Tâm lý cao niên

50 tuổi, cuộc sống mới thực sự bắt đầu: Trước 50 tuổi sống vì người khác, sau 50 tuổi mới sống cho chính mình

Thanh Nguyên

 

Khổng Tử từng nói rằng: “Tứ thập bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh” (40 tuổi không còn mê hoặc, 50 tuổi đã biết mệnh trời). Kỳ thực, con người sau 50 tuổi mới trở thành “tài sản” quý giá nhất, là kho tàng đáng được trân trọng.

Vì sao lại nói, cuộc sống chỉ thật sự bắt đầu ở tuổi 50? Bởi lẽ trước 50 tuổi, chúng ta luôn phải dành toàn bộ thời gian vì học tập, vì sự nghiệp, vì nhà cửa, vì vay mượn thế chấp, vì con cái gia đình, vì đủ thứ gánh nặng cơm áo gạo tiền của cuộc sống.

Sau khi trải qua độ tuổi 50, sự nghiệp đã dần ổn định, con cái lúc này cũng đã trưởng thành, tiền bạc đã có chút tích góp. Chúng ta mới bắt đầu có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn để lo cho chính bản thân mình. Hơn nữa, cho dù chưa đến lúc nghỉ hưu ở nhà dưỡng lão nhưng chúng ta cũng không còn phải làm việc đến kiệt sức nữa. Chúng ta biết nâng cao chất lượng cuộc sống, chú trọng ba bữa một ngày, không thể lơ là sức khỏe thể chất như trước kia.

Mỗi buổi sáng, chúng ta không còn tất bật lo cơm nước, đưa con đi học nữa mà nhàn nhã hít thở không khí trong lành, thư giãn cơ thể, chạy bộ vài vòng quanh nhà, tập luyện mấy động tác dưỡng sinh đơn giản rồi dùng một bữa sáng bổ dưỡng do con cháu chuẩn bị cho.

Chỉ cần như vậy, dù có già đến đâu đi chăng nữa thì tinh thần chúng ta vẫn luôn trẻ khỏe và đủ đầy. Ngoài ra, sau ngưỡng cửa của tuổi 50, chúng ta không còn bận rộn tăng ca, tiếp khách đến nửa đêm hay đi công tác hàng tuần dài nữa mà được thảnh thơi về nhà khi đến giờ tan tầm, dạo qua các khu chợ để cảm nhận sức sống tươi mới ở đây, tiện tay mua ít thức ăn về nhà, thong thả làm vài món đơn giản thêm vào mâm cơm để cả gia đình thưởng thức.

Hơn nữa, chúng ta còn có thời gian để dạo bước cùng bạn già, tâm sự với nhau từng mẩu chuyện vui buồn nhỏ nhặt trong ngày vừa qua, đôi khi lại cãi nhau vì vài vấn đề chẳng hề to tát, vừa là bạn đời, vừa như tri kỷ. Sau 50 tuổi, thay vì cuối tuần nằm ườn cả ngày trên giường để hồi phục sức lực sau cả tuần làm việc mệt mỏi như thời tuổi trẻ, chúng ta có thể chăm lo, vun vén sở thích của mình nhiều hơn. Thích hoa thì nuôi hoa, thích sách thì đọc sách, thích trà thì tham gia vài lớp học pha trà, phẩm trà…

Kỳ thực, càng xây dựng và phát triển sở thích cá nhân, cuộc sống của chúng ta càng thêm đủ đầy ý nghĩa. Mỗi ngày trôi qua, bản thân chúng ta lại càng phong phú và quý giá hơn.

Sau ngưỡng cửa của tuổi 50, con cái thơ dại ngày nào còn chập chững tập đi, tập nói, nay đã trưởng thành, khôn lớn nên người. Chúng có công việc riêng, có gia đình riêng và có cả không gian sống riêng. Chúng ta được tạm biệt quãng thời gian chỉ biết chăm chỉ tiết kiệm tiền nuôi con trẻ ăn học, chăm lo miếng cơm manh áo, hay sốt sắng mỗi lúc con đau ốm bệnh tật…

Đã tạm hoàn thành trách nhiệm của người làm cha làm mẹ, chúng ta có thể tự thưởng cho mình những chuyến du ngoạn để mở mang tầm mắt, nhìn xem thế giới bên ngoài đã phát triển đến nhường nào suốt thời gian qua. Hoa đào rực rỡ mùa xuân, thác nước tươi mát mùa hè, lá phong đỏ rực sắc thu, sông băng núi tuyết trời đông, còn có mặt trời mọc trên núi, mặt trời lặn ngoài biển… và rất nhiều cảnh sắc tráng lệ mà chúng ta chưa một lần thảnh thơi ngắm nhìn và tận hưởng ngoài thế giới rộng lớn bao la kia.

Chỉ có đi hết núi sông, chúng ta mới hiểu thấu giang sơn. Chỉ có nếm đủ chua ngọt vui buồn, chúng ta mới thấm nhuần giá trị thực sự và ý nghĩa của đời người. Càng trải nghiệm, chúng ta càng nắm chắc cuộc sống của mình trong tay. Chờ ngày tuổi tác tăng dần lên, cuộc sống phố thị nhộn nhịp đã không còn phù hợp nữa, chúng ta ước được trở về căn nhà nhỏ ở quê hương thanh bình.

Vào thời điểm đó, công việc đã nghỉ hưu, nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục. Đến tuổi này rồi, mỗi giờ mỗi khắc trôi qua đều dùng để hưởng thụ, thưởng thức mọi niềm vui còn lại của cuộc đời. Nhiệt huyết tuổi trẻ đi qua, giờ chỉ còn sự an nhàn, yên bình ở lại. Chúng ta cùng nhau ngồi lại, pha ấm trà, nhâm nhi những câu chuyện xưa cũ làm quà, khẽ cười cùng nhau, êm ấm trải qua nốt những tháng ngày cuối cùng.

Không chỉ vậy, sau 50 tuổi, tâm trí chúng ta đã bình yên, không còn lo được lo mất. Chúng ta hiểu rằng mọi thứ đều có số mệnh, những gì nên có thì trời sẽ cho, cái gì mất đi thì không nuối tiếc, thứ gì không phải của mình thì cũng chẳng cần cưỡng cầu.

Suy cho cùng, thành công hay thất bại, vui mừng hay đau khổ, đều trở thành trải nghiệm đời người, là kinh nghiệm khắc sâu vào trong trí nhớ. Qua thời gian, mọi kỉ niệm lắng đọng sẽ dần biến thành báu vật vô giá không ai có thể lãng quên.

Visits: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.