Uncategorized

Mạ Lị Phỉ Báng: Defamation (Libel-Slander)

“Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. . .” là câu nói rất ư phổ thông trong mọi giới, mọi thời đại, được sử dụng, hoặc được áp dụng vào nhiều tình huống, trường hợp, nói lên những thâm độc, hoặc ít ra, hư cấu của lương tâm và lòng dạ con người.

“Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. . .” là câu nói rất ư phổ thông trong mọi giới, mọi thời đại, được sử dụng, hoặc được áp dụng vào nhiều tình huống, trường hợp, nói lên những thâm độc, hoặc ít ra, hư cấu của lương tâm và lòng dạ con người.

Từ cái nôi văn minh tây phương, Aesop, một người nô lệ hiện hữu trong xã hội và văn hoá Hylạp khoảng 600 năm trước công nguyên; ông ta được biết và lưu truyền mãi về những dụ ngôn mang tính chất dạy đời; riêng trong bài nầy, không dụ ngôn nào phản ánh trung thực và ấn tượng hơn là dụ ngôn nói về cái [lưỡi.]

Xanthus, chủ nhân của Aesop và cũng là một hiền triết, một hôm, sai Aesop ra chợ mua món gì ngon nhất để thết đãi môn sinh. Aesop thu mua tất cả lưỡi lợn (heo); làm đủ thứ món cho Xanthus và thực khách ăn.  Xanthus bực quá, mắng Aeso. Aesop ôn tồn đáp: “Thưa ngài, trên đời không có gì quí hơn, tốt hơn, vĩ đại hơn cái lưỡi. Không có lưỡi, chẳng có gì xong, cho cũng không, nhận cũng không, hay mua bán cũng chẳng được. Nhờ cái lưỡi mà nên nước nên nhà, luật lệ được lập ra. Mọi sự đều được cái lưỡi ra lệnh. Chính vì thế, trên đời không có gì vĩ đại hơn cái lưỡi.” 

Lần khác, Xanthus lại sai Aesop ra chợ mua thứ gì rẻ mạt nhất, hạ cấp nhất để đãi khách–những khách mà ông không ưa, không thích, nếu không dám nói là oán ghét.  Aesop lại mua toàn bộ lưỡi lợn về và cũng làm các món.

Xanthus điên tiết canh lên, chửi Aesop một mẻ.  Aesop lại ôn tồn thưa với chủ:

“Những gì xấu xa mà không qua cái lưỡi? Cũng chính vì cái lưỡi, mà sinh ra đối nghịch, mưu toan, tranh giành, chinh chiến. Quả thực, không gì đáng ghê tỡm hơn cái lưỡi đầy gian ác.”

Ngày nay, con người cũng sống vì cái lưỡi. Khi muốn lấy lòng nhau, thiết tha yêu nhau, con người đã vận dụng mọi từ ngữ lịch sự, hay ho, thơm tho, hấp dẫn, lôi cuốn và tuyệt vời nhất để chinh phục trái tim nhau. Lấy được nhau rồi, không mấy lâu sao, khi cơm không lành, canh không ngọt, con nguời lại bỏ tiền của, mang nhau ra nơi pháp đình, vận dụng chính cái lưỡi đó, để nhục mạ, lên án, chà đạp và triệt hại nhau không chút nương tay.

Trong một phiên toà giành con chia của gần đây tại Dallas County, Texas, một người chị ruột đã khai suốt một mạch những lời đắng cay, chua chát và xót ruột nhất về cô em gái mình trong vụ kiện. Đau xót đến đỗi bà quan toà đã ra lệnh người nhân chứng phải dừng lại. Bà phán với một giọng thiết tha, chân thành: “Đủ rồi! đủ rồi! Những người nầy đã trải qua bao gian truân để đến đây, phải đương đầu với bao nghịch cảnh để sống còn, bấy nhiêu cũng quá đủ rồi!”

Trong lãnh vực bài viết nầy người viết không mổ xẻ thêm về ba tấc lưỡi, nhưng chỉ nhắm vào những gì do cái lưỡi gây nên, đơn thuần chỉ khai triển qua bốn chữ [mạ lị phỉ báng] trong khái niệm và lãnh vực luật pháp Hoa Kỳ mà thôi.

