Tu đức

Vâng theo thánh ý

Nguyễn Ngọc Thể

 

Tôi có người cháu sống ở Việt nam, đi tu Dòng Ngôi Lời (gọi tắt là SVD, tiếng La- tinh là Societas Verbi Divini). Dòng này, trước là Dòng Thánh Giuse, tại Nha trang.  Thời gian Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Giám mục địa phận Nha trang, ngài đã nghĩ đến việc xin cho Dòng Thánh Giuse được sáp nhập với Dòng Ngôi Lời ở Mỹ. Kết quả cuối cùng là Dòng Thánh Giuse đã được đổi tên, nay đã trở thành chi nhánh của Dòng Ngôi Lời tại Việt nam.

Sau thời gian tu học, người cháu được phong chức linh mục. Ít lâu sau đó, tân linh mục này nhận được bài sai đi phục vụ tận phương trời Phi châu (tôi không rõ là nước nào), một nơi mà cha này chưa một lần đi đến hay nghe nói đến! Tuy nhiên, đối với một số các nước khác, cũng đã có các linh mục thuộc một số dòng đến phục vụ, truyền giáo trong nhiều năm tại châu lục này. Tôi được nghe kể, qua một người bà con, mỗi tuần chỉ được ăn cơm một ngày, ngoài ra chỉ có ăn bắp (ngô). Những phương tiện khác, xin quý độc giả thử tưởng tượng xem là có những gì, như khi di chuyển đó đây, ngủ nghỉ, tiêu khiển, v.v.

Đã gọi là sống đời “tận hiến”, “bỏ mình” theo ơn gọi và làm việc cho “vườn nho” của Chúa thì cho dù đi bất cứ nơi nào thế giới, cũng vui lòng chấp nhận, tuân theo, vì trên hết mọi sự, người tu hành luôn biết “Vâng Theo Thánh Ý”. Đọc Cựu Ước, chúng ta biết được có những mẫu gương sáng ngời của Tổ phụ Apraham, của Samuel, v.v. đã sống và hành động hoàn toàn chỉ theo thiên ý.

Xin mời đọc đoạn Kinh thánh sau đây, chúng ta cảm nghiệm thế nào về đức tin của tổ phụ Apraham: “Khi ấy, Chúa phán cùng Ap-ram rằng: “Ngươi hãy từ bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi đến đất Ta sẽ chỉ cho người. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và người sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc. Ông Apram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông.” (St 12: 1-4a) [1]

Trong suốt cuộc hành trình dài, vất vả mà tổ phụ Apraham, lúc ấy đã 75 tuổi đời cùng với bà vợ là Sara (không có con),  phải đi từ Ur, thuộc vùng Chalđê (nay là phía Nam của xứ Irắc) đến đất Canaan, dọc theo vùng Địa-trung-hải Và theo tìm hiểu, quãng đường dài đến 5570 cây số (Km) hay 3,461.2 dặm [2]

Apraham quả lả người cha vĩ đại của niềm tin, là người luôn tin tưởng và phó thác vào Chúa, nên dù đi bất cứ nơi đâu, bất cứ phương trời nào, ông vẫn luôn tin tưởng vào Chúa, như đoạn Kinh thánh trên đã mô tả. Chưa hết, Apraham còn bị Chúa thử thách một lần khác nữa bằng cách bảo ông hãy đem đứa con duy nhất của mình để sát tế mà dâng lên Chúa. Đó là người con Isaác. Nếu không có lòng khiêm nhường, biết vâng phục và phó thác hoàn toàn theo ý Thiên Chúa, chưa chắc gì Apraham đã bằng lòng dâng hiến con duy nhất của mình để sát tế làm của lễ hiến dâng. Một đằng, vì thương xót con; đằng khác, Apraham nào có biết Thiên Chúa muốn thử ông, nhưng vì kính sợ và vâng nghe ý Chúa, nên ông đã không ngần ngại gì phó thác tất cả, đem đứa con yêu quý nhất của mình đi sát tế. Nhưng rồi Thiên Chúa đã cho thiên thần đến ngăn cản ông, bảo ông thôi đừng giết con của mình nữa.

Rồi chuyện gì sẽ xảy ra, xin mời đọc tiếp việc Apraham đem con trai mình là Isaác để sát tế làm của lễ dâng lên Thiên Chúa. “Sau các việc đó, Thiên Chúa thử lòng ông Apraham. Người gọi ông:’ Apraham!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” Người phán: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaác, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng làm của lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.”

