Tâm lý giáo dục

Sao Biển

Tuyết Ninh

 

Tôi yêu tháng mười một Cali với những giọt sương đọng trên cành lá buổi sáng, tia nắng vàng nhạt buổi trưa, cơn gió nhẹ chiều tà, trời se se lạnh vào tối.  Cái lạnh chỉ man mát mà lòng tôi sao cứ nôn nao…cho buổi tối tháng mười một họp mặt gia đình nhỏ (Gia Đình Dũng Lạc) trở lại.

Hai năm qua vì đại dịch Covid mà cuộc họp mặt gia đình nhỏ hàng tháng cứ bị gián đoạn hoài.

Đêm nay họp mặt chỉ có tám người!

Con số ít ỏi so với những cuộc họp hàng tháng khi xưa!

Con số tuy ít nhưng chia sẻ lại đủ để tôi tìm lại bình an trong hồn và ấm áp cõi lòng.

Gian phòng nhỏ ấm cúng bên nhau chúng tôi cảm tạ ơn quan phòng của Thiên Chúa ban xuống cách riêng cho từng gia đình của chúng tôi. Những ơn ích chúng tôi đã được nhận thông qua lời chuyển cầu của mẹ Maria, thánh Giuse.

Cô Loan vững một lòng tin vì cầu xin gì cũng được.  Cô đã cầu xin được cho nhiều bạn bè.  Ai có nhu cầu gì thì cô cũng cầu xin giúp và được ngay.  Nghe vậy, mọi người đã   tặng cô biệt danh: “Cô Loan, xin gì được nấy!”

Chúng tôi chia sẻ cuộc sống với muôn vàn khó khăn về mối quan hệ gia đình, công việc, sức khỏe…nhưng cái khó khăn nhất của chúng tôi, những bậc làm cha mẹ phải đương đầu trong cuộc sống là làm sao để hướng dẫn cho con cái gìn giữ được tinh thần Công Giáo?

Không thể nào là không lo âu!

Làm sao? … và làm sao đây?

Tìm ra giải pháp nào tốt để cha mẹ có thể hòa hợp với con trẻ; để gia đình luôn an vui, hạnh phúc; và nhất là biết hướng con trẻ lòng tin, cậy, mến Chúa ?

Sau khi hát thánh ca và cầu nguyện, chúng tôi các bậc cha mẹ tâm tình bên nhau.

Tôi chỉ lấy ý kiến rồi ghi chép lại những gì chúng tôi trãi lòng cùng nhau trong cuộc họp gia đình nhỏ của chúng tôi; để nhắc nhở cho chính bản thân của mình.

Những ý kiến nhỏ nhoi nhưng đến từ những khó khăn thực tế của từng gia đình chúng tôi.  Chúng tôi chỉ biết rút kinh nghiệm từ nhau để cùng nâng đỡ nhau.

Biển cả vẫn luôn dậy sóng thì đời sống vẫn còn muôn vàn khó khăn và đầy mâu thuẫn. Nhưng khi một cây kim mà rớt xuống chạm đáy biển thì nó lại nằm im dưới đáy đại dương đầy yên tĩnh! Khó khăn đến đâu rồi cũng sẽ giải quyết được!

–  Như vậy, trong bất cứ tình huống nào cũng phải bình tĩnh và bình tĩnh mà tìm đường đối phó.

Bình tĩnh xem như kim chỉ nam để nhận rằng mọi khó khăn chỉ là tạm thời, từ từ sẽ tìm được phương cách tốt nhất, giải pháp ổn thỏa tốt nhất.  Cái chính là sẽ luôn giữ được ngọn lửa yêu thương trong mái ấm gia đình.

Bình tĩnh để tìm lời ăn, cách nói sao cho phù hợp; để hoà hợp được với tuổi trẻ.

Dân Việt Nam sống trong vùng bão lụt thì sẽ biết cách để “sống chung với lũ”.   Mình cũng sẽ tìm cách để hài hòa theo nhịp sống trẻ.

Tuổi trẻ là năng động, sôi nổi!  Tuổi trẻ trên đất Mỹ này rất tự lập, tự tin bước vào đời!