Từ thuở Hoa Kỳ chưa độc lập, hiến pháp chưa hiện hữu, luật về Mạ Lị Phỉ Báng (defamation law) đã xuất hiện. Vụ án John Peter Zenger (1734) đã trở thành mấu chốt, nền tảng cho việc nói lên sự thật. Thế rồi, tu Hiến Chính thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa kỳ (First Amendment of the U.S. Constitution) lại được ban hành để bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tuy nhiên, việc đưa nhau ra pháp đình để thưa kiện về tội mạ lị phỉ báng ít được quan tâm, ít ai nhắc đến, và cũng chẳng có những vụ nào to tát, đáng để ý, cho đến vụ án New York Times v. (kiện) Sullivan (1964), ngay vào thời điểm nóng bỏng của phong trào đòi bình quyền trong thập niên 60.   

Mạ lị phỉ báng, Defamation (libel hay slander) đều nằm trong luật Tort, một loại luật dân sự, bao quát mọi hành vi trong tương quan con người, kể cả công việc làm ăn, kinh tế, thường được hiểu trong tiếng Anh là Civil wrongs. Tort hoàn toàn khác với luật hình sự (criminal law), liên quan đến những vi phạm giữa người dân và chính quyền.

Ngoài luật mạ lị phỉ báng của liên bang ra, mỗi tiểu bang lại còn có luật riêng, khác nhau về nhiều phương diện, có một số tiểu bang kết hợp hai loại mạ lị phỉ báng libel và slander thành một danh tội. Một số tiểu bang có những giới hạn, đặc biệt là thời hạn triệt tiêu (statute of limitation) để bên nguyên đơn có thể nộp đơn kiện.

Tội mạ lị phỉ báng hình sự (criminal libel) tuy vẫn nằm trong các bộ luật, nhưng ít được nhắc đến hay thi hành nghiêm chỉnh. Hầu như luật của các tiểu bang đều có khoản nhấn mạnh rằng, những lời nói, tuyên bố, bài viết, bài văn man trá, giả dối, chính nó, đã là mạ lị phỉ báng rồi (defamation per se). Có những loại mạ lị phỉ báng, chính nó (per se) đã là làm nên tội, không cần phải minh chứng những yếu tố liên đới, hay những thiệt hại về tài chánh, kinh tế. Chẳng hạn như vu khống một người với những danh tội như cuớp của giết người, bệnh hoạn như phung cùi ghẻ lỡ, mạ lị cá nhân trong lãnh vực nghề nghiệp, chức vị v.v.

Mạ lị phỉ báng là gì?

Mạ Lị Phỉ Báng thường hiểu chung trong danh từ của tiếng Anh: Defamation.

Chưa có một sự đồng nhất về định nghĩa của chữ Defamation, nhưng tựu chung, được biết đến và hiểu như: hành động, lời nói, mang tính chất bôi nhọ, gây tiếng xấu, gây hoang mang, gây tổn thất danh dự, công ăn việc làm, tài chánh và kinh tế của người [còn đang sống] hay tổ chức bị mạ lị.

Điều đáng chú ý nhất là khi tiếp tay trực tiếp hay gián tiếp, chuyển tải thông tin mang tính chất mạ lị, dầu vô tình hay cố ý, dầu rằng không phải là người chủ xướng, tác giả gốc của nguồn tin, vẫn “không thể” bào chữa, chạy tội được. (It is no defense that the defendant merely repeated but did not originate the defamation)

Điển hình, trong nhiều năm qua, có những điện thư phát tán, chuyển tải trên mạng, khắp cả thế giới, một danh sách được mang danh là “những thành phần thân cộng, phản động, tiếp tay cho giặc”, hay nhiều danh từ chụp mũ những người có tên trong danh sách với mưu đồ gây hoang mang, hạ uy tín, tạo ngờ vực hay chia rẽ trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Có nhiều người đã lên tiếng, phản bác, hay viết bài cảnh cáo; nhưng rồi, thỉnh thoảng, những loại điện thư đó được tiếp tục chuyển tải đi khắp nơi, đôi khi lại mang thông điệp [cập nhật], và lắm khi lại thêm vào một số tên mới.

