Văn

Mẹ tôi

Elizabeth Nguyễn

Năm tôi lên 10 tuổi thì kinh tế gia đình suy xụp nặng nên ba mẹ tôi phải bán nhà bán đất trả nợ, và bỏ xứ đi nơi khác làm ăn. Từ thành phố thơ mộng mát mẻ trên cao nguyên, chuyển về vùng biển. Ba tôi mua chiếc xe lam chạy đưa đón khách để gọi là lao động chia sẻ với mẹ tôi đã vất vả suốt đời vì chồng và bầy con đông đúc. Tôi nghĩ ông mua chiếc xe chạy chơi thôi, để mà mắt bà con họ hàng, nhất là để ông nội tôi khỏi trách móc la mắng thôi.

Dưới con mắt của con bé mười tuổi thì ba là một người ích kỷ, nóng nảy, ham bài bạc, tự ái hão, hãnh diện dỏm, chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ biết lo cho mình mà thôi. Ba tôi ăn hiếp mẹ tôi quá sức khiến tôi bất bình và sợ hãi ba mình chứ không có một chút gì là tình thương cha con, vì cha tôi cũng không bao giờ bộc lộ tình thương của ông cho tôi cả. Từ bé đến giờ chưa lần nào được ba bồng bế hay ôm ấp, chọc ghẹo hay đùa cợt chút nào. Có gì không bằng lòng là ông trợn đôi mắt sáng quắc lên là đủ để tôi run rẩy muốn ngất xỉu. Ông chỉ thương những thằng con trai và thương nhất thằng trai út của ông mà thôi. Mỗi khi ông về nhà mà có quà thì chỉ cho mấy anh con trai thôi. Tôi là con gái út mà chỉ thỉnh thoảng mới được ba cho một cây kẹo hay một miếng bánh.

Ba tôi thích ăn ngon mặc đẹp vì ông được sinh ra trong gia đình giàu có và được cưng chiều quá sức. Vì thế mỗi lần mẹ tôi chưa kịp dọn lên bàn ăn những thức ăn mà ông rất thích thì có chuyện ngay. Mẹ tôi thường bị mắng mỏ những lời thậm tệ, có khi ông tức giận xô đổ cả mâm cơm. Mẹ tôi chỉ biết khóc thầm chứ không dám khóc trước mặt ông.. Vì lúc này kinh tế gia đình đã suy sụp rất nhiều do ba tôi trước kia chỉ ăn chơi bài bạc v.v…nên gia đình giờ mới ra nông nỗi…, ông lại có tính quân tử tàu, hay ra tay anh hùng, giúp cho bạn bè thiếu thốn, nhờ vả… nhưng ông bị người ta lừa nhiều hơn là người chân thật (mẹ tôi nói thế). Mẹ tôi cho biết gia tài bị khánh tận, do ba tôi bài bạc nên tôi càng ghét ba tôi nhiều hơn… Tôi thương mẹ nhiều lắm và sợ ba tôi như sợ cọp. Khi ông ở nhà trên thì tôi xuống nhà dưới, ông ở trong nhà thì tôi ở ngoài sân. Tôi luôn luôn mong ông vắng nhà và nếu vắng luôn đi cũng được. Bây giờ nghĩ lại sao mà thấy lúc ấy mình ngu dại quá. Ba ơi, tha tội cho con nhé ba.

