Elizabeth Nguyễn
“Chỉ cần lướt mắt đến cuốn Thánh Kinh, đã đủ cho tôi, để ngay lúc đó, tôi hít lấy hương thơm cuộc đời Chúa Giêsu và tôi biết mình phải chạy về đâu” (Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu).
Wow! thật tuyệt vời! Thánh Nữ diễn tả một tình yêu Chúa Giêsu mãnh liệt, cháy bỏng và tha thiết tận sâu thẳm con tim, chan hòa trong trí tâm thân, mới có thể thốt lên lời yêu thương cuốn Thánh Kinh ngọt ngào và đẹp như vậy. Lời của Thánh Nữ đã nêu bật giá trị của Thánh Kinh như một nguồn mạch ánh sáng và sức mạnh không bao giờ cạn, soi sáng và làm nền tảng cho nhu cầu sống của bất cứ một Kitô hữu nào trong đời sống hỗn độn này.
Hội Thánh Công Giáo từ Công Đồng Vatican II cổ võ giáo dân nên đọc và học Thánh Kinh, tôn kính Thánh Kinh như Thân Thể Chúa Kitô, nhất là trong phụng vụ Thánh, Giáo Hội lấy ra từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Mình Máu Chúa Kitô, bánh ban sự sống ban phát cho các tín hữu. „Chúng ta ăn thịt và uống máu Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể và trong việc lắng nghe Thánh Kinh nữa.“ (Thánh Gêrônimô)
Để biết căn tính của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải quay về nguồn là Thánh Kinh. Thánh Kinh có một sức mạnh đức tin phi thường, một suối nguồn thanh khiết để nói với chúng ta cách sâu sắc và riêng tư, đáp ứng chính xác nhu cầu được sáng soi, tương xứng với hoàn cảnh của ta, một cách trong sáng và tỏ tường khi tiếp xúc với sự hiện hữu của Ngài qua Lời Ngài.
Trong Thánh Vịnh 1 có viết: ”Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân… nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày”. Chúng ta phải có đức tin để tin rằng Thiên Chúa thực sự đích thân đến nói chuyện với chúng ta ngang qua Thánh Kinh. „Đức tin cho ta thấy sự cao cả của Thiên Chúa và thấy cái bé bỏng của ta…“ (Chân Phước Charles de Foulcauld). Khi đọc Thánh Kinh ta phải lắng đọng tâm hồn, khiêm tốn, kiên trì và tin tưởng, phó thác, dĩ nhiên, ta phải đọc với đức tin tuyệt đối vào Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tạ ơn Chúa, lịch sử Hội Thánh cho thấy Lời Chúa có sức đánh thức kho tàng rộng lượng tình yêu và lòng can đảm trong tâm hồn chúng ta; một sự đánh thức vượt quá sức của con người.
Chúng ta thấy chỉ một Lời quyền năng ngắn gọn của Chúa: „Hãy theo tôi“, lập tức ông Lêvi liền đứng dậy đi theo Người (x. Mt 9,9).Sau khi đón nhận lời mời gọi, ông ta nhận ra có điều mới lạ đang dần xuất hiện trong ông: hãy thay đổi để mạnh mẽ bước vào một hành trình mới, phó mình cho Một Đấng Khác. Lời Chúa là lời đầy uy quyền tác động trên các thần ô uế, chúng phải tuân lệnh Người (x. Mc 1,27), cả trên thiên nhiên: „Người thức dậy, ngăm đe gió và biển: „Im đi! Câm đi!“. Gió liền tắt và biển lặng như tờ.“ (Mc 4,39).
“Lời Chúa là ngọn đèn soi bước con đi.” (Thánh Vịnh 118). Lời Chúa soi sáng cho Hội Thánh và các vị mục tử, hướng dẫn giáo dân biết hằng ngày cầu nguyện với Lời Chúa, vì luôn luôn việc suy niệm Lời Chúa phải được kiểm chứng bởi huấn quyền của Hội Thánh và phải được đón nhận trong tình hiệp thông với mọi anh chị em, cùng chúng ta làm nên thân mình Đức Kitô. Đó là nền tảng cho mọi giải thích của Lời khi đọc và chiêm niệm Thánh Kinh.
