Xã hội

  Nhìn lại

    

Nguyễn Ngọc Thể

             Trong cuộc sống , đôi lúc hay nhiều khi, chúng ta cũng nghĩ đến những gì đã qua trong cuộc đời ở những lứa tuổi 40, 50, 60, hay 70, để rồi chúng ta đã thấy được những tháng năm thăng trầm trong cuộc sống.

            Những ai đang sống ở độ tuổi 40 (tứ thập nhi bất hoặc), tức là khi người ta đến tuổi 40 thì mới có thể hiểu mọi sự trong thiên hạ, phân biệt việc phải hay trái cũng như hiểu được ai là “ người tốt hay xấu”, phân biệt được những ai là người chân chính, người yêu nước thương nòi và biết được cái gì nên làm hay không.

            Còn ở  tuổi 50 (ngũ thập tri thiên mệnh), tức là khi người ta tới tuổi 50, thì mới có thể thông suốt chân lý của tạo hóa, tức hiểu được mệnh của trời. Không phải bất cứ ai tới 50 tuổi là đạt được trình độ “tri thiên mệnh,”nhưng con  người cũng phải có căn bản vững vàng về giáo dục, kiến văn, và kinh nghiệm sống.

            Ở tuổi 60 (lục thập nhi nhĩ thuận), nghĩa là khi người tới tuổi 60 thì mới đạt mức hoàn hảo về tri hành, kiến văn, và kinh nghiệm về cuộc sống. Nhờ đó, người ta có thể nhận xét và phán đoán được ngay tức khắc và chính xác về các sự kiện và nhân vật trong thiên hạ. Khi nhìn hay nghe thấy điều gì, người ta không những không cảm thấy chướng ngại mà còn hiểu thấu ngay mọi lẽ. Không phải tự nhiên mà ta đạt được trình độ “nhi nhĩ thuận”. Muốn đạt được trình độ này, con người cũng phải có căn bản giáo dục, đạo đức, kiến văn, và kinh nghiệm từng trải về sự đời,  đưa đến tình trạng rất hoàn hảo về cách xử sự và xử thế. Nhờ đó mà mỗi khi định nói điều gì hay làm một việc gì thì tự nhiên thể hiện đúng với chủ tâm của lòng mình, muốn sao được vậy, và không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ của đạo đức hay lẽ thường.

            Đến đây là trình độ tuyệt hảo của con người ở vào tuổi 70 trở lên nếu trước đó họ được giáo dục đúng cách, tự tìm tòi học hỏi, có kiến văn tổng quát, biết tu tâm dưỡng tính, và đã từng trải cũng như rút được ưu khuyết điểm trong các kinh nghiệm về nỗi ê chề đớn đau của cuộc đời.

            “Nhìn lại thế kỷ trước, đã có hai cuộc thế chiến, thứ nhất và thứ hai. Theo sử liệu cho biết: “trận thế chiến thứ nhất  (1914-1918), có ước khoảng 40 triệu người thương vong; trong số đó, có từ 15 đến 22 triệu người tử vong,  khoảng 23 triệu người bị thương tích, đó là chưa kể nhiều triệu khác nữa phải chết vì đói khát, bệnh tật liên quan đến cuộc chiến. Trận thế chiến thứ hai, có khoảng 75 triệu người tử vong, trong số đó, có 20 triệu binh lính và 40 triệu thường dân, chưa kể đến nhiều triệu bị chết vì bệnh hay đói khát, vì kỳ thị sắc tộc.” 1

            Cho  đến bây giờ, ngày này, kể từ hơn một năm nay, tôi cứ suy nghĩ mãi về cơn đại dịch Vũ Hán “corona virus” khủng khiếp này. Từ khi cơn đại dịch này xảy ra đã tạo nên bao suy thoái, bao nhiêu xáo trộn về  các lãnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, tôn giáo, ngay cả cuộc sống thường nhật của bao lớp người trên toàn thế giới. Đó là chưa nói đến có nhiều người đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, đưa đến nạn tự tử và cả triệu người trên toàn cầu phải lặng lẽ ra đi về bên kia thế giới, nhất là những người cao niên! Đó không những là đại dịch mà là đại khủng hoảng đã và đang xảy ra khắp mọi nơi.

