SỐNG TIN MỪNG

Thiên Chúa làm người

Nguyễn Ngọc Thể

Đọc sách Sáng Thế, qua chương trình tạo dựng con người đầu tiên, là ông bà nguyên tổ Ađam và Eva. Sau khi tạo dựng con người xong, Thiên Chúa đặt ông bà nơi vườn Diệu Quang. Ở đó, ông bà được hưởng mọi thứ trái cây ngon ngọt. Chim chóc đua nhau hót suốt ngày. Chiều chiều, khi có những cơn gió hiu hiu thổi tới làm tươi mát con người, và Thiên Chúa lại hiện ra để đàm đạo với ông bà. Thế nhưng những ngày an bình, êm dịu không kéo dài được lâu, bởi lòng dạ con người như bắt đầu có chiều hướng phản nghịch, do lời dụ dỗ của con rắn. Đây là nguyên nhân. Đây là thách đố đầu tiên mà Thiên Chúa muốn gửi đến ông bà. Thiên Chúa đã phán trước với ông bà, rằng ông bà có thể ăn đủ mọi loài cây trái chỉ trừ một loại cây trái mà Thiên Chúa cấm không được đụng tới:

Cây trường sinh ở giữa vườn, cây cho biết điều thiện điều ác, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.” Đây là một thách đố. Đây là cách mà Thiên Chúa muốn thử lòng ông bà trong sự lắng nghe và tuân phục. Thực ra, ông bà không cần phải thắc mắc với “cây cấm” này của Thiên Chúa chi cho mệt, vì đang tận hưởng bao cảnh đẹp khôn lường nơi vườn Diệu Quang. (ST. 2: 9-17)

Dĩ nhiên, ngày ngày ông bà vui hưởng cảnh sắc vô cùng tuyệt vời đó. Nhưng rồi một hôm có con rắn xuất hiện… Tội lỗi xuất hiện trên cõi trần từ đó. “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các người không được ăn hết mọi thứ trái cây trong vườn không?” Người đàn bà trả lời với con rắn” Các trái cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái cây giữa vườn, Thiên Chúa bảo không được ăn, không được đụng tới, kẻo phải chết. Rắn bèn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” Thế là bà đã ăn và bà cũng đã cho ông ăn. Việc gì đã xảy ra? Mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng, vội vàng lấy lá vả kết lại để che thân (ST. 3:1-7).

Từ đó và cho đến mãi mãi về sau, tội nguyên tổ mà ông bà đeo mang đã truyền lại cho con cháu phải lãnh lấy muôn đời! Đáng thương thay cho số kiếp con người! Đáng buồn thay cho muôn vàn thế hệ mai sau! Tội lỗi tiếp nối tội lỗi. Chẳng lẽ kiếp sống con người cứ mãi sống trong vũng bùn tội lỗi như vậy được sao. Không, không thể được. Nhưng, theo kinh thánh, thì tội của ông bà nguyên tổ là “tội có phúc” (Felix culpa/Fortunate fault), vì nhờ đó, mà nhân loại được Thiên Chúa đoái thương đến. Thật vậy, Thiên Chúa Cha đầy lòng từ ái vô biên, thương cho kiếp người tội lỗi khốn nạn này, nên đã hứa sẽ cho Đấng Cứu Đời đến để chuộc lại bao lỗi lầm, hư đốn này.

Vậy Đấng Cứu Đời đến với nhân loại bằng cách nào? Thiên Chúa đã chọn ngay chính một phàm nhân, một người nữ được sinh ra bởi con người để làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đấng sẽ cứu chuộc con người tội lỗi. Biến cố lịch sử này đã xảy ra hơn hai ngàn năm trước. Mẹ Maria, một trinh nữ tâm nguyện hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa muốn cho Ngôi Hai được sinh ra bởi cung lòng trinh trong của Đức Maria, nên đã sai thiên thần Gabriel đến báo cho trinh nữ một tin vui trọng đại là Mẹ sẽ mang thai bởi Chúa Thánh Thần và Mẹ sẽ sinh hạ một Hài Nhi, mang tên là Giêsu.

“Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.” Thoạt đầu, Đức Maria do dự, bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Rồi thiên thần trấn an Mẹ, “Kìa bà E-li-sa-bét, cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, khôngcó gì là không thể làm được.” Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi, sứ thần từ biệt ra đi.” (Luca 1: 26-38).

