SỐNG TIN MỪNG

Chúa Nhật Lòng Thương Xót

Lm. Joseph Nguyễn Thái

 

Đời là cuộc chiến đấu. Mà chiến đấu thì sẽ bị thương tích. Vết thương ở thể xác hay ở tâm hồn. Vết thương khi khỏi sẽ thành vết thẹo. Hôm nay ngồi xét mình xem trên cơ thể chúng ta có vết thẹo nào không? Mỗi vết thẹo có một câu chuyện để nói với chúng ta đã bị lãnh thẹo khi nào, lãnh thẹo ở đâu, làm thế nào lại bị lãnh thẹo, và tại sao bị lãnh thẹo.

Tôi đã bị lãnh một vết thẹo trong lòng bàn tay trái, dài gần 1 inch, giữa ngón trỏ và áp út. Câu chuyện là tôi đẽo con quay = con vụ bằng 1 cái dao nhọn. Mỗi lần đụng tới vết thẹo, tôi nghĩ tới con dao, tự bảo phải cẩn thận!

Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy rằng các môn đệ đang ở trong nhà đóng kín cửa vì sợ người Do Thái, nhưng thình lình Chúa Giesu hiện ra với họ, chúc bình an, và cho họ xem chân tay, xem các vết thương và các vết thẹo.

Các vết thẹo của Chúa Gie6su được gọi là 5 dấu thánh, rất có ý nghĩa với chúng ta:

1-Các vết thẹo này giúp các môn đệ nhận dạng ra đây là Chúa Giesu chịu đóng đanh, không ai khác, không phải là ma! Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài đã chết và Ngài đã sống lại. Khi đi làm ID, căn cước, chúng ta được nhận dạng qua các vết thẹo trên mặt.

2-Các vết thẹo này mang theo một câu chuyện của tình yêu. Nó nhắc nhở việc Ngài bị đóng đinh trên thập giá, chịu đau khổ cực kỳ, vì tội lỗi của các môn  đệ, đã bỏ Chúa, đã chối Chúa, đã chạy trốn vào trong Tuần Thương Khó. Đây cũng là tội lỗi của chúng ta. Ngài đã biểu tỏ lòng yêu thương con người đến tột đỉnh để chết thay cho chúng ta, đã mang lấy cái đau khổ của cực hình vô cùng dã man của người Roma dành để phạt tội nhân Do Thái mà mang lại ơn cứu độ cho chúng ta.

3-Các vết thẹo này đã được chữa lành rồi, đã khỏi rồi. Chúa Phục Sinh đã tỏ cho các môn đệ biết rằng tất cả tội lỗi của họ, các sợ hãi, các nghi ngờ, các khủng hoảng, các thương tích trong lòng họ… Ngay cả nghi ngờ của Toma cũng đã được tha thứ, đã được chữa lành hết rồi. Chúa Giesu đã mang lấy những thương tích cực kỳ đau đớn nhất, để rồi Ngài biết cách chữa lành và trở thành Thầy lương y chữa lành giỏi nhất. Bởi vì Ngài là Chúa của Lòng Thương Xót, sau khi chữa lành cho các tông đồ, ban Thánh Thần cho họ, ban bình an cho họ và sai họ ra đi làm chứng nhân cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Phải, Chúa nhật hôm nay là Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa. Chúng ta đến với Chúa, xin Chúa chữa lành những bệnh tật, những tổn thương trong tâm hồn qua mấy năm bị đại dịch covid vừa qua và đang lo sợ cuộc chiến tranh thế giới bên Ukraine có thể lan rộng và xảy ra trên toàn thế giới. Chúng ta nghe Giáo hội lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang: “Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thủa” (Tv 117, 1).

Lòng từ bi mạnh hơn tội lỗi và sự chết, ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục thừa hưởng lòng từ bi tuôn trào từ những vết thương vinh hiển, những dấu thánh cao quý và từ Trái Tim bị lưỡi đòng đâm thâu làm máu và nước chảy ra, đã trở nên nguồn mạch ơn sủng không bao giờ cạn.

Quả vậy, trong giờ kinh Truyền Tin ngày 11-01-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót, Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau”. Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín rằng, cốt lõi của Phúc Âm là tình thươngVì thế, theo nguyên tắc, tất cả mọi cơ cấu, nguyên tắc, luật lệ và tổ chức của Giáo Hội đều phải làm sao để hướng về và đạt đến đích điểm là tình thương (x. Niềm vui Phúc Âm,26-43). Bởi vậy, trong thực hành, Giáo Hội cần phải là một bệnh viện lưu động để chữa lành, chứ không phải chỉ mở cửa đón nhận tội nhân và nạn nhân trở về mà thôi.