Sáng hôm sau, ông Apraham dậy sớm, thắng lừa, đem theo hai đầy tớ và con ông là Isaác, ông bổ củi dùng để đốt lễ toàn thiêu, rồi lên đường đi tới nơi Thiên Chúa bảo. Sang ngày thứ ba, ông Apraham ngước mắt lên, thấy nơi đó ở đàng xa. Ông Apraham bảo đầy tớ: “Các anh ở lại đây với con lừa, còn cha con tôi đi lên tận đằng kia; chúng tôi làm việc thờ phượng, rôi sẽ trở lại với các anh.” (St 22: 1-5)

…Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Apraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Isaác con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Apraham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình.

Nhưng sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông: “Apraham! Apraham!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” Người nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc! “Apraham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Apraham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình. (ST 22:9-13) [3]

Phần chúng ta, giả như chúng ta chỉ có một người con duy nhất, Chúa hiện ra, và phán bảo, “Chúa cần dâng hiến một người con này để phục vụ cho Chúa”, chúng ta sẽ suy nghĩ và xử trí như thế nào? Vâng nghe tiếng Chúa mời gọi hay từ chối? Tiếng Chúa mời gọi, hoặc trong âm thầm, hoặc bằng những mẫu gương của những người đi trước hoặc của bạn bè, anh em hay cũng có thể là qua một biến cố nào đó.

Vậy, xin các bạn trẻ hãy suy nghĩ và đắn đo trước lời mời gọi thánh thiêng này của Thiên Chúa. Đáp lại tiếng Chúa, hăng hái ra đi, đi bất cứ nơi nào, để thực thi thánh ý Ngài. Tiếng Chúa vẫn mời gọi ngày đêm, như thôi thúc, như giục giã bao người thanh xuân hãy mau mắn lên đường. Hãy trút bỏ mọi thứ ở đời sau lưng và mau mau lên đường.

Một lần khác, Đức Chúa đã mời gọi Samuen lúc đêm hôm, trong giấc ngủ. Đức Chúa gọi không những gọi một lần mà Ngài gọi đến ba lần. Lần cuối cùng, Sa-mu-en đã biết được thiên ý, và đã ngoan ngoãn đáp trả. Đây cũng chính là bài đọc mà người viết rất ưa thích. Chúng ta hãy cùng đọc để biết được những gì đã xảy ra giữa Thiên Chúa và Samuen: “Cậu bé Samuen phụng sự Đức Chúa., có ông Êlia trong nom. Thời ấy, lời Đức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra. Một ngày kia, ông Elia đang ngủ ở chỗ ông, mắt ông đã bắt đầu mờ, ông không còn thấy nữa. Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Samuem đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đức Chúa gọi Samuen. Cậu thưa: “Dạ, con đây!” Rồi chạy lại với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. Đức Chúa lại gọi Samuen lần nữa. Samuen dậy, đến với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi.” Bấy giờ Samuen chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. Đức Chúa lại gọi Samuen lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Bấy giờ, ông Êli hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé. Ông Êli nói với Samuen: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy ĐứcChúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. Samuen về ngủ ở chỗ của mình.” (1 Sam 3: 1-9) [4]

  

“Một chiều nọ, cha sở Mauduit được mời đến dùng cơm chiều tại nhà một bà cụ bá tước. Trong khi chuyện trò, Bà bá tước nhìn vào mặt cha sở, hỏi: “Có khi nào cha thấy sống một mình thật là khó.” “Thưa vâng, một đôi khi.

Im lặng một lúc rồi cha tiếp: “Nhưng nếp sống bình thường không thích họp với tôi.

Bà cụ bá tước hỏi tiếp:

Cha biết thế nào là nếp sống bình thường?

Tôi biết cũng khá nhiều, Nhưng tôi được huấn luyện để làm một linh mục. Tôi theo năng khiếu của tôi.

Bà bá tước vẫn nhìn cha sở, bảo:

Cha phải nói cho tôi biết tại sao cha lại quyết định từ bỏ cuộc đời bình thường mà mọi người sống, từ bỏ các tiện nghi của cuộc đời. Vì lý do nào cha không lập gia đình như thiên hạ. Cha không phải là một kẻ cuồng tín hay một kẻ chán đời. Có biến cố gì xảy ra khiến cha phải quyết định như thế?

Cha Maudit đứng lên, bước lại gần lò sưởi, đưa đôi nặng nề của các cha sở miền quê lên hơ lửa. Ông có vẻ do dự khi phải trả lời câu hỏi của bà bá tước.

