Tu đức

Người con hoang đàng của Tin Mừng Luca

Trần Mỹ Duyệt

 

Ba cột trụ truyền thống của Mùa Chay là cầu nguyện, chay tịnh và làm phúc bố thí. Nhờ thực hiện những việc này, chúng ta sẽ tiến tới mối tương quan gần gũi hơn với Thiên Chúa. Nhưng để đạt được sự gần gũi, thân mật ấy, con người cần phải Thống Hối và Trở Về với Ngài. Hai đòi hỏi cần thiết này không thể bỏ qua, vì được chính Thánh Kinh nhắc đến. Vậy tôi thống hối những gì và trở về với ai?

Dụ ngôn người con hoang đàng, bằng bức tranh sống động diễn tả đầy đủ nhất về Mùa Chay do Thánh Sử Luca đã vẽ lại trong Tin Mừng của ngài (Luca 15:11-32). Trong đó bao gồm hình ảnh của một người cha và hai người con. Người con trai út, với trái tim vô cảm, vô ơn, và vị kỷ. Anh ta sống bên cha mà coi như cha đã chết khi đòi được chia phần gia tài thuộc về mình: “Xin cha chia gia tài thuộc về tôi cho tôi” (15:12). Người anh tuy không đến nỗi lạnh lùng, bất hiếu, nhưng cũng luôn nhắm nhé đến phần gia tài mà anh có thể thừa hưởng. Và giữa họ là một người cha giầu lòng xót thương, luôn tha thứ, nhẫn nại, cũng như công bình với cả hai con.

Chính trong ý nghĩa này đã làm hiện lên trong tâm trí tôi hai tư tưởng Thống Hối và Trở Về. Bởi vì bằng cách này hay cách khác đôi khi tôi cũng suy nghĩ, sống và hành động giống như cả hai người con trên. Dĩ nhiên, tôi nại đến thân phận yếu đuối và mỏng dòn để cho phép mình sa ngã, và phạm tội: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Nhiều và rất nhiều lần tôi đã đọc câu này, đã đấm ngực mình, nhưng nhận thức và thực hành chưa được bao nhiêu!

Tư tưởng thứ hai, cũng rất quan trọng trích từ Tiên Tri Joel, mà Giáo Hội đã nhắc lại trong bài đọc thứ nhất đầu Mùa Chay: “Hãy trở về với ta bằng tất cả con tim các người trong chay tịnh, khóc lóc và thống hối” (2:12).

Thống hối những gì?

-Tội phạm đến Thiên Chúa.

“Tôi sẽ trở về cùng cha tôi!” Thánh Luca kể tiếp về người con thứ: “Sau khi gom góp gia tài, nó trẩy đi phương xa, ở đó ăn chơi xa xỉ” (Luca 15:13). Cũng từ nơi xa xôi ấy đã tước đoạt thân phận hắn, đã đổi đời hắn. Không còn là một công tử được chiều chuộng và nâng niu nữa, nhưng đã biến thành một một kẻ chăn heo, một tên nô lệ. Hắn trở thành một tên chăn heo vì không còn tiền của để ăn chơi trác táng nữa. Và hắn trở thành một tên nô lệ, nô lệ cho ông chủ trại heo (15-16), và nô lệ cho lối sống hoang đàng, vô kỷ luật, và tự do theo cái tôi của mình.

Hình ảnh này khiến tôi suy nghĩ: Đã có bao giờ tôi tự tách mình ra khỏi tình thương và sự quan phòng của Cha trên trời như đứa con hoang đàng kia đã tách khỏi căn nhà êm ấm và vòng tay yêu thương của cha hắn chưa? Tôi có cho mình cái quyền sống theo ý muốn, tìm kiếm lạc thú và những gì mà ở cái xứ sở xa xôi – thế gian tội lỗi – bằng cuộc sống xa hoa, mời gọi do số vốn liếng nhận được từ bàn tay Cha trên trời?!

-Tội phạm đến anh chị em.

Bằng cái nhìn kiêu căng, tự phụ và tự đắc. Bằng sự tự tin vào chiến thắng, vào tài năng, và vào những thành quả đạt được, tôi đã phạm đến anh chị em mình. Khinh thường người nghèo khó, coi rẻ kẻ bần cùng, chà đạp và coi thường những người thất thế, sa cơ, yếu kém và không may mắn như mình.

