VĂN HÓA

Tết Đoan Ngọ

Minh Diệu

 

Hôm nay thứ năm 22/06/2023 Dương Lịch, nhằm ngày mùng 5 tháng 5 Âm Lịch là ngày Tết Đoan Ngọ.

Theo phong tục Việt Nam, ngày mùng 5 tháng 5 Âm Lịch hàng năm là Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương, một ngày lễ truyền thống từ rất lâu đời của nhiều quốc gia Đông Á như: Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. “Đoan” là sự khởi đầu. “Ngọ” là từ 11 giờ đến 13 giờ trưa. Vậy Đoan Ngọ nghĩa là bắt đầu vào giữa trưa. Do đó việc cúng kiếng Tết Đoan Ngọ thường diễn ra trong khoảng thời gian này.

Tết Đoan Ngọ là cái tên mà người Trung Quốc gọi ngày mùng 5 tháng 5 Âm Lịch, và gắn liền với truyền thuyết về một vị quan nổi tiếng của nước Sở thời Chiến Quốc là Khuất Nguyên vì đau buồn chuyện nước non nên đã gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày này. Món bánh luôn luôn hiện diện trong ngày Tết Đoan Ngọ của Trung Quốc là bánh ú bá trạng. Theo tiếng Triều Châu, “bá” là thịt, còn “trạng” là bánh ú. Tùy theo mỗi địa phương, bánh ú bá trạng có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Riêng phần nhân bánh cũng có hương vị, màu sắc, và nhiều nguyên liệu khác biệt. Nhưng thông thường, bánh ú bá trạng sẽ gồm có: nếp, thịt heo, lạp xưởng, tôm khô, nấm đông cô, đậu phộng, đậu xanh, hạt sen, trứng muối…

  

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 Âm Lịch còn được gọi là “Tết diệt sâu bọ”, và gắn liền với sự tích ông lão Đôi Truân hướng dẫn người nông dân lập bàn cúng vào ngày này để xua đuổi sâu bọ và đảm bảo cho một mùa vụ bội thu. Món ăn đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ của người Việt là bánh ú lá tre hay còn gọi là bánh ú nước tro vì nước tro được sử dụng để làm bánh. Bánh có hình chóp tam giác, được gói bằng lá tre hoặc lá chuối. Nhưng gói bằng lá tre thì bánh sẽ có màu sắc và hương vị thơm ngon hơn. Bánh ú lá tre có độ dai dẻo của nếp, vị ngọt bùi của đậu xanh sên đường, và mùi thơm đặc trưng của lá tre. Tùy theo vùng miền, mâm cúng Tết Đoan Ngọ của người Việt thường có các món như: bánh ú lá tre, thịt vịt, cơm rượu, chè kê, chè trôi nước, bông hoa, trái cây, nhang đèn, vàng mã…

Một phong tục khác rất phổ biến của Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 Âm Lịch là treo trước cửa nhà một bó lá tươi có mùi thơm kèm theo một nhánh xương rồng. Mỗi bó lá gồm có nhiều loại lá có mùi thơm như: lá sả, lá bưởi, lá liễu, lá tre, lá ngải, lá khuynh diệp, lá ngũ trảo… Người ta tin rằng khi treo bó lá này thì sẽ trừ khử được ma quỷ, và xua đuổi côn trùng, sâu bọ xâm nhập vào nhà. Sau khi treo 1-2 ngày, thì đem bó lá thơm nấu với nước để tắm rửa hoặc xông hơi giải cảm.

Minh Diệu

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.