Xã hội

Bà mẹ quê

Tuyết Ninh

 

Mẹ của bạn tôi, mẹ là một người chân quê đúng nghĩa! Mẹ hiền lành, thật thà, bình dị, mộc mạc. Mẹ chỉ biết quanh quẩn trong nhà, xóm làng, và xa hơn hết là gánh hàng ra chợ bán.

Làng quê thời phong kiến “trọng nam khinh nữ”; mẹ không được đi học, một chữ bẻ đôi cũng không biết. Khi 15, 16 tuổi cha mẹ ép gả chồng.

Bố của bạn thì gia trưởng. Bố với tư tưởng phong kiến, “chồng chúa vợ tôi” chồng bảo thì vợ không được cãi lại một lời. Chuyện chồng có thể “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” nghĩa là có thể đánh vợ. Hành động này không lạ gì ở làng quê thời phong kiến. Thậm chí mẹ chồng cũng có thể dùng roi dạy con dâu.

Thập niên 1960-1975, những tệ nạn này vẫn còn xảy ra ở những vùng quê thật xa thành phố.

1975 miền nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản, gia đình bạn tôi trên những chiếc ghe nhỏ, đeo bám, leo lên thuyền lớn của hải quân Mỹ. Mẹ và năm đứa con thơ mà đứa lớn nhất 15, nhỏ nhất 5 tuổi được định cư ở xứ sở Hoa Kỳ. Bố và đứa em út 2 tuổi bị lọt lại Viet Nam.

Bà mẹ quê nuôi dạy đàn con thơ trên đất Hoa Kỳ.

Bà mẹ quê lúc này phải một mình, vững tay chèo để dạy dỗ, nuôi nấng đàn con thơ. Tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ cho gia đình bạn chi tiêu cũng phải dè sẻn. Sức ăn, sức lớn nhanh của anh em bạn nếu vung tay thì chỉ đủ cho 20 ngày.

Bà mẹ quê lại phải đi tìm công việc làm thêm. Mẹ đổ mồ hôi, bán sức lao động giữa trưa hè trên các trang trại. Mẹ hái dâu để kiếm từng đồng bù đắp cho sức ăn của đàn con thơ. Mẹ chắt chiu từng đồng, để gửi về Việt Nam cho bố và em út bị lọt lại quê nhà. Bất cứ việc gì kiếm được đồng tiền cho chồng con thì mẹ cũng làm. Mẹ đi mổ bò, mổ heo; xẻ thịt bán lẻ đến tận tay các bà nội trợ. Sức đàn bà mà lột da, mổ con heo, con bò không phải là chuyện đơn giản! Tình yêu chồng con là động lực để mẹ, người đàn bà thấp bé, gầy còm; làm được những công việc mà sức vóc đàn ông còn phải mệt nhoài.

Tiền dư được đồng nào thì mẹ sẵn sàng móc túi khi nhà thờ quyên góp. Mẹ mang tư tưởng xóm đạo, làng quê sang tới đất Hoa Kỳ. Nhà thờ, cha sứ là mẹ một lòng tin kính. Người đàn bà dáng gầy gò, thấp bé, kiến thức không có; nhưng sức mạnh nội tâm của người mẹ quê thì thời đại ngày nay phải nên ngưỡng mộ.

Cuộc đời mẹ đơn giản như lũy tre, đình làng, như gánh hàng mẹ gánh đến chợ quê; hay những công việc tay chân thấp nhất mà mẹ làm ở đất Mỹ.

Bà mẹ quê của bạn tôi luôn giữ một lòng vững đức tin của người Công giáo. Bạn tôi kể những ngày đầu định cư trên đất Hoa Kỳ, các mục sư hội thánh Tin Lành rất tử tế, giúp đỡ gia đình bạn. Khi mục sư mời mẹ và các con đến thánh đường tin lành, mẹ không từ chối. Mẹ nói mẹ phải đến như để đáp trả lại một sự tử tế! Mỗi chủ nhật mẹ dẫn dắt đàn con đi bộ, băng qua mấy ngã tư đường đến ngôi nhà thờ Công Giáo. Cuộc sống mệt nhọc, vất vả hằng ngày; mẹ vẫn không quên dạy các con đọc kinh, cầu nguyện. Đâu phải chỉ có vất vả thân xác; những đau khổ, phiền muộn do bố gây ra. Bao lần mẹ cầu xin trong nước mắt tuôn trào. Khi bố gặp nạn trên đất Mỹ, mẹ lo luật sư bằng hết cả số tiền mẹ dành dụm. Các con có buồn giận bố, nhưng mẹ vẫn luôn bao dung và tha thứ cho chồng.

Cuộc đời mẹ được đền bù là khi cuối đời bố đã hiểu mình sai. Cuộc đời mẹ được đền bù khi các con yêu của mẹ không chỉ thành đạt trên đất Mỹ, mà còn là những người sẵn sàng bỏ bao công lao, sức lực cống hiến cho sứ vụ là người tông đồ Kitô giáo.

Bạn kể đoạn kết câu chuyện.

Mẹ bây giờ bị Alzheimer, bệnh lãng quên của người già. Bạn đến thăm mẹ nơi nhà dưỡng lão, bạn cùng mẹ xem lễ trực tuyến online. Cuối lễ mẹ bịnh lúc nhớ, lúc quên mà đã nhắc bạn góp tiền cho nhà thờ. Bạn tôi đã chọc mẹ, con cho $20 được không ạ? Mẹ nói góp $10 đồng thôi, còn phải tiết kiệm phòng khi không còn tiền tiêu. Bạn tôi lại kể khi mẹ còn khỏe, mẹ không từ chối bất cứ một lời kêu gọi đóng góp của nhà thờ.