Trong danh sách đó, lại có những người được mọi người ở hải ngoại biết đến, đan cử như Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, ở tù cộng sản, tỵ nạn, quốc tịch Úc, hiện đang định cư và dạy tại đại học Victoria, Úc, chủ biên của một chương trình VOA, tác giả khá nhiều sách về phê bình văn học, trong đó có cuốn Văn Học Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Gần đây, Giáo sư nguyễn Hưng Quốc đã bị chính quyền Việt Nam chận lại ngay ở phi trường 2 lần, và từ chối không cho vào Việt Nam, thế nhưng, ông lại bị liệt kê vào danh sách của những người thân cộng. Rất nhiều người, vô tình hay có ý, tiếp tục chuyển tải, phát tán những thông tin, danh sách như vậy trên mạng, internet, bất chấp hành vi đúng/sai của mình.
[http://www.voanews.com/Vietnamese/blogs/quoc/]

Mạ lị phỉ báng

Trong Defamation, lại chia ra rõ rệt hai (2) lãnh vực luật khác nhau: (1) Libel và (2) Slander.

Libel-Bất kỳ những sự mạ lị phỉ báng, bịa đặt, xuyên tạc, vu khống qua hình thức bài viết, hình ảnh, (printed or image) chuyển tải qua bất cứ phương tiện nào, trực tiếp hay gián tiếp, gây tổn thương đến đời sống cá nhân, uy tín, danh tiếng, thể diện, nghề nghiệp, cơ hội tiến thân, tác hại đến hôn nhân, gia đình quan hệ xã hội của người bị mạ lị phỉ báng.

Slander- Bất kỳ những hành vi gì, cử chỉ gì, phát ngôn hay lời nói, loan truyền đi, chuyển tải đến người thứ ba. (expressed in spoken words, signs or gestures), trực tiếp hay gián tiếp, gây tổn thương đến đời sống cá nhân, uy tín, danh tiếng, thể diện, nghề nghiệp, cơ hội tiến thân, tác hại đến hôn nhân, gia đình quan hệ xã hội của người bị mạ lị phỉ báng.

Thông báo, tin tức, dữ kiện chuyển tải qua hệ thống truyền hình, radio, được liệt kê vào loại luật slander.

Trách nhiệm của “Nguyên đơn-Plaintiff” phải chứng minh
bị đơn là chính là kẻ đã tạo ra, phát ngôn, viết những thông tin, lời nói, hành vi mang tính chất mạ lị phỉ bang;
ngoài Nguyên đơn ra, những lời nói, bài viết, thông tin mạ lị phỉ báng đã được chuyển tải đi đến người thứ ba, nghe, thấy hoặc đọc được;
Nguyên đơn chính là người nhận diện, được nói, nhắc đến trong thông tin, bài viết hoặc những hành vi mang tính chất mạ lị phỉ báng, ngoại trừ những trường hợp nêu trên;
Nguyên đơn đã bị tổn thương, vật chất hay tinh thần, do chính những thông tin, lời nói hay hành vi mạ lị phỉ báng của “Bị đơn-Defendant”;
Nguyên đơn không phải là người có danh phận, địa vị được mọi người biết đến (public figure).

Là một công dân bình thường, Nguyên đơn không cần phải minh chứng bị đơn có ác ý hiển nhiên (actual malice), chỉ cần chứng minh Bị đơn biết những lời nói, bài viết, hành vi của Bị đơn là không thật, man trá, gian dối, thế là đủ.

Nếu Nguyên đơn là những người có địa vị, chức quyền, nổi tiếng (public figure), tất nhiên phải minh chứng rằng bị đơn hoàn toàn có ác ý hiển nhiên, ý thức, hiểu biết rằng những phát biểu, lời nói, thông tin hay dữ kiện chuyển tải đi đều không đúng sự thật, hoặc bất chấp, liều lĩnh không cần biết điều mình nói, thông báo, phát hành, chuyển tải đi thật hay không.

