VĂN HÓA

Ba Ngày Tết Xuân Nhâm Dần

Ba Ngày Tết Xuân Nhâm Dần

Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền

Mồng Một

Xuân Về

Xuân về! Đất trời như mở hội, cỏ cây, hoa lá đâm chồi nảy lộc, chim trời reo ca, tung tăng hót vang trên những khóm hoa, nụ mầm mới hé ngậm lấy những giọt sương long lanh, thưởng thức vị ngọt trong lành của hồng ân Thiên Chúa.

Có lẽ bởi sự biến hóa kỳ diệu của mọi vạn vật vào mùa xuân nên lòng người cũng hân hoan và trao gửi cho nhau những lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho nhau.

”Mừng Tết đến, vạn lộc đến nhà nhà

Cành mai vàng, cành đào hồng thắm tươi

Chúc cụ già được sống lâu, sống thọ

Cùng con cháu sang năm lại đón Tết sang

Và kính chúc người người sẽ gặp lành

Tết sau được nhiều lộc hơn Tết nay.”

Quả thực, ngày xuân luôn mang lại cho chúng ta một niềm vui dạt dào. Ngày xuân ai cũng mong được sum vầy bên nhau, cùng  nâng ly rượu mừng chúc nhau hưởng trọn vẹn niềm vui trong ngày xuân mới. Cùng chúc nhau vạn sự như ý, chúc nhau luôn an khang thịnh vượng. Cuộc sống luôn chạy theo công việc, luôn bận rộn với tiền tài, danh vọng khiến chúng ta chẳng có giờ gần gũi người thân, thì ngày xuân ta có dịp đến  bên nhau để gắn kết tình bằng hữu, để tỏ lòng tri ân với ông bà cha mẹ, để cùng nhau hòa lên câu hát mừng xuân.

Ngày xuân chúng ta cũng không quên hướng về Đấng đã cho ta mùa xuân. Ngài là Đấng Tạo Thành. Ngài là Đấng Càn khôn đã cho con tạo xoay vần theo cung nhịp Xuân- Hạ – Thu – Đông. Ngài là Đấng tạo nên mùa xuân nên Ngài cũng tạo nên những thay đổi cho cuộc sống quanh ta thêm đẹp xinh hơn.

Xin tri ân Đấng Tạo Thành đã cho ta mùa xuân. Xin Chúa là Chúa mùa xuân chúc lành cho ngày xuân của chúng ta luôn tươi vui rộn ràng. Xin Chúa là Chúa mùa xuân ban cho chúng ta bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông muôn vàn hồng ân Chúa. Xin dâng lên Chúa bao công việc dự tính trong một năm cầu mong được mọi sự như ý. Bởi vì « nếu Chúa không phù trì thì thợ nề vất vả cũng bằng uổng công».

Nhưng người xưa còn có câu: “vô công bất thụ lộc” nghĩa là không có công thì không nhận bổng lộc. Muốn nhận được ân lộc của Chúa chỉ cần làm theo lời Mẹ Maria xưa đã nói với các gia nhân trong tiệc cưới Cana. “Người bảo gì anh em hãy làm như vậy”.

Xin Chúa là Đấng đã làm cho con tạo xoay vần xin cũng gìn giữ chở che cuộc đời chúng ta một năm bình an. Xin cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe lời Chúa, biết mang ra thực hành để nhờ đời sống theo thánh ý Chúa mà chúng ta được nhận lãnh vô vàn ơn lộc của Chúa. Amen

https://www.youtube.com/watch?v=Sfx24LtFJWM

Mồng Hai

Đừng đợi

Cuộc đời này, biết bao người đã thua ở một chữ “đợi”. Đợi đến một ngày nào đó, đợi tương lai, đợi đến khi hết bận, đợi lần sau, đợi khi có thời gian, đợi khi có điều kiện, đợi khi có đủ tiền, đợi đến khi thời thanh xuân trôi qua, đợi đến khi không còn cơ hội, đợi đến khi không còn lựa chọn… Chẳng ai biết trước được tương lai sẽ ra sao, có nhiều việc đợi sẽ thành mãi mãi… đừng để bản thân có quá nhiều nuối tiếc.

