Linh Đạo Gia đình Nazareth

Đoàn Sủng Gia Đình Nazareth

ĐOÀN SỦNG GIA ĐÌNH NAZARETH

“Tái khám phá và phục hồi những giá trị và vẻ đẹp của ơn gọi Hôn Nhân Gia Đình”.

50% các cặp vợ chồng đã kết thúc cuộc sống hôn nhân của họ bằng ly dị. Điều này đã khiến cho đời sống và ơn gọi hôn nhân gia đình đang gặp phải những khó khăn trầm trọng. Do đó, Mục Vụ Gia Đình, là một trong những sinh hoạt được Giáo Hội đặc biệt lưu ý, vì sự thánh thiện, hạnh phúc của gia đình cũng chính là sự thánh thiện và hạnh phúc của Giáo Hội và xã hội. Gia đình chính là nền tảng và tương lai của Giáo Hội cũng như xã hội. Đạo đức gia đình, đời sống thương yêu và bác ái của gia đình sẽ củng cố và xây dựng đạo đức và đức ái của đời sống Kitô hữu. Hiện tượng luân lý và đạo đức xã hội đang bị băng hoại hiện nay qua những lối sống đồng tính, hôn nhân đồng tính, trai gái sống chung mà không hôn nhân, cưới hỏi, hoặc qua hiện tượng phá thai là câu trả lời cho thế giới hôm nay vì đã coi thường, và không tôn trọng giá trị ơn gọi hôn nhân gia đình.

Gia đình là một cơ cấu đặc biệt trong chương trình của Thiên Chúa. Ngày 9 tháng 7, 2006, vừa khi đặt chân đến phi trường quốc tế Valencia-Manises, Tây Ban Nha trong Ngày Họp Mặt Gia Đình Thế Giới lần thứ năm, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã nói: “Một cách đặc biệt, tôi mong ước đặt trọng tâm đời sống Giáo Hội và xã hội trên nền tảng của hôn nhân. Gia đình là một cơ cấu đặc biệt trong chương trình của Thiên Chúa. Và Giáo Hội không thể sao lãng việc loan truyền và thăng hoa tầm quan trọng căn bản này, đến nỗi Giáo Hội không thể sống ngoài ơn gọi ấy mà cảm nhận được niềm vui và chu toàn trách nhiệm của mình.” Trước đó, ngày 7 tháng 7, năm 2006, trong Hội Nghị Thần Học Mục Vụ về gia đình, qua đề tài “Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng của Gia Đình”, Hồng Y Stanislaw Dziwisz, vị Hồng Y đã từng là bí thư của Đức Gioan Phaolô II suốt trong thời gian ngài được bầu làm Giáo Hoàng và trước đó nữa, đã phát biểu:

“Lịch sử của cuộc đời linh mục ngài, Đức Gioan Phaolô II đã chứng tỏ ngài là một trong những mục tử cao cả của gia đình trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21”. Đức Hồng Y tiếp:

“Tất cả những tư tưởng thần học và triết học của ngài, cũng như tất cả những công việc mục vụ đối với gia đình và đời sống, không chỉ bắt đầu sau khi ngài được bầu làm Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, nhưng đã phát triển suốt trong cuộc đời ngài, và công việc mục vụ từ khi còn là linh mục, giám mục, và sau đó là giáo hoàng. Theo đó, ngài quan tâm, lo lắng đến đời sống người tín hữu. Và đã từng tìm kiếm những giải pháp thích hợp bao gồm những chương trình và những nghiên cứu thần học về gia đình. Tất cả đã nói lên một cách rõ ràng mối liên hệ với Đức Tin Kitô Giáo và đạo đức. Theo Đức Gioan Phaolô II: “Việc làm chính yếu trong vấn đề chăm sóc mục vụ của gia đình là lời cầu nguyện, như ngài đã diễn tả trong Thư Gửi Các Gia Đình” của ngài.

Trong Tâm Thư Gửi Các Gia Đình, trong Năm Gia Đình 1994, Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Thánh Gia Nazareth là gia đình đầu tiên thể hiện sự thánh thiện để vô số các gia đình khác noi theo trở nên thánh thiện. Lịch sử nhân loại, lịch sử cứu độ diễn tiến qua cửa ngõ gia đình”.