Mẹ tôi là một người đàn bà đẹp, một vẻ đẹp nền nã của các thiếu nữ điển hình của Hà Nội những năm đầu thế kỷ 19. Mẹ không được học hành vì mồ côi cha từ bé, bà ngoại tôi đi thêm bước nữa nên bà ngoại gởi dì tôi ở nhà ông chú họ, mẹ tôi được bà ngoại gởi đến sống trong gia đình một ông bác giàu có trong họ. Ông bác không thương cháu mồ côi mà coi cháu như người ở đợ (bây giờ VN gọi là ô-sin). Nghe mẹ tôi kể là mẹ chỉ mới 10 tuổi, bằng tuổi tôi bấy giờ,  mà phải suốt ngày lăn lộn ở ruộng làm đủ mọi việc như người lớn, nhổ mạ cấy mạ, tát nước bằng gầu v.v… Khi xong việc đồng áng, về nhà phải lo đi chặt cây chuối về bằm nhỏ ra, nấu cám heo và chăm lo cho heo ăn, mẹ phải bưng những nồi cám nóng và nặng, có hôm bị tuột tay đổ tràn ra đất, mẹ bị phỏng cả hai bàn chân và bị máng chửi thậm tệ. May mắn là mẹ chạy vội ra ao gần đấy nhúng cả 2 chân vào nước mát nên chân mau lành. Nhiều hôm không có cây chuối nào, mẹ phải lội xuống bờ mương bên ruộng hay bờ suối để cắt những loại dọc mùng mọc hai bên bờ làm mẹ sợ nhất, vì mẹ sợ đỉa và sợ rắn nước đến kinh hoàng, lại còn phải cơm nước hầu hạ ông bà và gia đình. Sáng nào cũng phải  trở dậy từ 4 hay 5 giờ sáng, sắp xếp mọi việc cơm nước, pha trà rồi đi gánh nước đổ đầy mấy chum nước to đùng. Cực khổ như thế mà mẹ tôi và dì tôi lớn lên lại là hai cô gái xinh đẹp và nề nếp, ngoan ngoãn nhất làng Nghi Tàm,  khiến biết bao chàng trai và gia đình họ ngắm nghé.

Lúc bấy giờ bà ngoại tôi đến xin hai con về, nhưng ông bác họ xa này không cho mà còn đòi tiền chuộc. Bà ngoại tôi, trước kia đã đi thêm bước nữa hầu kiếm một con trai, nhưng bà chỉ sinh thêm hai cô con gái, nên bà rất buồn và ân hận nhiều vì đã bỏ hai con gái lớn phải xa mẹ và phải chịu cực khổ. Bà tôi thương lượng với ông bác cho mẹ tôi đi bán hàng xén ở chợ Đồng Xuân và trả tiền dần dần cho ông. Từ ngày bán hàng xén ở chợ, mẹ tôi (bị hay được) các chàng trai ngấp nghé, trêu chọc, đùa bỡn nơi bán hàng… duy có  một công tử cao ráo, đẹp trai, nhà giàu ở Hà Đông, Hà Nội theo đuổi, chàng công tử này thuê du đãng đe dọa những chàng trai nào mà mon men đến nơi mẹ tôi bán hàng, dù chỉ nhìn hay ngắm nghía hay có lời thăm hỏi hoặc có ý chọc ghẹo, ông đều ra lệnh cho đo ván những anh chàng nào lì lì một chút, vì thế sau cùng mẹ tôi về làm vợ anh công tử này, ba tôi. Từ đây, cuộc đời mẹ rẽ qua một ngã khác. Bà ngoại tôi những tưởng con gái mình sung sướng yên bề gia thất, nhưng mẹ tôi rất sợ những nhà giàu có, song vì vâng lời bà ngoại nên mẹ tôi chấp nhận. Những nhục nhằn, những cái khổ nạn, những cái đau đớn không nói lên lời, những cái nhịn nhục, những cái bất hạnh vẫn theo mẹ dai dẳng đến suốt đời.  Mỗi lần cần khuyên lơn con cái điều gì mẹ đều kể lể những sự chịu đựng của mẹ với đời, dạy các con hãy nhìn cuộc đời nhẫn nhục của mẹ mà kiên nhẫn, chịu nhường nhịn mà sống cho đẹp lòng mọi người.

