Bải giảng thuyết dịp Gia Đình Nazareth Tĩnh Tâm, 20 tháng 10 năm 2019
ĐGM Phụ Tá Nguyễn Thái Thành
Người ta thường nói có một công thức dẫn tới thành công. Và công thức dẫn tới thành công đó, gồm có 3 yếu tố: Yếu tố thứ nhất là kiên trì; Yếu tố thứ hai là kiên trì và Yếu tố thứ ba cũng là kiên trì. Hay là nói đúng hơn chỉ có kiên trì mới đạt được thành công.
Thành công không đến với ai chỉ một hay vài lần, mà nhất là phải kiên trì trước những thất bại. Việt Nam chúng ta có câu : “Thất bại là mẹ thành công”.
Mỗi lần thất bại là thêm một bước tiến tới thành công. Quan trọng là ta phải vượt lên trên chính mình và không bao giờ được bỏ cuộc. Bởi vì người chiến thắng thì không bao giờ được bỏ cuộc. Và người bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng.
Một nhát rìu chặt vào thân cây cổ thụ chỉ tạo ra một dấu vết cạn không hề hấn gì. Nhưng mà nhiều nhát rìu nối tiếp nhau liên tục trong thời gian dài sẽ đón ngã bất cứ cây cổ thụ lớn lao nào.
Những bình hoạ trên đây chứng tỏ rằng những cố gắng của chúng ta dù rất nhỏ bé nhưng nếu được thực hiện một cách kiên trì thì chắc chắn sẽ đem đến thành quả như lòng mong ước. Trong lãnh vực tâm linh cũng vậy. Nếu chúng ta biết kiên trì cầu nguyện chúng ta sẽ nhận được điều chúng ta nhẫn nại cầu xin.
Tin mừng hôm nay (Thường Niên 29 C), Chúa dạy các môn đệ “Phải cầu nguyện luôn không được nản chí”. Như Mose quì giang tay suốt ngày cầu nguyện cho dân Do Thái thắng trận như trong bài đọc I. Như bà goá cầu xin quan toà minh xét cho bà như trong bài tin mừng. Rồi như Thánh Monica ròng rã 17 năm trường cầu nguyện cho người con là Augustino trở lại. Cuối cùng tất cả đã thành công. Chúng ta hãy vầu nguyện liên tục và bền chí như vậy không hề nhàm chán. Cả khi xem ra Chúa ngoảnh mặt làm ngơ. Xin hãy minh oan cho tôi. Xin hãy minh oan cho tôi.
Ông quan toà trong Tin Mừng hôm nay tuy ngang ngược chẳng kính sợ Thiên Chúa, coi thường mọi người. Tuy nhiên bà goá cứ kêu nài mãi cho nên cuối cùng ông quan toà nghĩ lại. Cái mụ goá này quấy rầy mãi, ta xét xử cho rồi kẻo mụ cứ đến hoài làm ta nhức đầu nhức óc.
Kết luận của Chúa Giêsu thật rõ ràng. Nếu như một vị thẩm phán bất lương, phải thua trước sự kiên trì của một bà goá vô danh, thì Thiên Chúa là Cha Nhân Ái lẽ nào mà chẳng mau chóng đáp lời cầu xin của chúng ta là những người con đã được cứu chuộc bằng chính Máu Thánh của Con Ngài sao?
Qua dụ ngôn Phúc Âm hôm nay, Chúa hứa đáp ứng lời cầu nguyện của chúng ta. Nhưng mà là theo đường hướng của Chúa, theo Thánh Ý của Chúa. Bao giờ Chúa mới ban ơn, chúng ta không biết được. Chúa ban ơn bằng cách nào, chúng ta cũng không biết. Nhưng mà chúng ta phải đặt tin tưởng phó thác vào Chúa. Có đôi khi chúng ta xin ban ơn này, Chúa lại ban ơn khác. Khiến cho người ta không ý thức được là Chúa đã ban ơn. Có khi chúng ta không nhận được điều chúng ta cầu xin vì Thiên Chúa thấy điều đó không mang lại ích lợi cho đời sống thiêng liêng của chúng ta.
