SUY TƯ DÒNG ĐỜI

Sư tử và vợ  

Minh Diệu

 

Vợ là chúa tể của muôn loài! Cho dù đó là sư tử hay con người! Ngoài sư tử vàng, sư tử trắng của châu Phi, còn có một thứ sư tử khác nữa. Đó là “sư tử Hà Đông” của Trung Quốc! Thoạt nghe tới chữ Hà Đông, không ít người nghĩ rằng đây là địa danh của một tỉnh ở miền Bắc Việt Nam thời phong kiến. Nhưng sự thật là thành ngữ “sư tử Hà Đông” liên quan tới một địa danh ở bên Trung Quốc, dùng để chỉ những người đàn bà hung dữ, đanh đá, đặc biệt là những bà vợ có tính ghen tuông dữ dội, chẳng khác gì nhân vật “Hoạn Thư” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Thành ngữ “sư tử Hà Đông” bắt nguồn từ một bài thơ tiếng Hán của Tô Đông Pha (東坡居士, 1037–1101), nhà văn, nhà thơ, họa sĩ nổi tiếng đời nhà Tống – Trung Quốc, viết tặng cho người bạn tên là Trần Tháo, tự Quý Thường, hiệu Long Khâu cư sĩ.

Lúc trai trẻ, Tháo rất thích việc kiếm cung, mỹ tửu và bằng hữu. Quá nửa đời người, công không thành, danh không toại, ông lui về sống ẩn dật, chuyên tâm về bút pháp và đạo Phật. Vợ của Tháo là Liễu Thị, tính khí hung dữ và ghen tuông ngút trời. Tháo là người sùng đạo Phật, và nổi tiếng sợ vợ. Hằng ngày Tháo say mê nghiền ngẫm, suy niệm, đàm đạo Phật pháp, nên ít quan tâm đến vợ con khiến Liễu Thị rất bực bội, thường quát mắng chồng ngay cả trước mặt bạn bè, không chút nể nang, kiêng dè, nhưng Tháo chẳng hề dám cự cãi một tiếng.

Một hôm, Tháo mở yến tiệc đãi khách và có mời ca kỹ đến hát xướng mua vui. Liễu Thị ở nhà sau, rất tức giận, và nổi cơn ghen tam bành. Miệng gầm thét vang trời, tay cầm khúc cây đập đùng đùng vào vách nhà khiến Tháo rụng rời tay chân, làm ngã luôn cây gậy đang chống. Biết chuyện, Tô Đông Pha làm bài thơ để đùa cợt bạn trong đó có 4 câu như sau:

“Long Khâu cư sĩ diệc khả liên,

Đàm Không thuyết Hữu dạ bất miên.

Hốt văn sư tử Hà Đông hống,

Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên.”

Tạm dịch là:

“Long Khâu cư sĩ cũng vô duyên,

Bàn Không bàn Có thức suốt đêm.

Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,

Kinh hoàng bỏ gậy rớt nơi đâu.

Ở bài thơ trên, Tô Đông Pha đã khéo léo ám chỉ vợ của Tháo bằng hai chữ “Hà Đông” mà thi sĩ mượn trong câu thơ của Đỗ Phủ: “Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu” (nghĩa là cô gái người Hà Đông họ Liễu) vì vợ của Tháo cũng họ Liễu. Như vậy, thi sĩ họ Tô ngụ ý “sư tử Hà Đông” chính là bà vợ Liễu Thị hung dữ như sư tử của Tháo. Mặt khác, trong Phật giáo, tiếng “sư tử hống” là biểu tượng của lời thuyết giảng uy nghi, vang dội của Phật tổ mà hàng ngày Tháo vẫn thường chiêm niệm. Tóm lại, Tô Đông Pha sử dụng cụm từ “sư tử Hà Đông hống” để ngầm nói một cách khôi hài nhưng đầy triết lý rằng Tháo là một tín đồ đạo Phật, có thể thức suốt đêm bàn luận về lẽ “Có”, lẽ “Không” trong Phật pháp, ấy thế mà khi nghe “sư tử Hà Đông” rống lên thì tay chân run rẩy, tâm thần bấn loạn.

Và cũng từ đó đến nay, người ta gọi những người đàn bà dữ dằn, hay ghen tuông, quát tháo chồng là “sư tử Hà Đông”. Khi nổi máu tam bành lên, mấy bà vợ này làm cho các ông chồng phải khiếp đảm, kinh hồn bạt vía:

“Nắng Hà Nội nhưng anh run muốn chết.

Bởi vì em là… sư tử Hà Đông!

Anh sợ nghe tiếng em rống em gầm…”

Còn đàn ông Saigon thì:

“Nắng Saigon anh đi mà chợt mát,

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.

Lụa Hà Đông dệt bằng lông sư tử!”

Minh Diệu

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.