Ở đời người ta nói có 5 điều không thể chờ đợi:

– Nghèo khó không thể đợi, bởi vì thời gian lâu rồi, bạn sẽ chết vì đói.

– Khỏe mạnh không thể đợi, bởi vì thân thể một khi suy kiệt rồi, hết thảy mọi thứ đều vô nghĩa.

– Giáo dục không thể đợi, bởi vì cây non mà xiêu vẹo, thì khi trưởng thành rất khó để uốn nắn.

– Hiếu kính không thể đợi, bởi vì cha mẹ mất rồi, muốn hiếu kính cũng chẳng còn cơ hội.

– Thời gian không thể đợi, bởi thời gian trôi qua, có nhiều tiền nữa cũng không mua lại được.

Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà chúng ta khó có thể lường trước. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, chỉ thoáng chốc thôi là sinh mệnh đã trở về với đất. Cuộc sống này ngắn ngủi là vậy!

Ngày xuân ta chúc cho người đang sống được bình an khỏe mạnh. Ta cũng nhớ đến những người đã chết. Thế nên, ngày xuân người Việt thường có thói quen ra viếng phần mộ của tổ tiên, của những người thân đã qua đời. Và mỗi khi:

Đứng bên những ngôi mộ

Nghiền ngẫm cuộc đời mình

Tưởng nhớ người quá cố

Ta thấy đời phù vân.

Đọc tên người trên mộ

Chợt như thấy tên mình

Mai này ra thiên cổ

Đi vào cõi lặng thinh.

Cầu cho người trong mộ

Là cầu cho chính mình

Hôm nay Mồng Hai tết chúng ta hãy nhớ tới cách đặc biệt là ông bà, cha mẹ, tổ tiên củachúng ta. Đây là dịp để con cái tri ân công ơn trời bể của cha mẹ. Cuộc đời chúng ta được dệt nên từ những giọt mồ hôi lao công vất vả của ông bà cha mẹ. Các ngài đã hy sinh một nắng hai sương cho cuộc đời ta tươi vui, hạnh phúc. Công ơn của các ngài thật lớn lao, lớn lao đến nỗi ca dao cũng từng nói:

 “Công cha như núi Thái Sơn.

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha.

Cho tròn Chữ Hiếu mới là Đạo con”

Lời ca dao thật đơn sơ, mộc mạc nhưng biểu lộ một giá trị bất hủ của Đạo hiếu trong lòng người Việt Nam. Điểm nổi bật của lòng hiếu nghĩa là lòng biết ơn và sống báo đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Hiếu nghĩa khi còn ở với cha mẹ thì vâng lời kính yêu các ngài. Hiếu nghĩa khi ở xa thì luôn biết thăm hỏi, dành đồng quà tấm bánh cho các ngài. Hiếu nghĩa cả khi các ngài qua đời thì cầu kinh dâng lễ.

Giáo huấn của Chúa cũng dạy rằng: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi…” (Xh 20,12); Theo Sách Huấn Ca, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đem lại nhiều lợi ích: được đền bù tội lỗi, được con cháu báo hiếu, và khi cầu xin sẽ được Chúa nhận lời.

Trong tâm tình ấy chúng ta cùng mượn lời kinh nguyện Thánh Thể để cầu nguyện cho các bậc tiền nhân của chúng ta hôm nay: “Lạy Chúa, xin nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa. Xin cho các linh hồn ấy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa” (KNTT). Amen

https://www.youtube.com/watch?v=KnQmd4qNo4I

Mồng Ba

Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm

Mang Gì Về Cho Mẹ?

Khi những cánh hoa đua nhau khoe sắc khắp không gian là báo hiệu một mùa xuân mới lại về. Đây là lúc những người con xa quê, xa cha mẹ lại háo hức tìm kiếm, chọn lựa để mang gì về cho mẹ trong dịp tết cổ truyền.