Chúa Nhật 29 Thường Niên hôm nay cả Giáo Hội đã đi hết nữa tháng 10. Tháng 10 gắn liền với Chuỗi Mân Côi. Chính vì thế tinh thần cầu nguyện vốn đã được đề cao lại càng được nhắc nhở thường xuyên trong tháng 10 này. Trong Tháng Mân Côi chúng ta có mẫu gương tuyệt vời về việc cầu nguyện đó là Maria.
Mẹ Maria là một phụ nữ cầu nguyện. Mẹ âm thầm chấp nhận thánh ý Chúa. Có khi không hiểu hết ý Chúa nhưng mà đã đón nhận tất cả bằng cả một đời thầm lặng bên con mình. Không ồn ào, không khoa trương. Mẹ đã chiêm ngắm Con Thiên Chúa từ khi người chưa nhập thể đến lúc người Con đó về với Chúa Cha. Sự chiêm ngắm đó đã làm cho Đức Tin nơi Mẹ ngày một sâu lắng. Lời nhắc nhở chuyên năng cầu nguyện cả Giáo Hội luôn liên kết với lòng tin , lòng mến với sự phó thác vào ơn hiệu nghiệm của Chuỗi Mân Côi.
Và không phải chỉ có Mẹ Maria là gương mẫu cầu nguyện cho chúng ta mà luôn cả Gia Đình Nagiaret. Thánh Giuse cũng thế, gặp khó khăn trong cuộc sống hôn nhân khi thấy Maria mang thai trước khi ăn ở với nhau. Chắc chắn điều quan trọng trong sự giảng dạy của Chúa Giêsu là cầu nguyện như trong bài Phúc Âm hôm nay.
“Family pray stay together” (Gia đình cầu nguyện, gia đình hạnh phúc). Muốn hạnh phúc hôn nhân cần đời sống cầu nguyện kiên trì. Và cốt lõi của cầu nguyện là lắng nghe thánh ý Chúa và Xin Vâng theo thánh ý Chúa.
Vậy thánh ý Chúa trong đời sống hôn nhân Gia Đình Nagiaret của chúng ta là gì? Để trả lời tôi xin mượn lời giảng dạy của Đấng đại diện Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trong Năm Thánh Gia Đình, Đức Giáo Hoàng đã giảng dạy cho chúng ta ba điều rất cụ thể mà mỗi người trong chúng ta có thể áp dụng trong đời sống hôn nhân của chúng ta : May I, I’m Sorry, Thank You.
MAY I. cần có một lịch sự, nhã nhặn tối thiểu để tăng thêm tình yêu hôn nhân. Tôi nghĩ là quí vị rất kinh nghiệm trong điều này. Tôi đưa ra vài ví dụ điển hình:
Anh à hôm nay con bé Đoan nó đau nên em phải ở nhà giữ nó, anh đi làm về nhớ ghé ngang trường đưa thằng cu tí về nhé.
Em ơi, hôm nay anh có khách quí, em làm bữa cơm để đãi khách.
Cái ông này, làm biếng quá à, bữa nay lo đi thay nhớt cho tôi đi.
Cái bà ham mê shopping không để ý đến con cái bệnh hoạn..
Có một chị đến tôi chia sẻ khó khăn trong đời sống hôn nhân như thế này: “Thưa Cha, trong thời gian quen nhau trước khi lập gia đình, anh gọi con nào là công chúa này, công chúa kia, hiney hàn ni, người đẹp nhất của anh…. Đến khi lấy xong, sau vài năm, anh thay đổi cách xưng hô, anh gọi con bà chằng này bà chẳng kia, sư tử Hà Đông. Tên con là Mai. Trước khi cưới thì anh nói: “Ồ sao em đạo đức thánh thiện hiền lành như Mai Đệ Liên trong Phúc Âm.” Còn bây giờ thì anh nói, “Bà sao mà hung dữ, táo tợn quá. Nhìn mặt bà sao giống Mai Siêu Phong trong phim chưỡng Cô Gái Đồ Long.”
Nên nhớ những lời nhã nhặn lịch sự trong cuộc sống gia đình. Chuyện nhỏ hằng ngày cũng ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc sống hôn nhân.
I’M SORRY. Đây là đề tài chính của ĐGH. Chính Ngài trả lời là: “Tôi là người có tội”. Chính vì thế mà Ngài đã tuyên bố Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót. Cốt lõi của lòng thương xót chính là sự tha thứ của Chúa. Mà đúng thế, ai trong chúng ta dám tự xưng là không có tội…. Mà vì chúng ta có tội nên cần xin tha thứ, và bởi vậy cần xin lỗi, cần nói: “I’m Sorry”. Học xin lỗi, học tha thứ, đó là chìa khóa chính để có cuộc sống hôn nhân lâu dài.
