Elizabeth Nguyễn
Trong hành trình thiêng liêng bước theo Đường Đấng Kitô, chúng ta, những Kitô hữu được mời gọi, thanh luyện tâm hồn mình mỗi ngày mỗi nên giống Ngài hơn.Trong tinh thần đó, Thánh Inhaxiô (I-nhã) khuyên dạy chúng ta nên biết:
Nhận định xem: Chúng ta theo cách của Chúa hay của kẻ thù (Hai cờ hiệu)
Đối diện với những bối rối trong nội tâm, có ba mẫu người.
Đáp lại tình yêu của Chúa, chúng ta có ba kiểu khiêm nhường
Đây là một suy tư, mà là suy tư trong cầu nguyện, (suy đi nghĩ lại suốt thời gian chọn lựa) vì sách Linh thao bảo hãy kết thúc bằng việc dùng lại những lời tâm sự của bài Ba hạng người, cũng là dùng lại những lời tâm sự của bài Hai lá cờ hiệu (s. 156 ; 147).
Hai cờ hiệu giúp chúng ta phân biệt xem cách hành xử của mình có hòa hợp với Thần Khí Chúa hay không. Mục đích lựa chọn những lợi điểm và những bất lợi dưới ánh sáng đức tin, tha thiết xin Chúa ban thánh ý. Chú tâm đến chuyển động của thần loại và ảnh hưởng của chúng (an ủi hay sầu khổ) để biết đâu là cách ta được thúc dục.
Ba mẫu người: mục đích để chọn sống tốt hơn, giúp chúng ta bình tâm và tự do vâng phục Thiên Chúa.
Mẫu người thứ nhất: Muốn thoát khỏi mọi ràng buộc để thương mến và vâng phục Thiên Chúa trên hết mọi sự, tuy nhiên vẫn khư khư giữ báu vật, chưa sẵn sàng từ bỏ, tự hứa sẽ từ bỏ nhưng hiện tại chưa bỏ được.
Mẫu người thứ hai: Muốn vâng phục Thiên Chúa hết lòng trên hết mọi sự, nhưng không thành thật với chính minh, vì cắt bớt báu vật và tự nhủ đã dâng cho Chúa rồi, và tự nhủ rằng giữ và hưởng báu vật là thánh ý Chúa.
Mẫu người thứ ba: Từ bỏ thực sự hoàn toàn theo ý Chúa. Vâng phục Ngài trên hết mọi sự. Dâng hiến báu vật cho Chúa. (thí dụ Abraham dâng con là Isaac)
Ba cách thức sống khiêm nhường. Đây là ba tiêu chuẩn để định hướng cuộc sống, ba bậc ước muốn, ba mức độ từ bỏ mình để bước theo Thầy Giêsu, ba mức độ để mình nhỏ đi, và Thầy nổi bật lên. Giúp suy gẫm về sự nghèo khó và sự chịu sỉ nhục, và coi cả hai là hai nấc thang dẫn tới sự khiêm nhường, và là những điều phải thực hiện để có được sự khiêm nhường, hoặc là chính sự khiêm nhường đang được thể hiện.
Khiêm nhường thứ nhất: Người này quả quyết hết sức hạ mình vâng phục lề luật Thiên Chúa, và vì thế quyết định không phạm tội trọng nào, mục đích là để khỏi bị phạt, khỏi bị thiệt hại, hoặc để khỏi phải chết. Người này muốn hưởng tối đa mà từ bỏ chính mình tối thiểu. Họ hay hỏi: Làm như vậy có tội không? Nếu không có tội, họ yên tâm tiếp tục cách ăn ở và xử dụng tài sản cách ích kỷ, không quan tâm đến người chung quanh.
Tuy vậy, thứ khiêm nhường này không phải là luôn luôn dễ giữ vì có khi nó đòi phải có sự anh hùng, điển hình là trường hợp các vị tuẫn giáo: các ngài đã thà chết chứ chẳng thà phạm tội trọng chối bỏ Thiên Chúa.
Khiêm nhường thứ hai ở cấp độ cao hơn; nó là của hạng người có được thái độ dửng dưng đối với các vật thụ tạo, như chúng ta đọc trong bản văn: “Tôi tới được mức độ không muốn và cũng chẳng ham cái giàu hơn cái nghèo, không thích danh giá hơn ô danh, không ước ao đời sống lâu dài hơn đời sống ngắn ngủi, khi việc phụng sự Thiên Chúa và sự rỗi linh hồn của tôi vẫn như thế” (s. 166,1-2). Người ở cấp độ khiêm nhường này thà chịu mất mọi vật thụ tạo hay cả sự sống chứ chẳng thà phạm tội nhẹ. Người này thường tham gia tĩnh tâm, nhóm cầu nguyện… lòng họ biến đổi, rất bình tâm và tự chủ trái tim mình.
