VĂN HÓA

Đầu năm của một người xa xứ

Trần Mộng Tú
Tôi lái xe chầm chậm đi giữa hai hàng cây, trời Tây Bắc tháng Hai dương lịch lạnh lạnh, mưa nhỏ hạt. Tôi như một hạt mưa to hơn cũng đang rơi xuống con đường trước mặt. Tôi lăn hồn mình theo bánh xe lăn.Hôm nay là ngày đầu năm Giáp Thìn, ngày mồng Một Tết, tôi sẽ bước sang một năm âm lịch mới, thêm một năm sống dưới bầu trời, sống trên mặt đất xứ người.Mưa rơi nhỏ nhưng kín cả khung kính xe, tôi vừa lái xe vừa “nhớ nhà”. Nhà đây là căn nhà xa xưa trên quê hương Việt Nam, nơi có cha mẹ, anh, chị và em gái…cùng chung sống. Chúng tôi đã sống chung như thế từ thời thơ dại cho đến khi khôn lớn, lập gia đình vẫn ở cùng một khu phố với cha mẹ, vẫn ăn cơm chiều với nhau. Hai ba căn nhà sát vách chạy qua chạy lại.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhà tan cửa nát (không, vẫn còn đấy chứ nhưng đã có người khác xông vào chiếm lấy mấy căn nhà đó rồi….) Tất cả chỉ còn là kỷ niệm, một kỷ niệm rất buồn.
Tôi vừa lái xe dưới mưa vừa ngậm ngùi thổn thức. Tôi hình dung ra mình đang trở về, đứng giữa những căn nhà đó, đang quẹt tay mình trên khuôn mặt lã chã đầy nước mắt, nói với một người xa lạ, người chủ mới:
Vâng, thưa ông bà, cha mẹ tôi chính là chủ cũ của căn nhà này, của cả ba căn nhà liền nhau này, xin ông bà cho phép tôi được đứng ở đây năm mười phút, cho tôi được khóc, được rỏ những giọt nước mắt trong nhà này. Vì căn nhà này: Nền nhà đã in dấu chân của những người thân trong gia đình tôi. Vách tường đã thu âm những tiếng cười, tiếng nói của cha mẹ và anh, chị, em chúng tôi. Cha và Mẹ của chúng tôi đã để lại bao nhiêu ký ức tốt đẹp cho chúng tôi dưới những mái nhà này. Cái cổng gỗ cũ đã thay bằng cổng khác,màu sơn cũng khác, cây trứng cá sân sau đã bị đốn đi, cái giếng dưới gốc cây tầm giuộc có bị lấp, những viên gạch trong sân có long ra thì những tiếng dội của quá khứ vẫn còn u u minh minh trong khoảng không gian này.
Mưa hình như nặng hạt hơn,và tai tôi hình như nghe thấy những tiếng thở, tiếng cười của mỗi thành viên trong gia đình. Sau bao nhiêu năm xa xứ và gần 40 năm cha mẹ chúng tôi đã qua đời, mỗi khi hình dung lại những căn nhà này, tôi thấy như tôi chưa hề mất một thứ gì (mặc dù trên thực tế gia đình chúng tôi đã mất tất cả). Người ta có thể cướp đi ngay trên tay của bạn những thứ người ta có thể nắm được, nhưng cái phần anh linh của nó thì chẳng bao giờ ai có thể sở hữu được khi nó không thuộc về họ.
Tôi lái xe đi chầm chậm dưới trời mưa Tây Bắc ngày đầu năm âm lịch. Mưa hình như nặng hạt hơn, nước mắt tôi hình như mặn hơn, những ngôi nhà bên đường rất quen thuộc mà cũng rất lạ lẫm. Gần nửa thế kỷ sống ở đây, thời gian dài hơn ở quê nhà, tôi cám ơn phần đất bao dung này, cám ơn quê hương có bờ xôi, giếng mật, đã cho chúng tôi một đời sống an bình, no đủ, đã cho chúng tôi có cơ hội nuôi nấng các con của chúng tôi, trở nên những công dân lương thiện, nhưng tôi không bao giờ nghĩ nơi này có thể thay thế quê nhà mình trong ý nghĩa trung thực của hai chữ “Quê nhà”
Mỗi năm Xuân về,Tết đến những hội họp, tưởng nhớ với chủ đề “Quê Hương” có thật sự thay thế được không? Hình như người ta tự lừa dối mình, lừa dối nhau.
Đốm nhang thắp lên chỉ làm mắt thêm cay, ngực thêm nỗi nghẹn ngào. Người ta không thể thay quê hương, cũng như không thể thay cha mẹ ruột của mình được, cuống rốn chỉ có một mà thôi. Quê hương cũng vậy, như người ta chỉ có một mẹ, một cha.
Càng là dân con của nhược tiểu, càng hãnh diện và tha thiết với quê mình.
Quê hương là cây cầu khỉ
Khẳng khiu như cánh tay Cha
Quê hương gánh hàng nặng trĩu
Mẹ về tất tả chợ xa
Quê hương là vườn măng cụt
Sầu riêng Cha giấu ngọt ngào
Tuổi thơ con ghì vú Mẹ
Võng đưa ngủ giữa ca dao
Quê hương áo bà ba trắng
Khăn lau lệ Mẹ vắt vai
Quê hương mồ hôi Cha đổ
Cho con miếng ngọt miếng bùi
Quê hương là ngôi chùa cổ
Con giấu tuổi trong tam quan
Là ngôi giáo đường in bóng
Con về trút hết gian nan
Quê hương hai mùa mưa nắng
Cho con máu đỏ da vàng
Cuống nhau chôn nơi bụi chuối
Nhắc con mãi mãi Việt Nam.
(tmt)
Những giọt mưa vẫn lã chã rơi, tôi vẫn lái xe quanh co những con đường nhỏ, mắt tôi nhòe đi theo những giọt mưa loang loang trên mặt kính. Tôi đang bước vào một năm mới, và tôi mỗi ngày một cũ đi, nhưng quê nhà xa lắc xa lơ đó vẫn buộc chặt hồn tôi bằng làn khói mỏng của những cây nhang trên bàn thờ ngày Tết.
Tháng Giêng mua hoa mua nến
Thắp nhang mời cha mẹ về
Khói hương như mây lãng đãng
Sợi nào buộc mảnh hồn quê
(tmt)
Tôi quay xe trở về, đêm qua giao thừa tôi đã rưng rưng thắp nén nhang đầu tiên trước thềm năm mới. Hôm nay mồng Một, tôi không thể cứ đi mãi trong không gian giá lạnh này để nhớ thương những kỷ niệm không bao giờ tìm lại được nữa.Tôi phải trở về, trở về thắp nhang, thắp nến, đốt mảnh hương trầm cho ngày mồng Một âm lịch, trong một nơi tôi gọi là nhà.
Cầu xin cho quê hương thật sự của tôi ở nơi xa xăm đó được mọi điều an lành tốt đẹp. Cầu xin cho phần đất bao dung tôi mãi mãi hưng thịnh, an bình.
Trần Mộng Tú
Đầu năm Giáp Thìn 2024

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Góp ý kiến