Có thể tuổi già của mình sẽ thích nghi rồi trẻ lại chăng!  Cách dạy con trẻ ngày nay khác hoàn toàn với cách ông bà, cha mẹ của thế hệ mình.  Con cái gia đình gia giáo là phải vâng lời cha mẹ, nhà vô phúc có con cái cãi lại bố mẹ.

Con cái trưởng thành trên đất Mỹ được dạy phải mạnh dạn bày tỏ ý kiến, không thụ động làm theo. Con trẻ sống trong thời đại mới thì cũng có cái hay là chúng rất tự tin để mà nêu lên ý kiến của chúng.

Bình tĩnh giúp mình làm chủ được mọi tình huống; nhìn được rõ nét mọi góc cạnh của vấn đề cần giải quyết và mới giúp được mình, được con mình.

Nóng giận la hét thì sao mà thỏa hiệp được?

Chúng ta cứ thử dùng vài câu kinh hòa bình như liều thuốc giúp bình tĩnh hơn mà có thời gian tìm hiểu con cái:

“…tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.”

Tình yêu cha mẹ cho con cái là như “núi Thái Sơn, như nước trong nguồn chảy ra.”

Đừng ngại thay đổi và chấp nhận cái mới!

Hãy tập yêu từ đây!

Yêu con và phải tìm hiểu con theo hướng của thời đại mới.

Thế nhé!

–  Chúng tôi nhắn nhau hãy tự nhủ với lòng mình là luôn luôn phải cởi mở với con cái.

Yêu là cho đi.  Tình yêu Thiên Chúa là chết cho người mình yêu.

Cha mẹ thời nay phải yêu theo thời nay.

Thời đại ngày nay thì không còn cái chuyện ngày xưa cha mẹ nói thì con cái phải lắng nghe hay “Yêu cho voi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.”

Cha mẹ muốn hướng con cái đến những điều tốt lành thì trước nhất phải biết lắng nghe con trẻ.

Mở lòng để lắng nghe mọi ý kiến của con trẻ, nhưng suy nghĩ của giới trẻ … không được nghĩ mình có quyền làm cha mẹ để phản đối, và phán xét.

Từ từ…Bình tĩnh và cởi mở.

Cha mẹ cởi mở thì con mới có cơ hội bày tỏ để cha mẹ và con cái cùng tìm được sự đồng cảm.  Từ sự đồng cảm thì sẽ dẫn đến giải pháp khả thi cho cả nhà.

Một chị khi con ào ào nói thì chị đứng trực diện với con nhưng im lặng.  Chị lặng im quá đến nỗi con phải hỏi sao mẹ không nói gì!? Chị cười cười pha chút giọng hài hước là cái tính bẩm sinh của chị: “mẹ đang lắng nghe và suy nghĩ về những gì con nói.”  Rồi sau đó con trẻ cũng tập suy nghĩ và lắng nghe những gì mẹ nói.

Chị dạy con hay quá, tui lượm liền ý kiến này để bỏ vào túi dành khi nóng giận con cái là lấy ra xài ngay thôi.

Người ta nói ‘học thày không tày học bạn”.  Học lẫn nhau từ những giờ sinh hoạt cộng đồng hay ghê.

Chúng tôi ngồi tán bên nhau nhưng là tán cho ra được những điều tốt cho mình và cho nhau.  

Mở lòng mới có thể nhìn vấn đề theo chiều hướng của tuổi trẻ ngày nay.  Những diễn biến và phát triển của thời đại mới đôi khi cha mẹ cũng có những hạn chế của chính mình.

Mở lòng cho con trẻ mà đôi khi chúng ta, bậc cha mẹ cũng biết thêm được nhiều điều mới lạ.  Biết được nhiều thì mới điều chỉnh được cách hướng dẫn con trẻ theo chiều hướng tốt nhất.

Mở lòng để đừng bao giờ đòi hỏi con trẻ phải sống theo ý bạn muốn, và đừng kiểm soát mọi hành vi của con trẻ.

Sự mở lòng ra để đón nhận mọi sự khác biệt là cách tốt nhất để cha mẹ và con cái thời nay hòa hợp với nhau.

–  Không so sánh con người ta và con mình.

Không để con mình phải chịu áp lực bởi phải giống người nào đó về nghề nghiệp, về tính cách …

Không so sánh các con trong cùng một gia đình.

