SỐNG TIN MỪNG

Chúa Chiên Lành

Lm. Dominic Trần Quốc Bảo, dcct

SUY NIỆM từ LỜI CHÚA

Chủ đề phụng vụ Chúa nhật thứ 4 phục sinh tập chú vào một hình ảnh rất đẹp: Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Kinh thánh Cựu ước và Tân ước luôn trình bày Chúa là Thiên Chúa của Dân Ngài. Riêng tác giả Gioan là người nói rõ: Chúa Giêsu là Vị Mục tử Nhân lành. Đây là hình ảnh phong phú ý nghĩa thần học. Chỉ với 10 câu trong phúc âm hôm nay (Gn.10:1-10), các nhà chú giải đã suy tư trên dưới 60 năm. Bởi vì ‘Mục Tử Nhân Lành’ là một hình ảnh quan trọng và truyền thống trong phụng vụ, tìm hiểu Chúa Giêsu qua hình ảnh đó tưởng là điều cần thiết. Hiểu biết này cũng mời gọi đoàn chiên Kitô hữu sống Đức tin nơi Vị Mục tử của mình cách tích cực hơn.

Ở đây, ta hãy thử chiêm ngắm ‘Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành’ qua ba yếu tố đặc thù trong đoạn tin mừng Gioan này: Chúa là Cửa chuồng chiên; Chúa biết chiên; Chiên biết Ngài.

Trước nhất, ta hãy xem bối cảnh của đoạn Tin mừng Gioan 10:1-10. Các học giả Kinh thánh đồng thuận rằng chính lời Chúa Giêsu đã tự khẳng định Ngài là Mục Tử Nhân Lành. Tại sao thế? Đọc lại Tin mừng Gioan, ta thấy, trước khi Chúa Giêsu nói mình là Mục Tử Nhân Lành, đã có câu chuyện người mù từ thuở mới sinh. Anh mù được Chúa chữa lành. Nhóm Biệt phái và Luật sĩ tra vấn anh mù và biết Chúa Giêsu đã chữa anh. Ganh tương và muốn loại trừ Chúa, họ cũng lên án và đuổi anh ra khỏi hội đường người Do thái. Họ tự cho mình là người có quyền ‘giữ cửa’ hội đường để cho phép ‘vào và ra’. Họ cố ý kết án, chu diệt người vô tội chỉ để bày tỏ và bảo vệ uy quyền độc đoán của họ.

Sau khi đã chữa lành người mù bẩm sinh và cho anh được mạnh mẽ tâm hồn trước sự áp chế của Biệt phái và Luật sĩ đối với anh, Chúa Giêsu đã nhân sự kiện đó nói với mọi người, chủ yếu là Biệt phái và Luật sĩ, một sứ điệp quan trọng: Chúa là người chăn chiên đích thực; họ là những kẻ trộm cướp (chiên). Chúa là người bảo vệ chiên, đón tiếp chiên về; họ là người xua đuổi chiên ra. Chúa biết chiên, yêu thương chiên và làm cho chiên sống mạnh; họ là người không biết chiên, ghét bỏ và giết hại chiên. Chiên biết tiếng Ngài và theo Ngài; ngược lại chiên không biết họ và chạy trốn họ. Sứ điệp đó, Chúa Giêsu diễn tả qua 3 hình ảnh sau.

-“Tôi là cửa cho chiên ra vào” (c.7b): Cửa là lối duy nhất chiên có thể vào chuồng. Các người chăn chiên tại Trung đông thường có thói quen đặc biệt nghề nghiệp. Ban ngày họ dắt chiên đi ăn cỏ, ban tối dắt chiên về chuồng. Điểm mặt, gọi tên chiên vào chuồng xong, họ nằm xuống ngủ ngay tại cửa chuồng để canh phòng thú dữ và kẻ trộm khỏi lợi dụng đêm tối mà đến cắn xé, ăn trộm chiên. Chiên trong chuồng được bảo vệ an toàn bởi chính người chăn. Cũng vậy, Chúa Giêsu là cửa canh giữ Dân Chúa. Qua Ngài, ta được đưa vào nơi an toàn linh hồn là Ơn Cứu Độ. Thế nên, Ngài nói rõ “Ta là cửa. Ai qua ta mà vào (chuồng chiên) thì sẽ được cứu” (c.9a).

