TÔN GIÁO

Thánh Thần Nguồn Ân Sủng


Hạt Cát

Trong tông thư “Tiến đến thiên niên kỷ thứ III”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết: “Trong những hành động hàng đầu phải làm để chuẩn bị cho Năm Toàn Xá, chúng ta phải tái khám phá sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần”.

Thật vậy, vì dù như làn mi luôn sát kề để che chở, bảo vệ đôi mắt, nhưng đôi mắt lại không thể nhìn thấy làn mi. Không thấy thì dễ bị lãng quên, mặc dù đôi khi có nhớ tới. Cho nên, phải không ngừng tái khám phá.

Chúa Thánh Thần không chỉ sát kề bên ta, nhưng Người còn bao phủ lấy ta, thấm nhập tận thẳm cung linh hồn ta để yêu thương, ban ơn và chỉ vẽ cho ta biết lối về trời.

Nhưng Chúa Thánh Thần là Thần Khí, nên chúng ta không thể chạm tới, không thể nhìn thấy. Dẫu vậy, chúng ta vẫn có thể cảm được Người, nếu chúng ta biết rũ bỏ những bận rộn, xôn xao của cuộc sống, để trở về với lòng mình trong cô tịch mà cầu nguyện, mà rà cho được làn sóng ân điển bề ngoài có vẻ phẳng lặng, nhưng vô cùng mãnh liệt của Chúa Thánh Thần đang tác động trong ta.

Thực tại là mỗi công việc của Thiên Chúa đều là công việc của chung Ba Ngôi, từ việc tạo dựng vũ trụ, cứu chuộc, thánh hoá… Nhưng vì có những công việc làm liên tưởng đến một trong ba ngôi vị hơn, nên được qui công việc đó cho ngôi vị đó: Chúa Cha Đấng Tạo Dựng, Chúa Con Đấng Cứu Thế, Chúa Thánh Thần Đấng Bảo Vê, Thánh Hoá.

“Đồng thời, với tư cách một Đấng đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con về thiên tính, Chúa Thánh Thần là Tình Yêu và Ân Huệ bất thụ tạo, từ nơi Người phát xuất nguồn mạch mọi ân huệ cho các thụ tạo: Ơn hiện hữu cho mọi tạo vật nhờ sự tạo dựng, ơn sủng cho loài người nhờ toàn bộ nhiệm cục cứu độ như Thánh Phaolô Tông Đồ viết: ‘Thiên Chúa đã đổ Tình Yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta [G.P II: Tông thư về Chúa Thánh Thần].

Từ biến cố Ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã khai sinh ra Giáo Hội. Tới nay đã trên 2000 năm, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động, thúc đẩy, củng cố, bảo vệ Giáo Hội bằng quyền năng và ơn thánh. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội là bảo chứng cho lời hứa của Chúa Giesu khi Ngài tiên báo về Giáo Hội Ngài sẽ thành lập: “Cửa hoả ngục cũng không thắng được,” vì thực ra “Theo một nghĩa nào đó, Giáo Hội vẫn chưa bao giờ ra khỏi Nhà Tiệc Ly” (id).

Cũng trong Nhà Tiệc Ly này, ở bữa ăn cuối cùng, Chúa Giesu hứa sai Chúa Thánh Thần đến để “Ngài sẽ hướng dẫn các con trong sự thật”. Cho nên, Giáo Hội vững tâm ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân, bắt đầu với bài giảng đầu tiên của Phêrô, vị Tông Đồ đã một lần ngã thật đau vì chối thày đến 3 lần, trước mặt không phải quan án mà chỉ là con hầu ‘tôi không biết người này là ai’; Vị Tông Đồ mà “xét như một con người, Phêrô đã tỏ ra không đủ khả năng đi theo Chúa Kytô khắp nơi và nhất là cho tới chỗ chết” (GP II: Bước Vào Ngưỡng Cửa Hy Vọng); Vị Tông Đồ đã một lần ‘xúi dại’ thày đừng lên Giêrusalem, đã ‘can đảm’ vung dao chém đứt tai tên đầy tớ vị Thượng Tế, nhưng khi thấy thày không tỏ uy quyền gì nữa, liền vứt dao chạy thục mạng, để lại thày một mình bên đoàn người cuồng nộ; Vị Tông Đồ khi chạm được ánh mắt từ nhân của thày liền tỉnh ngộ và ôm mặt khóc lóc thảm thiết, nhưng vẫn không đủ can đảm đứng ra nói bênh đỡ cho thày được một lời, mà chỉ lặng lẽ rút lui về nhà, khóa chặt cửa, sợ bị liên lụy vì thày!

