Tâm lý giáo dục

Let me do my job

Tuyết Ninh

Truyền thông lúc này đa số đều thông tin về Coronavirus.  Câu chuyện hàng ngày cũng xoay quanh về Covid-19.

Dự lễ online linh mục cũng so sánh tình trạng nhà nhà đóng cửa cách ly và ngồi nhà sợ hãi giống như hoàn cảnh của các Tông Đồ khi xưa.  Sau khi Chúa bị đóng đinh và sống lại, các Tông Đồ cũng cùng nhau đóng cửa sợ hãi và cầu nguyện.  Chúa đã hiện ra và xua tan bao lo âu.

” Các cửa bị đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin. Ông Tô-ma thưa Người: ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! Đức Giê-su bảo: ‘Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20: 26-29).”

Lo thì phải lo, nhưng mà đừng sợ hãi!

Chuyện của tôi kể đây cũng bắt đầu do Coronavirus. Tôi cũng lo sợ nhưng chỉ biết hết lòng cậy trông nơi Thiên Chúa.

Cách ly ở nhà là dịp mà mọi người trong gia đình có thời gian gần gũi bên nhau.  Mỗi nhà mỗi cảnh nhưng thường là cha mẹ và con cái đi làm, đi học rất ít trùng thời gian biểu, hoặc đi làm, đi học xa nhà nên tuy cùng chung một mái nhà, mà chẳng có thời giờ cho nhau … Ai cũng bị cuốn theo nhịp sống vội, nhất là ở đất nước Hoa Kỳ ni.

Nay cách ly ở nhà, mọi người sống chậm lại hơn. Mọi người gặp nhau hàng ngày, hàng giờ nếu có những dự định tốt đẹp thì đây là cơ hội để thực hiện.  Tôi có đọc một bài viết của trang nhà gia đình Nazareth về ý tưởng hay này.

Lo thì lo mà lòng tôi cũng tính đến bao dự định tốt đẹp cho cả nhà tôi.  Tôi kể nè.

Cách ly thì tôi phải nghỉ làm, ông chồng thì làm việc ở nhà, con cái thì học online.

Tôi có hai đứa con, con trai thì năm thứ 3, con gái năm thứ 2 đại học.  Trước đại dịch thì hai cháu lúc nào cũng bận rộn việc học.  Ông chồng thì cứ phải làm thêm giờ ở công ty.  May ra chỉ được vài bữa tối cuối tuần là ngồi ăn cùng nhau.  Rồi Corona xuất hiện, thì gia đình tôi lại ngày 3 bữa sáng, trưa, tối cùng bàn ăn, cùng trò chuyện…

Tôi quí những giây phút bên nhau và dự tính làm cho tốt nhiều nữa nữa…

Bước đầu tôi hân hoan mà chuẩn bị hướng dẫn cho hai vợ chồng nhà tôi và con cái xem lễ online. Thật tuyệt !  Cả nhà sẽ có dịp ngồi chung trước màn hình xem lễ và cầu nguyện chung.

Thế rồi thì người tính không bằng Trời tính !

Tôi vui vẻ nói với con trai, con gái : “chủ nhật này cả nhà mình cùng xem lễ online nhe.”

Con trai rồi con gái cùng đồng thanh trả lời như nhau “ No. Con không muốn xem lễ online.”

Chúa ơi ! Sao lại có chuyện xảy ra thế này ? Thế này là thế nào ?

Con trai còn nói rằng khi xưa mẹ nói con đến 21 tuổi là được quyền quyết định làm gì con muốn mà.  Con gái luôn luôn là phe ta, fan ủng hộ mẹ vô điều kiện, thế mà hôm nay cũng về hùa với anh hai nó.  Cả hai đứa đều cương quyết không dự lễ online với ba mẹ.

Bất ngờ đến ngỡ ngàng.  Ngỡ ngàng rồi tức giận !

Corona ơi ! quỉ tha ma bắt mi đi !  Chết tiệt cái giống sát nhân Corona !

Tại sao hàng tuần gia đình ni 4 người vẫn cùng nhau đi lễ chủ nhật, mà lễ online không thể ngồi cùng bên nhau xem lễ là sao ?

Tôi cao giọng với hai đứa con, không nào có thể điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe được.

“OK.  Let me do my job.”

“ I just want the best for you.”

“ God can give you all things but he can also take them back.”

Ông chồng tôi cùng chung ý kiến  “Dad and Mom is guiding you base on our own life experiences.”

Hai vợ chồng tôi cùng nói với hai đứa con tiếng Mỹ pha trộn tiếng Việt lung tung.  Tôi còn nói với chúng nó rằng Tổng thống, Thượng nghị sỹ còn phải cầu nguyện, van nài Chúa cứu nạn.  Bill Gates giàu có, thông minh thế, nhưng nếu Chúa lấy lại thì cũng trắng tay, trắng mắt ra…

Xin Thiên Chúa giàu lòng thương sót hãy giúp con đi.

Tôi có thói quen là cứ giao hết cho Chúa những mối bận tâm của tôi, những khi tôi cảm thấy mình bó tay, không làm được. Giao hết cho Chúa. Tôi đã khoán cho Chúa khi tôi cảm thấy lực bất tòng tâm. Giao hết cho Chúa những nỗi buồn lo của tôi.

