Thánh Thể

Lễ Trọng Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

SUY NIỆM CẢM NGHIỆM

Phụng Vụ Lời Chúa cho Lễ Trọng Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu hôm nay, phần Cựu Ước bao gồm Bài Đọc 1 (Đệ Nhị Luật) liên quan đến manna và Đáp Ca liên quan đến lời Chúa, còn phần Tân Ước bao gồm Bài Đọc 2 (Thư 1Corinto) và Phúc Âm Thánh ký Gioan liên quan đến Bánh Sự Sống.

Nếu Cựu Ước hướng về Tân Ước và hoàn toàn nên trọn nơi Tân Ước thì Bài Đọc 1 và Đáp Ca trong phụng vụ lời Chúa hôm nay đã nên trọn nơi Bài Phúc Âm. Và nếu Phúc Âm là tâm điểm của chung Bộ Thánh Kinh Tân Cựu Ước và riêng bộ Tân Ước thì Bài Đọc 2 chỉ khai triển theo chiều hướng của bài Phúc Âm mà thôi.

Thật vậy, nếu Bài Đọc 1 trích từ Sách Xuất Hành nói về manna thì manna này là hình ảnh Bánh Sự Sống được Chúa Giêsu đề cập đến trong Bài Phúc Âm hôm nay:

Bài Đọc 1: “Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi qua sa mạc suốt bốn mươi năm, để rèn luyện và thử thách các ngươi, để biết các điều bí ẩn trong lòng các ngươi và xem các ngươi có tuân giữ lề luật của Người hay không? Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra“. – Phúc Âm: “Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Nếu theo chiều hướng của Bài Đọc 1: “Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra“, Bài Đáp Ca liên quan đến Lời Chúa: “Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo… Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel”, thì chính Chúa Giêsu, trước khi khẳng định “bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”, đã xác nhận chính bản thân Người “là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”, mà bản thân Người đây chính là “Lời đã hóa thành nhục thể” (Gioan 1:14).

Nếu ngoài Phúc Âm chính yếu ra, các sách khác thuộc bộ Thánh Kinh Tân Ước chỉ khai triển hay diễn giải Phúc Âm thì Bài Đọc 2 hôm nay Thánh Tông Đồ Phaolô đã đề cập đến tác dụng thần linh của Thánh Thể: “chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh”. Cảm nghiệm thần linh này của Bài Đọc 1 đã phản ảnh những gì Chúa Kitô nói về tác dụng thần linh của Bánh Sự Sống trong Bài Phúc Âm hôm nay: “Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời… Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta”.

Còn về chính Bài Phúc Âm, câu quan trọng nhất và chính yếu nhất có thể nói là câu Chúa Giêsu vừa khẳng định và mạc khải về Bánh Sự Sống đây là gì và như thế nào: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.

“Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. “Ai ăn” ở đây có nghĩa là “ai tin”, tin vào vị Thiên Chúa đã hóa thân làm người, “đã hóa thành nhục thể” (Gioan 1:14), và chỉ có tin vào Người mới được sự sống đời đời mà thôi: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đã ban Con Một của Ngài để ai tin vào Người thì không phải chết nhưng được sự sống đời đời” (Gioan 3:16)

“Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. “Thịt Ta để cho thế gian được sống” đây ám chỉ Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô nơi xác thịt của Người, hay Chúa Kitô là Bánh Sự Sống hơn bao giờ hết là khi tấm bánh sự sống này là chính bản thân của Người được “bẻ ra” nơi Cuộc Vượt Qua, một Bánh Sự Sống có hình dạng là một xác thịt đã chết nhưng đã sống lại để chẳng những tiêu diệt sự chết mà còn phục hồi sự sống, một cuộc Vượt Qua để cứu chuộc cả và “thế gian” chứ không phải chỉ có Kitô hữu, bởi thế ai tin vào Chúa Kitô Thiên Sai Cứu Thế, nghĩa là chấp nhận ơn cứu chuộc của Người nhờ cuộc Vượt Qua của Người thì được sự sống đời đời.

Bằng không, tất cả những ai không bao giờ rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô chẳng lẽ sẽ không được rỗi hay sao? Thậm chí thành phần Kitô hữu Công giáo hay Chính Thống giáo là thành phần được diễm phúc và đặc ân lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa đi nữa họ vẫn phải tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô Vượt Qua, bằng lời thưa “amen”, trước khi nhận lấy Mình Thánh Chúa bằng tay hay bằng miệng. Chính việc hiệp lễ cũng là tác động đức tin, với tư cách là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, bày tỏ niềm tin của mình vào Chúa Kitô Vượt Qua. Bởi vậy, ngay sau khi truyền phép, cộng đồng dân Chúa bấy giờ đã tuyên xưng: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến”.

Về Mầu Nhiệm Thánh Thể được Chúa Giêsu thiết lập trong Bữa Tiệc Ly đã xẩy ra một thực tại thần linh như thế nào, với tác dụng siêu nhiên ra sao, theo đức tin của chung Kitô giáo, nhất là của Giáo Hội Công giáo, đã được bài Ca Tiếp Liên của ngày lễ này xác tín và bày tỏ một cách chính xác và rõ ràng như sau, nhất là từ câu 9 tới câu 22:

  1. Ðiều mà Chúa Kitô đã làm trong bữa tiệc ly, thì Người đã ra lệnh cho thực thi điều đó để nhớ lại Người.
  2. Nhờ lời thánh huấn của Người dạy bảo, chúng ta làm phép cho bánh và rượu trở nên lễ vật hy sinh ban ơn cứu độ.
  3. Ðây là tín điều dạy người Kitô hữu rằng bánh trở nên thịt Chúa, và rượu trở nên máu Người.
  4. Ðiều bạn không hiểu, không xem thấy, thì đức tin mạnh mẽ xác nhận xảy ra, ngoài luật lệ thiên nhiên.
  5. Dưới những hình sắc khác nhau, chúng chỉ là biểu hiệu, không còn thực chất, có ẩn nấp những thực tại cao siêu.
  6. Thịt Chúa là của ăn, máu Người là thức uống, nhưng Chúa Kitô vẫn còn đầy đủ dưới mỗi sắc hình.
  7. Người không bị kẻ lãnh nhận nghiền nát, không bị bẻ gẫy, không bị phân chia, nhưng Người được thiên hạ lãnh nhận toàn thân.
  8. Một người lãnh nhận, ngàn người lãnh nhận, những người này cũng lãnh bằng những người kia, thiên hạ ăn thịt Người mà Người không bị tiêu hao.
  9. Người lương thiện lãnh, kẻ ác nhân cũng lãnh, nhưng số phận họ không đồng đều: hoặc được sống hay là phải chết.
  10. Kẻ ác nhân phải chết, người lương thiện được sống; hãy coi, cùng một của ăn như nhau, mà kết quả khác xa biết mấy.
  11. Hình bánh bị vỡ, chớ khá lo âu, nhưng hãy nhớ rằng trong miếng vỡ cũng như trong toàn thể Chúa vẫn hiện diện đầy đủ như nhau.
  12. Bản chất không hề bị bẻ vỡ, duy có biểu hiệu bị phân chia, nhưng không giảm thiểu tình trạng và dáng vóc của Ðấng ẩn dật bên trong.
  13. Này đây bánh của các thiên thần, biến thành lương thực của khách hành hương; thực là bánh của những người con cái, không nên ném cho loài khuyển.
  14. Bánh này đã được báo trước bằng hình ảnh, khi người ta sát tế Isaac, chiên của lễ vượt qua đã được kể ra, khi cha ông chúng ta được tặng manna.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.