Cùng với những thao thức trên của 2 vị Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, và với phép lành và sự khích lệ của Đức Giám Mục Đaminh Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, và cùng với sự khuyến khích của Lm. Nguyễn Uy Sỹ, Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam và Hội Đồng Linh Mục Việt Nam Giáo Phận Orange, Linh mục Giuse Trịnh Ngọc Danh và một số anh chị em thiện chí đã thành lập và phổ biến một Chương Trình Mục Vụ Gia Đình với tên gọi Gia Đình Nazareth, mục đích:

1. Tìm hiểu và phổ biến những giá trị cao quí của ơn gọi hôn nhân.
2. Duy trì và phát triển hạnh phúc hôn nhân gia đình.
3. Hướng dẫn và cung cấp những phương pháp và nghệ thuật giáo dục.

SƠ LƯỢC VỀ ĐOÀN SỦNG

Đoàn Sủng (Charisma – Charism) là một ơn ban cho một người hay một nhóm người để theo đuổi và hoàn tất một sứ mệnh đặc biệt do Thần Linh Chúa khởi dẫn.

Một cách tổng quát, đoàn sủng mang một ý nghĩa được trao ban từ trên cao. Và Đấng trao ban ơn gọi, hay tiếng gọi ấy không ngoài ai khác là Thánh Thần Thiên Chúa. Bởi vì Ngài là tiếng nói của Thiên Chúa, là Thầy Dậy Muôn Dân được Thiên Chúa ban cho nhân loại sau khi Chúa Giêsu về trời. Chúa Thánh Thần sẽ tùy vào tình trạng của con người, tình trạng của Giáo Hội mà phát ra những tiếng mời gọi và ân huệ của Ngài. Mục đích cuối cùng của những đoàn sủng là đem một người, một đoàn thể, hay Giáo Hội đến nguồn ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã sắm cho qua cái chết và cuộc phục sinh của Ngài. Như vậy, khi đề cập đến một đoàn sủng, ta không chỉ coi đó như một ơn đặc biệt, mà còn là một sứ mệnh được trao ban.

1. Chung mỗi đoàn thể: Tuy nhiên, ở từng mỗi hoàn cảnh, mỗi nhóm người, Thánh Thần Chúa vẫn hoạt động, và vẫn khơi lên những đoàn sủng khác nhau. Thí dụ, phong trào Đạo Binh Hồn Nhỏ. Phong Trào Đạo Binh Đức Mẹ. Phong Trào Cursillo. Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng. Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể…Tất cả để thu hút và để mọi người có cơ hội tìm gặp nguồn ơn Cứu Độ trong sinh hoạt của mình, và của Giáo Hội.

2. Riêng cho từng người: Trong cái nhìn toàn bộ của Ơn Cứu Độ, mỗi cá nhân đều được kêu gọi tham dự các sinh hoạt của Giáo Hội, và đi vào từng đoàn sủng thích hợp với mình. Thí dụ, ơn gọi tu trì dòng này hay dòng khác, địa phận này hay địa phận khác, hoặc ơn gọi hôn nhân. Ơn gọi làm cha, làm mẹ, làm anh, chị, em, làm con, cháu. Tham dự Phong Trào Cursillo, phong trào Đạo Binh Đức Mẹ, Đạo Binh Hồn Nhỏ, hoặc Chương Trình Gia Đình Nazareth. Mỗi người tùy khả năng tâm lý, khả năng lý trí, và hoàn cảnh để được tháp nhập vào dòng chính của Giáo Hội, và cùng với anh chị em mình đồng hành trên hành trình Đức Tin.

ĐOÀN SỦNG GIA ĐÌNH NAZARETH

Qua những thao thức phục vụ các gia đình, và vì muốn đem lại hạnh phúc thật sự cho các gia đình, Đoàn Sủng của Gia Đình Nazareth dựa theo những yếu tố nền căn bản:

1. Nền tảng nhân chủng của gia đình:

Trong Huấn Từ ngày 9 tháng 6 năm 2005, nhân dịp khai mạc Hội Nghị Giáo Sỹ của Giáo Phận Rôma, Đức Bênêđíctô XVI đã khai triển nền tảng nhân chủng học của gia đình như sau:

“Hôn nhân và gia đình không phải là một cấu trúc xã hội hời hợt, hoa trái của những tình trạng lịch sử và kinh tế đặc thù. Trái lại, vấn nạn về quyền liên đới giữa một người nam và một người nữ có căn rễ trong ý nghĩa nền tảng căn bản nhất của nhân loại, và chỉ có thể tìm được câu trả lời từ đó.”

Và câu trả lời đó, con người chỉ có thể tìm thấy trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Bởi vì con người được tạo dựng trong hình ảnh của Ngài. Mà Thiên Chúa tự ngài là tình yêu. Thánh Gioan đã định nghĩa về Thiên Chúa khi ngài viết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Jn 4:8). Từ sự ràng buộc căn bản giữa Thiên Chúa và con người, một hình thức liên kết khác được phát sinh, đó là sự liên kết giữa linh hồn và thân xác. Và từ đó, mối dây liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà đã nẩy sinh tình yêu đôi lứa và dẫn đến đời sống hôn nhân gia đình.