Có lẽ vì thế mà Bài hát “Mang tiền về cho mẹ” đã trở thành một câu nói cửa miệng của nhiều bạn trẻ hôm nay.

“Mang tiền về cho mẹ

Mang tiền về cho mẹ

Mang tiền về cho mẹ

Đừng mang ưu phiền về cho mẹ

“Tiền” ở đây là minh chứng đứa con đã trưởng thành, có khả năng tự làm ra tiền và tự nuôi sống bản thân, thế nên, mẹ hãy yên tâm về con. Và giả dụ như năm nay làm ăn thất bại thì ít nhất concũng đừng mang ưu phiền về cho mẹ.

Lời hát là lời tự bạch của con kể về những hy sinh của mẹ đã làm nên cuộc đời con:

“Ôi những ngày xám ngoét, gió liêu xiêu dáng mẹ gầy so.

Có khi mẹ ngất giữa đường vì cả ngày chẳng có gì no.

Mẹ không dám ăn, không dám mặc, không dám tiêu cũng chỉ vì lo cho con”.

Và tình mẹ thì vĩnh cửu nên cho dù thành đạt ra sao, dù “Bước ra đời là ông này bà nọ, trở về nhà vẫn là một đứa con ngoan”. Khi con nổi tiếng và có chỗ đứng trong xã hội thì cũng không quên lời mẹ dạy, phải luôn là một công dân tốt và là người lương thiện. Con của ngày hôm nay chính là được xây dựng từ những yêu thương, quan tâm và những lời mẹ dạy.

“Mang tiền về cho mẹ” còn như là một lời nhắc nhẹ nhàng dành cho những đứa con xa quê là “sắp đến Tết rồi, về nhà đi thôi”. Một năm trôi qua với bao nhiêu phiền muộn, cảm xúc, giờ là lúc vứt bỏ hết mọi ưu phiền để trở về quây quần bên gia đình.

Qủa thực, năm nay nhiều người có lẽ không thể mang tiền về cho mẹ. Đại dịch dẫn đến phong tỏa kéo dài. Không được đi làm. Mất nguồn thu lại chi phí tăng cao. Có người hao hụt kinh tế. Có người nợ chồng chất vì làm ăn thất bại. Có người tan gia bạn sản. Vì thế, chỉ cầu mong không  mang ưu phiền về cho gia đình là hạnh phúc rồi!

Hôm nay Mồng Ba Tết. Ngày xin ơn Chúa thánh hóa công ăn việc làm. Chúng ta tin rằng mọi sự đều cần phải nhờ ơn trên phù giúp, chúc phúc. Bởi vì:  “Nếu Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng bằng uổng công”. Kinh nghiệm người xưa cũng nói: “Mưu sự tại nhân – Thành sự tại Thiên”.

Trong 2 năm qua chỉ vì một con virus nhỏ bé thế mà đã làm sụp đổ nhiều nền kinh tế, nó làm trì trệ biết bao công việc, nó phá vỡ biết bao dự định và kế hoạch của con người.

Thế nên, việc cầu Trời, khấn Trời dù ở khung trời văn minh hay chốn hồng hoang vẫn là cần thiết. Con người luôn bất lực trước sức mạnh của sự dữ. Con người như cảm thấy mình quả nhỏ bé so với vạn vật được tạo thành. Sự khiêm tốn đòi hỏi con người phải cần đến sự trợ giúp và chúc lành của Đấng Tạo Thành.

Và với lòng khiêm tốn, Xin Chúa là Đấng quyền năng chúc lành cho công việc của chúng ta từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Xin Chúa ban cho một năm mưa thuận gió hòa, thế thài bình an, người người vui mừng vì nhìn thấy thành quả do công mình làm ra được Thiên Chúa chúc phúc. Amen

Xuân Nhâm Dần

2022

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

https://www.youtube.com/watch?v=-ahlhXH5I-c

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.