Phải giúp con mình tự tin về những giá trị của bản thân.

Một chị đã tâm sự, khi con mới ra trường mà phỏng vấn lần nào cũng rớt nên nó cũng có nản chí.  Bạn bè của nó ra trường đã tìm được việc làm ngay. Trong hoàn cảnh đó, một mặt chị năn nỉ với thánh Giuse để xin việc cho con, một mặt chị khích lệ con nhẫn nại, rút kinh nghiệm và tiếp tục xin việc.  Đơn xin việc đã được thánh Giuse nhận lời nên chỉ sau đó vài tuần là thằng con có ngay công việc; mà còn được làm tại nhà.

Không bao giờ chị so sánh con mình kém may mắn vì chưa xin được việc so với bạn bè.  Chị luôn an ủi con là bất cứ thất bại nào cũng sẽ cho chúng ta thêm kinh nghiệm, để hoàn thiện bản thân.

Ai chẳng có thiếu sót, có sai lầm và cần có kinh nghiệm trong cuộc sống.

Tuổi trẻ cần có những hoài bão và mơ ước!  Cha mẹ hãy giúp con thực hiện cho được ước mơ của con.

– Cuối cùng điều quan trọng hơn hết mà chúng tôi nhắc nhở nhau là chính chúng tôi, các bậc cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con cái.

Để con trẻ giữ đạo thì không chi bằng bậc cha mẹ phải noi gương sống đạo cho tốt.  Mến Chúa, thảo kính cha mẹ, vợ chồng chung thủy, yêu thương nhau.  Sống bác ái, vị tha với mọi người chung quanh.

Áp đặt con cái phải sống theo cách sống của mình là không thể hiện được sự vị tha rồi; vì mình nghĩ cho chính mình, cho là mình đúng.

Không biết cảm thông và sớt chia cùng con những mâu thuẫn đang xảy ra trong đời sống, trong tâm hồn con trẻ.

“Suy nghĩ tích cực là phải suy nghĩ cho thế hệ tương lai”

Đừng suy nghĩ theo lối sống của thế hệ mình.  Cha mẹ luôn cầu nguyện; hãy để Chúa nâng đỡ và hướng dẫn đời sống chúng ta.

“ Lạy Mẹ là Ngôi Sao sáng! Soi lối cho con lúc vượt biển thế gian. Lạy Mẹ là Ngôi Sao sáng! Soi lối cho con thẳng về nơi phúc nhàn. Sống chết con trông nhờ. Bao nhiêu sức hộ phù. Lòng Mẹ sẵn sàng mà đoái đến con giúp con đưa con về tới bến. Sống chết con trông nhờ. Bao nhiêu sức hộ phù lòng Mẹ sẵn sàng mà đoái đến con, giúp con đưa con tới Thiên đàng.”

Tôi lấy tựa đề bài hát của Tâm Bảo làm tựa đề bài viết vì tôi tin những ngôi sao biển của Thiên Chúa sẽ luôn soi sáng cho chúng tôi.  Chúng tôi cùng tin con thuyền cuộc đời chúng tôi sẽ không chìm trong những cơn bão tố, sóng dữ mà Thiên Chúa sẽ luôn giúp chúng tôi chèo vào bến bờ an lành.

Những khó khăn, vất vả hay đau khổ… trong đời sống là dấu chỉ việc vác thánh giá. Thánh Giá là dấu chỉ tình yêu và lòng thương xót Chúa.  Chúng tôi tin Thiên Chúa sẽ nâng đỡ và thêm sức cho tất cả ai đang phải vác thánh giá.  Chúa không để Thánh Giá nặng quá sức chịu đựng của chúng ta.  Chúng ta có Thiên Chúa sẽ không lẻ loi bao giờ. Khi thuyền chúng ta ra khơi Mẹ Maria là ngôi sao biển dẫn lối cho chúng ta vượt qua những cơn bão táp, giông tố.

Hy vọng lần sau họp mặt gia đình sẽ đông vui hơn và sẽ trao đổi cùng nhau nhiều điều bổ ích.   

Cảm ơn gia đình nhỏ.

Tuyết Ninh

(Họp mặt Gia Đình Dũng Lạc, 5 tháng 11 năm 2021)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.