Thánh Mẫu

KÍNH CHÀO NỮ VƯƠNG RẤT THÁNH. Chương 6

Chuyển ngữ: Trần Mỹ Duyệt

NHỮNG GÌ VỀ CÁC NGƯỜI CON?

HOÀNG HẬU

VÀ HOÀNG TỘC

Đây có thể là điều vui mừng để tìm ra Đức Maria thực sự là ai. Cùng lúc, đối với một số người, những việc này có thể là quá lớn lao – ngay cả không chấp nhận. Nếu Người là Hòm Bia mới của giao ước, thì cũng như Hòm Bia cũ, Người đòi hỏi sự tôn kính đặc biệt của chúng ta. Theo lời cầu của Thánh Methodius với Thánh Nữ Đồng Trinh ở thế kỷ thứ ba:

Thiên Chúa đã đặt vinh dự như thế trên Hòm Bia, là hình ảnh và đặc trưng sự thánh thiện của anh em, mà không ai ngoại trừ các tư tế có thể đến gần để mở hoặc tiến lại chiêm ngưỡng. Bức màn ngăn cách nó, ngăn cách tiền đình như ngăn cách một hoàng hậu. Vậy chúng con phải tôn sùng như thế nào, những con người tạo vật nhỏ bé nhất, mang ơn Người, Đấng thực sự là Hoàng Hậu – với Người, Hòm Bia sống động của Thiên Chúa, Đấng Ban Phát Luật – với Người, chỉ thiên đàng đó chứa nổi Ngài, Đấng không ai có thể chứa nổi?

Như một hoàng thân quốc thích, Đức Maria có thể được xem như nối kết chúng ta, những người làm công, những người không mang một danh phận cao sang nào, những người khó lòng để phân biệt với đám đông những kẻ phục vụ trong hoàng cung. Làm cách nào chúng ta, khoác lên người bộ áo rách rưới vì tội lỗi có thể đến gần với Đức Maria, Người không mang tỳ vết tội khiên đang ngự trên ngai vinh quang?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhận ra khía cạnh thần học và tu đức tiềm ẩn bên trong. Nó không phải là một hình ảnh tầm thường về Đức Maria. Người là, trên tất cả, vô tội và thuộc hàng vua chúa. Hơn thế nữa, sự sợ hãi này đối với Maria – điều xem như quá bình thường ngay cả trong các Kitô hữu – biểu lộ hình ảnh sai lầm của chính nó. Hơn nữa, nó mặc khải một vấn đề sâu xa hơn trong cách thức chúng ta đón nhận Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô. Vì theo Tin Mừng, mặc dù nếu chúng ta ăn mặc rách rưới như những người nghèo khó, chúng ta vẫn có dòng máu vương giả chảy trong huyết mạch.

Liên Hệ Hoàng Tộc

Sự thật tại tâm điểm của Phúc Âm là gì? Giáo Hoàng Lêô Cả đã tóm lược cho chúng ta: “Đây là một tặng ân trội vượt trên tất cả: Thiên Chúa mời gọi con người làm con của Ngài, và con người gọi Thiên Chúa là ‘Cha’”.

Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Điều này không phải là một câu nói hàm ý, cũng không phải là một châm ngôn sống. Nó là một sự thật còn hơn chiếc ghế mà bạn đang ngồi trên đó. Khi chúng ta nhận Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được gắn bó nhờ giao ước của Máu Chúa Kitô trong gia đình của Thiên Chúa. Từ giây phút đó, chúng ta được nâng lên để chia sẻ sự sống đời đời của Ba Ngôi Thiên Chúa. Hãy lắng nghe Thánh Gioan khi nói về mầu nhiệm này trong Phúc Âm: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3:1). Sau nhiều thập niên rao truyền Phúc Âm, Thánh Gioan dường như vẫn còn kinh ngạc khi nghe chính mình nói những lời này: “chúng ta đáng được gọi là con Thiên Chúa.” Vậy hãy tưởng tượng xem sự ngạc nhiên của vị rao giảng Phúc Âm khi lần đầu nghe những lời Chúa Giêsu nói về sự phục sinh của Ngài: “Ta lên cùng Cha Ta và Cha các con, cùng Thiên Chúa của Ta và Thiên Chúa của các con” (Ga 20:17).

Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta trở nên “những người con của Người Con”. Những Kitô hữu từ xưa đã dám gọi hành động này là thần linh hóa. “Con của Thiên Chúa trở nên con của con người”, thánh Athanasiô nói, “nhờ thế, những con cái của con người trở nên những con cái của Thiên Chúa”. Sau hơn hai ngàn năm, chúng ta cần – ngay bây giờ – phục hồi cảm giác ban đầu của Giáo Hội về sự hiểu biết, ngỡ ngàng, và biết ơn đối với hồng ân xuất phát từ trung tâm ơn cứu độ của chúng ta.

Vì chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Đây là yếu tố nền tảng và tâm điểm về ơn cứu độ của chúng ta. Chúng ta không chỉ được tha thứ; chúng ta còn được nhận làm dưỡng tử bởi Thiên Chúa như là những người con trai và con gái của Ngài. Đó là một thế giới khác biệt giữa hai quan điểm về cứu độ và công chính. Hãy suy nghĩ điều này bằng những từ ngữ thông thường: Bạn có thể tha thứ cho người thợ máy nếu ông ta đòi tiền công quá mức, nhưng không phải, vì sự tha thứ ấy, mà bạn sẽ nhận ông ta làm nghĩa tử. Nhưng đó lại là điều Thiên Chúa đã làm. Ngài đã tha thứ tội lỗi chúng ta nhờ đó chúng ta có thể tìm được căn nhà sau cùng trong gia đình chúng ta gọi là Ba Ngôi Thiên Chúa.

Chúng ta là con cái Thiên Chúa, nhờ ân sủng, chúng ta được nhận vào gia đình của Ngài. Sự thật này, các nhà thần học gọi là quan hệ cha con với Thiên Chúa (divine filiation), nó xuất hiện trong Tân Ước, qua những tài liệu tín lý của Giáo Hội, và từng phần của toàn hệ thống thần học. Quan hệ cha con với Thiên Chúa là cầu chứng của sự hiểu biết Công Giáo một cách chính xác về Phúc Âm. Tiếp đến, quan hệ cha con với Thiên Chúa bao gồm một từ ngữ mà có lẽ hầu hết người Công Giáo không hay biết – mặc dù đó là sự thật mà họ không thể sống nếu không có nó.

Ơn cứu độ, vì thế, không chỉ thoát khỏi tội, nhưng còn đối với vai trò làm con – vai trò làm con Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Chúng ta không chỉ được tha thứ bởi ân sủng Thiên Chúa; chúng ta được nhận làm nghĩa tử, được thiên-chúa-hóa. Có nghĩa là, chúng ta “trở nên kẻ thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1:4). Từ ban đầu, đó là sự sống mà Thiên Chúa đã tạo dựng con người. Tội của Adong và Evà không phải họ ước muốn sự sống của Thiên Chúa, nhưng là muốn thiên-chúa-hóa mà không cần Thiên Chúa.

Đúng vậy, thánh ý Thiên Chúa cũng đã từ từ được thể hiện. Theo Công Đồng Trent, sự công chính của một tội nhân là “một biến đổi từ trạng thái trong đó con người được sinh ra làm con cái Adong đầu tiên, sang trạng thái ân sủng và “dưỡng tử của những người con” (Rm 8:15) của Thiên Chúa qua Adong thứ hai – Chúa Giêsu Kitô – Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.” Sự công chính, theo sách Giáo Lý, “bao gồm cả chiến thắng trên sự chết gây ra bởi tội và việc tham dự mới trong ân sủng. Nó mang lại vai trò nghĩa tử trong quan hệ cha con với Thiên Chúa, nhờ đó mà con người trở nên anh em của Chúa Kitô… Chúng ta là anh em không do tự nhiên, nhưng nhờ tặng ân của ân sủng, bởi vì vai trò nghĩa tử trong quan hệ cha con với Thiên Chúa này đem lại cho chúng ta sự chia sẻ thật sự đời sống của Người Con duy nhất, mà nó được mặc khải đầy đủ trong Phục Sinh của Ngài” (số 654).