Nhưng, khó ở chỗ, ai là những người được nằm trong định nghĩa của hai chữ [public figure]. Chủ tịch cộng đồng ư?  Một nhà sư, một linh mục, mục sư, nicô, hay một nữ tu, có thể được liệt kê vào phạm trù của [public figure] chăng?  Thật khó mà phán quyết.  Tuy nhiên, Tối Cao Pháp Viện đã minh định, những ứng cử viên cho mọi chức vụ chính quyền, nhân viên chính quyền trong chức vụ cao, có trách nhiệm lớn (nonelected official, substantial responsibility for, or control over, the conduct over, the public affairs) [Rosenblatt v. Baer, 383 U.S. 75, 86 S. Ct. 669, 15 L. Ed. 2d 597 (1966); Monitor Patriot Co. v. Roy, 401 U.S. 265, 91 S. Ct. 621, 28 L. Ed. 2d 35 (1971)]. Trong lãnh vực public figure, vẫn còn thường xuyên tranh cãi trong từng vụ kiện. Càng nằm trong phạm trù [public figure], càng khó thắng các vụ kiện mạ lị phỉ báng.

Bị đơn bào chữa
mọi phát biểu, lời nói hay hành động của Bị đơn hoàn toàn là sự thật, không gì ngoài sự thật (truth)
Nguyên đơn đã đồng thuận, bằng lòng trực tiếp hay gián tiếp về những thông tin, hành vi của Bị đơn (consent)
những sơ sót, không cố ý (accident)
những phát ngôn, lời nói, bài viết được miễn tố theo luật (privilege)-như phát biểu của các nhà lập pháp đang trong công vụ (legislator); phát biểu của các nhà lãnh đạo chính quyền; phát biểu trong mọi tiến trình tố tụng, như luật sư, bồi thẩm đoàn, nhân chứng trong vụ kiện, thẩm phán v.v. (legal proceeding)

Tự do ngôn luận
Nhiều ngưòi lầm tưởng rằng, chúng ta đang ở trong đất nước tự do, có hiến pháp, có hệ thống luật pháp nghiêm minh, thành ra con người được tự do phát biểu, muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì vô tư mà làm. Họ quên rằng, chính Tối Cao Pháp Viện Hoa kỳ đã khẳng định, những lời nói mang tính chất mạ lị phỉ báng, không được bảo vệ bời Hiến pháp. [libelous speech is not protected by the Constitution. Beauharnais v. Illinois, 343 U.S. 250, 72 S. Ct. 725, 96 L. Ed. 919 (1952)]

Tiến trình tố tụng
Ai ai cũng biết rằng, mọi hoạt động liên quan đến tố tụng, ở bất cứ nơi nào, đều hao tiền, tốn sức, xoi mòn sự sống nội tâm. Vì là vấn đề dân dự, không có nơi nào hay luật nào buộc phải cung cấp luật sư miễn phí cho cả hai bên, Nguyên đơn cũng như Bị đơn. Luật sư phí trung bình từ $200, $300, $400 một giờ. Sau một ít thời gian tư vấn miễn phí, tiền đặt cọc tối thiểu cũng vài chục ngàn trước khi luật sư bắt tay vào việc.

Khi hợp đồng mướn luật sư được ký, các bên liên quan đến vụ kiện phải thường xuyên tiếp tục trả tiền cho mọi chi phí; ngoài tiền luật sư ra, tiền toà, tiền thông dịch viên, tiền tốc ký viên (court reporter) cho các buổi diện vấn (deposition), tiền chuyên viên điều tra, tiền trả cho các chuyên gia (expert witness), trả cho chủ sự phiên hoà giải (mediator), tiền in ấn, hình ảnh, tài liệu chuẩn bị cho phiên toà v.v.

Không chỉ những bên có tên trong vụ kiện mới nhức đầu, mới mất thì giờ, nhưng bất cứ ai có kiến thức, biết, liên quan đến vụ việc, trực tiếp hay gián tiếp, đều có thể được luật sư hai bên mời đến để phỏng vấn, lấy thông tin, trong tiến trình sưu tra hồ sơ hay làm nhân chứng ngay trong các phiên xử tại toà.

