TÔN GIÁO

Corona nói gì? Suy niệm từ Lời Chúa

Lm. Dominic Trần Quốc Bảo, dcct

Mặc dù đã được hoạch định trước theo chu kỳ, Lời Chúa trong Chúa nhật thứ 5 mùa chay năm A hôm nay rất ám hợp với thực trạng thế giới đang kinh qua trong thời gian đại dịch Conora hiện nay. Trong bài Thánh thư, tông đồ Phaolô hàm ý tội lỗi như những yếu nhược của xác thịt và thân phận con người. Trong bài đọc 1, Ngôn sứ Êzêkien đề cập hình ảnh nấm mồ, biểu tượng cho sự chết. Còn bài Tin Mừmg thì nói về bệnh hoạn, nước mắt khổ đau (nước mắt của chị em nhà Marta, Maria và của chính Chúa Giêsu) và cả sự chết của Lazarô. Nhưng quan trọng hơn cả, qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã thắp sáng lên niềm hy vọng vững chãi cho nhân loại muôn thuở và cho thế giới hôm nay: Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa của Sự Sống. Ngài có tràn đầy năng quyền trên tội lỗi, khổ đau và sự chết.

Lắng nghe Lời Chúa hôm nay, giữa lúc đại dịch corona đang là mối kinh hoàng cho toàn cầu, chúng ta rút ra những suy tư gì? Có lẽ mấy điều chính yếu sau đây:

1) Corona nói về Sự Thanh tẩy tâm hồn

Dưới cái nhìn Kinh thánh, bệnh hoạn và những nguyên do đau khổ đời người là thực trạng của một thế giới đã bị lây nhiễm và bại hoại bởi tội lỗi. Trong trời mới đất mới tương lai, bệnh hoạn và khổ đau sẽ không còn chỗ đứng. Thiên Chúa sẽ chữa lành mọi khổ đau, lau sạch mọi dòng lệ, và tái tạo mọi sự mới mẻ (Kh 21:1-4).

Nhưng trong đời sống hiện nay, bệnh hoạn hàm ẩn ý nghĩa tâm linh gì đáng ta suy nghĩ? Hằng ngày, cơ thể con người tiếp nhận muôn ngàn vi khuẩn thể lý. Nó là nơi tồn trữ và ủ mầm mọi thứ bệnh có thể hủy hoại sức khỏe và sự sống thân xác. Thế mà chúng ta ít khi ý thức nguy cơ kinh khủng đó. Riêng vi khuẩn Corona, đó là một biến dạng tù vi trùng Sars trước đây. Vi khuẩn Corona dễ lây lan hơn, tiềm năng giết người mạnh và mau chóng hơn, khó đề phòng hay chữa trị hơn. Gần như vô hình và độc hại như thế, nhưng trớ trêu thay, cả thế giới đã không hề biết sự hiện diện tiềm ẩn của vi khuẩn Corona cho đến khi nó ‘lộng hành’. Còn các chuyên gia y khoa hàng đầu thế giới hiện nay vẫn chưa chận đứng được sự lây lan hay khống chế được tác hại của nó. Theo bản báo cáo của Cơ quan Y tế Thế giới (World Health Organization) tôi mới đọc trưa nay (29.3) thì hiện tại, toàn cầu đã có 634.835 người nhiễm, với 29.957 người tử vong. Con số chắc chắn sẽ còn tăng cao trong những ngày tới.

Nhìn vào đời sống tâm linh, tội lỗi cũng như vi khuẩn, vô hình khó thấy nhưng lại ẩn náu dưới vạn dạng, có sức bủa vây, khó bức giải, và mang tính tác hại vô cùng lớn lao cho sự sống thiêng liêng. Đáng buồn thay, biết bao người trong thế giới hôm nay cũng không hề nhận ra tình trạng vô cùng nguy hiểm với các mầm bệnh do tội lỗi đem đến cho linh hồn.

