Kinh tế

“Hãy tha thứ cho anh, Natasha!”

Khuyết Danh

 

Đây là một câu chuyện có thật của thanh niên tên là Sergei Kourdakov, câu chuyện đã được dịch ra 15 thứ tiếng trên thế giới, bản tiếng Mỹ là “Natasha, forgive me”, Publisher: Harper Collins, Publishers bản tiếng Việt là của nhà văn Nhị Lang với tựa đề “Lời nguyện cầu”. Đây không phải là một bản dịch thuần túy mà là một tác phẩm văn chương mà người dịch đã để tâm hồn mình vào đó :

Sergei Kourdakov, mẫu người Cộng Sản lý tưởng. Mồ côi cha mẹ năm lên bốn. Ở trong viện mồ côi đạt danh hiệu cháu ngoan Lenin. Đi học làm trưởng đoàn thiếu nhi quàng khăn đỏ. Vào Học viện Hải quân, làm thủ lãnh đoàn thanh niên CS Lenin với 1200 học viên Sĩ quan. Nhờ giỏi judo, karatedo, boxing nên được gia nhập vô toán công an đặc biệt và được đề bạt làm đội trưởng, quyết giơ cao búa liềm trừng trị những kẻ chống đối Cách Mạng. Anh chẳng tin vào Thiên Chúa. Trong hơn 150 cuộc tấn công những Kitô hữu tụ họp cầu nguyện, lực lượng của anh đã đánh đập họ cách dã man, những thiếu nữ bị hãm hiếp và để lại nơi họ những thương tích nửa sống nửa chết. Cách điên cuồng anh muốn huỷ đi đức tin của họ và muốn nhắn nhủ rằng :”Cầu nguyện mà làm gì? Chúa làm gì có, có thì đã cứu chúng mày!”.

Một ngày kia, trong khi đang lùng bắt các KiTô hữu đang cầu nguyện trong tầng hầm căn nhà cũ kỹ, anh bắt gặp thiếu nữ xinh đẹp với mái tóc bạch kim tên là Natasha, lực lượng của anh đã vùi dập cô thừa sống thiếu chết, lần khác cũng trong lúc đi lùng bắt nhóm KiTô hữu, anh lại bắt gặp Natasha trong nhóm này, nàng gầy yếu hơn lần trước. Alex, 1 tên trong toán công an bước tới giơ dùi cui định giáng vô đầu nàng thì tên khác là Victor lao ra ngăn lại giằng co bảo vệ Natasha, bắt đầu xảy ra xô xát trong toán công an, Sergei nhảy ra can thiệp, anh tỏ vẻ thương hại Natasha nên hất hàm ra hiệu cho nàng bỏ chạy thật xa. Từ hôm đó, Sergei bị ám ảnh bởi hình bóng nàng, anh lấy làm lạ :”Hình như càng bị đàn áp, người ta theo Chúa càng đông!”.

Một ngày kia đang trong lúc thiêu hủy Kinh Thánh, Sergei tò mò nhìn lên một trang giấy của Thánh Kinh, đó là đoạn Chúa Giêsu dạy cho một người cầu nguyện, đưa lòng mình lên với Thượng Đế để thấy mọi người là anh em, hãy tha thứ cho những người làm hại mình. Trong tự truyện anh kể rằng :”Những lời ấy dường như không còn viết trên giấy mà bùng cháy lên trong tim tôi. Như thể ai đó đang trong phòng và dạy tôi những điều ấy. Chúng đánh động tôi. Chúng làm tôi thấy khó chịu. Một cảm giác rất mới lạ trong tôi”. Đó là khởi đầu của sự hoán cải trong anh. Sergei quyết định rời khỏi toán công an đặc biệt dù rằng KGB trả lương cao hơn gấp chục lần tiền phụ cấp của học viện Hải quân, anh lấy cớ là muốn tiếp tục hoàn tất chương trình học Hải quân.

Vào tháng 1 năm 1971, Sergei tốt nghiệp Học viện Hải quân Petropavlovsk với tư cách sĩ quan phát thanh làm việc trên tàu khu trục gần biên giới bờ biển Hoa Kỳ. Từ đó, Sergei lên kế hoạch vượt biên tới Mỹ. Anh tích trữ lương thực, nước và bè cứu sinh. Sau đó Sergei buộc phải thay đổi kế hoạch vì anh đọc được thông tin 1 thủy thủ Nga tên là Kudirka đã tới Mỹ thành công nhưng bị chính phủ Mỹ trao trả lại cho phía Soviet và hắn đã phải nhận bản án hơn 10 năm tù tội vượt biên. Sergei quyết định mạo hiểm trốn sang Canada nên xin thuyên chuyển sang tàu tuần dương Elagin hoạt động ở vùng giáp biển Canada.