Lúc sinh thời, mẹ tôi rất chăm chỉ trong mọi việc, tần tảo nuôi chồng nuôi con, luôn nhịn nhục và cúi đầu với áp lực của gia đình chồng. Mẹ tôi quán xuyến vườn tược cả mấy mẫu, chỉ huy người làm rất khéo. Có một chú người làm rất thương quý gia đình chúng tôi nên giúp mẹ tôi trong mọi việc bên ngoài. Những khi gia đình sung túc thì mẹ chỉ ở nhà chăm sóc mọi việc trong gia đình. Vì thế, khi gia đình phải lưu lạc đến đây, con bé 10 tuổi này chẳng được sung sướng như các anh chị, điều khiển kẻ ăn người làm. Hồi đó, các anh chị của tôi được sung sướng dư đầy, nhà còn thuê thầy giáo về ăn ở tại nhà, dạy các anh chị và các anh chị trong họ học thêm tiếng Pháp tiếng Anh và kèm bài vở tiếng Việt. Bây giờ các anh các chị, ai cũng được ăn học đến nơi, đến chốn, đã lập gia đình và sống xa gia đình.

*

Mẹ tôi sang một cái sập ở chợ nhỏ trong khu phố gia đình sinh sống. Mẹ tôi tự tay muối những vại dưa cải, dưa giá và cà pháo rồi mỗi tối mẹ con gói thành từng gói nhỏ đem ra chợ bán. Đi bán hàng mẹ tôi vẫn chu đáo trong việc ăn mặc. Mẹ ăn mặc đơn sơ mà rất đẹp, rất sang. Ngày nào cũng chiếc áo bà ba và quần satin đen. Đầu vấn chiếc khăn nhung đen quanh tròn trên đầu, vài sợi tóc lòa xòa trước trán rất duyên dáng, mẹ ăn trầu nên môi lúc nào cũng đỏ hồng rất đẹp. Khi trời mưa hay thời tiết se lạnh mẹ mặc thêm chiếc áo len, hôm thì mầu nâu, mầu lam, mầu tím v.v… trên đầu thêm chiếc khăn bằng dạ hay bằng len choàng lên hàng khăn nhung vấn bên trong, trông rất ấm áp và sang cả. Người ngoại quốc, phần đông là quân nhân quân đội Mỹ, sau giờ làm việc là rảo ra chợ để ngắm „Bà Me“ có chàng thì dơ máy ảnh chụp hình lia lịa. „Bà Me“ là tên mọi người ở chợ đặt cho mẹ tôi, vì chúng tôi gọi mẹ bằng Me. Tiếng Me rất lạ và hay hay với mọi người, từ những gia đình hàng xóm đến những bạn hàng trong chợ, „Bà Me“ lại là người đàn bà duy nhất răng còn đen và vẫn ăn trầu như ngày xưa, nên luôn gợi sự tò mò của mọi người. Mẹ con chúng tôi mới đến sống ở đây chỉ vài tháng mà ai ai buôn bán trong chợ cũng đều quý mến. Một số các chị làm trong sở Mỹ, chiều nào cũng ra mua hàng của mẹ, có chị cứ ôm chặt mẹ tôi, miệng gọi Me ơi, Me ơi và dụi dụi đầu vào ngực bà… Mẹ tôi cảm động lắm, về nhà bà cứ nhắc hoài rằng chị ấy thương Me còn hơn các chị của con… Có chị nói với mẹ: con thấy „Bà Me“ đẹp và sang quá mà sao vất vả như tụi con vậy!“. Mẹ tôi chỉ biết cười cười và nhận những lời an ủi… nhưng về nhà thì những âm vang đó làm mẹ tủi thân khóc thầm…

Tôi là con bé ham chơi hơn ham học, trong cặp sách của tôi có đủ dụng cụ để chơi những trò chơi, bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào… của bọn con gái, như chơi nhảy dây, chơi giải gianh, chơi chuyền thẻ, chơi búng giây thung v.v… về nhà tôi chỉ tắm qua loa, xối nước cho mát là đủ nên chân tay cáu ghét và ghẻ chốc đầy mình vì bị muỗi cắn mà gãi cho đã nư nên chảy máu, đóng vẩy đầy tay chân. Một hôm bà chị thứ năm của tôi từ Saigon về thăm nhà, chị nhìn tôi, ôm tôi và bật khóc làm tôi cứ đực mặt ra chẳng hiểu gì. Chị nấu nước muối nóng rồi lôi tôi ra kỳ cọ, tắm rửa, vừa xoa bóp vừa moral. Từ đó trở đi tôi mới biết tự chăm sóc cho thân thể mình cho đàng hoàng kỹ lưỡng.

