SỐNG TIN MỪNG

Chúa cỡi lừa vào Giêrusalem

Trần Mỹ Duyệt

 

“Khi đến gần làng Bethphage, bên triền núi gọi là Ôliu. Người sai hai môn đệ và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh tháo dây ra và dắt nó đi. Và nếu có ai hỏi: “Tại sao các anh tháo lừa người ta ra, thì cứ nói: “Chúa cần đến nó!” Hai người được sai ấy ra đi và thấy y như Người đã nói. Các ông đang tháo dây lừa, thì những người chủ con lừa nói với các ông: “Tại sao các anh lại tháo con lừa ra?” Hai ông đáp: “Chúa cần đến nó” (Luca 19:29-34).

Chúa Nhật Lễ Lá đã khởi đầu Tuần Thánh, hướng đến Chúa Nhật Phục Sinh và là tuần lễ cuối cùng của Mùa Chay. Biến cố này quan trọng đến nỗi cả bốn Thánh Sử đều ghi lại: Mátthêu 21:1–11, Marcô 11:1–11, Luca 19:28–44 và Gioan 12:12–19. Tất cả bốn Phúc Âm mang nội dung một cuộc khải hoàn chiến thắng, nhưng cũng cho thấy có những chi tiết khác nhau.

Ngồi trên lưng một con lừa trong chiến thắng vào Giêrusalem, xem như có vẻ khác thường. Nhưng Chúa Giêsu đã làm điều khác thường này. Ngài muốn có một hình ảnh khiêm nhường và tự hạ. Vì lừa là một con vật mang đặc tính nhẫn nhịn, chịu đựng. Khi nó được dùng thay cho con ngựa, điều này có nghĩa là Chúa Giêsu muốn làm trọn lời Thánh Kinh trong Cựu Ước: “Hãy nói với thiếu nữ Sion, này đây vua các người đến, nhẹ nhàng cỡi trên lưng lừa, là lừa con, con của lừa mẹ” (Mátthêu 21:5; Zechariah 9:9).

Các nhà chú giải đồng ý rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng tiến vào Giêrusalem. Tuy nhiên, nhà chú giải Bart D. Ehrman, thuộc trường phái Agnostic cho rằng các Phúc Âm đã ghi lại biến cố này như một chiến thắng vinh quang, trong đó gồm một số chi tiết có thể được khai thác dưới những mục đích thần học.

Ông Vua Thái Bình

Bethany ở phía đông Giêrusalem trên núi Olives. Theo truyền thống của người Do Thái, Shekhinah (שכינה) – Sự Hiện Diện Thần Linh xuất hiện ở Cửa phía đông, và sẽ xuất hiện một lần nữa khi Đấng Xức Dầu (Messiah) đến (Ezekiel 44:1-3). Cửa này được cho là nơi từ đó Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem trong Chúa Nhật Lễ Lá.

Mặc dù Chúa Giêsu đã vào Giêrusalem nhiều lần, nhưng riêng lần này mang một ý nghĩa quan trọng và đặc biệt nhất. Ngài uy nghi tiến vào như một Hoàng Đế Hòa Bình. Theo Thánh Kinh, Ngài tiến vào thành trên lưng một con lừa như dấu chỉ một cuộc khải hoàn hòa bình, thay vì chiến thắng của chiến tranh trên lưng một con ngựa. Nhà chú giải Thánh Kinh William Neil người Anh thuộc thế kỷ 20 đã viết: “Chúa chúng ta tạo hình ảnh sứ điệp đầu tiên bằng việc tiến vào Giêrusalem trên lưng một con lừa. Điều này đã được Zechariah nói đến. Bởi đó Đấng Thiên Sai khi Ngài tiến vào Sion, không phải như một kẻ chiến thắng, nhưng là một hoàng tử hòa bình trên lưng con vật chở đồ”.

Trong văn hóa lúc bấy giờ, việc Chúa Giêsu ngồi trên con lừa từ núi Olives băng qua Kidron, tới Đền Thờ nói lên uy quyền thay cho những lời muốn nói. Lời tiên báo của Zechariah đã trở nên rõ ràng… Chúng có thể nói ‘một cuộc chiến thắng trở về’ của Đấng Messiah.

