TÔN GIÁO

Ngày Tận thế!

Elizabeth Nguyễn

 

Vì này ngày ấy đến, đốt cháy như hỏa lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng-ĐỨC CHÚA các đạo binh phán- không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào. Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh. Các ngươi sẽ đi ra và nhảy chồm lên như bê xổng chuồng“ (Ml 3,19-20)

Nói đến tận thế là nói đến ngày cánh chung. Cánh chung có phán xét riêng và phán xét chung.

  1. Phán xét riêng:

Phán xét riêng là nói đến ngày con người lìa trần. Ngày đó „Mỗi người lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình, phần trả công muôn đời cho mình, ngay sau khi chết, trong một cuộc phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Kitô, để hoặc sẽ trải qua một sự thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng diễm phúc trên trời, hoặc lập tức bị án phạt muôn đời“ (GLHTCG 1022). Thiên Chúa sẽ phán xét họ lệ thuộc vào những việc làm khi họ sống, họ phải chịu trách nhiệm, vì Thiên Chúa cho họ có tự do quyết định cuộc sống của mình, Thánh Phaolô cũng dạy chúng ta: „Nhưng dù còn ở trong thân xác hay lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người. Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng trước tòa Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.“ (2Cr 5,9-10).

  1. Phán xét chung:

là ngày Chúa Quang Lâm, thường gọi là ngày tận thế, ngày này kết thúc mọi phán xét riêng, Ngày Con Người ngự đến, „Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi“ (Mc 13,32).  „Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến“ (Mt 24,42).

Trước khi Con Người ngự đến „Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém, sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện“ (Lc 21,11).Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sẽ giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển“ (Lc 21,25-26).

„Biển cả gầm vang, sóng cồn gào thét, người muôn nước náo động xo1n xao, Ngài khiến tất cả phải im hơi lặng tiếng“ (Tv 65,8).

„Đất vỡ ra từng miếng, đất nổ tung từng mảnh, đất chuyển động rung rinh“ (Is 24,19

„Toàn thể đạo binh trên trời tan rã. Các tầng trời cuộn lại như cuốn sách. Cả đạo binh của chúng lịu tàn như lá nho rơi rụng, tựa lá vả lìa cành“ (Is 34,4)

Những điều này làm cho con người mất vía vì sợ hãi, hồn siêu phách lạc vì kinh khiếp. Tiên tri Giôen cũng nói về thời mới và ngày của Đức Chúa:  „ở dưới đất cũng như trên trời, Ta sẽ cho nhiều điềm lạ là máu, lửa và cột khói.Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hóa thành máu, trước khi ngày của Đức Chúa xuất hiện Ngày vĩ đại, kinh hoàng“ (Ge 3,3-4). Thánh Matthêu còn cho biết: „Vì khi ấy sẽ có cơn gian nan khốn khổ đến mức từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ chưa khi nào xảy ra, và sẽ không bao giờ xảy ra nữa“ (Mt 24,21).

Sở dĩ Chúa cho nhân loại thấy những sự hỗn loạn xảy ra, tất cả phải tan rã, phải lụi tàn, để rồi sau đó Người sẽ thay đổi thành trời mới đất mới (x. 2 Pr 3,11-13). “Xưa tiếng Người phán đã làm cho đất rung chuyển, thì nay Người lại đưa ra lời hứa sau đây: Một lần nữa, Ta sẽ lay chuyển không những trái đất, mà cả tầng trời! Những tiếng một lần nữa cho thấy rằng những sự vật bị rung chuyển sẽ phải thay đổi, bởi vì đã được làm ra, để những gì không bị rung chuyển sẽ được tồn tại“ (Dt 12,26-27).

Cho đến ngày Chúa Quang Lâm, thì tính cách của thời gian rất quan trọng vì lịch sử vẫn còn tiếp diễn, không những chỉ với người còn sống mà tiếp diễn đến cả đời sau của những người đã chết, có thể được thay đổi, đôi khi, nhờ ở những lời cầu nguyện của người sống. „Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên, rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung Như thế, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.“ (1Tx 4,16-17).

