Giáo hội hoàn vũ

Như người Samari nhân hậu – « cảm thấy lòng trắc ẩn và lớn lên trong lòng trắc ẩn »

Mai Khôi chuyển ngữ

 

« Cảm thấy lòng trắc ẩn và lớn lên trong lòng trắc ẩn » : chính là ơn phúc mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi hãy cầu nguyện cho được, nhân dịp Kinh Truyền Tin ngày 14 tháng 7 năm 2019, trên Quảng Trường Thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng đã bình giảng dụ ngôn người Samari nhân hậu bằng cách nhấn mạnh trên sự kiện là những kẻ ngoại thể hiện lòng trắc ẩn và làm điều tốt lành, ở nơi mà đôi khi những người có đức tin ngoảnh mặt đi.

Đức Giáo Hoàng chỉ rõ trong lòng trắc ẩn như là « chìa khóa » của đời sống theo thánh ý Thiên Chúa : « Có thể có lòng trắc ẩn, đó là chìa khóa. Đó là chìa khóa của chúng ta ».

Sau đây là bản dịch  nhanh những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, kể cả những đoạn ứng khẩu từ tấm lòng của ngài.

AB

Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin

Thân chào Quý Anh Chị Em !

Ngày hôm nay, bài Phúc Âm trình bầy dụ ngôn nổi tiếng « Người Samari Nhân Hậu » (x. Lc 25,37). Được chất vấn bởi một vị tiến sĩ luật về cần phải làm gì để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp, Chúa Giêsu đã mời gọi ông ta tìm câu trả lời trong Sách Thánh : « Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình » (c.27). Nhưng có những diễn giải khác nhau về vấn đề ai có thể được coi là « người thân cận ». Thực tế, người đó còn hỏi tiếp : « Nhưng ai là người thân cận của tôi ? » (c. 29). Lúc này, Chúa Giêsu trả lời bằng một dụ ngôn, ngụ ngôn tuyệt đẹp : tôi mời gọi tất cả Quý Anh Chị Em hãy lấy bài Phúc Âm ngày hôm nay, Phúc Âm thánh Luca, chương 10, câu 25. Đây là một trong những dụ ngôn đẹp nhất trong Phúc Âm. Và dụ ngôn này đã trở thành một mô thức của đời sống Kitô giáo. Nó đã trở thành một tấm gương về điều mà người Kitô hữu phải hành động. Nhờ thánh sử gia Luca, chúng ta đã có kho báu này.

Người thủ vai chính của câu chuyện ngắn này là một người Samari, ông ta đã gặp trên đường một người bị cướp và bị bọn cướp đánh đập và đã săn sóc người đó. Chúng ta biết rằng người Do Thái đối xử với người Samari với sự khinh bỉ : họ coi những người này như những người nước ngoài đối với dân được chọn. Không phải là một sự ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu đã chọn một người Samari làm người tích cực của dụ ngôn này. Người muốn như thế, vượt lên những định kiến, cho thấy ngay cả một người nước ngoài, ngay cả người đó không biết đến Thiên Chúa đích thực và không thường hay lui tới Đền Thánh, cũng có khả năng hành xử theo thánh ý của Người, khi có lòng trắc ẩn đối với người anh em của mình đang trong lúc cần được giúp đỡ và cứu giúp người anh em này với mọi phương tiện người đó sẵn có.

Cũng trên con đường này, trước người Samari, một vị tư tế và một thầy Lêvi cũng đã đi ngang qua, nghĩa là những người tự hiến cho việc thờ phụng Thiên Chúa. Nhưng, khi nhìn thấy con người tội nghiệp dưới đất, các ông đã bỏ đi, không dừng chân lại, có thể để không bị lây nhiễm bởi máu me người đó. Các ông đã đặt một quy định mang tính con người – không để bị lây nhiễm bởi máu – gắn liền với sự thờ phụng trước điều răn lớn của Thiên Chúa, Đấng muốn trước hết là lòng thương xót.