Chiên Sát Tế

Theo Tân Ước Chúa Giêsu đi qua ngả Bethphage. Và một cách thông thường, chiên sát tế được mang từ Bethphage và đến Núi Đền Thờ (Temple Mount). Trong thời đại Kinh Thánh, khi người nào phạm tội, họ phải đem một con chiên lên đền thờ sát tế đền thay cho họ. Chúa Giêsu được gọi là Chiên Thiên Chúa, vì Ngài bị sát tế như một con chiên vì tội nhân loại. Ý nghĩa của Cựu Ước khi nói về “con chiên” là vì nó liên quan đến một của lễ. Các tư tế trong đền thờ Giêrusalem đã sát tế một con chiên vào buổi sáng và buổi chiều mỗi ngày (Xuất Hành 29:38).

Trước khi Gioan Tiền Hô tuyên bố Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, ông đã nói về đôi dép của Ngài. Do việc tự cho mình không xứng đáng cởi dép cho Chúa Giêsu, ông đã đặt mình thấp hơn thân phận một nô lệ. Những việc như rửa chân, xỏ giầy, cởi dép đều thuộc công việc của những bầy tôi trong gia đình. Và đây là lý do tại sao Chúa Giêsu đã khiến các môn để sửng sốt khi Ngài cúi mình rửa chân cho họ trong bữa tiệc Vượt Qua.

Đối với các Kitô hữu, Lễ Vượt Qua nói đến một thực tại rõ ràng. Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa là một lễ vật toàn thiêu như Gioan đã tuyên bố: “Đây, Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Gioan 1:29). Vì thế, tất cả những con chiên sát tế trong Cựu Ước đều ám chỉ về Chúa Giêsu.

Tiên tri Isaiah cũng đã nhìn thấy từ trước và nói về việc Đấng Messiah bị sát tế: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Isaiah 53:7).

Hình Bóng Cựu Ước

Theo Frederic Farrar chú giải rằng con lừa “chưa ai cỡi” (Luca 19:30) là “được dùng như vật sát tế”. Không giống như một con ngựa là hình bóng của hòa bình và cũng là dấu chỉ của chiến tranh. Con lừa là hình bóng của hòa bình và hiện thân cho hòa bình và khiêm tốn.

Để có sự khiêm nhu, hiền lành như vậy, Chúa Giêsu trong thân phận con người cũng đã phải cầu nguyện, suy niệm, và sống một đời khiêm nhường. Và đó cũng là lý do dẫn đến hành động Chúa khải hoàn vào thành thánh trên lưng một con lừa, cũng như trong lễ Vượt Qua, Chúa đã qùi xuống rửa chân cho các môn đệ. Nhất là trong cơn đau đớn tuyệt cùng trước giờ chết, Ngài còn xin tha cho những kẻ đã đóng đinh mình: “Lạy Cha xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Luca 23:34).

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cỡi trên lưng lừa còn là dấu chỉ mang ý nghĩa tôn giáo. Những ngày xa xưa, các vị vua và những người sang trọng thường cỡi lừa. Hôm nay, khi cỡi trên con lừa vào Giêrusalem, Chúa Giêsu cũng muốn nói rằng Ngài là vua. Việc làm này càng chứng tỏ rằng, Ngài là Đấng có quyền. Ngài khải hoàn vào Giêrusalem “với lời ngợi khen, và ngành dừa, và đàn cầm thụ, và não bạt, và đàn giây, và thánh ca, thi ca” (1 Macabê 13:51).

Con lừa cũng tượng trưng cho hòa bình. Từ hành động cỡi lừa, Chúa Giêsu đã trở nên một gương mẫu giáo dục cho chúng ta trong cách sống khiêm tốn, đơn sơ, và hòa bình: “Hãy mang lấy ách của Ta và học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mátthêu 11:29).

“Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Ðấng Cứu Chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người”.

(Lời nguyện Nhập Lễ, Chúa Nhật Lễ Lá).

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Góp ý kiến