Ngôi Hai Thiên Chúa, từ trời cao, nay mang lấy xác phàm, xuống trần, để cùng sống với nhân loại dẫy đầy tội lỗi, khổ đau. Ngài đã được sai đến thế gian, với nhân loại để thực thi chương trình “kiến thế và cứu thế”. Phải, thế giới đang sống trong hỗn loạn, hoang mang, và đang bước đi trong bóng đêm của tội lỗi. Vậy ai sẽ là người đưa nhân loại bước ra khỏi bóng đêm và vui mừng đi trong ánh sáng chói chan? “Nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi chính là Chúa. Đức Chúa là ánh sáng và cứu độ cho tôi, tôi còn sợ chi ai? Đức Chúa là thành lũy cuộc đời tôi, tôi còn run khiếp chi ai? Khi ác nhân kéo tới hung hãn định tâm ăn thịt tôi đây. Ai hay là chính địch thù tôi, lại bị lảo đảo ngã thua (TV 26 –LM Hoàng Kim phổ nhạc). “Chúa Ki-tô là ánh sáng chiếu soi mọi người, Chúa ngự giữa chúng con, như nguồn ánh sáng đẩy lui bóng tối của tâm hồn, xin làm cho chúng con đáng lãnh nhận hồng ân Chúa ban tặng. Lạy Chúa, xin ban ơn cứu độ, để chúng con ca ngợi danh thánh Chúa không ngừng…” (Trích Lời cầu ngày 20.12).

Trong những ngày này, chúng ta nghe vang vọng khắp nơi “Chúa cao cả đã gần ngự đến, ta hãy cùng phủ phục suy tôn.” Những lời reo vang đó như làm thức tỉnh lòng người đang sống lầm lạc, đang bước đi trong tối tăm của tội lỗi. Lý do tại sao, qua bao thời đại, và nhất là hôm nay, con người không chấp nhận ánh sáng của Chúa Ki-tô. Những ai thích bóng tối thì không thích ánh sáng, và dĩ nhiên, họ vẫn đi dưới bóng đêm. Con người tội lỗi hay những ai có hành vi tội ác, họ rất sợ ánh sáng, ví ánh sáng sẽ cho họ thấy đâu là tội lỗi, đâu là sự gian tà, xấu xa. Đâu có kẻ trộm nào vào nhà ai trong lúc ban ngày mà chỉ có bóng đêm che khuất tội lỗi của họ.

Qua đề tài “Thiên Chúa Làm Người” nói trên, chúng ta thấy, khi Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, Ngài đã cho chúng ta biết, nơi Ngài có hai bản tính: Bản tính Thiên Chúa và bản tính con người. Là Thiên Chúa, Ngài có cùng bản tính với Đức Chúa Cha, nên chúng ta không thấy được dung nhan, diện mạo của Ngài, vì Ngài là Đấng vô hình (invisible), nhưng chúng ta tin thật nơi Ngài vì nhờ ánh sáng của đức tin soi dẫn. Với bản tính con người, khi xuống thế, mặc lấy xác phàm, chúng ta có thấy được diện mạo, dung nhan của Ngài (visible), nên Ngài cũng có những nhu cầu của con người như: ăn, uống, ngủ, nghỉ, đi đứng, v.v. Là con người, Ngài cũng có những giận dữ khi thấy những người buôn bán, đổi tiền trong Nhà Cha Ngài. Ngài cũng có những lo toan, sầu buồn trước cái chêt sắp xảy đến (trong vườn Cây Dầu). Ngài cũng có những đau đớn thể xác (lúc bị đánh đòn), những phản bội (Giu-đa Is-cari-ót hay Simon Phê-rô). Tóm lại, vì mang lấy thân
xác con người, nên Ngài cũng có những cảm tính, những khổ đau như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

Ngôi Hai Thiên Chúa, nay đã xuống thế Làm Người, và đang ở giữa chúng ta (Emmanuel). Ngài ở giữa và cùng chung sống với chúng ta, để Ngài thấy được, cảm thông được những khổ đau, những lo lắng của chính con người chúng ta. Những tưởng rằng, sứ vụ của Ngài là giáng thế, rồi chết đi, để cứu chuộc con người khỏi những hệ lụy của tội lỗi. Tưởng thế là hết. Trái lại, Ngài còn muốn làm những gì hơn thế nữa. Đó là việc Ngài muốn ở lại với con người trần gian. Không phải một thời gian, một hay hai thế kỷ: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt. 28:20). Căn cứ vào những lời hứa của Đức Ki-tô, chúng ta thấy có vị thần minh nào, có chúa nào khác trên
cõi đời này đoan chắc là sẽ ở mãi cùng loài người (?). Lời của một bản thánh ca: “Thầy yêu chúng con lời ai nói cho cùng. Thầy yêu chúng con, Thầy sinh xuống gian trần. Thầy yêu chúng con, Thầy ban trót thân mình. Để nuôi chúng con ngày lưu ký trần gian.”

Việc Chúa làm và thực hiện cho con người nơi cõi trần này, đã hơn hai ngàn năm qua, nào ai hiểu thấu được. Hãy suy nghĩ đi, hỡi con người tệ bạc và vô ơn. Chỉ cần năng nghĩ suy một điều này thôi về tình yêu của Con Một Chúa (Xin xem Gioan 3:16-21).

Thiên Chúa Ngôi Hai nay đến với nhân loại để giao hòa giữa trời và đất, để mang niềm vui an hòa vĩnh viễn cho nhân thế. Chúng ta hãy cùng nhau vui mừng và hát lên:

“Sáng danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.”

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.