Tôi nghĩ người mẹ quê của bạn tôi, có một đôi mắt đức tin vững mạnh, mới biết chia sẻ và giúp đỡ như vậy. Chúng tôi cùng cười về mẹ của bạn, nhưng cùng xót lòng thương mẹ!

Trái tim của mẹ thật đơn sơ, tin, cậy, mến Thiên Chúa; như trẻ thơ tin tuyệt đối vào cha mẹ. Mẹ tin Thiên Chúa, và giữ gìn lề luật của Ngài. Lòng mẹ luôn tha thứ, bao dung, hy sinh và chia sẻ.

“Để cho thế gian biết là Ta yêu mến Cha, Cha truyền sao, Ta làm vậy” ( Ga.8:19)

Không ngôn từ hoa mỹ, mẹ là gương sáng cho thế hệ chúng con!

Mẹ luôn là nguồn cảm hứng cho các sáng tác thi ca.

Những câu ca dao, tục ngữ từ xưa, đến những sáng tác hiện đại; thì hình ảnh mẹ cũng gom vào những từ hy sinh, yêu thương con vô bến bờ, chịu thương, chịu khó vì con…

“Vì con sống, mẹ suốt đời lam lũ

Vì con vui, mẹ gánh hết đau buồn.”

“Đố ai đếm được lá rừng

Đố ai đếm được mấy tầng trời cao

Đố ai đếm được vì sao

Đố ai đếm được công lao mẹ già.”

Thương làm sao!

Yêu làm sao hình ảnh bà mẹ quê!

“Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già

Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa

Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà

Nắng nhiều thì phơi lúa ra

Bà bà mẹ quê ! Ðêm sớm không nề hà chi

Bà bà mẹ quê ! Ngày tháng không ao ước gì

Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui.”

Bạn kể cho tôi về người mẹ chân quê của bạn, làm tôi cứ trăn trở, suy tư về thiên chức làm mẹ của tôi, người mẹ thời đại ngày nay.

Tôi vẫn biết hai thế hệ khác nhau.

Lối giáo dục mỗi thời đại khác nhau.

Cha mẹ bây giờ lo lắng nhiều hơn, không chỉ là miếng cơm, manh áo; cái khó là làm sao hướng dẫn con cái sống, giữ đạo cho tốt lành trong xã hội muôn vàn cám dỗ?

Các đảng phái chính trị dùng mọi thủ đoạn xấu xa; lôi kéo, dụ dỗ giới trẻ. Họ dùng những từ hoa mỹ như là nhân quyền, tự do, bình đẳng; để dẫn dắt giới trẻ theo con đường xấu của họ.

Tệ nạn xã hội ngày nay xảy ra bởi chính những kẻ xấu xa dùng ngôn từ tốt đẹp, dẫn dụ con trẻ của chúng ta.

Nạn phá thai hủy diệt bao nhiêu sinh mạng vô tội, những sinh linh không có khả năng tự bảo vệ mình.

Sống trong đời sống văn minh, kỹ thuật tiến bộ; nhưng biết bao cha mẹ rất đau khổ vì con mình yêu và sống cuộc sống đồng tính.

Nhiều bậc cha mẹ cạn nước mắt, đau buốt tim khi nhìn con mình uống từng vóc thuốc tăng cường hormone; để biến mình giống nam hơn, hay nữ hơn.

Các trẻ con ở trường học đã được giáo dục quan niệm về đồng tính không phải là tâm lý hay thể lý (thay đổi hormone).

Nếu chỉ là phong trào (trend) theo bạn, theo bè thì còn dễ khuyên can.

Họ giáo dục con trẻ tư tưởng tôn sùng, sùng bái (cult) sự đồng tính.

Các bậc làm cha mẹ, là bạn bè của tôi chia sẻ về con họ. Con trẻ bây giờ chỉ một chút không tập trung trong việc học, công việc làm… bởi biết bao nhiêu trò chơi game, phim ảnh thế mà các bác sĩ kết luận ngay ADHD (attention deficit hyperactivity disorder). Con trẻ được kê toa, uống những thứ thuốc rất hại cho đầu óc.

Bậc cha mẹ như chúng tôi đôi khi kiến thức, cũng như việc theo dõi trào lưu thời đại; bị rất nhiều hạn chế.

Kể câu chuyện về mẹ của bạn tôi, bà mẹ quê.

Tôi rút ra kết luận cho tôi, mong là có thể góp phần nhỏ nho; giúp cho các bậc cha mẹ ngày nay.

Cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con cái. Vợ chồng yêu thương, kính trọng, bao dung cho nhau. Cha mẹ thương yêu, hy sinh cho con. Các bậc cha mẹ cũng nên đọc, tìm hiểu, và theo dõi những bài viết có giá trị giáo dục của những nhà tâm lý học chuyên môn, gốc Công giáo; để chúng ta được cung cấp kiến thức đương đầu với những vấn nạn xã hội ngày nay.

Trên hết là một lòng mến yêu, trông cậy nơi Thiên Chúa. Ngài luôn nâng đỡ, và ban ơn lành cho chúng ta; khi chúng ta chạy đến bên ngài.

Cuối cùng tôi xin cảm ơn bạn tôi về câu chuyện mẹ của bạn. Bà mẹ quê nhưng là tấm gương sáng cho đời sau.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.