Tôi cũng thấy xấu hổ, cầu nguyện có vẻ như là ỷ lại vào Chúa. Thật tâm là tôi không muốn những ngày cách ly, thời gian bên nhau lại bùng nổ những bất đồng ý kiến. Tôi không tranh cãi với hai đứa con cứng đầu, cứng cổ nữa thì chỉ còn biết kềm lòng không nổi nóng nữa và cầu nguyện, và cầu nguyện…

Xin Chúa thứ tha cho con và đáp lời con van nài. Chúa con ơi !

Tuần sau khi chỉ có mẹ và con gái bên nhau. Con gái tự nhiên nói khẽ : “mẹ ơi! anh hai đang online xem lễ một mình. Có lúc tụi con xem lễ chung, có lúc tụi con xem lễ riêng.”

Tôi hỏi “Sao con không thích cả nhà mình online xem lễ chung với nhau.”

Nghe lời con tỉ tê tâm tình mà mát ruột, mát lòng.

Bất ngờ đến ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng đến mừng vui khôn tả !

Con gái giải thích thêm, con biết ba mẹ thích lễ tiếng Việt hơn. Con cũng thích không gian thật yên lặng, để con cảm nghiệm và trãi lòng với Chúa hơn.

Qua câu chuyện hai đứa con mình, tôi nhìn lại mình thì cảm thấy mình đã chạy theo những ảo ảnh, mặc dầu hình ảnh đẹp là cả nhà quây quần bên nhau xem lễ online. Hình ảnh đẹp về mặt hình thức hoặc có những ý tưởng hay, tốt lành nhưng là theo ý chủ quan của cá nhân mình, xém chút nữa thôi không nhìn được điều tốt đẹp nhất là mặt tâm linh. Đôi khi đến với Chúa là những khoảng khắc thinh lặng và lắng đọng lòng mình, để trao hết tâm tình từ sâu thẳm lòng mình phải không hai con ?

Tôi đã tôn trọng con trẻ khi cháu dùng laptop mà xem lễ trong thinh lặng. Tôi đã tò mò và cảm thấy xấu hổ. Tôi đã đứng ngoài cửa phòng con tôi nghe âm thanh lễ mà ấm lòng mình.

“Song khi ngươi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, ở nơi kín nhiệm đó; và Cha ngươi, là Ðấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi.” (Mt 6:6).

Chúa luôn đồng hành với tôi trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Tôi đã vui lên “let me do my job !” mà đã thành công rồi với ơn Thiên Chúa giúp.

Con trẻ tuy không hành động theo ý muốn của cha mẹ, nhưng Chúa thánh thần đã ban ơn cách riêng cho chúng.

Cách ly và việc online xem lễ làm tôi hiểu được nhiều điều và cách giáo dục con cái.  Tôi nhớ lại thánh lễ cuối cùng trước khi chính quyền ra lệnh cách ly, khi mọi người bắt đầu bất an về Coronavirus, con trai đã hỏi mẹ là con không lên rước lên được không ?  Con thấy mấy bác giúp cha ban mình thánh Chúa là sanitizer khử trùng tay, con không thấy cha khử trùng tay ?  Cha cũng có khi bị lây nhiễm chứ. Tôi giựt mình vì nhận xét của con trai.  Con trai vẫn lên rước lễ vì thấy ba mẹ và em rước lễ, nhưng mà cháu vẫn thấy điều gì không đúng!?

Cuộc sống có những bất an và mọi nơi hiểm nguy rình rập.  Corona thì chẳng tha ai cả!   Các linh mục của chúng ta cũng là con người thì cũng bị lây nhiễm như ai.  Các ngài lại còn hy sinh đến sức dầu cho bịnh nhân đau ốm, hay sắp lìa đời thì sự bị lây nhiễm còn nguy hiểm hơn chúng ta bao lần.

Thế hệ trẻ trưởng thành trong môi trường xã hội, cộng đoàn, gia đình tốt, người trẻ có được tri thức tốt mà lại rất nhanh lẹ trong việc quan sát và nhận định về những thay đổi mới. Chúng ta bậc cha mẹ chỉ cần chuẩn bị nuôi dưỡng bảo ban chúng như là cung cấp hành trang cho chúng vào đời.  Có những người trẻ có thể bị lầm đường nhưng với nền tảng giáo dục, hướng dẫn tốt và trên hết là truyền cho con trẻ lòng mến Chúa – yêu người, chúng ta hãy vững tin vào con trẻ.  Giới trẻ sẽ dễ dàng bắt kịp những thay đổi của xã hội hơn giới già chúng ta nhiều.

Hãy tin tưởng con em chúng ta !  Chúng biết quan sát, lựa chọn và xây dựng xã hội tốt đẹp nếu chúng luôn có Thiên Chúa là người bạn đồng hành.  Thế hệ già như chúng tôi thì đôi khi quá lo âu, sợ hãi chăng ?

“Hành trang con mang theo cuộc nổi loạn của người trẻ

Hành trang con mang theo niềm lo sợ của lớp già

Về đây xin dâng Cha trong lo âu

Ðưa hai tay muốn chung xây thế giới mới.”

Tôi đã quẳng được gánh lo về việc con mình không chịu xem lễ online cùng ba mẹ, Chúa còn cho tôi cơ hội để hiểu con trẻ hơn.  Chúa đem ánh sáng, hy vọng cho ai kêu nài ngài, bằng cách này hay cách khác.

Thiên Chúa dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, sợ hãi.

Đừng cứng lòng hãy vững tin.

Tôi tin Lòng Thương Xót Chúa đến với tôi cũng như tất cả mọi người.

04-21-2020

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.