Vì thế khi ngày Chúa Quang Lâm, ngày Chúa Giêsu đến lần thứ hai là ngày vui mừng vì đó là ngày chúng ta được cứu độ: „Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc(Lc 21,27-28).

Tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi, „vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối“ (1Tx 5,5), nên chúng ta phải luôn giữ vững niềm tin, phải sống đạo đức và thánh thiện, phải tin tưởng, phó thác, yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức, „ chúng ta thuộc về ban ngày nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ. Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.“ (1Tx 5,8-9).

Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta cũng phải nâng đỡ người yếu đuối, khuyên bảo người vô kỷ luật, đừng lấy ác báo ác, có gắng làm điều thiện, hãy vui mường và cầu nguyện luôn mãi cùng tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô. (x. 1Tx 5,14-17);  chúng ta cũng không quên những nhà lãnh đạo trong Giáo Hội Hoàn Vũ: „anh em hãy quý trọng những ai vất vả vì anh em, để lãnh đạo anh em nhân danh Chúa và khuyên bảo anh em, Hãy lấy tình bác ái mà hết lòng tôn kính  những người ấy, vì công việc họ làm“ (1Tx 5,12-13) để cùng nhau đứng vững, không hoang mang chao đảo trước những biến cố báo trước xảy ra: „Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện“ (Lc 21,11); hầu tất cả sẽ được hưởng ơn cứu độ và được sống „Trong “vũ trụ mới“ này (Kh 21,5), tức là thành Giêrusalem trên trời, Thiên Chúa sẽ có một nơi cư ngụ của Ngài giữa loài người. „Ngài sẽ lau khô nước mắt của họ; sẽ không còn sự chết nữa; không còn khóc lóc, kêu than và khổ cực, bởi vì thế giới cũ đã qua đi rồi (Kh 21,4)“ (GLHTCG 1044).

 Để đạt được nơi cư ngụ của Thiên Chúa, mà người ta thường gọi là Thiên Đàng, nơi không còn khổ cực, không còn sự chết, thì chúng phải sống dồi dào mầu nhiệm Đức Kitô chịu đóng đinh, là mầu nhiệm tình yêu Ngài dành cho từng tín hữu. Khi chúng ta được rửa tội theo Chúa là sống tình yêu của Ngài „Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu(1 Ga.4,8), có nghĩa là người Kitô hữu sẵn sàng yêu thương người khác bằng một tình yêu không điều kiện (x. Lc 6, 27-35). Chỉ có tình yêu Ngài mới cho chúng ta sự kiên vững tin yêu, không đánh mất niềm hy vọng vào đời sống vĩnh cửu trong một thế giới mà chúng ta đang đối diện với nhiều sự xáo trộn, bách hại, giả dối, và chiến tranh đang hủy hoại loài người trên trái đất.

Người Kitô hữu chúng ta luôn hy vọng đến ngày Chúa Giêsu quang lâm, tức là Chúa đến lần thứ hai (x. phán xét chung), chúng ta „hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sẽ được cứu chuộc“ (Lc 21,28). Chúng ta tin và hy vọng vào một Chúa Giêsu đã mang thân phận làm người, đã sống, đã chết vì tội lỗi của nhân loại và đã sống lại, đang sống với chúng ta cho đến ngày cánh chung, sẽ sống đời đời bên Ngài. Chúa Giêsu đã thiết lặp Thánh lễ là nơi người Kitô hữu hiện diện hiệp nhất với tất cả dân Chúa trên thế giới trần gian và thế giới thiêng liêng vô hình trong Hội Thánh Công Giáo. Họ kín múc ơn thánh từ Lời Chúa và từ Mình Máu Thánh Chúa hiện hình trong chiếc bánh nhỏ trắng tinh, được hiến tế trên bàn thờ trong Thánh Lễ. Khi vị linh mục chủ tế đọc Lời Chúc Tụng và giơ cao tấm bánh thì chính Chúa Giêsu biến hình bánh thành Thịt của Ngài. Cùng một thể thức ấy, vị mục tử cầm chén rượu đọc lời Chúc Tụng, dâng cao ly rượu thì rượu nho được Chúa biến hình trở thành Máu của Ngài. „Thầy là bánh hằng sống, bánh từ trời xuống“. (Ga 6,60) „Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời“ (Ga 6,48). Một Kitô hữu mà không cầu nguyện là người không có lòng tin vào một Thiên Chúa duy nhất „Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà kêu xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được“ (Mt 21,22) ơn Cứu Độ (x. Ngày Chúa Giêsu quang lâm. (x. GLHTCG 1044 phần cuối 2-1)