Những ngày chộn rộn 30.04 1975. Ba tôi qua đời vì bị trúng bom đạn, thật thương tâm và cô đơn tại đây vì khi cả nhà di tản vào Saigon, ba tôi không chịu đi. Ông nói để ông ở lại giữ nhà cho. Đi lánh nạn khi nào yên súng đạn thì về có nhà mà ở. Vì thế khi ba tôi qua đời chỉ có hàng xóm, những ai còn ở lại họ chôn cất dùm. Về sau, khi gia đình tôi trở về lại, mới cải táng đưa về nghĩa trang. Lúc bấy giờ nghe các chị kể về thời gia đình còn sung túc với những đức tính tốt và nhân đức của ba, nào là đi đâu về ba cũng có quà cho các con. Có lần ba đi Saigon về mà ba mua quà cho cả nhà đến mấy giỏ cần xế đựng trái cây, và đồ chơi mọi thứ cho con cái, giống như người ta đi buôn vậy, ba mua cả vải đắt tiền cho mẹ may áo dài nữa… rồi nào là, mỗi khi người làm vườn thu hoạch khoai, bắp, chuối, cam, quýt ở vườn rẫy dưới Laba, Tùng Nghĩa đem về, ba không cho bán mà chỉ để ở nhà cho các con ăn và biếu bà con làng xóm mà thôi, nào là ba cho kẻ đỗ nhà, cho kẻ đói ăn, giúp những kẻ cơ nhỡ v.v… Ba cũng hay mua sắm cho mẹ tôi những vật quý giá như vòng ngọc thạch, chuỗi hạt, bông tai, quần áo nhung, dạ vân tự v.v…mua sắm sách vở cho con cái… ông chỉ có cái độc tài hơn Hitler, nóng náy và bài bạc. Tôi mới thấy ân hận vì lúc nhỏ chả biết thương ba mình…có lẽ, vì lúc đó gia đình lâm vào sự túng quẫn làm cho con bé mười tuổi và mọi người bị rơi vào khủng hoảng chăng?

Gia đình tôi được nhà nước cộng sản ghép vào tội gia đình ngụy, vì có ba ông sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa (1 con trai là phi công, 2 con rể là sĩ quan quân cảnh và sĩ quan chiến tranh chính trị, một anh con trai là trung sĩ biệt động quân). Tất cả các anh đang trong tù cải tạo, chỉ có ông anh thiếu tá không quân thì đã ôm máy bay chở hết vợ con đi qua đảo Guam rồi. Ông này đi qua Mỹ mà biệt tích luôn. Nhiều năm không có tin gì về con trai trưởng, mẹ tôi cứ đòi lập bàn thờ cho nó vì chắc chắn là nó chét rồi mới biệt vô âm tín. Mãi cho đến hơn chục năm sau có người cho biết tin anh đang sống bên Cali  mẹ tôi cũng vẫn còn nửa tin nửa ngờ. (Việt cộng gọi gia đình tôi là gia đình ngụy quân, làm tay sai cho Mỹ v.v…) nên họ lấy cớ đó đe dọa mẹ tôi nhiều lần, bắt mẹ con chúng tôi phải đi kinh tế mới. Nhà không có đàn ông, không đi cũng chả sao nhưng mẹ con chúng tôi sợ lắm, vì họ cứ lấy cớ, gia đình là ngụy ra mà dọa nạt, ngày nào họ cũng đến đe dọa đủ thứ đủ điều… nên họ bảo gì mẹ tôi cũng tuân theo răm rắp. Hai chị tôi và ông anh kế là học trò trung học mà họ kêu đi làm những việc gì cho họ mà chẳng mấy khi có mặt ở nhà, cũng chẳng có đồng lương nào.