            Về kinh tế. nhiều nước đang gặp nguy khốn bởi vấn đề sản xuất không được cung ứng kịp thời cho nhu cầu tiêu thụ, do cơn dịch đang hoành hành. Nhiều công xưởng, nhà máy, những nơi sản xuất ra thực phẩm cho nhu cầu con người phải bị ngưng đọng, vì các cơ sở vừa nói bắt buộc phải đóng cửa, ngưng làm việc, hoặc chỉ làm việc bán thời gian. Cầu thì gia tăng như cung thì thiếu hụt, đưa đến tình trạng kinh tế phải bị què quặt, sút giảm. Đó là chưa nói đến những trường hợp người tiêu thụ, vì sợ khan hiếm, nên đã thi nhau đi mua sắm, đặc biệt là những nhu yều phẩm. Nhiều tiệm, nhiều siêu thị, chợ búa, người người đi mua sắm cứ ùn ùn kéo đến, sắp hàng dài để mua được những thứ cần tích trử cho những ngày, tháng sắp tới. Mọi người như muốn bảo cho nhau hãy đi mua sắm kẻo sẽ không còn thứ này hay thứ kia nữa! Ngoài ra, một số cơ sở hãng xưởng, tiểu thương bắt buộc phải đóng cửa vĩnh viễn vì vấn đề thuê mướn.

            Về y tế. Như ai cũng biết, đã có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh, cần được cấp cứu. Nhu cầu khẩn cấp để tiếp nhận những bệnh nhân tại các bệnh viện, không còn đủ chỗ để dung nạp được nữa mà phải tạo nên nhiều căn liều ngoài trời mong phần nào đáp ứng nhu cầu của các con bệnh. Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện làm việc ngày đêm để tiếp cứu. Đang khi tại các viện bào chế thuốc (labs) cũng không quản thì giờ ngày đêm, nghiên cứu và nhanh chóng tìm ra được loại thuốc nào khả dĩ ngăn ngừa được cơn dịch đang lan tràn nhanh chóng tại mỗi quốc gia. Riêng tại Hoa kỳ, chính phủ đang kêu gọi mọi người hãy mau mắn đi chích ngừa, vì hiện tại, thuốc đã có sẵn. Song song với công việc ngừa bệnh và chữa trị thì riêng tại đất nước này đã có ít là nửa triệu người đã âm thầm ra đi mà không có mấy người thân đưa tiễn đến nơi an nghỉ ngàn thu! Một số  y sĩ đang làm việc tại các bệnh viện cho rằng, coronavirus cũng không khác gì flu virus, nhưng vì cơn dịch nên cần ngăn ngừa hay chữa trị kip thời.

            Về giáo dục. Các trường học, từ cấp mẫu giáo cho đến các trường đại học bắt buộc phải đóng cửa. Các học sinh, sinh viên đều phải học tại nhà qua chương trình “online”,  kể từ tháng 3 năm 2020 và còn kéo dài cho đến giờ. Tuy nhiên, cũng có một số tiểu bang, vì tình hình dịch bệnh đang giảm dần, nên các trường được phép mở cửa trở lại, và con em được đến trường như trước, nhưng với điều kiện phải đeo “khẩu trang”(face masks).  Hy vọng, nhiều tiểu bang khác nữa, sẽ đồng loạt mở cửa các trường học trong tương lai không xa. Việc đóng cửa các trường học đã hơn năm nay, khiến nhiều em đâm quẫn trí, vì  xa bè bạn cùng lớp, xa khung cảnh mái trường hoặc những sinh hoạt khác của giới trẻ. Chúng ta hãy tưởng tượng xem, nếu tình trạng này còn kéo dài lâu hơn, tính khí của giới trẻ sẽ ra thế nào, nếu không muốn nói là sẽ rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng, ảnh hưởng  không ít đến cuộc sống của từng học sinh, sinh viên.

            Về tôn giáo. Trường học đóng cửa. Đồng thời, các nhà thờ, chùa chiền, nơi thờ phượng của của những người có niềm tin vào tôn giáo, cũng đều phải đóng cửa! Các nhà thờ từ nay vắng bóng mọi tín hữu đến dự thánh lễ mỗi ngày cũng như các ngày Chúa nhật và lễ trọng. Riêng kẻ viết những dòng này, mỗi khi đi ngang qua thánh đường thấy vắng bóng người lui tới, lòng thấy chạnh buồn khôn tả. Vì đâu, nay Nhà Chúa bỗng tiêu sơ, hoang vắng. Mình Thánh Chúa nơi các Nhà Tạm, không  có người đến viếng thăm thường xuyên như trước. Chúa Giê su phải chịu cảnh hắt hiu, xa vắng bao người con Chúa. Các linh mục không còn được cử hành thánh lễ công khai mỗi ngày nơi các thánh đường mà chỉ nơi phòng riêng. Tất cả chỉ vì“virus”, chỉ vì đại dịch đang xảy ra cùng khắp. Tất cả tạo nên một cảnh hãi hùng, lo lắng cho từng người. Do đó, các thánh lễ chỉ có thể “live streaming”và người tham dự xó thể xem “trực tuyến”(online) qua TV hoặc qua vi tính, ipad, v.v. Bởi đã trở thành thói quen them dự thánh lễ “online”, nên hiện nay, tuy một số nơi được đến nhà thờ tham dự thánh lễ, nhưng các con em không muốn đến nhà thờ, và nại lý do, “đến nhà thờ hay ở nhà dự lễ “online”đâu có gì khác. Đó là về giới trẻ. Đối với những người lớn tuổi, cũng ngại đến nhà thờ tham dự thánh lễ, vì lý do sợ dễ bị lây nhiễm bởi sức khỏe, hay các bệnh mãn tính (chronicle diseases).