Khiêm nhường thứ ba là sự khiêm nhường ở bậc cao nhất. khiêm nhường này nói đến theo gương và “nên giống Ðức Kitô cách hiện thực hơn” (s. 167,2) bằng cách giữ sự nghèo khó hiện thực và chịu sỉ nhục, chịu khinh bỉ, chê cười. “Chỉ ước ao và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta hơn, tới cứu cánh mà vì nó, chúng ta được dựng nên” (s. 23,7). Sống theo kiểu khiêm nhường này, chính là áp dụng tối đa sự dửng dưng trước sự sống, của cải, danh dự và sức khỏe, vì nó đòi phải chọn sự nghèo khó và chịu sỉ nhục thay vì chọn sự giàu có và danh vọng, ngay cả trong giả định rằng tất cả những cái đó đều góp phần ngang nhau vào việc giúp con người làm rạng danh Thiên Chúa.
Chỉ có Chúa Giêsu và các Thánh mới có lòng khiêm nhường đến chịu tự hủy mình đi và tuyệt đối vâng phục Đức Chúa Cha. “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi, bồi dưỡng” (Mt 12, 29) Chúng ta học cùng Chúa Giêsu là chọn lựa nên giống Ngài, là sống chân thật, thẳng thắn, thương yêu, tha thứ, là thấy sự bất bình chẳng tha, là chọn cảnh nghèo khó và chịu sỉ nhục, là xin vâng tuyệt đối, đó là điều tốt nhất để hạ mình tuân phục Ðức Chúa Cha. “Ngài đã hủy mình đi để nhận lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống trần nhân, và, về hình dạng, Ngài được nhìn nhận là một người. Ngài đã hạ mình trở nên vâng lời cho đến nỗi chịu chết, chết trên thập giá” (Pl 2,7-8).
Thánh I-nhã khuyên chúng ta hãy xin Thiên Chúa chọn cho mình kiểu khiêm nhường thứ ba, thay vì xin cho mình ơn sống nghèo khó và chịu sỉ nhục. Sự nghèo khó cốt ở chỗ phải “từ bỏ mình đi”, không giữ lại chút gì cho riêng mình ngay cả chính bản thân để bản thân được trọn vẹn thuộc về Chúa và được đồng hóa với Chúa. Đây là một cách cố gắng trở nên giống Thiên Chúa, khi ta tỏ lòng ước ao hơn, biểu lộ tình yêu và niềm tôn kính hơn để thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha. Chúng ta càng hiệp nhất với Ngài hơn thì ta càng tham dự mật thiết vào sự sống của Ngài, của Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần, nghĩa là mình trở về nguyên thủy gốc cuả mình – Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Ngài (St 1,26-27)
Thánh Giuse là vị Thánh khiêm nhường cách âm thầm cao cả nhất.Tôi kính trọng và ngưỡng mộ gương khiêm nhường của Thánh Giuse, Ngài là người luôn luôn sẵn sàng “từ bỏ mình đi”, không giữ lại chút gì kể cả mạng sống, trong mọi sự, mọi hoàn cảnh trong âm thầm và nhẫn nhục cho đến khi lìa đời. “Ngài luôn luôn lắng nghe sự bày tỏ của Thiên Chúa, phục tùng một cách sâu xa ý định bí mật của Thiên Chúa, một người chăm chú vào thông điệp đã đến từ thẳm sâu trong tâm hồn và từ trên cao” (DTC Francis). Ngài đã:
Âm thầm từ bỏ tự ái, sự nghi ngờ và danh dự để nhận Maria cùng bào thai của nàng và cưu mang Chúa Giêsu từ trong cung lòng Maria.(Mt 1, 18-24)
Âm thầm đưa Maria đi thăm bà chị họ là Elisabeth có thai sáu tháng (Tin Mừng không ghi sự việc này. Nhưng một người đã khiêm hạ như Giuse không thể để người bạn đời của mình đi đường xa, đến miền núi (vất vả và nguy hiểm) trong lúc “bụng mang dạ chửa” mà đi một mình trên đường xa diệu vợi, trải qua mấy ngày đêm đi đường)
Âm thầm đưa Maria đang mang thai gần đến ngày sanh, về quê quán của giòng tộc David để làm sổ bộ. (x. Lc 2, 1-5)
Âm thầm tìm nơi trọ cho Maria khi chuyển bụng mà không tìm được nơi nào. Thật bất nhẫn cho hoàn cảnh đó mà Giuse vẫn âm thầm nhẫn nhục, chua xót, yêu thương nhìn Maria sinh bé Giêsu trong nơi tồi tàn lạnh lẽo nhất.(x. Lc 2, 6)
Âm thầm đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập để trốn tránh Herôđê muốn giết Hài Nhi Giêsu, bằng cách giết tất cả các hài khi từ hai tuổi trở xuống, rồi sau đó lại vâng lời sứ thần đưa Hài Nhi và Mẹ Người về lại Israel. (x. Mt 2, 14. 21)
Âm thầm đau khổ trong lòng, khi cùng Mẹ Maria lo lắng bôn ba suốt ba ngày đường tìm bé Giêsu, gặp cậu trong đền thờ Jerusalem, Giêsu 12 tuổi: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con còn có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 46-49)./-
Elisabeth Nguyễn
Views: 0