Tuyết Ninh
Tháng tư như tia nắng ấm, như đám mây hồng, như cành lá non, như nụ tầm xuân, như cánh bướm bay, như đôi chim lượn.
Tháng tư giấc mơ Xuân đã đến! Đất trời bắt đầu hòa nhịp yêu thương.
Chiều Thứ Sáu Đầu Tháng, 1 tháng 4, buổi họp mặt gia đình nhỏ Dũng Lạc bên nhau ngập tràn tình mến thương. Mỗi đầu tháng chúng tôi lại bên nhau trong căn phòng nguyện nhỏ ấm cúng và quen thuộc.
Anh Sơn, gia trưởng Dũng Lạc mở đầu lời giới thiệu trước khi chúng tôi cùng nhau quì ngắm 14 chặng đàng thánh giá Chúa Giêsu đã đi qua.
Theo anh thì “chúng ta hãy kết hợp14 chặng đàng thánh giá Chúa Giêsu đã đi qua với đời sống của chúng ta. 14 chặng đàng thánh giá Chúa đi cũng là những chặng đường; mà tất cả chúng ta lúc nào đó trong đời sống cũng trải qua phần nào. Chúng ta cũng có khi phải bước những lối đi dẫn đến nhục nhã, ê chề. Chúng ta cũng có khi phải mất hết tiền của; chúng ta bị chia ly, bị phản bội.”
Không khí lắng đọng để mọi người suy ngẫm…
Tình yêu con người có thể cho nhau rất nhiều thứ kể cả những thứ thật đắt giá; nhưng có mấy ai chịu khổ đau chịu nhục nhã và hy sinh mạng sống vì người mình yêu.
Thiên Chúa bị sỉ nhục, bị đội vòng gai, vác thánh giá, bị đóng đanh; và bị chính những người môn đệ mà Ngài yêu thương chối bỏ ngài.
Suy ngẫm những chặng đàng Thánh giá Chúa đã đi qua; để hiểu giá trị của tình yêu. Thiên Chúa dùng tình yêu để xóa bỏ hận thù.
“Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời;
Đâu có lòng từ bi, ờ đó có ân sủng Người.”
Nhìn và ngắm những chặng đàng Thánh Giá Chúa đã đi qua; để biết yêu thương hơn, biết đồng cảm với những nỗi đau của người khác.
Ca sĩ Elvis Phương rên rỉ “Thú yêu thương”
“Có biết đau thương mới hay là tình
Say đắm trong đời thì mới là yêu…
Tình như đớn đau
Tình xé lòng nhau, muôn đời không lành…
Đời không thiết tha vì có tình yêu,
Không còn là đời
Người không sót xa vì mất tình yêu
Không còn là người.”
Yêu là chia sẻ, nhẫn nhục, và dễ dàng tha thứ cho nhau.
Anh gia trưởng cũng nhấn mạnh đến sự cảm thông, nhường nhịn; và hy sinh trong gia đình. Chúng ta cần nhiều thời gian hơn cho người thân. Chúng ta cần những lời nói ngọt ngào, những ánh mắt yêu thương.
Tôi đảo mắt mà thấy bao trái tim già, trẻ, sồn sồn; đang hòa nhịp yêu thương. Các anh chồng mỉm chi với các chị; còn các chị thì liếc các ông chồng với ánh mắt đầy yêu thương. Chúng ta sẽ hứa cùng nhau và cùng anh gia trưởng; chúng ta sẽ đem nụ cười tươi đẹp, và ánh mắt đáng yêu vào căn nhà riêng của mỗi người. Nếu nóng nảy và giận hờn nhau; thì hãy suy ngẫm chặng đàng Thiên Chúa đã đi qua, để mau mau hòa nhịp yêu thương!
Mến Chúa thì hãy yêu nhau.
Đời sống ngày nay mọi cái đều leo thang về giá cả; còn giá trị tình yêu thì lại xuống cấp đáng lo sợ!
Đời sống càng văn minh, khoa học càng tiến bộ, con người càng muốn quyền lực; thì giá trị đạo đức càng bị xói mòn trầm trọng!
Chiến tranh càng leo thang, vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, vi trùng học đe dọa tàn phá cả thế giới. Tội ác con người với con người càng kinh hoàng, rùng rợn và đáng sợ!
Tội ác dã man nhất mà con người tạo ra đó là Thập giá cho Thiên Chúa. Những tận cùng của nỗi đớn đau thể xác, và tinh thần mà Chúa Con gánh chịu là do con người gây ra. Thiên Chúa uy quyền trên hết các bậc quyền uy; đã gánh chịu những đòn đau đớn thể xác và tinh thần để cứu chuộc nhân loại. Chúa Giêsu cũng có những giây phút sợ hãi nhưng Ngài vẫn hoàn thành sứ mạng Chúa Cha giao phó: “Lạy Cha, nếu có thể được xin cho con khỏi uống chén này.” (Lc 26, 39) Nhưng vì ơn cứu độ cho con người, Ngài lãnh chén đắng: “nhưng đừng theo ý con, cứ theo ý Cha”.
