Tâm lý xã hội

Nếu còn kiếp sau

Võ Thúy Lan

(Một chinh phụ)

 

Tôi kết hôn với anh sau ba năm quen biết và yêu thương nhau, những tưởng làm vợ lính sẽ tràn đầy bao điều mộng mơ như những bản tình ca, đọc được những lá thư viết từ chiến trường đầy ắp những lời nhung nhớ thiết tha. Nhưng không phải, chỉ có năm ngày ái ân mặn nồng sau ngày cưới là anh bỏ tôi lại với gia đình anh để vội vã lên Pleiku nhận đơn vị mới, một chi đoàn chiến xa M48, còn tôi ở lại với tâm trạng của một người con gái lần đầu xa nhà, xa ba má và một đám em lúc nào cũng tíu tít bên người chị cả.

Tôi có công việc ở phòng thuốc của Bệnh Viện Toàn Khoa Đà Nẵng, việc đi thăm chồng không phải muốn đi là được, chờ một tờ giấy phép đã khó, có khi đến nơi là hậu cứ của đơn vị thì chi đoàn của anh đã nằm trong khu vực hành quân, một địa điểm với những cái tên lạ quắc: Chư Prong, Chư Pao, Đakrang… Đã có lần tôi lên Pleiku phải sống đơn lẻ vì đơn vị anh đang phải từng ngày lấn đất giành dân trong thời gian sắp thi hành Hiệp định Paris, một hiệp định ngưng bắn mà bên ta chịu thiệt, phải nói chuyện ngang hàng với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, chờ đến hai tuần cũng chưa gặp mặt chồng, tôi nóng lòng nên theo một chuyến tiếp tế từ hậu cứ đến Quận Phú Nhơn trên quốc lộ 14 từ Pleiku đi Ban Mê Thuột, đoàn xe toàn M548 chở xăng dầu, đạn dược và thực phẩm tiếp tế cho Chi Đoàn, đến khu vực nguy hiểm, đoàn xe xích rời đường nhựa và băng rừng, chưa di chuyển được bao lâu thì chiếc xe đầu bị mìn, tiếng nổ làm tôi và các chị vợ lính khiếp vía, toán lính theo xe đồng loạt bắn vào rừng, chưa biết có quân bên kia hay không mà lần đầu nghe tiếng súng nổ quanh mình tôi run và sợ đến muốn ngất đi, anh Trung sĩ tiếp liệu đi lại bên tôi nói: Đại bàng sắp tới, chị đừng lo! Tôi còn đang chưa hiểu cái gì là đại bàng thì đã nghe tiếng xích xe ầm ầm chạy tới, sáu chiếc chiến xa M48 lần lượt ngừng hai bên đường bố trí lại, chồng tôi trên xe nhảy xuống, chạy lại ôm chặt tôi, tôi ngất ngây trong cái hạnh phúc mà đã bao ngày mong đợi.

Tôi ở đây với chồng mươi ngày mà chi đoàn của anh phải hoạt động nhiều nơi, lúc phải di chuyển xuống gần Ban Mê Thuột, lúc phải vào quận Thanh An, tôi cũng hòa mình cùng anh, cùng đoàn quân, khoác áo trận, đeo súng, lên xuống chiến xa, đêm nằm võng treo tòn teng trong M113, lúc ăn cơm sấy, lúc được vào chợ Thanh An ăn tô hủ tiếu, những bạn hàng bán ở chợ nhìn một cô gái trẻ đi cùng chồng là quân nhân, chịu cực chịu khổ, không biết họ khâm phục hay họ thương cảm đây!

Lấy chồng chiến binh là những ngày chịu đựng nỗi nhung nhớ, sự lo lắng, là một chuỗi những rượt đuổi tung tích chồng, chàng trên Pleiku nàng ở Đà Nẵng, vì muốn sống gần chồng nàng chuyển công tác lên Pleiku thì anh ta lại về Biên Hòa. Tôi đã phải bỏ công việc ở bệnh viện Pleiku khi có con gái đầu lòng. Chiến sự ngày càng khốc liệt khi đoàn quân của phía Bắc đã đánh nhiều nơi gần Sài Gòn, trong một trận đánh giải tỏa cho một căn cứ ở quận Bến Cát, chồng tôi đã bị thương nơi tay, anh phải bó bột chín tháng rồi sau đó trở lại đơn vị vào tháng 2/75. Tôi có thêm một đứa con gái trong những ngày anh dưỡng thương ở nhà.

Cái ngày 30/4 tang tóc đã đến với toàn dân miền Nam, tôi hụt hẫng khi nghe tiếng kêu gọi toàn thể binh lính buông súng đầu hàng của ông Tổng Thống Dương Văn Minh. “Hết rồi” tôi la lên, tôi giận ông Minh một nhưng giận ông chồng tôi mười, mấy ngày trước, khi chồng tôi chuẩn bị để lên Biên Hòa trình diện Lữ Đoàn III Kỵ Binh, tôi khuyên anh ở lại nhà để cùng đi ra nước ngoài trên chiếc tàu đánh cá của gia đình, anh đã nói: Anh không thể bỏ đơn vị trong lúc này!. Nói rồi anh đành đoạn ra đi, tôi tan nát cả cõi lòng.