Cuối tháng 8/1971, tàu Elagin gặp cơn bão lớn, viên chỉ huy ra lệnh cho Sergei phát thông điệp xin được vào vùng biển Canada để trú bão. Sergei nhanh chóng nhận ra đây là cơ hội cuối cùng. Ngày 3/9/1971, khoảng 10 giờ tối, Sergei nhảy xuống biển và gắng sức bơi vào đất liền. Sáng hôm sau, Sergei được 1 phụ nữ phát hiện đang nằm bất tỉnh và anh nhanh chóng được đưa vào bệnh viện.

Cuộc đời Sergei thay đổi hẳn, sau bao giằng co, cuối cùng chính phủ Canada chấp thuận cho anh quy chế tỵ nạn. Trước đó Canada đã tính trả anh lại cho Soviet nhưng bị quốc hội phản đối nên đành cho anh ở lại.

Anh được nhận vào trường kỹ thuật phát thanh vô tuyến, công việc cũ của anh, công việc bảo đảm và hứa hẹn một gia đình ấm cúng. Nhưng Sergei đã hiến mình cho một sứ mạng mới, anh phải đi khắp thế giới nói cho moị người biết sự thật về “tự do tôn giáo” ở Nga, về những đàn áp tinh vi, dã man tàn bạo có bài bản do đảng CS Soviet phát động. Anh đã đến các nhà thờ, các buổi lễ để nói chuyện, anh tích cực tham gia vào các hoạt động truyền giáo. Các đài phát thanh, đài truyền hình đã phỏng vấn anh. Chuyện anh được mọi người biết đến. KGB đã hai lần gửi người đến hăm dọa: “im cái miệng mày lại, nếu không cuối cùng mày sẽ gặp tai nạn”. Đã từng làm việc cho họ, Sergei biết cái gì đang chờ đón mình, nhưng anh không thể làm khác được. Anh như một người mới từ bỏ chỗ tối để bước vào chỗ sáng, từ nay anh phải đốt đuốc lên để xua tan sự tối tăm. Anh không thể làm khác được. Đời anh, anh coi như bỏ, sống là để thực hiện sứ mạng cao cả, cứu dân Nga thoát khỏi CS và chỉ có điều đó mới đáng để anh làm. KGB hay cái gì nữa cũng thế thôi.

Sergei đã viết lại chuyện thật đời mình, nguyên tác bằng tiếng Nga. Anh viết: “Tâm hồn của dân tộc vĩ đại Nga chưa chết và sẽ không bao giờ chết. Những tâm hồn như Natasha và hàng triệu người như nàng một ngày kia sẽ đứng dậy thắp sáng ngọn nến đức tin trên khắp nước Nga”.

Trang cuối cùng của quyển tự chuyện anh viết rất cảm động:

“Với bà Litovchenco, người đàn bà bán thân bất toại vợ của đạo trưởng linh mục Chính thống giáo đã bị chúng tôi sát hại bên bờ sông Elizovo, tôi muốn thưa rằng: tôi hết sức ân hận, vô cùng ân hận, thưa bà. Với Nina Rudenko người thiếu nữ xinh đẹp thơ ngây đã bị người của tôi huỷ hoại cuộc đời, tôi muốn dâng lời cầu xin – cô Nina xin hãy vui lòng tha thứ cho tôi. Và với Natasha, người đã bị tôi đánh đập dã man và sẵn sàng chịu thêm nữa để bảo vệ đức tin của mình, tôi muốn nói – Em Natasha, phần lớn nhờ có em mà cuộc đời anh thay đổi, để ngày nay anh được làm người anh của em trong Chúa Giêsu. Một cuộc đời mới đang mở ra trước mắt anh. Chúa đã ban cho anh sự tha thứ của người. Anh hy vọng phần em cũng sẽ ban cho anh sự tha thứ của riêng em. Dù em đang ở đâu, anh cũng muốn nói cùng em, cám ơn em nhé Natasha! Không bao giờ, vâng không bao giờ, anh quên em”.

Ngày 1 tháng 1 năm 1973, Sergei chết vì “tai nạn”. KGB đã không buông tha anh. Năm 1991, Liên Bang Soviet sụp đổ, thành phố mang tên người sáng lập CS – Leningrad được lấy lại tên như trước đây là Thành Phố Saint Petersburg (tức Thánh Phêrô).

Nguồn: HoaNguyen HoaNguyen. Email hoabnguyen9@gmail.com

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.