THANK YOU. Tôi không biết là các linh mục ở đây thế nào chứ trong kinh nghiệm làm cha xứ, thì tôi không ngừng cám ơn…..
Quí vị có tiệm phở, có người tới ăn tô phở, quí vị cám ơn họ. quí vị có cô thư ký, quí vị cám ơn cô. Trong gia đình người vợ, người chồng dâng hiến cuộc sống để lo cho gia dình, lo cho con cái, thì cần cám ơn nhiều hơn chứ. Đừng ngần ngại dùng hai chữ cám ơn.
Thêm vào ba điều cụ thể mà ĐGH giảng dạy, hôm nay tôi xin đề nghị thêm một lời khuyên và lời khuyên đó dựa vào bức ảnh quen thuộc của tôi khi còn ở Jacksonville, Florida.
Bức ảnh này có lẽ nhiều người trong chúng ta đã một lần nhìn thấy. Bức ảnh mang tên “Christ at Heart’s Door”. Tạm dịch là “Chúa Kitô Đứng Nơi Cửa Của Tâm Hồn”. Bức tranh này là sao y của bức tranh nổi tiếng được vẽ vào Thế Kỷ 19. Trong bức tranh đó, chúng ta thấy “Chúa Kitô gõ cửa của một căn nhà. Bức tranh này dựa trên câu của Sách Khải Huyền 3:20 : “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ” (Behold I stand at the door and knock).
Khi nhìn vào bức tranh, người ta không thấy cái chốt trên cửa thì thắc mắc, như vậy Chúa làm sao vào được. Và đó là ý nghĩa thâm thúy của câu chuyện “Nếu muốn Chúa Kitô vào thì người bên trong phải mở cửa.”
Cầu nguyện chính là mở cửa tâm hồn chúng ta để mời Chúa vào… Khi mở cửa thì Chúa sẽ hoán cải thay đổi cuộc sống của chúng ta như Gia Kêu…… như Mattheu…..
“Mở hé hé, không dám mở rộng… mở rộng Chúa thay đổi lẹ quá thì uổng lắm”. Đó là tâm sự của một thanh niên đã nói với tôi, và tôi nghĩ là cũng có nhiều người hành động như anh. Lý do, vì những người này không sẵn sàng đón nhận Chúa vào trong tâm hồn họ. Không chấp nhận để Chúa thay đổi.
Mở rộng cánh cửa tâm hồn để mời Chúa Kitô vào trong cuộc sống hôn nhân.
Mở rộng cánh cửa tâm hồn để trò chuyện với Chúa, lắng nghe những lời khuyên răn giảng dạy của Ngài – tăng thêm sự nhã nhặn lịch sự trong cuộc sống, khi cần xin lỗi và tha thứ, và luôn luôn thành kính tri ân trong đời sống lứa đôi.
Mở rộng cánh cửa tâm hồn để cùng Ngài ngồi chung bàn tiệc, đặc biệt là bàn tiệc Thánh Thể, để được nuôi dưỡng bằng chính Mình và Máu Thánh của Ngài, để thêm sức mạnh thiêng liêng trong cuộc lữ hành Đức Tin.
Mở rộng cánh cửa tâm hồn để mời Ngài cùng đồng hành khi vui cũng như khi buồn, khi thịnh vượng cũng như lúc gian truân, khi khỏe mạnh cũng như lúc bệnh hoạn, trong mọi ngày suốt cuộc sống hôn nhân.
Như lời Thiên Thần nói với Đức Mẹ trong câu chuyện Truyền tin: “Không có gì Thiên Chúa không làm được” (Nothing is impossible with God). Có Chúa là có tất cả. có Chúa là có cuộc sống hôn nhân lâu dài. Có Chúa là có gia đình trên thuận dưới hòa. Có Chúa thì cuộc sống của chúng ta phản ảnh cuộc sống gia đình Nagiaret xưa.
Cầu xin quí vị mở rộng cánh cửa tâm hồn mời Chúa cùng đồng hành với quí vị trong đời sống hôn nhân gia đình của quí vị.
Views: 0