Như thế, Chúa Giêsu đề nghị như kiểu mẫu, người Samari, vốn chỉ là người không có đức tin ! Chúng ta cũng thế, chúng ta nghĩ tới bao người mà chúng ta biết, có lẽ họ là những người không hề hay biết đức tin, mà họ làm điều tốt lành. Chúa Giêsu đã chọn như gương mẫu một người không phải là người có đức tin. Và con người này, khi yêu mến người anh em mình, cho thấy người đó yêu mến Thiên Chúa với hết lòng mình và với hết sức mình – Thiên Chúa mà người đó chưa từng biết đến ! – và người đó bầy tỏ cùng lúc tính tôn giáo đích thực và tính nhân bản tràn đầy.

Sau khi kể dụ ngôn đẹp này, Chúa Giêsu hỏi lại với vị tiến sĩ luật, kẻ vừa hỏi Người « Ai là người thân cận của tôi ? » Và Người nói với ông ta : « Trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ? » (c. 36). Bằng cách này, Người đã làm một sự đảo ngược đối với câu hỏi của người đối thoại, cũng như đối với cái lôgíc của tất cả chúng ta. Người làm cho chúng ta hiểu rằng, không phải chúng ta, theo những tiêu chí của chúng ta, là những người xác định ai là người thân cận, ai không là người thân cận của chúng ta, nhưng chính là con người đang trong sự cần giúp mới là người có khả năng nhận ra ai là người thân cận của mình, nghĩa là « người đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy » (c.37).

Có khả năng thực thi lòng trắc ẩn, đó là chìa khóa. Đó là chìa khóa của chúng ta. Nếu, trước một con người đang cần giúp đỡ, bạn không cảm thấy lòng trắc ẩn, nếu tấm lòng bạn không xúc động, điều đó có nghĩa là có cái gì bất ổn. Bạn hãy cẩn thận, chúng ta hãy cẩn thận. Chúng ta đừng để bị lôi cuốn bởi tính vô cảm ích kỷ. Khả năng có lòng trắc ẩn đã trở thành hòn đá tảng của mọi Kitô hữu, hay đúng hơn, của giáo huấn của Chúa Giêsu : Chính Chúa Giêsu là lòng trắc ẩn của Đức Chúa Cha đối với chúng ta. Nếu bạn ra ngoài phố và thấy một người vô gia cư nằm dưới đất và bạn đi qua không thèm nhìn hắn, và bạn nghĩ « Lại rượu đây. Lại là một gã say rượu », bạn đừng tự hỏi xem người đó có say hay không, mà bạn hãy hỏi xem lòng mình có chai đá hay không, lòng mình đã thành giá lạnh như cây nước đá hay không.

Kết luận này cho thấy rằng lòng thương xót đối với một sự sống của con người đang có nhu cầu được cứu giúp là khuôn mặt của tình yêu. Chính như thế mà người ta trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu và người ta thể hiện dung nhan của Chúa Cha : « Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ » (Lc 6,36). Và Thiên Chúa, Cha chúng ta, là Đấng nhân từ, bởi vì ngài có lòng trắc ẩn ; Người có khả năng có lòng trắc ẩn đó, khả năng làm mình trở thành gần gũi với nỗi đau của chúng ta, với tội lỗi của chúng ta, với những tính xấu của chúng ta, với những khốn khổ của chúng ta.

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria phù giúp chúng ta hiểu được và nhất là luôn sống nhiều hơn nữa liên hệ bền chặt đang có giữa tình yêu đối với Thiên Chúa là Cha chúng ta và tình yêu cụ thể và rộng lượng đối với các anh em chúng ta, và cầu xin Mẹ ban cho chúng ta ơn có lòng trắc ẩn và lớn trên trong lòng trắc ẩn.

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

https://fr.zenit.org/articles/angelus-eprouver-de-la-compassion-et-grandir-dans-la-compassion-traduction-complete/

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.