Nhưng Chúa Giesu vẫn tín nhiệm Phêrô. Chúa nhìn thấy nơi Phêrô không chỉ những yếu hèn, mà còn lòng nhiệt thành. Tại bữa Tiệc Ly, Chúa đã cảnh giác Phêrô và sẵn sàng tha thứ: “Vậy khi con trở lại rồi, hãy làm cho anh em con nên vững mạnh” (Lc. 22:32).

“Đúng thế, những gì sau này không tuỳ thuộc vào Phêrô và sức mạnh con người của ông mà thôi, từ nay, mọi sự sẽ ở tại Chúa Thánh Thần mà Chúa  Kytô đã hứa ban cho vị đại diện Ngài trên mặt đất này” (GP II: Bước Vào Ngưỡng Cửa Hy Vọng). Bằng vào bảo chứng đó, Giáo Hội bảo đảm được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, không để bị rơi vào sai lầm khi Giáo Hội phổ biến điều Chúa truyền dạy, hay những hướng dẫn về những vấn đề thuộc lãnh vực giáo lý và luân lý. Ơn này được gọi là ơn vô ngộ, một cớ cho sự vấp phạm và ra đi khỏi Giáo Hội của nhiều người.

Vì “Giáo Hội chưa bao giờ dời khỏi Nhà Tiệc Ly”. Giáo Hội vẫn luôn chuyên cần nguyện cầu, cho nên “luồng gió Ngày Lễ Ngũ Tuần” vẫn thổi dồi dào, phong phú vào tim phổi Giáo Hội, để Giáo Hội được sống và sống sung mãn mãi, dù có phải đối đầu với sức tấn công vũ bão của quyền lực Hoả  Ngục và bày tôi.

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến và từ trời toả ánh quang minh của Ngài ra…”

Lời cầu nguyện trong Ca Tiếp Liên Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là một thâu tóm mọi tình huống của cuộc sống con người nơi dương thế, khi vui cũng như lúc buồn, may mắn cũng như hoạn nạn, đang có ân nghĩa với Chúa hay đắm chìm trong tội lỗi, và lúc nào luồng gió Thần Khí vẫn bao phủ lấy ta. Có điều ta có sẵn lòng mở cửa tâm hồn để đón nhận, hay khoá chặt cửa lòng lại, để rồi mỏi mòn trong chơi vơi, chao đảo.

Thánh Phaolô nói: “Nơi đâu tội lỗi lan tràn, thì Ơn Sủng đã tràn ngập hơn”. Câu này có thể được hiểu: Nếu trong khi chúng ta còn đang sống trong tội, Đấng ban Sự Sống và Ân Sủng đã không bỏ rơi chúng ta trong sự chết, nhưng Người còn hoạt động mạnh hơn, để Tình Yêu và Ơn Phúc của Người luôn cao vượt trên mọi núi đồi tội lỗi của chúng ta. Điều này không cho phép chúng ta được ở lì mãi trong tội lỗi, tuyệt vọng, để chối bỏ Ơn Cứu Chuộc của Chúa Kytô qua sự hiện diện quyền năng, yêu thương của Chúa Thánh Thần, tự ném mình vào khoảng trống vô nghĩa, vô tận. Tội này được Chúa Giesu gọi là tội phạm đến Chúa Thánh Thần, và là tội duy nhất không được tha.

Thánh Toma Aquino giải thích: “Đó là một tội tự bản chất không thể tha thứ được, bởi vì nó loại bỏ các yếu tố nhờ đó mà tội được tha”.

Như thế, tội phạm đến Chúa Thánh Thần “là tội từ khước triệt để ơn tha thứ mà Người là Đấng ban phát thầm kín. Ơn ấy đòi hỏi có trước một sự hoán cải đích thực trong lương tâm”.

Vậy chúng ta hãy thành tâm hoán cải và trở về với lòng mình để tái khám phá sự hiện diện huyền diệu và tác động mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần trong ta, để khỏi rơi vào tình huống đáng buồn “gần nhà xa ngõ” của cặp mắt đối với làn mi.

Hạt cát

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.