Mỗi sáng hai mẹ con tôi dậy rất sớm ăn vài củ khoai mì rồi vác cuốc lên rẫy tỉa bắp, làm cỏ trồng khoai. Những năm đó là những năm đói khát nhất, phần vì của cải, thực phẩm miền Nam bị nhà nước Việt Công vơ vét đem về Bắc hết, rồi họ nhập cảng những hạt bo bo ở Nga về bán cho dân cùng với khoai lang, khoai mì tịch thu của dân, gọi là của hợp tác xã chứ không có của riêng ai …kể cả khoai hư thối cũng phải mua. Buổi trưa mẹ nấu một nồi canh rau tập tàng hái trên rẫy về, nêm toàn muối hột. Mẹ ăn toàn khoai lang luộc xong thì uống một tô nước canh cho khỏi nghẹn. Nhìn mẹ ăn mà đứa bé 10 tuổi nghẹn ngào, quay mặt đi che dấu nước mắt. Mẹ rất siêng năng làm mọi việc, từ việc lớn đến việc nhỏ, không bao giờ ngại khó khăn. Những ngày mưa gió, lụt lội là những ngày mẹ thường hay thở dài vì sợ không có gạo ăn, không có củi đun, sợ cô đơn lạnh lẽo, đủ thứ sợ hãi hiện trên khuôn mặt đã nhiều nếp nhăn của thời gian, của cực khổ, của lo lắng, của sự vắt kiệt sức sống san sẻ cho bầy con đông đúc. Có một đêm mưa to lắm, mưa như ai cầm trĩnh mà đổ nước ào ào vào ruộng vườn. Mẹ con tôi ngủ trong căn lều dựng ở vườn rẫy, lạnh thấu xương. Đang ngủ, thấy nước tràn vào, mẹ sợ trôi hết đám đất mới trồng lang hồi chiều, hai mẹ con lặn lội ra đường lượm đá về chắn nước cho khỏi tràn vào rẫy. Nhìn quanh chỉ thấy nước là nước và quạnh quẽ, cô đơn… chỉ có hai mẹ con trong đêm tối, giữa mênh mông bên bìa rừng, tôi sợ hãi khóc to làm cho mẹ cũng sợ mà chẳng biết làm sao, mẹ đánh tôi để trấn an mẹ chăng!? Tôi im nín vì thấy vẻ thất thần trên mặt mẹ, nhưng sau một giây thì thấy mẹ bình tĩnh tiếp tục làm việc khiến tôi an tâm trở lại và tiếp tay với mẹ mà nước mắt trộn lẫn nước mưa, vì thương mẹ, thương mình, chứ không dám khóc la to nữa. Nhìn quanh chỉ có đất trời mênh mang đang nổi giận trút nước ào ào xuống thế gian… mà chỉ có một bà già và một trẻ thơ khốn khổ… cô đơn…

Gia đình tan nát, con cái mỗi đứa mỗi nơi, tài sản tiêu tan. Mẹ phải chống chỏi mọi vấn đề mà nuôi bầy con, năm đứa con lớn đã yên bề gia thất mà nay cũng vất vưởng vì chồng phải đi tù cải tạo, năm đứa con nhỏ thì bây giờ lâm cảnh khốn khổ như thế này, chỉ mỗi mình tôi là con bé gần gũi chịu trận, mọi vui buồn khổ nạn đè ập trên tôi. Ngày nào cũng vậy, mỗi sáng xé một tờ lịch, mẹ tôi lẩm nhẩm tính đi tính lại rồi đếm xem hôm nay mình còn mấy đứa con, có bao nhiêu đứa cháu, mấy đứa chắt… và chúng nó lưu lạc nơi đâu mà cả mấy năm trời, có đứa mất tăm hơi, chả bao giờ có một chút tin tức… chắc loạn lạc, chúng nó chết bỏ thây nơi nào…  rồi…thở dài…thở vắn… nước mắt tuôn rơi…

