Hỏi đáp Tình yêu

Nếu chúng tôi bất chấp để đến với nhau thì sao?

Phụ trách: Trần Mỹ Duyệt

 

Xin hỏi:

1. Nếu chúng tôi bất chấp hết để đến với nhau thì “Cha mẹ anh chị em, dòng họ, những người thân yêu bên công giáo không được tham dự tiệc cưới của chúng tôi?”

2. Nếu anh ấy chuyển hộ khẩu đi một nơi khác và gia nhập giáo xứ khác (giống như học đạo như người tân tòng) thì điều này có được phép không?

3. Giờ chúng tôi cũng đã lớn mà chờ làm đơn xin gỡ bí tích hôn phối 1-2 năm có thể chờ nhưng nếu 5-6 năm thì già mất rồi, hoặc mãi mãi không được mà chỉ chờ vậy.

Xin giúp chúng tôi với, thật sự bây giờ rối quá đi, đầy lo lắng, nhiều lúc mất hết niềm tin rồi. Xin giúp và mở cho chúng tôi một lỗi đi mới.

Thanks & best regard
Dmt48

Đáp:

Sáng nay trong thánh lễ, tôi đã cầu nguyện nhiều cho cô và người ấy. Xin Chúa ban thêm sức mạnh và sự khôn ngoan để cô và người ấy biết thế nào là hy sinh, là vâng lời, là tuân theo lời Chúa và luật của Giáo Hội. Vì lời Chúa là “lời hằng sống”.

Thật ra, trước khi trả lời cô câu hỏi lần thứ nhất, theo kinh nghiệm tôi đã biết là sẽ có câu hỏi tiếp theo như lần này. Tình yêu đang làm cô xây xẩm, choáng váng, liều lĩnh và mù lòa. Cô hỏi là để hỏi, chứ trong thâm tâm cô đã biết mình sẽ làm gì rồi. Nhưng vì cô hỏi nên tôi vẫn trả lời, hiểu và giữ hay không là tùy cô với người ấy.

1.“Nếu chúng tôi bất chấp hết để đến với nhau”. Cụm từ này nghe rất kinh khủng và liều lĩnh. Một người đã bất chấp tất cả thì còn gì để mà sợ, để mà suy nghĩ, và để mà răn đe nữa. Nhưng cô nên biết điều này là hậu quả của những hành động bất chấp thường sẽ chỉ dẫn đến thất vọng và tuyệt vọng.

Việc cha mẹ, anh chị em họ hàng hai bên là người Công Giáo có bị cấm không được dự lễ cưới của cô và người ấy hay không? Chắc chắn là “không được” tham dự lễ cưới ở trong nhà thờ. Và trong thực tế cũng chẳng có linh mục nào (kể cả giám mục) lại dâng lễ cưới cho cô và người ấy nếu như người ấy không được tiêu hôn theo giáo luật. Làm như vậy là đồng lõa, là phạm tội coi thường bí tích hôn phối, coi thường luật lệ của Giáo Hội. Nhưng nếu cô và người ấy kéo nhau ra nhà hàng tổ chức một đám cưới theo kiểu dân sự, thì với tôi, tôi cũng không dự, còn ai muốn tham dự hay không là tùy ở lương tâm nơi mỗi người.

2. “Nếu anh ấy chuyển hộ khẩu đi một nơi khác và gia nhập giáo xứ khác (giống như học đạo như người tân tòng) thì điều này có được phép không?” Câu trả lời cũng dứt khoát là KHÔNG. Cô và người ấy có thể dối gạt người đời, dối gạt cha xứ mới làm bộ học đạo, chịu phép rửa tội rồi làm phép hôn phối. Với ý nghĩ như vậy, cần gì hai người phải đi đâu, và cần gì phải cử hành phép hôn phối trong nhà thờ. Tự nó, hôn phối của cô và người ấy đã là bất thành rồi. Chịu phép hôn phối như vậy sẽ chỉ mang tội bất kính và lừa dối Thiên Chúa, cái tội “minh tri cố phạm” ấy rất nặng nề. Chính Chúa Giêsu đã nói về tội này: “Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha” (Mt 12:31). Biết điều đó không được làm mà vẫn cứ làm, biết điều ấy là sai mà vẫn cứ theo bất chấp lương tâm là “phạm đến Thần Khí”. Hậu quả trước mắt của hành động này là sự tự mình lên án mình, và sự gậm nhấm của lương tâm suốt cả đời.

3. “Giờ chúng tôi cũng đã lớn mà chờ làm đơn xin gỡ bí tích hôn phối 1-2 năm có thể chờ nhưng nếu 5-6 năm thì già mất rồi, hoặc mãi mãi không được mà chỉ chờ vậy?” Tình yêu không bao giờ già. Cô và người ấy mới chỉ quen nhau đây thôi, và hai người cũng mới có 30 tuổi làm gì đã phải dùng đến hai chữ “vội vã” và “già”. Cái khó ở đây là cô và người ấy không muốn chờ, không muốn tuân theo luật Chúa và luật Giáo Hội. Cô và người ấy muốn Chúa và Giáo Hội phải làm theo ý mình. Điều này không bao giờ xảy ra đối với Chúa. Chúng ta chỉ phải nghe lời Chúa, tuân giữ lời Ngài, chứ Ngài không bao giờ phải làm theo ý của chúng ta. Cả Giáo Hội cũng phải tuân theo luật Chúa.

Tóm lại, lời cuối tôi khuyên cô là hãy nói với người ấy (và cô cũng nên khuyến khích người ấy) tuân theo luật Chúa và luật Giáo Hội. Hãy đến với vị linh mục chính xứ nơi anh ta đang ở trình bày tất cả trong sự thật và khiêm tốn để xin được giúp đỡ về mặt giáo luật. Phần tôi, tôi phải tuân theo ý Chúa và tuân theo luật lệ của Giáo Hội nên không có con đường nào mở ra cho cô và người ấy lúc này, ngoại trừ những gì tôi đã giúp. Việc cô mất niềm tin hay tin là quyền của cô. Cô tin Chúa thì Ngài sẽ ở bên để thương yêu, chúc lành và hướng dẫn cô. Cô không tin thì Ngài cũng vẫn là Thiên Chúa của cô và của tôi. Những gì Ngài làm cho tôi hoặc cho cô hay bất cứ ai cũng chỉ là những điều tốt nhất, đẹp nhất của một người cha nhân lành làm cho con cái mình. Ngài không phải là Thiên Chúa nghiêm khắc, vô cảm, và không biết xót thương. Một Thiên Chúa luôn tìm cách bắt bí, hoặc gây phiền toái cho cô hay bất cứ ai. Cô chẳng có gì mà phải lo lắng, bối rối ngoại trừ cô đã để cho mối tình mù lòa ấy chiếm hữu trái tim và lý trí của cô.

Một lần nữa, tôi xin Chúa sự bình an ở với cô, nâng đỡ cô để cô có một lựa chọn đúng. Và tôi hy vọng là cô sẽ chọn Chúa. Chọn lề luật Ngài.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.