Vụ án có thể kéo dài từ 1 đến 2 hoặc 3 năm. Sau đó, nếu bên thua không tiếp tục chống án, vụ án xem như tạm ngưng. Kế đến là giai đoạn bồi thường, hay cũng có thể, bên bị đơn phải công bố xin lỗi. Dầu thắng hay thua, tiền luật sư phí và mọi chi phí khác hầu như gần với số tối thiểu một trăm ngàn trở lên cho mỗi bên, chưa tính những thất thu về kinh tế vì bỏ công ăn việc làm, việc nhà, để đeo đuổi từng giai đoạn trong tiến trình tố tụng.
  
Những vụ kiện lớn tại Mỹ

Một trong những vụ kiện lớn đáng nhớ liên quan đến luật Defamation (libel/slander) là vụ công ty MMAR kiện The Wall Street Journal, công ty mẹ của tờ Wall Street là Dow Jones & Company. Tháng 3 năm 1997, bồi thẩm đoàn toà án liên bang tại Houston, Texas đã luận phạt tờ báo nổi tiếng Wall Street $222.7 triệu đô, về tội đăng tin xuyên tạc, gây tổn hại đến công ty MMAR. Số tiền bồi thường cho việc thiệt hại cụ thể (actual damage) chỉ có $22.7 triệu đô; nhưng, bồi thẩm đoàn đã ấn định $200 triệu cho việc trừng phạt cảnh cáo (punitive damage). Đây là một vụ kiện liên quan đến một cơ quan truyền thông vào bậc nhất Hoa Kỳ. Dow Jones là một trong 90 công ty truyền thông hỗ trợ cho Libel Defense Recourse Center, cùng với 200 luật sư, ắt hẳn, họ là những luật sư uyên thâm, không những về luật pháp nói chung, nhưng cách riêng, luật liên quan đến defamation–libel và slander.

Defamation qua Internet
Tháng Tư năm 2009, cũng tại tiểu bang Texas, bồi thẩm đoàn toà liên bang đã tuyên phạt công ty Predatorix $12.5 triệu đô, về tội sử dụng internet để xuyên tạc đối thủ làm ăn, công ty Orix. Tương tự như vụ kiện tờ báo Wall Street, số tiền bồi thường cho Orix thực sự chỉ có $2.5 triệu đô, nhưng số tiền trừng phạt cảnh cáo (punitive damage) là $10 triệu đô. Không những vậy, bên bị can phải đăng báo xin lỗi Orix trên chính trang mạng (website) của mình, công nhận rằng những gì đã đăng tải, xuyên tạc về Orix, hoàn toàn không đúng.

Những vụ kiện nổi bật của người Việt tại Mỹ

Vụ kiện mạ lị phỉ báng năm 2003 với số tiền trừng phạt khá lớn, đó là vụ ông Hồ Ngộ và hai người con gái, Hồ Thị Thu và Hồ Thị Thi đã kiện nhà sư Lê Kim Cương và ban trị sự chùa Như Lai tại Denver, Colorado. Vì lên tiếng phản kháng việc vi phạm nhân cách, sách nhiễu tình dục trẻ vị thành niên của sư Lê Kim Cương, gia đình ông Ngô bị chụp mũ là cộng sản. Sau phiên xử khá dài 4 tuần tại District Court, toà đã tuyên phạt ban trị sự của chùa và cá nhân nhà sư $4.8 triệu đô, về tội mạ lị phỉ báng, những hành xử thái quá, tàn nhẫn và vô trách nhiệm. Cách riêng, sư Lê Kim Cương còn bị buộc thêm tội bạo hành tình dục. (Sisters win suit against temple board vilified family after girls reported monk fondled them, Rocky Moutain News, Denver CO) 

Năm 2006, một vụ án khác gây nhiều dư luận là vụ ông Phạm Tuấn, cựu sĩ quan QLVNCH kiện 7 người về tội gây tổn thương đến danh dự và sự nghiệp làm ăn của ông. Ông Tuấn là chủ tiệm Capital Market tại St. Paul, Minesota. Nhân vụ viếng thăm của đức giám mục Tiệm, và sự kiện liên quan đến lá cờ quốc gia, những nhân vật trong bị đơn đã tổ chức biểu tình nhiều nơi, cả nơi nhà và tiệm của ông Tuấn. Trong đám biểu tình, có cả những nhân vật lãnh đạo của cộng đồng. Những hoạt động rầm rĩ, hỗn loạn, không những gây tổn thương đến danh dự, thể diện và đời sống an bình của cá nhân và gia đình ông Tuấn, những cửa tiệm của ông cũng sập luôn.

