SUY TƯ DÒNG ĐỜI

Luận về chữ Tri

 Đỗ Quang Vinh

 

Binh thư Tôn Tử có câu: “Tri kỷ, Tri bỉ, Bách chiến bách thắng”, (biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng). Cách ngôn Hy-Lạp dịch theo tiếng La-tinh có câu: “Nosce te ipsum” (“Ngươi hãy biết mình”, người Pháp gọi là “connais toi-même”). Đây là dòng chữ nổi tiếng được khắc trên bệ thờ của đền Delphi. Châm ngôn “biết về bản thân” đã được nhiều nhà triết học thời cổ Hy Lạp, đặc biệt là Socrates tiếp tục, bình luận trong suốt lịch sử triết học. Châm ngôn ấy nâng cao tầm quan trọng của việc kiểm điểm nội tâm để tìm kiếm sự thật: ta không thể biết gì hết, nếu tiên thiên ta không biết được chính mình. Thay vì tập trung vào việc chiến thắng, mà hướng về sự thực thi nói chung, chúng tôi đề nghị: “TRI KỶ, TRI BỈ, TRI HÀNH”. Biết mình, biết người, để biết hành động. Tại sao?

Từ Điển Thiều Chửu giải nghĩa: Phàm cái gì thuộc về tâm mình nhận biết, biện biệt, phán đoán, toan tính, ghi nhớ được đều gọi là Tri. Thảo mộc hữu sanh nhi vô tri  (Vương chế) Cây cỏ có sinh sống nhưng không có ý thức, cảm giác.

Sách Luận Ngữ viết: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bât tri, thị tri dã” (biết thì bảo là biết, không biết thì nói là không biết, ấy là người biết vậy).

1- Chữ TRI () gồm chữ THỈ () và KHẨU () ghép lại. Thỉ là mũi tên bắn đi, khẩu là mồm miệng. Những điều suy nghĩ trong lòng mình, ai biết được nếu không nói ra. Nói ra là cho người ta biết lòng mình ra sao, tâm mình như thế nào. Nếu cái tên bắn bậy, ấy là lòng mình không chính trực, mũi tên bắn chính xác ấy là lòng mình ngay thẳng, mắt mình sáng tỏ nhìn người không sai. Dụ ngôn “Cái Lưỡi” của Esope quả đã cho ta hình dung ra chữ TRI. Tóm lại ấy là HÀNH. Cho nên muốn làm chủ được lòng mình, tiên quyết ta phải làm chủ được miệng lưỡi mình là vậy. Hẳn không phải dễ! Bởi vì “Rắn rết, thú dữ con người trị được, duy cái lưỡi là khó ai trị nổi. Nó đầy nọc độc. Nó là một sự dữ không bao giờ ở yên” (Gc 3,7-8). Cho nên tôi hằng tâm nguyện thưa với Chúa:

“Xin Ngài làm chủ hồn con,

Con thành khí-cụ bình-an của Ngài.

Hồn con thánh-điện toà ngai,

Ngài hằng ngự trị, tình Ngài chẳng vơi.

Không gieo nước mắt bi-ai,

Miệng con chỉ nói những lời yêu thương.”

Con Xin Làm Kiếp Phù-Sa

http://www.conggiaovietnam.net/upload/article/f__1411614266.1-268_CGVN.pdf (bài 26 trang 76)

 

Như vậy cốt lõi chính là Tâm Điểm. Vẽ một vòng tròn, muốn cho đẹp cho đúng, tiên quyết mũi chiếc compas phải giữ cho chặt, rồi tuỳ theo bán kính ngắn dài mà xoay vòng, sẽ được vòng tròn nhỏ hay lớn. Nếu giữ Tâm Điểm không vững chắc, dĩ nhiên vòng tròn không LÀM đúng. Tâm Điểm ấy là Tri Kỷ, nhắm lựa bán kính ấy là Tri Bỉ, là cách nhìn người, xử thế hẹp hòi hay quảng đại.

Minh hoạ vòng tròn nội tâm cho ta liên tưởng tới củ hành tây. Hãy lần luợt bóc từng lớp từ ngoài vào trong tâm. Các lớp ấy là những rào cản tâm hồn: ích kỷ, đố kỵ, tị hiềm, tự tôn, mặc cảm, đam mê, thành kiến, ảo tưởng, hoài nghi, xét đoán, xét nét, gièm pha, vu khống, giả hình, khoe khoang, mưu mô, v. v… hết thảy đều làm mờ lý trí, ung thối tâm hành.

Để biết chính mình, ta phải học cách quan sát chính mình. Để quan sát chính mình, ta phải tách mình ra, quên mình, lùi lại một bước, bình thản tịnh tâm tự vấn. Ta vừa là chủ thể quan sát vừa là đối tượng được quan sát. Quan sát cái TÔI như thế mới nhìn được trong mắt người chỉ thấy có cọng rác mà mắt TÔI lại có cái xà.

2- Các thượng tế, kinh sư, kỳ mục và những người Pha-ri-sêu cùng những người thuộc phe Hê-rô-đê chất vấn Chúa Giê-su có nên nộp thuế cho hoàng đế Xê-Gia hay không ? Chúa Giê-su biết rõ chúng giả hình là không biết mà chỉ muốn gài bẫy để bắt Chúa.
Chúa Giê-su bảo: “Của Xê-gia, trả về Xê-gia; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (x. Mc 12,13-17). Đấy là cái biết ngụy biện thể hiện cái Tâm đen tối, giả dối. Đấy là cái ruột đỏ của quả dưa hấu nó thối tự bên trong, tuy vỏ ngoài vẫn xanh rờn, điều mà miệng thế thường mỉa mai “xanh vỏ đỏ lòng”.

Trên phương diện tâm linh, biết mình, biết người để biện biệt cái gì là của thế gian, cái gì là của Thiên Chúa, ngõ hầu phân biệt phù vân với vĩnh cửu, sự ác với ngay lành, nhìn nhận những giới hạn bất toàn, yếu đuối của mình mà chiến thắng cái TÔI chướng ngại trên đường tiến về Sự Thật và Sự Thiện, cái TÔI kỳ đà ngăn cản không cho Chúa đến hiện diện trong cuộc đời mình.

ĐỖ QUANG VINH

 

Nguồn: conggiaovietnam.org

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.