-Tội phạm đến chính mình.

Ngoài những lỗi phạm trên, tôi còn có những lỗi phạm mà tôi đã tự gây ra cho chính mình. Sống trác táng, buông thả làm mất nhân phẩm. Rượu, thuốc xái, bài bạc, trai gái. Những tội phạm mà ngoài tác hại của nó gây ra cho anh chị em tôi, nó còn trực tiếp ảnh hưởng đến chính tôi. Chúng khiến tôi nên bạc nhược, vô cảm, thiếu tự tin, tiêu cực, hận đời, chán đời, và kết quả là đánh mất bản thân, đánh mất nhân phẩm.

Trở về với ai?

-Với Thiên Chúa.

“Hãy trở về với ta bằng tất cả con tim các người” (Joel 2:12). Đứa con hoang đàng sau khi nhận ra thân phận của mình, nhận ra lỗi phạm của mình, đã tự nhủ: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy’” (Luca 15:18-19). Anh ta đã trở về và đã được phục hồi thân phận làm con của một người cha hiền hậu, giầu lòng thương xót.

-Với ơn gọi làm con Thiên Chúa.

“Con không xứng đáng được làm con Cha”. Thái độ tự nhận và khiêm tốn của anh tuy không phải là yếu tố quan trọng để cha anh cho lại danh phận và đón nhận anh, nhưng nó là một điều kiện cần thiết. Bởi nếu anh không nhận lỗi và can đảm trở về thì người cha sẽ không bao giờ vui mừng, hạnh phúc nói được với mọi người về anh: “Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Luca 15: 24). Người cha vui mừng vì thấy con đã trở về, và người con hạnh phúc bên tấm lòng của người cha vì anh đã can đảm trở về.

-Với con người thực của mình.

“Xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (Luca 15:18). Đó là thân phận sau cùng của anh từ nơi xa xôi, nơi đã bóc lột tất cả những gì mà anh đã có trước khi rời khỏi nhà: một kẻ chăn heo, một tên nô lệ!

Phải chăng đây cũng là thân phận của tôi sau mỗi lần bỏ Chúa, mỗi lần phạm tội. Mỗi lần như vậy, tôi cũng giống như người trai hoang đàng đã tiêu phí tất cả ân sủng mà tôi lãnh nhận được từ Cha trên trời. Tôi đã đánh mất danh phận của mình, vì thế, tôi cần phải trở về tìm lại.

Cha và con.

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Luca 15: 20). Làm sao mà người cha này có thể thấy con ông từ đàng xa nếu như ông ngồi trong nhà? Hoặc nếu như ông bỏ rơi con ông, và mất hy vọng mà coi như anh ta đã chết?

Hình ảnh ông bố nhìn thấy con từ xa xa chứng tỏ ông có sự chờ đợi, có niềm hy vọng. Và sự chờ đợi mong mỏi ấy chắc phải héo hon, phải canh cánh trong lòng ông, khiến hình ảnh con ông dù lúc này đã ra tiều tụy, bạc nhược, và tơi tả nhưng ông vẫn nhận ra. Điều này đem lại cho tôi sự an tâm về Cha trên trời, để tôi can đảm trở về sau chuỗi ngày đi hoang, hoặc sau mỗi lần sa ngã, phạm tội. Vì tôi biết Cha tôi vẫn hằng thao thức, chờ đợi tôi. Ngài đang mòn mỏi mong nhìn thấy tôi trở về để vui mừng và tha thứ.

Ý nghĩa Mùa Chay qua dụ ngôn người con đi hoang đọng lại trong tôi lời nói của người cha khi thấy cậu con trở về: “Con ta đã chết nay lại sống, đã mất nay tìm thấy” (15:24).

Thiên Chúa, người Cha nhân từ vẫn luôn chờ đợi, mong tôi về để tha thứ, để mặc lại cho tôi chiếc áo ân sủng, chiếc áo sang trọng của ơn gọi làm con Ngài. Nhưng tôi phải đứng dậy, phải giã từ quá khứ, và phải quyết tâm trở về. Thống hối không chưa đủ mà phải sửa sai. Người con hoang đàng khi nhận ra mình, dù thấy hối hận về hành động của mình, nhưng anh ta vẫn can đảm đứng dậy và trở về. Tôi cũng phải như vậy!

Mùa Chay 2024

TMD

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Góp ý kiến