Toà tuyên phạt các bị đơn $693 ngàn đô. Sau khi thắng kiện, toà ra lệnh chủ tịch của Vietnam Center và Vietnam Social Services phải đăng báo xin lỗi. Riêng ông Tuấn, ông tuyên bố: “Chiến thắng của tôi hôm nay, là di sản tôi để lại cho con cháu tôi và cho cộng đồng người Việt khắp nơi trên đất Mỹ.” Ông tiếp, “Danh thơm của một người được gầy dựng bởi mồ hôi nước mắt, không thể bị triệt hạ mà không mang theo một hậu quả pháp lý đích đáng.” (vụ kiện nầy lại tiếp tục kháng án và đã được toà phúc thẩm [State of Minesota Court of Appeals] xử lại hôm 21 tháng 8, năm 2007)

Quay lại năm 2003, Ông Tân Thục Đức đã kiện 6 cặp vợ chồng về về tội chụp mũ ông Đức (1) trưng bày cờ cộng sản trá hình tại hội chợ Lakefair và vài nơi khác, Olympia (Washington State); (2) phổ biến sự hiện hữu của chế độ cộng sản Hà Nội trong cộng đồng người Việt; (3) không chịu treo cờ VNCH tại trường Việt ngữ Hùng Vương. Cá nhân ông Vũ Anh Tuấn, với tư cách là Đồng Chủ Tịch Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng, đã tung tin qua điện thư (email) chụp mũ Cộng Đồng Người Việt Quận Thurston đã trưng bày cờ Việt Cộng, làm việc cho cộng sản Việt Nam, thành viên của đảng CSVN, và yêu cầu các cơ quan truyền thông và cộng đồng người Việt trên thế giới tẩy chay và trục xuất ông Đức và hội đồng quản trị.

Kết thúc vụ án, toà tuyên phạt những thành viên bị đơn trong Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng $310 ngàn đô.

Những vụ kiện gần đây nhất

Trong những năm gần đây, hiện tượng chống nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trở thành giai điệu truyền nhiễm từ đại nhạc hội nầy đến địa phương khác. Khi Đàm Vĩnh Hưng đến trình diễn cho đại nhạc hội Thanksgiving năm 2009 tại Dallas, đã tạo ra một phản ứng mạnh, có biểu tình phản đối, có tuyên cáo và có những lời buộc tội, đe dọa, buộc người đứng ra tổ chức là thân cộng, gây khá nhiều hoang mang, chia rẽ trong cộng đồng và ngay trong giới truyền thông báo chí. Thế rồi, đơn kiện về mạ lị phỉ báng đã được thụ lý tại District Court, Dallas County, Texas. (FRANKIN Vu et al vs. Cuong Cao et al, Case no. DC-10-03505, 11th Disdtrict Court)

Hôm 26 tháng 3 năm 2010, Franklin Vũ, đã đệ đơn kiện Cao Chánh Cương, Hà Thúc Thanh, KTXV-Am 890, Mass Media, Inc., Đỗ Thu Nga, Nguyễn Xuân Hùng, Nguyễn Kinh Luân, Thái Hoá Tố, Thế giới Mới Corporation và Trương Sĩ Lương. Sau hơn một năm rưỡi của tiến trình tố tụng, sưu tra hồ sơ, phỏng vấn nhân chứng, nhiều buổi diện vấn (deposition) và nhiều buổi gây quĩ pháp lý do bên bị đơn tổ chức qua các phương tiện trực tuyến trên mạng cũng như tại các nhà hàng địa phương, hai bên đã thấy thấm, không những về mặt tài chánh, thời gian, nhưng nhất là những tổn thương danh dự, nội tâm của từng cá nhân trong vụ, gia đình trực tiếp và cộng đồng nói chung. Hôm mồng 7 tháng 10 vừa qua, hai bên đã đồng ký vào một bản tuyên bố hoà giải và nộp đơn xin toà hủy án. Bốn hôm sau, 11 tháng 10, thẩm phán đã ký án lệnh hủy án (Agreed Order of Dismiss).