            Về du lịch. Các phương tiện di chuyển như máy bay, tàu lửa, xe buýt, đều phải ngưng hoạt động. Lý do các hành khách không thể ngồi gần trên các phương tiện chuyên chở này, vì sợ lây bệnh. Chính vì thế, đã có vài hãng hàng không phải khai phá sản, vì không thể tiếp tục trả lương cho nhân viên đang khi mọi sinh hoạt phải ngưng đọng.

           Tất cả những điều xảy ra ở trên lại đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến những sinh hoạt chính trị của một đất nước, làm rối tung tinh thần của các người lãnh đạo. Xin đan cử những gì đã xảy ra ngay tại đất nước này. Suốt cả năm 2020 và còn kéo dài cho đến giờ, tình trạng chính trị vô cùng bất ổn, dù là những ai có tha thiết đến vận mệnh của đất nước cách nào đi nữa, bằng cách làm êm dịu cơn khủng hoảng như tìm phương thế ngăn ngừa, chữa trị cơn đại dịch, nhưng rồi cũng ảnh hưởng không  ít  đến số phận của những ai đang lèo lái đất nước. Người ta đã cho rằng, con “virus” này xuất phát từ Trung cộng, tại một thành phố mang tên là Vũ hán, nơi đã có phòng thí nghiệm chế ra con “virus”kinh khủng này. Việc đưa đến kết quả khủng khiếp này, không những làm chết chóc bao nhiêu người mà còn ảnh hưởng về lâu về dài đến bệnh tật, đến mọi sinh hoạt của nhiều quốc gia. Nhà cầm quyền của nơi sản sinh ra con “virus”này đều không có phản ứng gì, vẫn bình chân như vại, như không có gì xảy ra. Họ có nghĩ rằng, một khi tung ta cơn đại dịch này, ảnh hưởng tai hại của nó không phải là nhất thời mà còn kéo dài không biết cho đến khi nào chấm dứt!

            Con “virus”Trung cộng, mà người ta còn gọi là “Vuhan virus”, thật không ai ngờ trước được. Có người hỏi rằng, lý do nào mà Trung cộng có manh tâm như thế?  Nếu Trung cộng không manh tâm, không mưu toan gì cả thì đâu có ai gọi là Trung cộng. Chế độ cộng sản, nói chung, và Trung cộng, nói riêng, thì có trăm mưu ngàn kế để tiêu diệt bất cứ ai không nghe theo hoặc không làm theo đường lối của chúng. Mưu toan của chúng là muốn làm bá chủ thế giới, muốn thống lãnh hoàn cầu, cũng như chúng muốn cả thế giới này thành “thế giới đại đồng”, một thế giới hoàn toàn cộng sản (sic)! Biển Thái bình ( Pacific Ocean Sea) hiện nay đang dậy sóng, như tin tức chúng ta đã nghe thấy mỗi ngày.  Ngày nào chúng ta cũng đều nghe nói đến, Trung cộng muốn chiếm đoạt, nên đã tự tung tự tác, vẽ ra “đường lưỡi bò”,  chín đoạn, hay chúng còn dùng mỹ từ “con đường tơ lụa” (OBOR: One Belt One Road). Quốc tế đã từng lên tiếng và cho rằng đòi hỏi này của Trung cộng là vô căn cứ. Do đó, biển Thái Bình nay không còn thái bình nữa.