Lời Chúa là ánh sáng, là nguồn lực cứu thoát những lúc khốn khổ, những khi chúng ta lo lắng, ngờ vực và bị thử thách, để tìm lối thoát, chúng ta chỉ biết quay về với niềm tin, lòng trong cậy vào Lời Chúa. Lời uy quyền này sẽ giải thoát chúng ta khỏi tình trạng rối rắm đau khổ đó và cho chúng ta niềm hy vọng. Chúng ta đều là phận phàm hèn, như hoa cỏ, cỏ thì khô, hoa thì rụng, sáng nở tối tàn. Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn đời… (x. 1Pr 1,24). Vậy chúng ta hãy khao khát tìm hiểu Thánh Kinh, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày (x. Tv 1) để vui thú với lề luật Chúa.
Suy niệm Thánh Kinh là nền tảng cho bất cứ đời sống cầu nguyện nào của người Kitô hữu đích thực. Thiên Chúa nói với chúng ta và gợi lên trong chúng ta một lời đáp trả qua việc suy niệm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Thư Novo Millennio, khuyên: „Một Kitô hữu không cầu nguyện là một Kitô hữu có nguy cơ gặp rủi ro.“. Thật vậy, khi ta quá bận rộn vì công việc hay khi chán nản cầu nguyện, hoặc bỏ cầu nguyện là tự thấy mình xa Chúa và có những cám dỗ mình không tỉnh thức mà nhận định đúng sai, tốt xấu v.v…
Khi suy niệm một Lời Phúc Âm, ta đối diện với Chúa trong thinh lặng mà sống động, vì Chúa chính là sự sống trong ta. Thần Khí Chúa từng giây phút giúp ta nhận biết mình và nhìn ra những hàng rào, những tảng đá ngăn cách tình yêu của Chúa với ta qua Lời Ngài.
Hội Thánh có rất nhiều phương pháp cầu nguyện được thể hiện trong các Dòng Tu, trong các Đan Viện. Đức Thánh Cha Benedicto XVI khi còn tại chức đã khuyến khích Kitô hữu cầu nguyện với phương pháp Lectio-Divina: „Tôi đặc biệt nhắc lại và giới thiệu truyền thống Lectio-Divina xa xưa: Đọc Kinh Thánh có cầu nguyện kèm theo, thực hiện cuộc trò chuyện thân tình với Thiên Chúa.“. Đây là một phương pháp cầu nguyện để chúng ta gặp Ngài. Lời Chúa là ánh sáng chân lý soi rọi tận đáy sâu tâm hồn, Lời Ngài phê phán tâm tình và tư tưởng của chúng ta. Vì không loài thụ tạo nào mà không hiện rõ, phơi bày trần trụi trước mặt Ngài (x. Dt 4,12-13).
Theo lời dạy, tôi cầu nguyện với Lời Chúa theo phương pháp Lectio-Divina và phương pháp của Thánh Inhã. Tôi cảm nhận được Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn mình đi theo Lời của Ngài. Khi cầu nguyện với đoạn Kinh Thánh, tôi có một ơn xin, rồi đọc đi đọc lại chậm rãi Lời Ngài. Câu hay chữ nào đánh động tâm hồn, tôi dừng lại và nhẩm đi nhẩm lại nhiều lần trong tâm tưởng. Đôi khi, nếu khó hiểu, tôi so sánh với đoạn văn tương tự của Thánh Sử khác. Tôi hình dung hoàn cảnh, thời gian, thời điểm và hình ảnh trong đoạn văn đó. Tôi tự đóng vai của một nhân vật để hiểu rõ tâm trạng ra sao và ứng dụng vào hoàn cảnh mình đang sống. Điều nào đánh động tâm trí, chạm đến trái tim, tôi dừng lại và suy gẫm chiêm niệm xem Chúa dạy mình điều gì? Dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Ngài mách bảo cho tôi phải chọn lựa, phải nhận định xem điều gì đúng, điều gì sai, cái gì có lợi và cái gì bất lợi cho cá nhân, cho người khác, cho gia đình, cộng đoàn v.v… Tôi dâng lời cầu nguyện, xin ơn phù trợ để sống những lời Chúa dạy vừa rút ra trong cầu nguyện. Tạ ơn và vinh danh Ngài.
Một cách cầu nguyện tôi thường dùng trong phút hồi tâm là thinh lặng với Thầy Giêsu. Trong tĩnh lặng tôi tạ ơn và thưởng thức âm hưởng ngọt ngào với Đấng yêu mình. Tuy vậy, với bất toàn của đời sống, đôi khi quá bận rộn hay mệt mỏi tôi cũng quên hoặc bỏ cầu nguyện. Chỉ vội vàng nói một lời cám ơn với Chúa mà thôi, rồi đi ngủ. Xin Chúa tha lỗi cho con. Con yêu Chúa. Amen.
Elisabeth Nguyễn
Views: 0