Chức năng tốt lành của ‘cửa chuồng chiên’ như thế dẫn đến một hình ảnh khác mà Chúa Giêsu đã lập lại 2 lần trong những câu kế tiếp của đoạn tin mừng này ‘Tôi chính là mục tử nhân lành’ (cc. 11, 14). Ý nghĩa của sự ‘nhân lành’ này được minh chứng cách nào? Qua mối tương quan yêu thương, gần gũi giữa Chúa chiên và đàn chiên.

– ‘Chiên nghe tiếng anh (Người chăn); anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng đi’ (c.3): Ba cụm từ trong câu này (nghe tiếng, gọi tên, dẫn đi) miêu tả tình thương sâu xa của người chăn đối với đoàn chiên mình. Thời Chúa Giêsu, việc chăn chiên hiệu quả thường đòi hỏi người chăn chỉ chăm sóc một đàn chiên nhất định. Để chiên được ăn nơi các đồng cỏ xanh tươi, có khi phải dắt chúng đi nhiều ngày tháng, đến các miền đồi núi. Nơi hoang vu cô tịch không người, chiên và người chăn dễ trở nên thân tình. Người chăn thường ‘nói’ với chiên bằng tiếng kêu đàn đặc biệt của mình; và chiên quen dần với tiếng kêu của chủ chăn. ‘Chiên nghe tiếng anh’.

Chiên có tính dễ thân với người, vì thế chủ chăn thương chiên. Anh ta có thể dùng âm thanh đặc biệt cho từng con chiên của mình như đó là tên của nó. Buổi sáng khi ra khỏi ràn, hay buổi chiều khi bước vào ràn, chiên nghe ‘anh gọi tên từng con’. Khi đang đi trên đường hoặc đứng ăn trên đồng cỏ, nếu phải gọi riêng con chiên nào nghĩa là anh chú ý riêng đến con chiên ấy để nó khỏi rời xa đàn mà đi lạc, hoặc để ôm nó ra chăm sóc nếu nó bệnh hoạn, hay bị thương.

Ta có thể nhận ra ý nghĩa ‘Nhân Lành’ của Chúa Giêsu mục tử qua 3 việc cụ thể mà Ngài làm cho đoàn chiên: Nói với chiên, gọi tên riêng của chiên và dẫn dắt chiên đến đồng cỏ xanh tươi. Nói với chiên là dạy dỗ; gọi tên là để cai quản; và dẫn dắt đến đồng cỏ là dưỡng nuôi. Trên căn bản đó, để theo gương của Vị Mục Tử Tối Cao, Giáo hội xác định ba trách nhiệm chính yếu của các mục tử trong Giáo hội (giám mục và linh mục) là: Cai quản Dân Chúa với năng quyền được ủy thác (governing); Dạy dỗ bằng Lời Hằng Sống (teaching); và Thánh hóa qua bí tích (sanctifying). Ba trách nhiệm đó cũng phản ảnh ba chức năng Chúa Giêsu chia sẻ với mọi Kitô hữu, (giáo dân qua bí tích rửa tội, Giám mục và linh mục qua bí tích chức thánh): Tư tế, Tiên tri và Vua.

-‘Chiên đi theo sau, chúng nhận ra tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn” (cc.4-5): Theo kinh nghiệm của người chăn chiên chuyên nghiệp, một khi đã quen với người chăn mình, chiên thường nghe âm lệnh của chủ rất nhạy bén, dù chỉ là một cái tắc lưỡi, và chỉ theo các âm lệnh đó mà thôi. Theo phản xạ của chúng, chiên cảm nhận được chủ chăn là người thân gần. Chúng biết rằng bước theo anh ta là sẽ được an toàn và ăn no. Ban đêm, chủ chăn bước vào giữa chuồng, chiên vẫn tiếp tục ngủ. Nhưng nếu người lạ bước vào, chiên sẽ thức dậy và náo loạn ngay.