Tóm lại, đời sống hôn nhân gia đình bắt nguồn Đấng tạo thành lan rộng đến mỗi cá nhân con người và quy tụ vào sự hợp nhất giữa người nam và người nữ. Khi hai người nam nữ thưa “có” trong lúc cử hành hôn phối, họ diễn tả lại chữ “có” mà Thiên Chúa đã phán ra trong lúc tạo thành vũ trụ và con người. Tiếng có ấy đem con người vào hiện hữu, và tiếng có của hai người yêu nhau là làm cho hiện hữu ấy lại tái diễn trong đời sống ân sủng và ơn gọi hôn nhân. Nhờ tiếng “có” này mà tương lai nhân loại mở ra, qua sự xuất hiện những hoa trái của đời sống hôn nhân là con cái.

Những hình thức khác nhau hiện nay như đồng tính, hôn nhân đồng tính, nhân hôn nhân “thử nghiệm” cũng như những kết hợp tự do là một cách diễn giải trái ngược của thứ tự do vô trật tự xuất hiện một cách sai lầm mà con người coi đó như sự giải phóng của mình. Một cuộc hôn nhân giả tạo như thế, chắc chắn là một hành động coi nhẹ phẩm giá con người.

2. Hôn nhân và gia đình trong lịch sử Cứu Độ:

Nền tảng của hôn nhân dựa trên mối tương quan giữa con người với con người, giữa con người với Thiên Chúa còn được bắt nguồn sâu xa trong căn rễ sự thật của con người, trong lịch sử cứu độ. Vì : “Thiên Chúa yêu thương dân ngài”.

Mặc khải Thánh Kinh là một biểu lộ lịch sử của tình yêu, lịch sử của giao ước Thiên Chúa với con người. Vì thế, lịch sử của tình yêu và sự kết hợp giữa người đàn ông và người đàn bà trong giao ước hôn nhân, chính là một biểu tượng lịch sử cứu độ. Thiên Chúa tiếp cận với dân ngài được thể hiện bằng ngôn ngữ của tình yêu hôn nhân.

Trong Tân Ước, chúng ta tìm thấy tình yêu Thiên Chúa biểu lộ qua Con ngài, trở thành xương thịt của xương thịt chúng ta, một người thật. Từ đó, sự nối kết của Thiên Chúa với con người mang một hình thức cao cả, không thay đổi, và rõ ràng. Do đó, đặc tính bí tích mà hôn nhân có được trong Đức Kitô có nghĩa rằng, tặng ân sáng tạo đã được nâng lên thành ơn sủng của cứu độ. Và như cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa mặc khải ý nghĩa sự thật trong cây thập giá, cũng thế, tình yêu đích thật của con người là hy sinh chính nó, nó không thể tồn tại nếu nó trốn tránh hy sinh. Và để bảo vệ cho ơn gợi hôn nhân gia đình, bảo vệ cho cho giá trị cứu độ của ơn gọi hôn nhân gia đình, Thiên Chúa đã nâng cao ơn gọi này bằng 3 trong 10 giới răn của Ngài: Thảo kính cha mẹ, đừng làm việc dâm dục, chớ chiếm đoạt vợ chồng người.

Nếu 10 giới răn của Thiên Chúa là 10 nấc thang cân đo sự thánh thiện, và cũng là 10 lý do để con người có thể đánh mất ơn cứu độ, thì Ngài đã phải dùng đến 3 giới răn để thánh hóa, để nâng cao, và để bảo vệ cho ơn gọi này. Ai trong chúng ta đọc và suy ngắm Thánh Kinh một cách cẩn thận sẽ thấy rõ những giới răn kia được ban ra không phải chỉ để nghe cho vui, hoặc để làm nhát đảm những ai coi thường ơn gọi hôn nhân. Nhưng thực tế, nó chính là những tấm mốc ghi nhận chặng đường thánh đức và hạnh phúc cho những ai trung thành với huấn lệnh của Chúa mà đi trong ơn gọi hôn nhân gia đình. Ngoài ra, ơn gọi hôn nhân cũng chính là một bí tích đầu tiên do chính Thiên Chúa cử hành. Chính Ngài đã phối hiệp Adong và Evà lại với nhau. Và chính Ngài đã chúc phúc cho đời sống gia đình của đôi tân hôn đầu tiên này.