Và Ngài kêu gọi chúng ta cần phải ra khỏi vùng ngoại biên, ra khỏi vùng ngoại biên ấy là ra khỏi bản thân mình nơi những gì tự coi là an toàn và bảo đảm mà hướng ra một thế giới đại đồng hơn.

Ngài khuyên chúng ta là đừng ngồi chờ xem Chúa mặc khải lòng thương xót ra cho toàn nhân loại thế nào mà hãy nhận lấy ánh sáng Đấng Phục Sinh được soi chiếu từ bên trong thúc đẩy chúng ta thi hành lòng thương xót.

Đôi khi chúng ta cứ sốt sắng cầu nguyện mà chưa thực sự hợp tác với Ngài để Lòng thương Xót sớm được tỏ bày trong lòng nhân loại. Chúa phán rằng: Phúc thay ai biết xót thương người thì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Bởi đó, mỗi người tùy ơn riêng Chúa ban hãy có những sáng kiến lòng thương xót.

+Trong mùa đại dịch có những người đã bị covid rất nặng do cơ thể có nhiều bệnh nền, nhưng đã cảm nghiệm được phần nào lòng thương xót Chúa cứu chữa qua bàn tay chăm sóc của y tá, bác sĩ, người thân, bạn bè, giúp đưa thuốc, đưa đồ ăn, gọi phone cầu nguyện cho, cố vấn khuyên bảo…

+Có những người lớn tuổi nhường máy thở để cứu người trẻ hơn, nhường khẩu trang cho các nhân viên y tế.

+Có những người trẻ có sáng kiến gởi số điện thoại của mình cho những người già cô đơn để họ có thể gọi điện thoại và nói lên nhu cầu của mình ngõ hầu được phục vụ tận nơi.

+Có những người can đảm tình nguyện đi chuyển hàng vào vùng dịch nguy hiểm nhằm phục vụ những người nghèo dễ bị lãng quên.

+Có những nhóm thợ may thiết kế những chiếc khẩu trang lòng thương xót mặc dù rất đơn giản nhưng cũng đủ độ an toàn để phòng bệnh.

+Có những người đã tạo video clips hướng dẫn miễn phí làm khẩu trang tại chỗ trong lúc hàng hóa khan hiếm hầu nhằm bảo vệ sự an toàn cho bản thân.

+Có bà mẹ y sĩ đã hy sinh, từ chối không tham dự lễ cưới của con mình và viết thư xin lỗi vì mình đang phải phục vụ cho các nạn nhân covid.

+Có vị bác sĩ đã tình nguyện ở lại bệnh viện để phục vụ bệnh nhân mà không tham dự lễ an táng của chính mẹ mình.

+Và còn biết bao người chuyên môn trong các đội ngũ y tế đã can đảm đi vào tâm chấn của đại dịch mà phục vụ những người đang giành giựt từng giây phút để thở và để sống.

+Ngoài ra, chúng ta cũng cần ghi nhận những linh mục, tu sĩ, các Sơ tình nguyện đi đến những vùng bệnh dịch nguy hiểm để chữa lành thân xác bệnh nhân phần nào và an ủi họ bằng việc ban các bí tích cần thiết. Những nghĩa cử ấy là sáng kiến của lòng thương xót Chúa trong cuộc khủng hoảng mang tính lịch sử này.

Kính thưa quý Ông Bà Anh Chị Em,

Chúng ta tự hỏi : Thế giới đang cần gì ? Gia đình chúng ta đang cần gì? Bản thân chúng ta cần gì ? Thưa : sự bình an của Lòng thương xót !

Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông, chúng ta vẫn nghe chiến tranh tại Ucraina. Vậy nhân loại cần gì? Thưa: sự bình an của Lòng Thương Xót (LTX).

Chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa mới cứu con người khỏi chiến tranh. Và lòng thương xót Chúa phải đi đôi với lòng thương xót của chúng ta.

Tình yêu là tên gọi thứ hai của lòng thương xót. Nếu con người biết yêu thương nhau, thì con người mới xứng đáng lãnh được lòng thương xót của Chúa, và chiến tranh  mới lui dần. Con người càng thương xót nhau, càng yêu thương nhau, thì chiến tranh càng bị đẩy lùi. Vì vậy chúng ta phải thành thật nhận lỗi của mình thì chúng ta mới có thể thể hiện được lòng thương xót của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu Kito Phục Sinh, là biểu tỏ LTX của Thiên Chúa Cha, xin thương xót chúng con, xin ban bình an cho mỗi người chúng con và ban hòa bình cho thế giới đang trong nỗi lo sợ chiến tranh. Amen.

Trung Tâm Công Giáo Việt Nam

Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa

Ngày 24/4/2022

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.