Hòa Nhịp Yêu Thương.
Chiêm ngắm đàng thánh giá giúp chúng tôi vơi nhẹ những cái đau đời thường. Chúng tôi hạnh phúc với những gì Thiên Chúa ban cho hằng ngày. Chúng tôi biết đồng cảm với nỗi đau của người khác. Chúng tôi cảm nhận được đâu là cái đau thật sự; cái khổ nào là cái khổ thật sự. Tình yêu nào là tình yêu vĩnh cửu.
Một anh đã nêu thắc mắc. Anh dùng từ “tôi đang bị rối” với một giọng nói chân thật và khiêm nhường: “Không biết anh chị nghĩ sao, riêng tôi mỗi lần khi lần hạt ngắm đến ngắm thứ bốn, với lời cầu: “Xin cho con được vác thánh giá theo chân Chúa” thì tôi không dám đọc. Tại sao lại xin thánh giá. Làm sao có sức mà vác. Xin rồi Chúa cho thì làm sao?”
Thắc mắc đó đã được một anh khác trình bày như sau:
“Thật ra, vác thánh giá không phải là muốn hay không muốn, xin hay không xin. Thánh giá theo một nghĩa tôn giáo, là những khó khăn, vất vả, phiền toái, khổ sầu tinh thần và thể lý mà vì yếu đuối, khuyết điểm chúng ta tạo ra cho mình, hoặc vì ý xấu, cũng có thể là vô tình người khác đem lại cho mình. Những cái đó thuộc số phận con người, là những thứ mà con người thường gặp phải mỗi ngày, mỗi nơi, mỗi tình huống. Chấp nhận những cái đó là một điều cần thiết. Chính Chúa Giêsu cũng đã phán dạy các môn đệ, là muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Dĩ nhiên, Chúa nhấn mạnh đến giá trị của tâm linh, của đạo đức.
Do đó, việc xin cho được vác thánh giá theo chân Chúa không có nghĩa là xin thêm, đòi hỏi gì với những lời xin ấy, mà chỉ xin Chúa giúp sức, ban thêm nghị lực, sự tinh tường nội tâm để nhận ra những giá trị của các đau khổ, của các thánh giá mà vui lòng chấp nhận, thánh hóa, và bước đi theo gương Chúa, Đấng đã mang lấy thánh giá nhân loại và đã chết trên thánh giá đó vì phần rỗi mỗi người chúng ta.”
Lòng tôi thổn thức lập lại lời cầu trong khi đi đàng thánh giá: “Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô, vì Chúa đã dùng thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.”
Để kết thúc buổi họp mặt, mọi người cùng hợp ca bài ca dâng Mẹ: “Mẹ đứng đó khi hoàng hôn tím màu. Nhạc thương trầm buông hắt hiu. Đồi cao u hoài loan máu đào. Con chúa đau thương treo trên Thập giá. Hiến thân vì nhân loại tội tình…”
Như có khói cay cay trong mắt tôi; nhìn sang vài chị cũng hoe đỏ mắt. Phụ nữ rất dễ xúc động và ai cũng đang nén cảm xúc.
Mẹ Maria ơi! chúng con là phụ nữ, là những người mẹ nên chúng con biết trái tim Mẹ đau đớn nhường nào!
Xin Thiên Chúa qua lời cầu của Mẹ cho mọi trái tim biết hòa nhịp yêu thương.
Chúng con xin được sống, và hành động xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa; nhờ tình yêu Thiên Chúa thì chúng con mới vững tay chèo qua cơn bão tố cuộc đời.
Hòa Nhịp Yêu Thương.
Chúng tôi rất cần và cần những cuộc họp mặt gia đình nhỏ để bền đỗ lòng mến chúa yêu người; vượt qua đời sống đầy cạm bẫy và rất dễ sa ngã. Con người chúng tôi lại rất yếu đuối, và rất dễ phạm tội.
Cảm ơn Chúa cho chúng tôi được có nhau trong đời, được học hỏi và chia sẻ cùng nhau.
Cảm ơn những câu hỏi thắc mắc và cảm ơn những lời giải đáp.
Trên hết là cảm ơn Thiên Chúa đã gánh chịu đau khổ qua 14 chặng đàng thánh giá; để chúng tôi được sống tốt cho cuộc đời ngay trên trần thế này.
Tuyết Ninh
2 April 2022
Views: 0