còn nằm trong phòng hồi sức, chắc anh Dũng cũng thấy đau đớn, nhưng anh vẫn tỉnh bơ, và lại thỉnh thoảng cười mỉm. Ngược lại, kế bên cạnh giường anh là một bệnh nhân cứ la, cứ rên suốt vì đau. Bực mình quá, anh Dũng kêu cô y tá tới và biểu chích vô miệng người đó đi để cho hết rên hừ hự. Có lẽ do nghe anh Dũng nói lớn tiếng với cái giọng nổi sùng, chất chứa đầy phẫn nộ hay sao, mà bỗng nhiên người bệnh đó nín bặt luôn ! Mắc cười quá!

Biết tánh anh Dũng thích đi, nên cũng thường dẫn đi ăn tiệm, đi siêu thị, đi chơi Đàlạt, Vũng Tàu. Mỗi lần biết sắp được đi chơi, anh mừng hết lớn. Nôn nao ngồi đứng không yên, đi ra đi vô, trông đợi từng giờ từng phút cho tới lúc bước chân ra khỏi cửa, miệng thì cười chúm chím suốt. Y như đứa con nít! Cảnh tượng thật mắc cười, vừa thấy thương quá! Vì vậy, nếu có tính đi chơi đâu xa, cũng phải giữ kín đến giờ phút chót. Sợ anh biết trước rồi thao thức, trằn trọc thâu đêm suốt sáng thì mệt!

Đến khi anh Dũng nằm một chỗ do bị té gãy khớp xương háng, và sau đó không đi đứng được nữa, mình vẫn cố gắng sắp xếp đưa anh đi chơi ở Metro, Vincom, rồi đi Cần Giờ, Mũi Né, Đàlạt.

Nhà ở tầng cao, tuốt trên lầu 4. Lúc đầu, còn mướn được người khiêng xuống, khiêng lên. Nhưng về sau, không ai chịu làm nữa hết. Đành để anh Dũng nằm ở nhà suốt, mà trong lòng thấy bất lực và xót xa vô cùng. Phải chi có thang máy!

Mọi chuyện đều trở nên gần như là “bó tay”, “bó chân” khi không có thang máy. Nếu có thang máy, chắc có lẽ không bao giờ bán nhà .

Có một lần da anh Dũng bị phồng dộp ngay chỗ xương cụt. Dù đã thử xức nhiều thứ thuốc, nhưng thấy nó càng ngày càng thâm đen, phồng to lên thành từng mảng, từng dề, và lan rộng ra, trông rất dễ sợ.

Hỏi thăm ở tiệm thuốc tây nơi mà thường hay tới mua, thì ông dược sĩ chủ tiệm giới thiệu cho một ông bác sĩ da liễu. Theo như lời của ông dược sĩ, vị bác sĩ đó ban ngày đi dạy ở trường Đại Học Y Dược, còn buổi chiều thì khám bệnh tại phòng mạch ở nhà riêng.

Ngay buổi chiều hôm đó, liền lò dò tìm tới phòng mạch. Ông bác sĩ cỡ chừng 55 tuổi. Mình kể lể bệnh tình của anh Dũng, và nhờ ông đến nhà khám cho anh Dũng. Ông hỏi tại sao không đưa bệnh nhân tới phòng mạch. Mình nói là anh Dũng bị gãy chân, phải nằm một chỗ, nhà ở tuốt trên lầu cao, lại không có thang máy, và cũng không mướn được người khiêng anh Dũng lên xuống vì không ai chịu làm hết do cầu thang vừa cao lại vừa hẹp, rất khó xoay chuyển.

Nghe xong, ông nói là ông chưa bao giờ tới khám bệnh tại nhà. Mình bèn năn nỉ, ỉ ôi. Hồi lâu sau, cuối cùng ông nghĩ ra một cách là biểu về nhà lấy máy chụp hình quay lại cái chỗ mà anh Dũng bị rộp da, rồi đem đến cho ông xem. Mừng quá, vội về nhà, làm y theo lời ông dặn.