Cũng theo kinh nghiệm của những người chăn chiên chuyên nghiệp, đàn chiên khác với đàn bò. Người chăn chiên thường đi trước đàn vì chiên thích đi theo người chăn. Người chăn bò thì phải đi sau đàn vì bò thì phải lùa và thúc từ sau. Chăn chiên hẳn khác chăn bò. Êm dịu, nhẹ nhàng, thân tình hơn. Và rõ ràng Chúa Giêsu đã nói ‘Ta là đấng chăn chiên tốt lành’ (I am the Good Shepherd) mà không phải ‘Ta là tay chăn bò tốt lành’ (I am the good cowboy).

***

Tuần này, người Việt hải ngoại tưởng niệm 45 năm ngày đau thương của đất nước với biến cố 30-4. Trong thánh lễ, tôi tưởng nhớ đến hàng trăm ngàn linh hồn đồng bào đã tử nạn trên đường đi tìm tự do. Tôi cũng hồi tưởng một kinh nghiệm bản thân mình. Năm 1978, để tìm đường vượt biên, tôi ra Nha trang tạm trú tại nhà một người bạn. Trong thời gian chờ đợi, tôi may mắn kiếm được một job quý :‘chăn vịt thuê’. Phải nói, vịt là giống vật có cá tính giống những gì đã nói về chiên. Chăn vịt cũng tựa như chăn chiên. Vất vả vì ngày chăm ăn, đêm chăm ngủ cho chúng. Khi đàn vịt đẻ được trứng nhiều là điều an ủi cho người chăn lắm. Chẳng biết có phải Chúa thấy mình chăn vịt khá nên đã ‘thăng cấp’ mình lên chăn chiên cho Chúa không? Điều chắc chắn là, kinh nghiệp chăn vịt đã giúp tôi cảm nhận thật sâu sắc ý nghĩa của đoạn Tin mừng Gioan 10:1-10.

Hôm nay, 42 năm sau, không còn lo mưu tính kế vượt biên để đi tìm tự do và sự sống nữa. Nhưng, thao thức vươn đến ý nghĩa trọn vẹn của đời sống vẫn còn đó. Dường như càng đi lâu trong hành trình ‘vượt biên cuộc đời’, thao thức ấy càng thôi thúc trong lòng mỗi người chúng ta. “Ước vọng ngày thơ ấu, chưa xin được chút nào. Suốt đời còn ước ao; khát vọng còn cấu cào” (Đời Đá Vàng, Vũ Thành An). Mà xét cho cùng, nếu còn có thể thao thức, nếu vẫn cảm thấy các ước vọng còn cấu cào như thế… có lẽ cũng là phúc. “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa” (Tự Thú 1,I,1, Augustinô). Còn khắc khoải tìm kiếm là còn mong vươn lên cùng Chân Thiện Mỹ, còn muốn tìm đến với Chúa.

Thật ra, trong cuộc đời giọt nắng giọt mưa và những bước thấp bước cao trong kiếp nhân sinh này, chỉ có thể vươn lên cùng Thiên Chúa Chân Thiện Mỹ bằng cách lần theo ngả đường chắc chắn và duy nhất: Đức Giêsu Kitô, Cửa Chuồng chiên và người Mục tử Nhân hậu.