Anh vào tù, tôi cùng hai đứa con nhỏ lao vào cái xã hội đang hồi điên loạn, bên thắng trận tràn vào cướp sạch bằng mọi phương thức, đổi tiền và đánh tư sản, cả miền Nam sống trong cơn sốt, “cỏ cây khóc, gió than van”, nhà nhà đều nghĩ đến chuyện vượt biên, đi tìm tự do trong cơn thét gào của biển.

Sài Gòn đã đổi tên, thành phố vốn có tên là Hòn Ngọc Viễn Đông bây giờ có tên là cái xác chết! Ông chồng tôi vào tù, mang theo tiền ăn 30 ngày đến nay ba tháng vẫn chưa có tin, tôi chạy đôn chạy đáo đi dò la tin tức, có người quen làm rẫy ở Long Khánh thấy có đám người mặc quần áo lính VNCH đang bị dẫn đi lao động, tôi bèn lên Long Khánh kiếm, kết quả như mò kim đáy biển, chồng không thấy chỉ thấy một số chị em cũng cảnh ngộ như tôi, cũng tay xách vài món ăn cho chồng, cũng mỏi mệt như nhau, bơ phờ như nhau, chỉ còn một chút cái dáng dấp, cái sắc đẹp truyền thống của đàn bà miền Nam nói chung và của những bà vợ sĩ quan chế độ cũ nói riêng.

Tháng 6/79 lần đầu tiên tôi được tin chồng, anh đang ở một trại tù trên đất Bắc -Trại K5 Vĩnh Phú, tôi nhờ một người bà con từng tập kết mua giùm cái vé máy bay trị giá một cây vàng lúc đó để ra Hà Nội, từ đó hết xe lửa đến qua phà, đi bộ mới đến trại giam anh, một đêm thức cùng các chị em cũng đến thăm chồng, nấu nướng các món ăn để sáng hôm sau cho chồng mang vào trại ăn dần.

Tôi không thể nhận ra anh khi có một anh công an dẫn sáu người tù đi vào nhà thăm nuôi, đến khi anh bước đến trước tôi và gọi tiếng “Em”. Tôi bật khóc khi thấy hình hài rất khác của chồng tôi, cái gọi là khoan hồng của “Cách mạng” đã khiến chồng tôi biến thành tàn tạ như vậy sao? Lúc này tôi đã thấy anh chống tay lên đầu gối mới bước lên được cái tam cấp vào nhà, mười lăm phút sau, anh cán bộ buộc chúng tôi đứng lên và họ đưa những người tù vào trại.

Tôi quyết định mua thêm sữa bột và đường trở lên Vĩnh Phú một lần nữa sau khi về đến Hà Nội.

Thăm nuôi chồng trong tù không phải là chuyện dễ dàng, đào đâu ra tiền khi phải lo thêm cho ba má và đám em tám chín đứa, từ khi Đà Nẵng chộn rộn trong việc di tản về Nam của đa số người có của, ba tôi đã nhanh chân mua được cái nhà hai tầng ở Hòa Hưng – quận 10, nhờ vậy mà ba mẹ con tôi có chỗ tá túc, tôi lo cho chồng, cho con còn phải lo cho đám em còn tuổi đi học và ba má nay đã đến tuổi nghỉ việc. Sài Gòn lúc đó thiếu cái ăn, tôi phải lặn lội xuống Long An kiếm chục ký gạo, giành giựt đâu đó miếng thịt mỡ nhiều hơn nạc, rồi cất giấu, cột trong mình, trong đùi, mặt mày lấm lem như người làm rẫy, qua mắt công an kinh tế!

Miền Nam vốn là vựa lúa của vùng Đông Nam Á, sản xuất lúa gạo đứng nhất ở Á châu, Kinh tế Việt Nam vượt trội hơn Thái Lan, Tân Gia Ba, Đài Loan… bây giờ thì dân phải ăn bo bo, bột mì, khoai sắn. “Bao năm giải phóng như thế này phải không anh?”.

Tôi ra Bắc thăm chồng lần nữa giữa năm 1980, lần này dẫn theo hai con nhỏ, đứa bảy tuổi đứa lên sáu, đứa nhỏ lanh hơn, vừa thấy mặt chồng tôi liền đẩy hai đứa con đến bên anh rồi bảo: Gọi ba đi con! Đứa nhỏ chẳng rụt rè gì buột miệng nói: Ông nội chết rồi Ba! Anh nhìn tôi như muốn hỏi, tôi nói sợ anh buồn và cũng chưa kịp nói gì hết. Tôi thấy anh buồn nhiều.

