Thần học

Đức Tin Sống Động và Hành Trình Trở về (1)

Biết Văn

 

“Hãy bước trở về lòng thống hối từ nay.

 Hãy bước trở về trong ân tình đắm say.

 Bao năm tái tê đi hoang trong bến mê.

 Có Cha từ ái vẫn chờ đón con về…”

(Phanxicô)

Mừng Mẹ Maria “Hồn và xác” về trời, một tín điều có rất nhiều tranh cãi về tính Logic và Thần học đức tin, năm nay tôi muốn xin chia sẻ cùng các bạn những suy gẫm về hành trình trở về trong một Đức tin sống động.

Cây bút trẻ Nguyễn, Ngoan viết trong loạt bài “Thượng Đế có hiện hữu không?” ( giadinhnazareth.org):

“Có lẽ con người luôn coi thường và tô vẻ một “Đấng Sáng Tạo” của họ tầm thường như họ, hay phải là một anh hùng siêu việt, một chính nhân quân tử, hay có thể là người chuyên “thưởng thiện, phạt ác”, chống bất công, yêu cái “Thiện”…v..v..và chưa bao giờ chúng ta tìm hiểu để hiểu đúng ngôn ngữ của Ngài nếu “Đấng sang tạo” ấy không mạc khải, hay tỏ hiện cho chúng ta biết.

Ngôn ngữ của Ngài – Đấng Sáng Tạo là ngôn ngữ của “Tình Yêu”, là ngôn ngữ của “Sự Thật” và cũng là “Sự Sống”. Ngôn ngữ của Ngài là món quà cho nhân loại, và cũng là hồng ân từ trời. Con người có mấy ai có tai đã biết nghe về “sự công chính” và mấy ai có mắt mà nhìn hiểu được “công trình của Ngài” tỏ hiện trong mọi người chúng ta ngoài trừ các bậc Thánh Nhân.”

Đúng vậy, Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu để lại những dòng tâm sự khiến cho chúng ta phải suy gẫm:

“ Tôi hiểu rằng chỉ có tình yêu mới làm cho các chi thể của Hội Thánh hoạt động, nếu tình yêu tàn lụi thì các Tông đồ sẽ không loan báo tin mừng nữa, các vị Tử đạo sẽ không chịu đổ máu mình ra nữa…”

Ôi! Tôi yêu biết bao cái Hội Thánh “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” này của Đức Kitô vì từ Ngài, trong Ngài chúng ta là chi thể và được dự phần vào sự hiệp nhất trong “Mình và Máu” cứu chuộc. Tình yêu làm cho những con người nhỏ bé chúng ta như là sự hoán cải và là sự canh tân, nó giúp Hội Thánh Chúa giữa thế gian đầy mưu ma chước quỹ, đầy cạm bẫy, đầy đau khổ thảm  thương này như sống động hơn và hữu hiệu hơn bao giờ hết.

Giáo hội thời Thánh Phanxicô Assisi, Đức Thánh Cha, Giám mục, giáo sĩ, bị suy thoái bởi những xung đột triền miên và bởi những hiệp ước thân cận với đế quốc. Một Giáo Hội bị coi là cách xa, giây mình vào những chuyện xa rời lợi ích của dân Chúa. Thánh Phanxicô Assisi trong hành trình quay về và sống đạo, Thánh nhân nói:

 “Chúa nói với tôi, hỡi bạn Phanxicô, hãy bắt đầu làm việc thống hối như thế này : thời gian tôi còn ở trong tội lỗi thì xem ra tôi sợ hãi khi nhìn thấy những người bệnh phong nhưng chính Chúa đã đem tôi đến giữa họ và tôi đã đem lòng thương cảm họ. Chính từ họ mà cái tôi kinh hãi lại biến đổi thành ngọt ngào cho cả hồn xác tôi. Và sau ít lâu, tôi đã giã từ thế gian.”

Thánh Phanxicô quyết định thay đổi thân thế xã hội. Từ giai cấp trưởng giả, được dân phố kính nể là quí phái và giàu có, chính Phanxicô đã chọn sang hẳn phía bên kia, sống cùng những người thấp kém nhất, nghèo hèn, bịnh phong, những kẻ chẳng ai coi ra gì, những kẻ ‘hèn mọn’, bị khốn khó bởi đủ kiểu nghèo đói. Cuộc biến đổi do lệnh truyền là:

“Hãy yêu thương người lân cận như bản thân”

“Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy về, bán tất cả những gì anh có và giúp hết cho người nghèo khó, rồi đến theo tôi’.

 Một trào lưu thầm lặng mà làm biến đổi chân dung Giáo Hội vào thời của ngài và đã tạo hiệu quả mạnh trong lịch sử mãi tới ngày nay. Đó là niềm cảm thông với dân nghèo hơn là được thúc đẩy đi tìm sự trọn lành riêng tư, đó là một đức tin sống động được xuất phát từ tình yêu. Một Phanxicô trẻ trung, quay về và lối sống đạo; Phanxicô Assisi như con người của Chúa quan phòng, đem mọi người trở về Giáo Hội trong mối hiệp thông sâu xa và tuân phục Giáo Hội. Phanxicô Assisi và dòng tu khó nghèo như một người làm trung gian giữa phe lạc giáo nổi loạn và hàng Giáo phẩm.

Nếu của cải và quyền lực trong Giáo Hội thường gây nên những tệ hại, và những người lạc giáo thời ấy lấy đó làm luận chứng chống Giáo Hội, thì trong một tâm hồn Phanxicô Assisi những ước muốn cao quý cổ võ đời sống nghèo khó của Chúa Kitô và của Giáo Hội sơ khai trỗi dậy, tạo ảnh hưởng hiệu quả hơn trên dân chúng nhờ lời nói và đức tin sống động.

Giáo Hội có một thời cũng phát triển thành một Giáo Hội giàu có nhiều tư sản và bất động sản, vì thế các phong trào mạnh mẽ phản đối kiểu sống của các linh mục và đan sĩ thời đó, đồng thời họ tố cáo là phản bội lại Tin Mừng và không sống nghèo khó như các Kitô thời Giáo Hội khai sinh mà điển hình như các nhóm Catari hay Albigeois.

Giáo Hội ngày nay còn nhức nhối hơn vì ngoài sự giàu có, nhiều tư sản và bất động sản; Giáo Hội còn bị thế gian đánh phá bời các chước cám dổ đầy ma quỷ như :

“Những cáo buộc về lạm dụng tình dục trẻ em đối với nhiều linh mục và thành viên cấp cao của Giáo Hội Công Giáo”.

“Những Linh mục dám công khai mình là đồng tình luyến ái.”

Giáo Hội im lặng, và mệt mỏi chăng vì giáo lý Công Giáo nói rằng người có lối sống đồng tính là có tội, và lạm dụng tình dục trẻ em cũng là có tội…nhưng hãy để những người linh mục đồng tính, hay những linh mục lạm dụng tình dục trẻ em có thể thực hiện trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa trong đời sống đức tin của họ và trong một Giáo Hội tinh tuyền trong lòng thương xót của Thiên Chúa.

Hãy đừng tầm thường mà thách đố Thiên Chúa và đánh đố khái niệm về Giáo Hội của Ngài, vì con người thì hiểu biết hữu hạn nhưng luôn xói mói về một Thiên Chúa quyền năng vô hạn. Ý định Thiên Chúa và lòng thường xót Ngài đều dùng đúng chỗ mà con người không bao giờ biết được.

(Còn tiếp)

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.