Tu đức

Suy Niệm Tháng các Linh Hồn

Biết Văn

 

Chuyện kể rằng, có một ông vua kia muốn làm cho viên quan cận thần nổi tiếng là thông minh tài trí phải xấu hổ. Nhân dịp sắp tới một lễ hội, vua ra lệnh cho viên quan này phải mang về cho vua một vật mà kẻ đang vui nhìn thấy sẽ buồn sầu, và người đang buồn khi nhìn thấy sẽ lại vui tươi.

Khi ngày hội gần đến, viên quan rất buồn vì vẫn chưa tìm ra một vật giống như ý vua. Ông liền quyết định đi đến một nơi nghèo nhất kinh thành, khi đi qua một ông lão bán hàng rong, viên quan dừng lại hỏi ông lão có vật có tác dụng như thế không. Nghe xong, ông lão bèn đưa cho viên quan ấy một cái vòng. Vị quan nhìn vào thấy có một dòng chữ hiện ra khiến ông mỉm cười vui sướng.

Lễ hội đến, nhà vua chắc rằng viên quan kia sẽ bị một vố bẽ mặt. Thế nhưng khi được gọi, viên quan thông thái kia đã ung dung bước vào chầu vua, tay cầm theo một cái vòng và dâng lên cho nhà vua, trước sự ngơ ngác của triều thần hiện diện.

Nhà vua cầm cái vòng lên với nụ cười trên môi, nhưng khi thấy dòng chữ trong chiếc vòng hiện ra thì nụ cười lập tức biến mất. Dòng chữ trong chiếc vòng ấy như sau:

“Mọi sự rồi sẽ qua đi”.

Điều này nhắc nhở cho vua và mọi người về giới hạn của mọi sự như : Vinh hoa, danh vọng, quyền lực, tiền tài, phú quý sắc đẹp mọi sự đều có ngày sẽ biến mất theo quy luật ngàn đời và:

“Phù hoa nối tiếp phù hoa. Của đời tất cả chỉ là phù hoa”.

Cao Bá Quát từng cảm khái thốt lên về đời người:

“Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười!”

“Sinh ký, tử qui”

“Sống gởi, thác về”.

Cuộc sống trên thế gian này chỉ là cuộc sống tạm, còn chết mới là trở về với vũ trụ, với cõi vĩnh hằng , mới kết hợp trọn vẹn cùng với Thiên Chúa…

Giáo Lý công giáo dạy chúng ta rằng: “Người chết chẳng hay ăn uống, cũng chẳng xuống ơn phù hộ cho ai. Một ước ao cho kẻ còn sống giúp lời cầu nguyện – xin Chúa tha tội lỗi của mình…”

Tại Sao chúng ta là những người Kitô hữu chúng ta phải đọc kinh cầu nguyện cho các Linh Hồn?

Việc cầu nguyện cho người qua đời có thật sự hết sức cần thiết sao?

Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin người sao?” (Mt 7:11).

Một người đã qua đời, ai trong chúng ta có thể biết được chính xác linh hồn đó sẽ được lên Thiên Đàng, xuống hoả ngục, hay sẽ vào chốn Luyện Hình (đức tin Công Giáo) vì những công trạng hay tội lỗi của họ mà chỉ có mình Thiên Chúa và linh hồn đó biết mà thôi???

Không ai có quyền lên án và kết luận về vận mệnh của người khác.

Tiếng nói cuối cùng vẫn thuộc về Thiên Chúa.

Cho nên, việc làm thiết thực nhất cho những ai đã qua đời là giúp họ khôi phục lại những gì họ đã làm tổn thương, và giúp họ làm những gì họ chưa làm được khi còn sống ở đời này. Làm như thế ta sẽ giúp xoa dịu nỗi dằn vặt, nỗi trăn trở họ vẫn còn đang mang vác.

Vì vậy kêu xin với Chúa thương đến các linh hồn qua việc cầu nguyện, xin lễ, viếng nghĩa trang, đất thánh cũng nằm trong việc bác ái, yêu thương nên Giáo Hội khuyến khích chúng ta thực hiện với những lưu ý sau:

Thứ nhất, việc xin lễ không phải để “mua phần rỗi” cho những người đã qua đời. Thiên Chúa không cần tiền của con người, nhưng bằng phương tiện để mục vụ trong khiêm nhường, diễn tả tình liên đới, sẽ chia trong cộng đoàn con cái Chúa và cộng đồng nhân loại như là một nghĩa cử rất đẹp dâng lên Chúa.

Thứ hai, “Luyện Ngục” không phải để chỉ một tình trạng đau khổ bị hành hạ đau đớn như có nhiều người vẫn tưởng mà chúng ta phải lo sợ cho các thân nhân chúng ta vấp phạm tội lỗi mà vào chốn này. “Luyện Ngục” chính là một tình trạng chưa trọn vẹn kết hợp của linh hồn đó trong vinh quang và hạnh phúc với Thiên Chúa. Một thời gian nung nấu trong đợi chờ, xót xa, và khao khát của người con mong muốn gặp Cha mình. Một thời gian đền bù lại những giây phút mà linh hồn lãng xa, hay sao lãng với tình yêu Thiên Chúa khi còn sống.

Thứ ba, Giáo Hội luôn cảnh giác và thúc giục con cái mình sống trong tinh thần tỉnh thức để lúc nào Chúa đến thì hân hoan chào đón Người, để Người đem mình vào hạnh phúc viên mãn.

Như vậy, hy vong luôn tiếp nối trong hy vọng dành cho những ai mong muốn hiệp thông trọn vẹn trong Đức Kitô, ngay cả đối với tội nhân xấu xa nhất!

Vậy khi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn thì lại là chính cầu nguyện cho chúng ta, và cảm nghiệm cho bản thân chúng ta. Đúng như Thánh Phanxicô Assisi nói: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.

Hy vọng mai đây mỗi chúng ta cũng được phân loại là “chiên” và được nghe Chúa nói: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh nhận phần gia nghiệp Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ” (Ga 11:25-26).

“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14:1-3)

Chết không phải là hết, là thảm họa đối với mọi người… ngày chết mà người ta gọi là ngày buồn, ngày kinh hoàng, nhưng đối với con cái tin vào Chúa, đó lại là ngày đoàn tụ sum vầy, hiệp nhất.

Cầu cho các linh hồn, chúng ta cũng xin các triều thần thánh trên trời cầu cho chúng ta những người sống tạm hay đã qua đời luôn tỉnh thức trong cầu nguyện và hy vọng vào Đấng bảo trợ đã chết cho chúng ta và hứa đến trong vinh quang và gìn giữ chúng ta. Amen

Orange County ngày 29 tháng 10 năm 2019

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.