Thích Hợp Với Một Hoàng Đế

Đây là nguồn gốc của gia phả hoàng tộc của chúng ta. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa do bởi lý lịch gần gũi của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, chúng ta không thể có cách nào gần gũi nào hơn với Ngài ngoài bí tích Thanh Tẩy. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã diễn tả nó như thế này: “Ra khỏi nước của giếng nước rửa tội, tất cả mọi Kitô hữu nghe lại tiếng mà nhiều người đã nghe trên bờ sông Giođan: ‘Con là Con yêu dấu của Ta; Ta hài lòng về Con” (Lc 3:22). Chúng ta được nhận diện một cách gần gũi với Chúa Giêsu đến nỗi Thánh Augustinô có thể nói, “Mọi người trở nên một trong Chúa Kitô, và sự hiệp nhất của các Kitô hữu tiếp tục nhờ một người.” Augustinô tiếp tục giải thích rằng, được nhận ra với Chúa Kitô, chúng ta cũng chia sẻ ba sứ vụ với Ngài là tư tế, tiên tri và vương giả” (x. 1 Pt 2:9).

Chia sẻ vương quyền của Ngài, chúng ta cũng chia sẻ tất cả mọi sự, bao gồm Thân Mẫu của Ngài. Hãy đọc cẩn thận những gì Thánh Giáo Hoàng Piô X đã nói về vấn đề này:

Phải chăng Đức Maria không là Mẹ của Đức Kitô? Nếu vậy, Người cũng không phải là Mẹ của chúng ta nữa. Và chúng ta phải thật sự công nhận rằng Chúa Kitô, Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, cũng là Đấng Cứu Độ của nhân loại. Ngài có thân xác thể lý giống như bất cứ người nào: và một lần nữa như Đấng Cứu Độ của gia đình nhân loại. Ngài có một thân thể huyền nhiệm và thần linh, một xã hội, có thể nói, của những người tin vào Chúa Kitô. “Chúng ta tuy nhiều, nhưng là một thân thể duy nhất trong Chúa Kitô” (Rm 12:5). Giờ đây, Thánh Nữ Đồng Trinh không mang thai Người Con Muôn Thuở của Thiên Chúa không chỉ để Ngài có thể trở thành người mang hình hài nhân loại của Ngài từ Người, mà còn để qua phương tiện tự nhiên ấy được nhận lấy từ Người, Ngài có thể trở nên Đấng Cứu Chuộc con người. Vì đó là lý do thiên sứ đã nói với các mục đồng: “Hôm nay Đấng Cứu Thế là Đức Kitô đã sinh ra cho các ngươi” (Lc 2:11). Vì thế, trong cùng một chồi thánh thiện của người mẹ rất trinh trong, Chúa Kitô đã mặc lấy thân xác của Ngài, và hiệp nhất với mình qua thân xác thần linh đã được hình thành bởi những ai tin vào Ngài. Vì Đức Maria, cưu mang Chúa Cứu Thế trong dạ mình, cũng cưu mang những ai mà đời sống họ cũng bao gồm sự sống của Đấng Cứu Thế. Vì vậy, tất cả chúng ta những người hiệp nhất trong Chúa Kitô, và như Thánh Tông Đồ đã nói, là chi thể của thân thể Ngài, của máu thịt và của xương Ngài” (Ep 5:30), đã được phát sinh trong dạ Đức Maria giống như một thân thể được hiệp nhất với đầu. Từ đây, qua một cách thức thần linh và mầu nhiệm ấy, chúng ta tất cả là những người con của Đức Maria, và Người là Mẹ của chúng ta hết thảy.

Ở đây, Thánh Giáo Hoàng Piô vang vọng lời dạy mà đã có từ thời Thánh Irênê (vị Thánh mà chúng ta đã thảo luận ở chương 2), và cũng vậy, giống như chính Tông Đồ Gioan. Hãy nhớ rằng, Thánh Irênê trình bày việc hạ sinh của Chúa Giêsu như “Đấng tinh tuyền khai mở một cách tinh tuyền để từ dạ tinh tuyền tái sinh con người trong Thiên Chúa”.

Chúng ta được trở thành anh chị em của Chúa Kitô – adelphos, “từ cùng một dạ”. Vì thế, chúng ta có thể một cách tự tin đến gần hoàng hậu thiên đàng chứ không phải chỉ vì Người hạ cố, trong lòng thương xót lớn lao, nghe lời chúng ta, nhưng bởi vì chúng ta là con của Người, của hoàng tộc, của dòng máu quí tộc. Chúng ta có thể đến với Người không chỉ vì Người là Mẫu Hậu của Chúa Kitô nhưng cũng là Mẹ của chúng ta.

(Còn tiếp)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.