*

Từ ngày tôi lấy chồng, không còn nhiều giờ dành cho mẹ như trước. Chồng tôi là một anh bộ đội giải ngũ, anh ta chả biết làm ăn gì, cũng lông bông, ham chơi bài bạc mà tôi chẳng hề biết. Sở dĩ tôi bằng lòng lấy anh ta vì trong cái nơi khỉ ho cò gáy này làm gì có anh chàng nào nhìn tương đối được như anh ta, và hơn nữa tôi lấy chồng cho mẹ vui, nên tôi chả tìm hiểu hay dò hỏi chi về anh ta cả. Mẹ bảo sao tôi xin vâng như vậy. Hai năm trước, người tôi yêu là một giáo viên, đang là thầy sáu, chuẩn bị làm mục sư thì biến cố 1975 làm dở dang, chúng tôi dự định cưới nhau thì cùng đi vượt biên. Mẹ không bằng lòng, mẹ khóc và nói: mẹ chỉ có mình con mà con bỏ mẹ đi thì mẹ sống với ai… thế là tôi và người yêu tôi đành đoạn xa nhau trong đau khổ, trong nước mắt. Bây giờ chàng đã định cư tại Canada, đã là một mục sư trên xứ người và đã lập gia đình rồi. Chắc chắn chàng hạnh phúc chứ không „bèo giạt mây trôi“  như tôi…

Khi vợ chồng tôi có đứa con đầu lòng, thì cuộc sống càng lận đận hơn, vì ông chồng càng ngày càng chìm vào nhậu nhẹt lại thêm đàn đúm bài bạc nữa. Trước kia chưa có con thì tôi chăm lo vườn tược và buôn bán lặt vặt thêm nên cuộc sống gọi là đủ, ở nhà quê thì có mấy khi cần mua sắm se sua gì đâu. Mẹ mỗi lần gặp tôi, mẹ không nói gì nhiều vì tôi biết mẹ xót xa trong lòng… vì nhìn thấy tôi không hạnh phúc mà luôn chịu đựng giống như mẹ ngày xưa… Mỗi lần các chị tôi sống ở hải ngoại đều có quà gởi về giúp đỡ, mẹ lại thở dài thương cho số phận hẩm hiu của tôi. Mẹ dấm dúi cho tôi sấp vải và vài cái kẹo của các chị gởi về  mà không dám cho công khai, thẳng thắn vì sợ ông anh trai và bà chị dâu ganh tị. Tôi tủi thân không muốn nhận nhưng thương mẹ, tôi lại phải dấu diếm cầm về mà nuốt nước mắt vào trong lòng.

Vì cuộc sống chật vật nên tôi thay đổi nhà liên miên. Ông chồng tôi đã qua đời vì cái bệnh nghiện rươu, tàn phá lá gan. Con gái lớn đã lấy chồng, con trai kế vừa đi học vừa đi làm xa, chỉ có tôi và cô gái út, nên tôi mua một căn nhà nhỏ ở gần mé rừng, cái xóm này chỉ có chừng hơn hai chục căn hộ, ai cũng nghèo rơi, nghèo rớt. Tuổi tôi cũng đã bắt đầu vào thu, nên tôi không muốn bươn chải chi nữa, tôi mở lớp giữ trẻ cho các bà mẹ (không lấy thù lao) vì chỉ muốn có việc làm với các em bé cho vui và giúp đỡ những bà mẹ nghèo trong xóm… Căn nhà nhỏ có giàn thiên lý ở sân sau, có cây vú sữa xum xuê hoa và  trái xanh, trái tím lủng lẳng trông thật đẹp ở sân trước, vài luống hoa vạn thọ, hoa cúc nở rộ, nhìn thật đẹp, vui mắt và dịu dàng trong lòng…Ngợi khen Thiên Chúa đã tạo ra trời đất, sông núi, cây cỏ, muôn vật thật đẹp đẽ, thật hữu ích cho con người hưởng dùng. Từ trong nhà ra ngoài sân đầy bóng mát, bóng râm dưới ánh mặt trời.