Hôm sau lật đật tới, cầm theo máy chụp hình. Ông xem tới xem lui cái đoạn ghi hình, hỏi tùm lum câu, rồi phán là không biết bị bệnh gì. Ôi thôi! Thế là bao nhiêu hy vọng vụt tắt! Chắc khi đó ông nhìn mặt mình thấy thảm thương lắm hay sao mà tự dưng ông nói là ông sẽ đến nhà khám bệnh cho anh Dũng. Lạy trời, mình gần như nhảy cẫng lên vì vui mừng!

Ngay sáng hôm sau ông tới nhà thật. Người ông ướt đẫm mồ hôi. Vừa vô tới cửa, ông liền than là leo 4 tầng lầu mệt quá trời! Ngay sau đó ông đi tới chỗ anh Dũng nằm, lật tới lật lui, sờ sờ, mó mó, nắn nắn, xem xét rất kỹ với nét mặt đăm chiêu.

Một hồi lâu sau, ông ngập ngừng nói rằng ông không biết đích xác là bệnh gì, và ông cần làm khảo nghiệm thì mới định bệnh chính xác được. Tuy nhiên do thấy điều kiện nhà mình quá khó khăn, mà việc khảo nghiệm thì phải được làm tại bệnh viện, nên tạm thời ông chỉ dẫn cách chăm sóc vùng da bị tổn thương, và cho toa mua thuốc về dùng thử coi có bớt không.

Mình cám ơn và hỏi ông lấy thù lao bao nhiêu. Ông trả lời là chỉ giúp thôi, chớ không lấy tiền. Vừa nói dứt câu, ông liền co giò phóng thẳng ra cửa, và vọt xuống cầu thang một cái vù mất tiêu.

Cái vẻ đăm chiêu của ông bác sĩ, và cộng thêm việc ông không chịu lấy tiền khám bệnh khiến cho mình rất đỗi phập phồng lo sợ về bệnh tình của anh Dũng. Chắc là bệnh nặng lắm nên ông bác sĩ mới có cử chỉ kỳ lạ như vậy.

Tuy nhiên cũng liền ba chân bốn cẳng chạy ra tiệm mua thuốc về thử cầu may. Nhưng mà may thật! Chỉ 2 ngày sau là thấy bệnh anh Dũng có vẻ khả quan. Và 1 tuần sau bệnh đã bớt được 7-8 phần.

Thế là trở lại phòng mạch ông bác sĩ để báo tin vui và cám ơn ông. Mình nói luyên thuyên, còn ông chỉ lặng lẽ nhìn mình, rồi cười cười. Sau đó ông ghi thêm 1 toa thuốc khác để cho anh Dũng khỏi bệnh hẳn. Và lần này ông chịu lấy tiền công cho cái toa thuốc ông vừa kê. Kết quả là không lâu sau đó anh Dũng lành bệnh hẳn. Không còn gì vui mừng bằng!

Anh Dũng bị bệnh tim bẩm sinh. Ông bác sĩ Pháp chẩn đoán là chỉ có thể sống tối đa 20 năm. Nhưng thực tế anh sống đến 62 tuổi.

Mỗi khi nhớ đến anh Dũng, lại thấy rất buồn và hối hận. Ngày anh mất, đã khóc sưng húp hai con mắt đến nỗi phải đi khám bác sĩ. Phải chi lúc anh Dũng còn sống, mình đừng suy sụp tinh thần để chăm sóc anh tốt hơn, thì có lẽ anh Dũng đã có thể sống thêm vài ba năm nữa.

Anh Dũng ơi, em gái vô cùng hối tiếc và xin lỗi anh Dũng vì nhiều lúc tinh thần và sức lực của em hầu như bị cạn kiệt. Nhưng chắc anh cũng hiểu em gái đã cố gắng làm hết sức mình. Cho nên sau khi qua đời, anh Dũng đã phù hộ cho em gái thoát khỏi bệnh béo phì chỉ trong vòng 6 tháng, một tình trạng đã đeo bám em gái hàng mấy chục năm trời.

Xin cám ơn anh Dũng vô cùng! Em gái rất thương anh Dũng!

Minh Diệu Phann Soriya

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.