“Cha sở là một người cao lớn tóc bạc. Ông đã là cha sở ở Saint Antoine du Rocher và vùng lân cận trong vòng hai mươi năm. Dân quê trong vùng thường bảo “Cha sở là người rất tốt.” Đúng vậy, cha lúc nào cũng dịu dàng, ai muốn gặp cũng được và thứ nhất là rộng lượng. Ông sẵn sàng chia cơm xẻ áo với dân nghèo. Ông cười khóc dễ dàng như đàn bà. Sự kiện này làm giảm giá ông phần nào trong con mắt dân quê.

“Một dịp khác, cha sở lại có dịp đến với bà cụ bá tước, và lần này ông minh xác: “Tôi không phải sinh ra cho nếp sống bình thường. Rất may là tôi khám phá ngay điều đó đúng lúc để chọn một con đường. Bây giờ tôi vẫn thấy là tôi đã chọn đúng.

“Cha mẹ tôi là thương gia khá giả ở Verdiers. Gia đình có nhiều tham vọng nơi tôi. Tôi được đưa vào trường nội trú. Người ta không thấy được nỗi khổ của một đứa trẻ được gởi vào nội trú, phải sống cô đơn và xa nhà… Trẻ con thường đa cảm hơn người lớn nghĩ về chúng, và nếu chúng được cho vào nội trú qúa sớm, chúng sẽ còn đa cảm nhiều thêm. Và điều đó sẽ có hại lớn cho chúng sau này.” [3]

Xã hội ngày nay, tuổi trẻ không thiếu, nhưng xem ra họ không thích mấy cuộc sống tu trì chốn viện tu hay nơi các chủng viện. Lý do, vì cuộc sống vật chất ngày càng lên cao, nên nhiều thanh thiếu niên không mấy quan tâm đến việc tu trì. Chỉ thích sống ngoài đời, đi học, ra trường, rồi đi làm có tiền, hưởng thụ.  “Bấy giờ, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Matt. 9:37-38). Họa chăng, có một số ít người, sau một thời gian sống giữa đời, họ cảm nghiệm được những gì cho cuộc sống thật nơi tương lai, nên họ từ bỏ tất cả, dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Người viết chỉ xin đề cập đến cuộc sống của những nước Âu-Mỹ, và cho thấy rằng, số người đáp trả lời mời gọi dâng hiến ngày càng hiếm (!) Trái lại, nhìn về Việt nam, tại các giáo phận nói chung, chúng ta được biết rằng, con số các thanh niên thiếu nữ tận hiến đời mình cho Chúa có phần nào khởi sắc hơn. Có những giáo phận, hằng năm, số chủng sinh được truyền chức có đến 10, 20 tân linh mục.

”Vâng Theo Thánh Ý”, phải chăng là một huyền nhiệm, là một hy sinh cao cả đối với cuộc sống bình thường và bất xứng của mình. Chúa không đòi hỏi những ai có tài năng, giỏi giang, khả năng đặc biệt, nhưng chỉ cần một tinh thần dâng hiến xen lẫn với sự hy sinh vô điều kiện. Chúa vẫn luôn mong chờ ngày đêm như để đón mời các bạn trẻ đáp lời, để sai đi đến các cánh đồng tuyền giáo, đem tin vui Nước Trời đến cho mọi người.

Ngoài ra, “Vâng Theo Thánh Ý”, không những Chúa muốn mời gọi những tâm hồn dâng hiến trọn vẹn cho Chúa mà là những chỉ dấu, giúp cho mỗi người chúng ta, những con cái Chúa, đang sống giữa cõi trần, nhận chân được những thử thách, những khổ đau, hằng ngày mà Chúa muốn gởi đến cho chúng ta. Bệnh tật, đau đớn thể xác hay tâm hồn, những buồn chán, kể cả những nỗi cô đơn mà chúng ta phải ôm lấy canh cánh trong lòng, dù là những điều không thuận ý của chúng ta, nhưng nếu biết vui nhận cách bằng lòng, không kêu ca, không phàn nàn, để chứng tỏ được rằng, mỗi khi chúng ta gặp thử thách, thì luôn có Chúa ở bên chúng ta để đỡ nâng, an úi, và giúp chúng ta chịu đựng. Câu nói trong dân gian “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”, như vẫn luôn nhắc nhở trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

_____________________________________

[1] Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước – Do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện – Tòa

          TGM Sài gòn (hay còn gọi là TP HCM) – Năm 1998.

    [2]  Theo Wikipedia

    [3] Trích , như đã dẫn [1].

[4] Trích, như đã dẫn [1]

5] Trích “100 truyện hay nhất thế giới”, trang 35-37”.

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.