Sợ vi khuẩn Corona như sợ lưỡi hái thần chết, vậy con người có thể tiếp tục thản nhiên với những lối sống trong tội để tự hủy hoại linh hồn mình không? Tội là một thứ đại dịch đúng nghĩa nhất cho nhân loại (‘Sin pandemic’): kéo dài triền miên suốt hành trình đời sống nhân loại và có thể tiêu diệt cả linh hồn. Hẳn nhiên, sẽ không có phát minh khoa học hay giải pháp chính trị nào ngăn ngừa và chữa trị được đại dịch tội lỗi. Để phòng ngừa, chữa trị và khống chế đại dịch tâm linh ấy, thiết tưởng chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng có thể. Ngôn sứ Êzêkien trong Bài đọc 1 hôm nay nhắc chúng ta về viễn tượng hy vọng sáng tươi khi nói đến quyền năng cứu sống của Thiên Chúa trên những con người biết hối cải: “Ðức Chúa phán thế này: Này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi! Ta sẽ đem các ngươi lên khỏi mồ, hỡi dân Ta! Ta sẽ dẫn các ngươi về lại đất nước của Israel. Và các ngươi sẽ biết Ta là Yavê, khi Ta mở cửa mồ các ngươi và đem các ngươi lên khỏi mồ, hỡi dân Ta. Ta sẽ ban thần khí của Ta xuống trên các ngươi. Và các ngươi sẽ được sống.” / Như vậy để được sống, có 3 việc cụ thể mà tất cả và từng người chúng ta cần làm ngay hôm nay, không trì hoãn: -Phải cách ly chính mình với sự lây nhiễm tội lỗi. -Phải thường xuyên khử trùng kỹ càng mọi mầm bệnh linh hồn. -Phải hồi tâm, khiêm tốn xin ơn Tha Thứ và đón nhận Lòng Xót Thương của Thiên Chúa.

Trong năm 2020 này, với đại dịch Corona, có lẽ sứ điệp ‘Mùa Chay vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Giáo hội’ mà Đức Kitô muốn mọi Kitô hữu suy niệm và thực hiện là thế: –Vượt qua những sinh hoạt đạo đức truyền thống và hình thức bên ngoài để -Đi sâu vào nội tâm và hoán cải cách tận căn từ bên trong; đồng thời -Hướng về Thiên Chúa cách ý thức hơn.

2) Corona phản ứng với ‘ngụy thần vật chất’

Hiện nay, dưới lăng kính hiển vi tối tân, các nhà nghiên cứu y khoa lỗi lạc thế giới cũng chưa phân tích hết được mọi hoạt động nguy hiểm tiềm ẩn của siêu vi Corona trong cơ thể con người. Còn dưới lăng kính tâm linh, chúng ta có thể đã bàng bạc nhìn thấy một điều gì rất quan trọng do hậu quả nó đang tạo nên trên toàn cầu. Bệnh hoạn phơi trần những ngụy thần chúng ta vẫn tôn thờ trong đời sống hằng ngày. Cũng thế, đại dịch Corona dường như đang vạch mặt tố cáo các ngụy thần thống trị trong đời sống xã hội hôm nay, tiêu biểu là “ngụy thần vật chất”.

Đắc thủ hạnh phúc và thành công vật chất là ước mơ mà con người từ xưa đến nay vẫn ấp ủ. Người ta vẫn thường nói ‘Giấc mơ Hoa kỳ’ (American Dream) như là thuật ngữ để phản ảnh ước mơ đó. Xã hội Âu Mỹ bị chi phối khá sâu bởi tư tưởng của hiền triết Aristotle rằng ‘hạnh phúc’ là “điều vui sướng, chính đáng và tốt lành nhất trong mọi sự” (Eudemian Ethics 1214a). Và, trong văn hóa thực dụng duy vật hiện nay, người ta định nghĩa hạnh phúc cụ thể là giàu có sở hữu vật chất.

Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình đã luôn lớn tiếng ca ngợi ‘Giấc mơ Trung quốc’. Qua các chiêu bài khác nhau (như ‘Con đường tơ lụa’, ‘Một giải đất một con đường”) ông không ngừng kêu mời thế giới ngày nay tiến đến cái gọi là ‘sự phồn thịnh chung toàn cầu’. Thế nhưng, sự phát sinh đại dịch Corona đầu năm 2020 tại quê hương của ông đã đảo lộn nền kinh tế thứ nhì của thế giới. Nó khóa cửa các trường học, niêm phong các văn phòng, đóng kín chợ búa, hàng quán, cơ sở thương mại. Nó chận đứng các nẻo giao thương và du lịch nội địa và quốc tế.