            Nói đến cộng sản, ai đã từng sống qua dưới chế độ cộng sản, như tại miền Bắc Việt nam (trước 1975), và cả nước, kể từ năm 1975 tới giờ, chẳng hạn, thì đều quá rõ cách cai trị người dân của con người cộng sản. Chúng kiểm soát hết mọi thứ, từ tôn giáo, chính trị, xã hội, đặc biệt là chúng kiểm soát bao tử của từng người, (bụng đói thì đầu gối phải bò), kiểm soát mọi tài sản, kể cả kiểm soát tư tưởng, hành động,  đường đi nước bước. Chúng cai trị dân bằng cách ru ngủ như  cổ võ các sinh hoạt thể thao, giải trí, v.v. để cho dân chúng không còn nghĩ đến việc đấu tranh. Nói chung, con người dưới chế đô cộng sản, đều trở thành nô lệ, câm nín, không được ta thán, phàn nàn, kêu ca. Đã chịu cảnh nô lệ, không được mở miệng thở than hay oán trách.

            Trong phạm vi của bài này, lẽ ra, tôi không đề cập đến chính trị, nhưng chỉ  nói phớt qua một tí vì có liên quan đến cơn “đại dịch”, đến sự sống còn của thế giới mà chúng ta đang sinh sống. Hai cuộc đại chiến thế giới đã là giấc mộng kinh hoàng của cả nhân loại. Đó là chứa nói đến việc đất nước phù tang đã lãnh chịu hai quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống hai thành phố Nagasaki va Kawasaki, trong hai ngày 6 và 8 tháng 8 năm 1945. Những hậu quả khủng khiếp và khôn lường đó đã dem lại được bài học gì cho thế giới hôm nay? Nước Nhật, sau thế chiến thứ 2, đã vươn lên và vươn lên cách mạnh mẽ, sánh vai cùng một số rất ít các cường quốc trên thế giới về kinh tế, về kỹ thuật, và ngay cả quân sự. Họ phải đứng lên, phải vươn mình, trước là để tự bảo vệ lấy mình trước sức hung hãn của Trung cộng, dù họ vẫn biết có một số những đồng minh kề cạnh, như Hoa kỳ, Úc, Anh, v.v.

            Nhìn lại để thấy những gì đã xảy ra trong quá khứ đối với chiến tranh, đối với sự sống còn của từng cá nhân, gia đình, và xã hội. Nhìn về một quá khứ cho dù có đau thương, có đổ vỡ, nhất là đối với một đất nước Việt nam chúng ta. Đã gần tám thập kỷ, nếu kể từ năm 1945 đến giờ, nước Việt có được bao nhiêu ngày tháng an bình thật sự, không hận thù, không chinh chiến? Đã có mấy hiệp ước, hiệp định (Hiệp định đình chiến Geneva, chia đôi nước Việt và, Hiệp định tái lập hòa bình, năm 1973) được ký kết giữa những quốc gia đã từng gây tang thương cho đất nước chúng ta để rồi đất nước vẫn chịu cảnh đau thương như hiện

            Nay, nhân dịp kỷ niệm “tháng  tư đen”, chúng ta cùng một lòng hướng về nơi quê cha đất tổ, nơi cố quốc, nơi hầu hết chúng ta đã được sinh ra, lớn lên, và đã cùng nhau xây dựng, kiến tạo một đất nước,  những mong  sao cho được thanh bình, và mọi người dân sống trong tự do, trong hạnh phúc. Nhưng than ôi, đã 46 năm trôi qua (1975-2021), một số người đã rời khỏi quê hương,  kể từ khi đất nước rơi vào tay cộng sản. Mọi thứ đều đã đổi thay, và bao người dân còn ở lại trong nước, phải chịu cảnh lầm than, cơ cực. Mọi thứ tự do đều bị hạn chế, bị kiểm soát. Nhìn chung, mọi thứ sinh hoạt nơi quê nhà hiện nay đã có đổi khác, nhưng thực ra, tất cả chỉ là hình thức mà thôi. Đang khi, như đã nói trên, bọn giặc phương bắc vẫn không thôi lăm le muốn nuốt trọn vùng châu Á, trong đó chính là biển đông. Không một ngày nào chúng ta không thấy những tin tức xảy ra tại một phần của biển Thái bình. Chiến tranh như còn đang chực hờ và có thề bùng phát bất cứ lúc nào.

           Cầu xin cho thế giới, cho đất nước Hoa kỳ, nơi chúng ta đang sinh sống, cho đất Việt thân yêu được mau chóng thấy ngày tươi sáng hơn.

             Nguyễn Ngọc Thể

(Nhân ngày vong quốc – 30 tháng 4

[1] Theo Wikipedia

 

 

 

 

 

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.