Bước theo Đức Kitô (sequela Christi) là trở nên môn đệ Ngài. Trở nên môn đệ (discipulus) là bắt chước gương sống của Ngài. “Đức Kitô (…) đã lưu lại cho chúng ta một gương mẫu để anh em theo vết chân Ngài” (Ph 2:21b). Tấm gương của Đức Kitô có thể ứng dụng cho mọi người bất kể là ai, bất kể hoàn cảnh sống nào. Đó là: sống lòng nhân hậu. “Như những người được Thiên chúa tuyển chọn, thánh hiến và yêu thương, anh em hãy mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu” (Cl.3:12)

Những mục tử linh hồn là những người nhất thiết phải mặc lấy và sống lòng nhân hậu của Đức Kitô. Người ta thường nói ‘một hình ảnh hơn vạn lời nói’. Có một tấm lòng đẹp được minh chứng bằng những nghĩa cử thương yêu thì hơn ngàn lời giảng hay. Thánh giáo hoàng Phaolô II đã từng nói: “Con người thời đại này ít muốn nghe mà chỉ muốn thấy. Họ không muốn nghe ‘giảng’ về Chúa Kitô hơn là muốn thấy những con người họa lại hình ảnh của Ngài.” Trong suốt chiều lịch sử Giáo hội, bên cạnh những mục tử đã làm hoảng loạn tinh thần đoàn chiên, cũng có biết bao vị mục tử nhân hậu đã tận tụy hy sinh cho đoàn chiên tìm được sự sống dồi dào nơi Chúa Chiên Lành.

Trong cộng đoàn tu sĩ, sống theo gương nhân hậu của Đức Kitô thật thiết yếu. Làm sao cho thực tại mà người đời vẫn cho rằng ‘homò hominì lupus’ (‘người là chó sói với người’) trở nên nơi chiên chung sống an bình và tiếp nhận được sự sống dồi dào từ vị Mục Tử Nhân Lành? Sống lòng nhân hậu!. Chị thánh Têrêsa đệ Lisieux đã ý thức thế này về ơn gọi mục tử của một nữ tu dòng kín cho chị em mình “…con cũng như một bút vẽ cỏn con. Chúa muốn dùng để vẽ hình Chúa trong những linh hồn giao phó con coi sóc (…) con chỉ xin nhận mình là cái bút nhỏ. (…) Trong việc dẫn dắt linh hồn người ta con nhận thấy rằng, phải bỏ hẳn các sở thích của mình, bỏ cả quan niệm cá nhân mình đi nữa; đừng dẫn dắt người ta đi đường riêng của mình, đường mình chọn, nhưng phải giúp chị em đi con đường riêng mà Chúa đã muốn mỗi linh hồn phải đi” (Truyện Một Tâm Hồn, chương X).

Trong đời hôn nhân, điều mà vợ chồng có thể ít nghĩ tới lại là một lý tưởng cho vợ chồng Kitô giáo: Đôi bạn đời phải là mục tử cho nhau với tấm lòng nhân hậu. Họ có thể dìu dắt nhau đến đồng cỏ xanh tươi của Ơn Cứu Độ. Đức hồng y Fulton Sheen cắt nghĩa tư tưởng ấy như sau. “Tình yêu ích kỷ thì tìm cách loại bỏ gánh nặng. Nhưng tình yêu Kitô hữu thì ôm lấy và không hề nhàm chán trách nhiệm (…). Qua tình yêu của kẻ tin Chúa, người phối ngẫu này có thể giúp đỡ Ơn Cứu chuộc của Chúa cho người phối ngẫu kia. Nếu như người cha sẵn lòng trả nợ cho con trai để cứu nó khỏi vào tù. Nếu người bạn vui vẻ truyền máu của mình để cứu một người bạn sống sót, thì đối với hôn nhân cũng vậy. Cùng với Đức Kitô, vợ chồng họ giúp cứu độ lẫn nhau.(…). Sự chia sẻ ơn thánh hóa từ người vợ tốt sang người chồng xấu hay từ người chồng tốt sang vợ xấu, là hoa quả của sự kiện cả hai đã liên kết và trở nên một xác thịt qua bí tích hôn nhân”. (Con ĐườngVề Trời, chương 6).