Kế đến, Corona lan tràn toàn cầu, khiến kinh tế Hoa kỳ ngả nghiêng và thị trường tài chánh thế giới đổ dốc không phanh. Nó buộc các công ty lớn và các tiểu thương nhỏ đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc. Trên 3 triệu người Mỹ đã thất nghiệp trong tháng qua. Thậm chí đã có những cổ đông thị trường chứng khoán bất mãn tự vẫn vì thua lỗ đầu tư. Con số 2 ngàn 200 tỉ Mỹ Kim chính quyền Mỹ vừa chấp thuận tháo khoán hôm qua để cứu nguy quốc gia là một khoản xuất chi lớn nhất trong lịch sử lập quốc Hoa Kỳ. Cơn sốt tài chánh và kinh tế toàn cầu do đại dịch Corona đã vạch rõ nỗi bất an của con người trước sự mất mát những gì họ vẫn nghĩ là thành trì kiên cố của sự thành công và hạnh phúc.

Một tác giả tâm linh đã nhận định chí lý: “Trong xã hội Tây phương hôm nay, người ta ảo tưởng rằng sự phồn thịnh kinh tế đã thực hiện được điều người ta cho là có thể ngang hàng với Thiên Chúa”. Nhưng, cơn khủng hoảng hiện khẳng định rõ: Sự sung túc vật chất không thể ban nhân loại sự bình an tâm hồn. Và như thế, phải chăng con vi khuẩn Corona nhỏ bé như vô hình mà tiềm ẩn sức mạnh lớn lao để làm điều con người rất bất lực: kéo sập, phá đổ ngụy thần vật chất. Phải chăng, nó đang nhắc nhớ chúng ta sự thật con người khó chấp nhận, rằng: trong cuộc đời tạm dung này, tất cả đều là ‘phù vân trên tất cả phù vân’. (Nói đến đây, tôi bỗng nhớ mấy lời của cố nhạc sĩ Trầm tử Thiêng trong ca khúc ‘Tưởng Niệm, khi ông ai oán về tính vô thường phù du của mọi sự đời người:

Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời, thì hãi hùng hoàng hôn chợt tới (…) Đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy, bỗng ngỡ ngàng hụt mất trên tay Ta khổ đau một đời, để chết trong tình cờ (…) Trong cơn đau một vùng hương khói, kéo ta về, về cõi hư vô.

Đức Kitô đã khuyến dạy: “Ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Bạc” (Mt 6:24). Tông đồ Phaolô gọi sự ham mê vật chất là tôn thờ ‘ngụy thần’ (Cl. 3:5; Ep 5:5). Sự ham mê vật chất đối nghịch với quyền hành tối thượng Thiên Chúa phải có trong trái tim và lý trí con người. Nơi Thiên Chúa duy nhất con người phải đặt trọn tình yêu, sự tín thác và vâng phục của họ.

3) Corona nhắn nhủ Kitô Hữu về cách sống Đức Tin

Trải qua các cơn đại dịch toàn cầu trong lịch sử cũng như cơn đại dịch Corona hiện nay, Giáo hội luôn nhấn mạnh sứ điệp quan trọng rằng: Những cơn thử thách và đại dịch là thời điểm thuận tiện cho chúng ta đào sâu niềm tin và tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Đó cũng là cơ hội đặc biệt để chúng ta sống Đức Bác ái Kitô hữu qua sự tha thứ, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Tôi thấy Đức TGM chủ tịch HĐGM Hoa kỳ Jose H. Gomez nói rất đúng “(Đại dịch Covid-19 hiện nay)…là thời điểm tốt để Kitô hữu gia tăng đời sống cầu nguyện và thi hành các việc hy sinh bác ái vì tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta cần kết hợp với nhau trong tình yêu Thiên Chúa và khám phá lại cái gì quan trọng và thứ yếu trong đời sống mình”.

Thật vậy, chúng ta có thể xử dụng thời gian rảnh rỗi dài hạn trong những ngày đại dịch này như món quà hiếm quý mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để tâm giao thân tình với Chúa hơn trong sự cầu nguyện; để củng cố sự hiểu biết, cảm thông, gắn bó hơn giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái trong gia đình.