Cũng từ chính vụ kiện mạ lị phỉ báng nầy, nảy sinh vụ kiện mạ lị phỉ báng khác. Hôm 17 tháng 11, năm 2010, các ông Cao Chánh Cương, Thái Hoá Tố và Nguyễn Kinh Luân lại đệ đơn kiện ông Thái Hoá Lộc, chủ nhiệm tờ báo Người Việt Dallas. Tuy nhiên, sau gần một năm giằng co, đôi bên đã đi đến việc giải quyết êm thấm, và đã đồng ký một Thoả Hiệp hủy bỏ vụ kiện.

Trong khi bài viết chưa đến đoạn kết, người viết lại nhận được một điện thư từ một diễn đàn Hướng Đạo, chuyển tin Thông Cáo Biểu Tình Chống Tuần Báo Việt Weekly, ngày thứ bảy, 29/10/2011.

Thông cáo bắt đầu:

“Nhằm thi hành Quyết Nghị chung của 18 vị đại diện hội đoàn và mọi giới đồng hương trong Buổi Họp cộng đồng tại Thư Viện VN ngày 1/10/2011, Liên Ủy Ban chống Cộng Sản & Tay Sai, UB Đặc nhiệm chống Tuyên Vận CS, kết hợp với các Cộng đồng và Hội Đoàn tại Nam Cali trân trọng thông báo cùng đồng hương Nam Cali” (xem đính kèm).

Một điều đáng ngạc nhiên là bản thông cáo được làm vào ngày 18/11/2011, và được mang tên của sáu (6) nhân vật: Ô. Nguyễn Long, Ls Nguyễn Xuân Nghĩa, Bs Võ Đình Hữu, Ô. Nguyễn Văn Lực, Ô. Phan Tấn Ngưu và Anh Billy Lê, đại diện sáu (6) đoàn thể và 20 cá nhân, được chuyển tải đi khắp nơi ngày 19 tháng 10, năm 2011. Không biết các nhân vật có tên trong Thông Cáo Biểu Tình, đặc biệt là Ls Nguyễn Xuân Nghĩa, đã đọc, hiểu và tự nguyện ký vào bản thông cáo hay không, nhưng riêng trên nguyên tắc và lý luận, ngày giờ thành lập bản Thông Cáo so với thời giờ chuyển tải đi, đã nói lên một sự bất ổn rồi. (làm ngày 18-11-2011, gửi đi ngày 19/10/2011).

Từ khi hiện diện trong vụ Mặt Trận Kiện Báo Chí (San Jose, CA) đến vụ kiện mới nhất tại Dallas, người viết đã chứng kiến quá nhiều những bất trắc trong ý thức, trong quan hệ con người, và nhất là trách nhiệm của từng cá nhân đối với sự hình thành, hiện hữu, tồn vong và nhất là sự phát triển của từng cá nhân, từng gia đình và từng cộng đồng người Việt trong suốt hơn 43 năm sống tha phương. Biết đến bao giờ, người Việt hải ngoại mới nhận chân được giá trị của hai chữ tự do, giá trị làm người và quyền làm người của từng cá nhân trong một xã hội văn minh.

Phải chăng người Việt hải ngoại phải tốn hàng trăm ngàn đô, tốn hàng khối thời gian, tốn hàng hà sa số những tổn thất về tinh thần, nội tâm, để học được những bài học:

Tự do tư tưởng, ngôn luận và diễn đạt là những quyền tự do cơ bản và quý giá nơi một xã hội lành mạnh và các thành viên phải tôn trọng. Những tự do nầy không bị giới hạn và phải được tôn trọng bởi những người ở mọi bên của bất kỳ bất đồng ý kiến gì.