Tôi ra Nha Trang đón mẹ tôi về chơi. Mẹ tôi đi ra đi vào, ngắm nghía tứ đằng trước nhà rồi ra sân sau, cái gì mẹ cũng khen… Thấy mẹ vui cười luôn miệng và đến bữa, ăn rất ngon, ăn nhiều, tôi vui mừng lắm, vì lâu nay mẹ bịnh hoài, vô ra nhà thương nhiều lần rồi, cũng có lúc bỏ ăn vì bịnh, vì hờn hờn con trai con dâu mà không dám nói…  Mẹ thích ăn vặt, thích ăn trái cây nhất là trái na, mãng cầu xiêm, sầu riêng… nên tôi mua đủ các thứ trái cây và bánh giò, bánh chưng, bánh ngọt v.v…để trong tủ chạn cho bà. Muốn mời bà ăn thứ gì thì đừng hỏi, (bà mang ấn tượng từ khi ở với cô dâu trưởng, cứ hỏi me ăn gì con mới nấu. Câu nói đó làm mẹ hờn dỗi vì cô dâu này tánh tình keo kiệt, đi chợ thì hay mua những thứ rẻ tiền, không ngon chi cả, và dùng thứ gì cũng sợ tốn kém…). Biết tính mẹ nên tôi cứ tự nhiên gọt vỏ, cắt ra, bầy lên đĩa và mời, bà cháu mẹ con cùng ăn cùng trò chuyện đủ thứ, chuyện ngắn chuyện dài, chuyện xa xưa, chuyện ngày nay, chuyện các anh các chị ở xa biết bao giờ gặp mặt, chuyện con dâu, con rể, chuyên các cháu học hành v.v… và v.v…

Mẹ ở chơi với mẹ con tôi một tuần mà nhìn thấy mẹ vui khỏe và mập lên đôi chút, thần sắc rất tươi đẹp. Mỗi buổi sáng thức giấc, tôi thấy mẹ giở cuốn Thánh Kinh và đọc chậm rãi từng chữ, khiến tôi ngạc nhiên và mừng mừng rơi nước mắt. Nghĩ là phép lạ Chúa làm trên mẹ. Mẹ cười, giải thích là những năm gia đình sống ở Dalat, ba tôi mua sách báo nhiều, cả nhà ai cũng cắm cúi đọc nên mẹ cũng tò mò dọc thử và biết đọc, thế thôi chứ cái gì là phép lạ hả con.

Những niềm vui và tình yêu Chúa ban cho mẹ con bà cháu tôi thật êm ái, nhẹ nhàng và ấm cúng làm sao… Tôi giữ mẹ ở lại thêm nhưng mẹ đòi về vì nhớ mấy đứa cháu, sợ chúng nó đi học không có tiền ăn sáng, (sáng nào chúng cũng vào phòng bà đứng chờ, khi nào bà cho tiền mới chịu đi học) sợ con trai con dâu buồn vì bà vắng nhà lâu v.v… và sợ nhất là mấy con chuột đầu đen hay vào phòng bà lục lọi… Tôi gọi taxi, dặn dò cẩn thận, đưa mẹ về lại nhà ông anh. Niềm vui những ngày ngắn ngủi vừa qua hãy còn đầy ắp trong mẹ con tôi. Ngày nào cháu bé út cũng nhắc lại những kỷ niệm vui mà bà ngoại để lại trong lòng cháu. Nghe cháu kể về những kỷ niệm đẹp đó, tôi thấy thương cho đứa cháu của một bà chị ở hải ngoại, cháu rất thèm có bà ngoại. Nghe chị kể khi cháu bé đi mẫu giáo, thấy các bạn mình có bà ngoại hay bà nội đi đón, đươc cưng chiều, được ôm ấp yêu thương. Cháu đi học về ngày nào cũng đòi „Mama mua cho con một Oma đi“. Chị lên trường kể cho cô giáo nghe làm cô rơi nước mắt và từ đó cô chăm sóc gần gụi, thương yêu cháu hơn.