Trong lúc thế giới chao đảo và bất an, Lời Chúa qua miệng tiên tri Ezêkien hôm nay : “Hỡi Dân Ta! Ta sẽ mở cửa mồ cho các ngươi. Ta sẽ cho các ngươi Thần trí của ta, sẽ cho các người an cư trên đất các ngươi. Và các ngươi sẽ được sống” là một nhắc nhở quan trọng rằng, thay vì hoang mang với những lời ‘sấm dữ’ của các ‘tiên tri thế gian’ (về sự trừng phạt hãi hùng của Thượng đế, về thời thế mạt với những sự kinh thiên động địa, v.v.), Kitô Hữu phải luôn xác tín vững chãi rằng Thiên Chúa đầy Lòng Thương Xót sẽ không bao giờ bỏ rơi con cái Ngài, nhất là trong các cơn nguy khốn. Đức Kitô đã yêu thương thân phận yếu đuối của loài người đến nỗi đã trở nên yếu đuối và chịu chết hầu cứu chuộc chúng ta khỏi mọi sự dữ thể lý và linh hồn. Tình yêu của Ngài đã chiến thắng tội lỗi là nguồn mạch sự dữ và sự chết, để cứu thoát nhân loại khỏi thân phận hay chết. Đoạn Tin Mừng hôm nay cho ta thấy: vì tình thương sâu xa Chúa Giêsu dành cho Lazarô và gia đình ông mà Ngài đã khóc một lần duy nhất trong TM. Tình thương ấy toàn năng và đã khiến Ngài thực hiện phép lạ hồi sinh Lazarô sau 4 ngày ông nằm trong mồ (4 ngày là một thời gian dài đủ để phong tục người Do thái có thể chứng nhận ông đã chết thật, hầu quyền năng của Đấng là Sự Sống và Sự Sống Lại được minh chứng tỏ tường).

***

Sau cùng, khi nói đến sự sống của linh hồn, tông đồ Phaolô trong bài Thánh Thư hôm nay nhấn mạnh rằng chúng ta phải hoán cải, vì: “Những ai ham sống theo xác thịt thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, không có sự sống của Thánh thần, và không thuộc về Thiên Chúa”. Biến cố đại dịch corona quả là một sự thức tỉnh nhân loại để cấp bách hồi tâm trở về cùng Thiên Chúa. Sự bất an tâm hồn hiện nay phải là cơ hội nhắc nhở chúng ta can đảm buông bỏ những an toàn và phồn vinh giả tạo mà thế gian ban cho chúng ta, và chân nhận sự thật này: Hạnh phúc thực của chúng ta không ở thế giới đang qua đi này, mà là nơi thế giới mới của đời sống vĩnh hằng. Vì Gia tài chân thật của chúng ta là chính Đức Kitô mà thôi. Thánh Têrêsa Avila nói chí lý rằng mọi sự trong thế gian phù vân này qua đi; chỉ một mình Thiên Chúa là vĩnh cửu.

Bệnh hoạn hay những khổ đau trong đời sống chính là thước đo niềm tin, cửa mở cho niềm hy vọng và phải là lửa nung nấu lòng mến. Mọi người đều có thể trở nên nạn nhân của dịch bệnh. Dù đau yếu hay khỏe mạnh, mọi người đều phải qua đi. Nhưng đối những người tín thác vào Chúa Kitô, bệnh hoạn, đau khổ và sự chết không làm cho họ hãi hùng; ngược lại sẽ giúp họ lớn lên trong lòng tin, vững bước trong hy vọng, và biến đổi họ trở nên nhiệt thành trong lòng mến qua các việc tốt lành với tha nhân. “Nếu Đức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác anh em đã chết vì tội, tinh thần anh em vẫn sống nhờ sự Công chính”.

Tình yêu đối với Thiên Chúa và con người: Đó là sức mạnh đã làm cho Đức Kitô chiến thắng khổ đau và chỗi dậy từ nấm hồ sự chết. Vinh quang Phục sinh là gia nghiệp chắc chắn cho ai biết can đảm sống theo gương yêu thương của Ngài. Đó là điều tông đồ Phaolô xác tín trong thánh thư hôm nay: “Nếu Thánh thần của Đấng đã làm cho Đức Kitô Phục sinh từ cõi chết ở cùng anh em,

thì Đấng đã làm cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại cũng làm cho thân phận xác phàm hay chết của anh em được sống lại nhờ Thánh thần của Ngài trong anh em”.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.