Muốn vun xới tự do, vui hưởng dân chủ và bình đẳng, hơn ai hết, người Việt hải ngoại yêu chuộng hoà bình phải luôn ý thức sự tự do trong vòng tay, làm chủ lời nói và hành vi, để chính bản thân, gia đình, và cộng đồng khỏi phải hoang phí tài nguyên vào những tranh chấp, thưa kiện, không mang lại một chút ích gì cho ai cả.

Ai cũng muốn minh chứng chính nghĩa, cái đúng của mình. Nhưng, người Việt đã kinh nghiệm hơn bất cứ một dân tộc nào hết, chinh chiến, tranh chấp, không là phương tiện mang lại công lý và bình an, nhưng, như những khuôn vàng thước ngọc chúng ta thường nghe: “Kẻ chiến thắng không phải là người tiêu diệt địch thủ, nhưng kẻ đã biến thù thành bạn.”

Trong lý tưởng về tự do ngôn luận và dân chủ, một triết gia đã nói: “Tôi hoàn toàn bất đồng ý với những quan điểm của bạn, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của bạn có một diễn đàn để trình bày.”

Bàn về bốn chữ mạ lị phỉ báng, không châm ngôn nào thực tiễn và ý nghĩa hơn hai câu:

Nói thế nào để người khác muốn nghe,
Nhưng, quan trọng hơn thế nữa, đó là
Nghe thế nào đề người khác muốn nói.

Nói để lấy lòng, thu phục nhân tâm, có lẽ, dễ hơn là phải biết nghe; không phải chỉ nghe (hear, linstening,) nhưng là lắng nghe (attentive listening.) Trong sự thinh lặng và lắng nghe chân thành, ta khám phá ra nơi tha nhân còn có nhiều điều đáng lắng nghe, đáng học hỏi và họ sẽ là người những bạn chúng ta cần, nhất là một người bạn đồng hương, cùng màu da, cùng nói tiếng mẹ đẻ, cùng có một truyền thống, cùng có những ước vọng làm người, người Việt thiết tha với tự do, công bằng và hạnh phúc.

Bernard Nguyên-Đăng, J.D.
Arbitrator-Mediator-Lecturer
Dallas, 8 tháng 03, 2018

Mọi ý kiến đóng góp hoặc thắc mắc, xin liên lạc trực tiếp về: BernardLawDR@Gmail.com

Ghi chú: Nội dung, thông tin và những dữ kiện trưng dẫn trong bài viết trên đây đã được lựa chọn trực tiếp hoặc gián tiếp từ những nguồn thông tin đáng tin cậy. Tuy nhiên, có những thông tin hoặc dữ kiện được thâu tập và nghiên cứu qua hệ thống trực tuyến, mạng toàn cầu, do đó, mức độ chính xác không thể kiểm chứng. Quan trọng hơn hết, những thông tin về luật pháp trong bài viết không phải là việc tư vấn pháp lý, càng không thể thay thế vai trò một luật sư hành nghề trong từng tiểu bang, trong lãnh vực chuyên môn về luật và dựa theo những tình huống riêng, đặc thù. Khi phải đối diện những vấn đề pháp lý cụ thể và quyền lợi cá nhân, xin liên lạc ngay với luật sư am tường và kinh nghiệm hành nghề trong lãnh vực luật pháp chuyên môn.     

Tham Khảo (References):

Defamation
https://en.wikipedia.org/wiki/Defamation
False Light
https://en.wikipedia.org/wiki/False_light
Right to Privacy
https://en.wikipedia.org/wiki/Privacy_laws_of_the_United_States
Defamation
https://en.wikipedia.org/wiki/Defamation
Defamation Law Made Simple
https://www.nolo.com/legal-encyclopedia/defamation-law-made-simple-29718.html
Defamation Law and Free Speech
https://www.uow.edu.au/~bmartin/dissent/documents/defamation.html
Defamation-What You Cannot Do
https://www.thenewsmanual.net/Manuals%20Volume%203/volume3_69.htm

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.