Tuần sau đó, được tin mẹ tôi vào bệnh viện. Tôi tức tốc ra thăm và ở lại trong nhà thương với mẹ. Sau ca mổ, mẹ nằm trong phòng hồi sức, hơi thở yếu ớt, môi khô, mặt hóp xuống, hốc mắt không còn thần sắc, mỗi lần cơn đau kéo đến mẹ nắm vào tay tôi, sau đó rơi ra ngay. Tôi lấy bình thủy nước nóng tẩm vào khăn, lau mặt cho mẹ luôn và đắp vào mắt cho ấm áp. Cứ ngồi bên mẹ lập đi lập lại công việc này cho mẹ được êm ái chút nào hay chút nấy. Vừa làm vừa cầu nguyện xin Chúa đưa mẹ về với Ngài cách êm ái. Tôi quá mệt, rũ rượu vì thức suốt hai ngày hai đêm bên giường mẹ… Cậu em út ở Saigon đã vào đến nơi, Thằng em út này biết thương mẹ và hay về thăm mẹ luôn, nên nghe mẹ đau ốm là cố gắng xin phép chủ hãng cho nghỉ về với mẹ ngay. Tôi gọi điện thoại báo tin cho các anh chị ở hải ngoại. Để cậu em út ở với mẹ, tôi về nhà nghỉ, muốn ngủ một giấc để lấy lại sức mà không tài nào ngủ được, chỉ nằm nhắm mắt và đầu óc thì liên miên nghĩ ngợi về sự chuẩn bị cuối đời cho mẹ.

Trời bắt đầu mưa to làm tôi nhớ kỷ niệm với mẹ hồi năm tôi mười tuổi ở trên rẫy với mẹ… nghĩ ngợi đến những nỗi lo của mẹ. Giờ đây cũng mưa to mà Chúa cho mẹ nằm yên ắng, nghỉ ngơi để đưa mẹ về bên Ngài. Tôi linh cảm vậy, nên trở dậy, lấy quần áo và đi đến bệnh viện. Nhìn mẹ nằm yên trên giường, hơi thở thoi thóp, không còn nhận biết gì nữa. Hằng ngày mẹ cầu nguyện với Thi Thiên 23: „Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì. Ngài khiến tôi nằm nghỉ trên đồng cỏ xanh tươi, đem tôi vào mé nước bình tịnh. Ngài bổ lại linh hồn tôi, dẫn tôi vào lối công bình vì cớ danh Ngài. Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi cũng chẳng sợ tai họa nào vì Chúa ở cùng tôi. Cây trượng và gậy của Chúa an ủi tôi, Chúa xức dầu cho tôi, chén tôi đầy tràn. Quả thật, trọn đời tôi, phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi, tôi sẽ ở trong nhà Đức Giêhôva cho đến lâu dài“. Mỗi khi cầu nguyện với thi thiên này, mẹ thường xin Chúa cho được chết mau chóng để khỏi làm khổ con cháu. Đúng vậy, phước hạnh và sự thương xót của Chúa sẽ ở với mẹ mãi mãi. Mẹ tôi được về với Chúa đã sáu năm rồi, mà mỗi lần nhớ mẹ là nước mắt vẫn tuôn rơi. Có nhiều đem mơ thấy mẹ gọi tôi dậy đưa mẹ đi tiểu, mỗi lần như vậy tôi nằm trần trọc mãi mới ngủ lại được.

Mẹ ơi, trưa nay con vừa nằm xuống giường, đầu óc còn mơ mơ màng màng sắp chìm vào giấc ngủ ngắn trong ngày… con liền nghe tiếng mẹ gọi con thật to: Ánh ơi!, con giật mình trỗi dậy, hỏi cô con gái út: Ai gọi mẹ  vậy hả bé?… Mẹ ơi, con yêu mẹ, con nhớ mẹ nhiều.

Elisabeth Nguyễn  (12.2017.viết cho Kim Ánh theo lời kể)

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.