Cuộc sống gia đình tựa như một giáo xứ mà cha mẹ là những mục tử Chúa đặt. Ơn gọi tư tế của cha mẹ với đàn chiên con cái mình cũng bao gồm các bổn phận: cai quản với tinh thần trách nhiệm, dạy dỗ với sự khôn ngoan của Thiên Chúa và thánh hóa bằng chính đời sống gương mẫu của mình. Đó là cách cha mẹ sống cụ thể tinh thần mục tử nhân hậu của Chúa Kitô. Chắc chắn là cần nhiểu năng lực tình thương. Đặc biệt phải cần nhiều kiên nhẫn lắm. Cha Vincent Travers chia sẻ suy tư về người mục tử gia đình thật lý thú. “Nếu Chúa Kitô còn sống bằng xương bằng thịt ở trên đời ngày hôm nay, chúng ta tự hỏi không biết Chúa chỉ dùng hình ảnh người mục tử và con chiên không? Có lẽ Chúa sẽ dùng hình ảnh ‘mẹ và con’. Thật thân thương biết bao hình ảnh: trên con đường, mẹ và con sánh bước bên nhau, tay trong tay. Lúc nào đó, em bé chợt buông tay mẹ ra và bị bỏ rơi đằng sau, đôi mắt thơ nhìn cái này ngó cái khác.

Người mẹ dừng lại và chờ đợi. Mẹ ra hiệu cho con chạy tới. Em bé chạy đến; và mẹ con lại sánh bước bên nhau. Nhưng chẳng bao lâu, em bé lại buông tay ra và lần này chạy tuôn về phía trước. Đến ngã tư đường, đèn xanh đèn đỏ, xe cộ như mắc cửi. Mẹ gọi em ‘coi chừng nguy hiểm con ơi!’. Nghe tiếng mẹ gọi, em bé dừng lại đợi. Mẹ đến nắm lấy tay con thật chặt; rồi mẹ con cùng băng qua đường an toàn. Và cả hai tiếp tục cuộc hành trình. Đi mãi rồi em bé trở nên nhọc mệt rã rời và gật gà ngủ. Mẹ âu yếm đỡ con lên, ôm ghì con trong đôi tay mình. Em bé ngủ trên lồng ngực ấm êm của mẹ suốt đoạn đường về. Đó đúng là một sự mô tả đầy thi vị cuộc hành trình của Kitô hữu. Giống như một người mẹ âu yếm con mình, Chúa Giêsu – Mục Tử Nhân Hậu – luôn ở bên ta. Ngài không bao giờ rời mắt khỏi ta. Niềm tin thâm sâu của ta là, nhờ sự hiện diện yêu thương của Ngài, ta sẽ đạt tới đích của hành trình cuộc đời bình an vô sự”. (In Step with God, Vincent Travers).

***

Trên sân khấu lịch sử nhân loại cổ kim, không thể kể xiết bao kẻ đến đã thống lĩnh. Có những bạo chúa hung tàn bất nhân. Có những hoàng đế bất tài thất đức. Họ chỉ là những ‘kẻ trộm cướp’. Vũ khí của họ là bạo quyền và độc đoán. Mục đích của họ là trục lợi ích kỷ. Công việc của họ là khai trừ và chu diệt. Hậu quả sự thống trị của họ là bất công, đau khổ và chết chóc cho con dân. Còn Đức Kitô là Mục tử Nhân Lành. Các đế chế binh hùng tướng mạnh của các bạo vương trần thế đã qua đi. Còn Chúa Chiên chỉ có tình yêu, đồng cỏ xanh tươi, suối mát hiền hoà; thế mà đồng cỏ ấy sẽ tồn tại xuyên thời gian.

Nghĩ về Chúa Chiên Lành trong Mùa Phục sinh cũng như trầm mình giữa dòng suối sự sống mà hướng về đầu nguồn là Tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa. Giữa dòng chảy cuộc đời, sự sống tràn đầy sẽ được thông chia cho ai biết nghe tiếng gọi của Chúa Chiên Lành và dõi bước theo lòng nhân hậu của Ngài.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.