Người Công Giáo chúng ta đang trên con đường lữ hành về nhà Cha, chúng ta sống với niềm vui có Chúa ở cùng và hạnh phúc về niềm hy vọng đang trên đường về nhà Cha, „Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống“ (Ga 14,6), Chúa Cha thương yêu đang chờ đàn con cái tụ hợp tất cả nhân sinh để hưởng hạnh phúc trường cửu bên Cha. Người ta có nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn về là gia đình. Là con cái Chúa, chúng ta sẽ về với gia đình Thánh Chúa. Chúng ta đã được mặc chiếc áo Kitô qua bí tích thánh tẩy, có khả năng thông truyền Chúa Thánh Thần và sáng suốt nhận biết thánh ý Chúa. Chúng ta nhận được niềm vui sống là ân ban nhưng không của Thiên Chúa mà không ai lấy mất được, „Con sẽ bước tới bàn thờ Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con. Con gẩy đàn dâng câu cảm tạ, Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ“ (Tv 43, 4).

Vì vậy trên đường về nhà Cha có gian nan thử thách, ta vẫn sống kiên vững ba nhân đức tin cậy mến với tinh thần lạc quan. „Các điều ấy Thầy đã nói với anh em, để niềm vui của Thầy trong anh em được nên trọn vẹn“ (Ga 15,11). Mình sống vui và sống đẹp ý Ngài thì thế giới xung quanh ta cũng chan hòa niềm vui. Chắc chắn Chúa Cha đang mỉm cười hài lòng và hạnh phúc. Trong tình yêu thương của Cha, chúng ta vui sống hiền hòa với tâm tình con thảo, luôn tạ ơn Cha „Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.“ (Ep 5,20). Người chăm sóc đời sống chúng ta không chỉ về phần linh hồn „Anh em hãy giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi nghe loan báo Tin Mừng“ (Col 1,23), mà chăm sóc cả phần thể xác „Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới giòng nước trong lành và bổ sức cho tôi…“ (Tv 23,1-4). Còn hạnh phúc nào hơn nữa chứ! Chúa Giêsu Phục Sinh và hiện đang sống và sống mãi với chúng ta cho đến ngày tận thế.

Chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa vì „Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn… Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng“ (Tv 19, 8-9) và luôn luôn nương tựa vào Lòng Thương Xót Chúa, „Anh em đừng bao giờ mất trông cậy vào Lòng Thương Xót Chúa. Anh em hãy hy vọng và tin tưởng vào việc xưng thú tội lỗi“ (Thánh Isidore Serville), Ngài mở mắt tinh thần và ban cho ta sự ngọt ngào dịu dàng trong việc tin theo chân lý của Chúa Giêsu. Trong ba năm đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã tỏ lòng thương xót đến người nghèo khó, góa bụa, (người đàn bà góa thành Naim), chữa lành cho người bệnh tật, cho những kẻ đói ăn. v.v…

Chúa luôn yêu thương những người sống thành thật với chính mình, với Thiên Chúa và với tha nhân. „Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường“ (1Pr 5,5b). Luôn tin tưởng và nhớ đến Ơn Cứu Độ để sống đẹp ý Chúa trên con đường tiến về Giêrusalem. Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở, hãy tìm đâu là ý Chúa, biết tận dụng thời buổi hiện tại, chớ say sưa rượu chè đưa tới trụy lạc như những kẻ khờ dại, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí mà đem cả tâm hồn ca hát chúc tụng Chúa. (x. Ep 5,15-19).

Elisabeth Nguyễn

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.