Những hình thức băng hoại tình yêu nhân loại, làm giảm giá khả năng tình yêu đích thật xuất hiện trong thời đại của chúng ta như một hình thức chống đối Thiên Chúa, và phủ nhận giá trị cứu độ của ơn gọi hôn nhân gia đình.

3. Gia đình và Giáo hội:

Là người Kitô hữu, chúng ta còn nhìn thấy kết quả hôn nhân trong tương quan giữa gia đình và Giáo Hội.

Hình ảnh phối hiệp giữa người chồng và người vợ gợi lên hình ảnh kết hợp giữa Chúa Giêsu và Hội Thánh. Vì thế có thể nói, gia đình là một Giáo Hội tại gia. Thánh Phaolô đã gọi đây là “một mầu nhiệm cao cả” (Eph 5:32). Ngài đã diễn tả sự cao cả ấy cho tín hữu Êphêsô như sau: “Hỡi các người chồng hãy yêu thương vợ mình như Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội. Người đã lấy nước và lời hằng sống mà tẩy rửa Giáo Hội và thánh hóa Giáo Hội” (Eph 5:25-26). Theo Đức Gioan Phaolô II, thì qua phép rửa này, tức là bí tích hôn phối, người tín hữu được tái sinh lại thành một người mới, có khả năng thông truyền sự sống mới, vì phép rửa có khả năng thông truyền sự sống mới, sự sống đích thực của Thiên Chúa (Tâm thư gửi các gia đình, tr. 80).

Tình yêu của Đức Lang Quân đã yêu Giáo Hội cho đến cùng, ngay đến cả những tội nhân, sẽ trở nên hình ảnh của tình yêu vợ chồng dành cho nhau mà như lời thề hôn phối, dù khi no cũng như khi đói, khi khỏe mạnh cũng như khi yếu đau, khi vui cũng như khi buồn cũng đều tôn trọng, yêu thương, và nâng đỡ nhau cho đến mãn đời.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gọi “gia đình là Giáo Hội tại gia”, là hiền thê của Giáo Hội Hoàn Vũ, và cần được minh chứng qua tình yêu phu thê, tình yêu phụ, mẫu tử, tình yêu huynh đệ, tình yêu của một cộng đồng gồm những nhân vị trải qua những thế hệ. Và theo Đức Bênêđíctô XVI, thì đó là lý do tại sao trong căn bản việc hình thành con người Kitô hữu và của việc chuyển nhận đức tin cần thiết phải có lời cầu nguyện, thân mật với Chúa Kitô và việc nhìn ngắm dung nhan Chúa Cha trong ngài. Và trong một cách tương tự, có thể nói tất cả những giao kết sứ vụ của chúng ta, một cách đặc biệt, chương trình mục vụ gia đình của chúng ta. Ngài cầu xin: “chớ gì Thánh Gia Nagiareth, trở nên mẫu nực cho các gia đình chúng ta và cộng đồng chúng ta, trở nên đối tượng rõ ràng và lời cầu nguyện thành tín, cũng như mẫu gương của đời sống.”

KẾT LUẬN

Vì thế, rõ ràng là chúng ta không chỉ phải cố gắng để đem áp dụng quan niệm sống trên trong suy nghĩ và hành động, mà còn phải đối đầu với sự phá sản đang thống trị xã hội và nền văn hóa hiện nay. Điều mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “nền văn hóa sự chết”. Vì lý do ấy, căn cứ vào lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta phải có nhiệm vụ công khai làm sáng tỏ những giá trị hôn nhân Công Giáo. Và trong viễn ảnh ấy, Đoàn Sủng của Gia Đình Nazareth chính là tái khám phá và phục hồi những giá trị và vẻ đẹp của ơn gọi Hôn Nhân Gia Đình.

* Tái khám phá sự thánh thiện của ơn gọi hôn nhân dựa trên giá trị Lời Chúa và Giáo Huấn Giáo Hội.

* Tái khám phá vẻ đẹp của tình yêu hôn nhân bằng việc học hỏi, áp dụng những truyền thống văn hóa và gia đình tốt đẹp, cũng như việc áp dụng nó qua những phương pháp hữu hiệu của tâm lý hôn nhân, tâm lý gia đình.

* Tái khám phá hạnh phúc của hôn nhân bằng chính những giá trị của tình yêu trao ban trong cuộc thường ngày giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái.

Đoàn sủng của Gia Đình Nazareth, cũng là một lời mời gọi cho tất cả những ai đang thao thức muốn sống đời sống hôn nhân hạnh phúc, bình an, và thánh thiện.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.