Ba chồng tôi trước nay vẫn sống với gia đình anh chị hai, anh hai vốn khuynh tả, thiên Cộng, anh có hai đứa con theo VC, thằng nhỏ đụng trúng lính nhảy dù nên bị giết ở Tây Ninh, thằng lớn làm du kích cho đến cuối đời trở thành thằng tửng tửng, anh hai và chồng tôi thường chống nhau, nên sau ngày mất miền Nam, tôi dẫn hai con về thăm nội, anh ấy đã tỏ thái độ và từng răn đe tôi bằng lời nói khó nghe: Mấy người không được vào nhà tôi, vợ Thiếu Tá tôi cũng lấy chổi quét! Tôi hét lại: Tôi cóc cần!

Lần thăm nầy chồng tôi được trại cho tiếp vợ con cả ngày và đêm, chờ hai con ngũ say vợ chồng mới có dịp mặn nồng và trao nhau hơi thở, thấy việc lo cho gia đình của tôi khó khăn và gian khổ anh nói: Em về điểm phấn tô son lại; Ngạo với dân gian một nụ cười! Ý anh là muốn tôi lấy chồng khác. Vậy đó!

Tôi giận anh đã xem thường con gái nhà họ Võ, một gia tộc có truyền thống học cao, trọng khí tiết, đức hạnh. Tôi nói với anh: Anh quên Em có ông cố là Thượng Thư Bộ Lại của triều Nguyễn rồi sao? anh quên em có ông Nội là Trưởng Ty Tiểu Học hồi 54 tại Quảng Ngãi rồi sao? Em lấy chó thì theo chó, em lấy gà thì theo gà, em không lấy ai hết nữa!

Thấy tôi quạu, anh cười hòa, ôm chặt tôi, cho tôi nhiều nụ hôn đến ngộp thở.

Anh được trả tự do đầu năm 1985, gần mười năm ở chốn núi rừng Việt Bắc, ở Rừng Lá – Bình Tuy, sức khỏe anh sa sút nhiều, anh chưa hòa hợp được với cái xã hội Việt Nam mới, anh đã lạc lõng ở cái nơi anh được sinh ra, anh nói phải ra đi thôi và hai vợ chồng đã đến một cái chùa Phật ở Phú Nhuận để hỏi thời vận, một vị hòa thượng đã đoán quẻ xăm, ông nói chắc như đinh đóng cột rằng cả gia đình tôi sẽ ra nước ngoài sinh sống một cách chính thức bằng máy bay đàng hoàng. Một chuyện khó tin nhưng có thật!

Tôi sinh thêm thằng út vào tháng 9/89 và tháng 5/91 cả nhà tôi đã được định cư ở Mỹ sau khi bị cướp không cái nhà, chúng láo lếu nói rằng sĩ quan cấp tá không có quyền bán nhà vì đó là tài sản của nhà nước!

Vợ chồng tôi tin rằng ở một đất nước tự do như Mỹ, con cái chúng tôi sẽ thành tài, ba đứa con của tôi đã vào trường học ngay trong tháng đầu tiên, ông chồng tôi đã lấy bằng lái xe và mua chiếc xe cũ với năm tuổi đời. Tôi có việc làm sau ba tháng học nghề, chồng tôi chưa tới 50 mà tóc đã bạc trắng, anh vốn thông minh, thi đâu đậu đó, ngoài công việc làng nhàng ở shop may, anh chịu trách nhiệm chăm sóc thằng út, tôi muốn ba đứa con của tôi phải là kẻ trí thức ở tầng lớp cao trong xã hội Mỹ.

Giờ đây sau ba mươi năm tôi có được con gái lớn là dược sĩ, con gái nhỏ là kỹ sư khoa học điện toán, còn thằng út tháng 6 năm sau sẽ hoàn thành chương trình nội trú bệnh viện Georgetown để làm một bác sĩ chuyên khoa Tai, Mũi, Họng, cháu đã được một bệnh viện lớn ở Palm Springs (California) thu nhận vào làm việc năm sau.

Nhân sinh thất thập cổ lai hy, đó là phần của tôi thôi, còn ông chồng tôi còn phải cộng thêm vài con số lẻ nữa, vậy mà ông vẫn theo ve vãn tôi. Ông thường nói: Nếu còn có một kiếp sau – Cho anh hẹn chuyện cau trầu trăm năm!

Thôi đi ông à, một kiếp đã đủ quá rồi, mười năm nuôi ông trong tù tôi đã tàn một kiếp hoa! Never see you again!

 

Võ Thúy Lan – Một chinh phụ

* Bổ túc: hình đầu tiên khi tôi mới gặp anh, 75 Tết đầu tiên khi chồng đã bị đi tù ngoài Bắc, hình hai đứa con nhờ đi được HO, tụi nó ráng học để thành tài ở xứ người, làm rạng danh con của gia đình quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

______________

Nguồn: Đào Nguyên Thông – Saigon Xưa

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Góp ý kiến