Văn

Tấm poncho

Hồi ký của Minh Diệu

 

Hồi nhỏ, ngày nào cũng thấy mấy chiếc xe bồn chở xăng dầu giống y như trong hình, chạy ngang qua trường Saint Paul của mình trên đường Cường Để (nay là đường Tôn Đức Thắng). Xe bồn này do chính mấy ông lính Mỹ cầm tay lái. Họ lái rất cẩn thận, chạy chầm chậm. Chớ không phải chạy theo kiểu lạng lách, phóng bạt mạng như bây giờ. Eo ui, khiếp!

Ngoài việc làm áo mưa, tấm poncho còn có nhiều công dụng khác cực kỳ hữu ích và tiện lợi:

– Làm cái mền để đắp chống lạnh, chống ruồi muỗi…

– Trải xuống đất để ngồi, nằm, ngủ…

– Giăng lên làm dù, làm lều

– Buộc lên cành cây làm chiếc võng

– Xỏ cây đòn vào làm cáng tải thương, tải đồ

– Lót dưới đáy cái hố cạn để hứng sương đêm, nước mưa, rồi dùng làm nước uống

– Gói tất cả quân trang, quân dụng, đạn dược… rồi cột túm chặt lại thành túi phao bơi qua sông.

Cuối cùng, tấm poncho còn có 1 chức năng bi thương mà không 1 người lính nào muốn sử dụng, tuy nhiên đã được nhắc tới trong bài hát nổi tiếng “Kỷ vật cho em” do Phạm Duy phổ nhạc năm 1970 từ bài thơ “Để trả lời một câu hỏi” của Linh Phương:

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.

Anh trở về chiều hoang trốn nắng

Poncho buồn liệm kín hồn anh

Anh trở về bờ tóc em xanh

Chít khăn sô lên đầu vội vã… Em ơi!

Bài hát này lúc ấy đã bị cấm đoán và bị xếp vào loại nhạc “phản chiến” do mang đầy những hình ảnh tang thương, khốc liệt của chiến tranh:

Anh trở về, anh trở về hàng cây nghiêng ngả

Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa,

Anh trở về bằng chiếc băng ca

Trên trực thăng sơn màu tang trắng….

Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ

Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân…

Không có gì kinh hoàng và khủng khiếp cho bằng chiến tranh ! Chưa thấy địa ngục ở dưới âm phủ ra sao, nhưng chắc chắn địa ngục trần gian chính là chiến tranh ! Kể từ khi xảy ra cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, mình đã hiểu chiến tranh là như thế nào. Ban đêm đang ngủ, nghe tiếng pháo kích là giựt mình tỉnh giấc liền. Cả nhà hoảng hồn cùng ùa té chạy ra cửa, thoát ra cầu thang để chạy xuống núp ở dưới lầu 1 . Papa nói phải ẩn nấp như thế vì nhà ở tuốt trên sân thượng nên có nguy cơ dễ bị trúng đạn pháo hơn các nhà khác. Bằng chứng là khá nhiều cơ ngơi ở gần khu nhà mình đã bị hư hại ko nhiều thì ít trong các trận pháo kích từ bên Thủ Thiêm bắn qua. Nhẹ thì cửa kính bị rạn nứt, hay bể tan tành dưới sức ép của tiếng pháo nổ. Nặng thì bị quả pháo xẹt qua đánh sập 1 phần mái nhà, hoặc xé toạc mấy bức tường. Có thể kể sơ sơ vài địa điểm nổi cộm từng bị “dính chấu” như: tòa nhà Quốc Hội (nay là Nhà hát Thành phố) ở Công trường Lam Sơn Q.1, khách sạn Caravelle và khách sạn Continental trên đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi), tiệm Givral ở góc đường Tự Do và Lê Lợi, khách sạn Majestic ở góc đường Tự Do và Bến Bạch Đằng, khách sạn Rex và Tòa Hòa Giải Saigon (nay là tòa cao ốc Sun Wah) trên đại lộ Nguyễn Huệ, bồn binh phun nước ở ngã tư Nguyễn Huệ và Lê Lợi, tháp đồng hồ Orient 4 mặt ở ngã ba Nguyễn Huệ và Nguyễn Văn Thinh (nay là đường Mạc Thị Bưởi)… Bởi đã chứng kiến nhiều vụ “ăn đạn” như vậy, nên vừa núp mà vừa sợ xanh mặt xanh mày . Ngồi ở đó đợi cho đến khi nào thấy tiếng pháo kích đã im bặt từ lâu thì mới dám mò lên nhà ngủ lại. Có lần mới vừa đặt lưng xuống nằm thì nghe pháo kích tiếp. Thế là chạy thụt mạng xuống thang lầu trở lại . Sáng hôm sau ai nấy đều mệt mỏi, ngầy ngật. Về sau, các cuộc pháo kích vào ban đêm ngày càng nhiều hơn. Ko thể nào cứ chạy hớt hơ hớt hải hoài như vậy, nên Papa quyết định mỗi tối đều phải đem mùng mền chiếu gối xuống ngủ ở dưới cầu thang lầu 1. Ở chỗ này rất khó ngủ bởi vừa chật hẹp vừa bí hơi, nhưng đành phải chịu . Cái nhà ở đối diện nhà mình lúc đầu còn tỏ vẻ ta đây gan lì, nhưng riết rồi cũng nao núng, và ban đêm phải cuốn gói xuống ngủ ở cầu thang lầu 2. Sau này dựa vào các thống kê mà Papa ghi chép lại thời điểm xảy ra những lần pháo kích trước, và từ đó rút ra quy luật, Papa tiên đoán đêm nào sẽ bị pháo kích thì đêm đó mới xuống ngủ ở dưới cầu thang lầu 1. Thấy xác suất đoán trúng của Papa cũng khá cao, cỡ 60-70%.

Mặc dù sau này hòa bình rồi, tiếng pháo kích xảy ra giữa đêm khuya trong suốt thời gian từ 1968-1975 vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng ko bao giờ quên được . Và nó đã trở thành 1 chứng tích của chiến tranh mà mình phải gánh chịu suốt đời, và càng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian . Tiếng pháo nổ ngày Tết, tiếng pháo bông, tiếng khui rượu sâm-banh (champagne), tiếng la hét… , nghĩa là bất kỳ tiếng động lớn đột ngột nào cũng đều làm mình giật bắn người, hồn vía lên mây . Cái di chứng này chỉ là hạt bụi nếu đem so sánh với những mất mát, đau thương vô cùng lớn lao và tàn khốc mà chiến tranh đã gây ra cho toàn thể người dân đất nước mình.

Đã biết chiến tranh tàn phá, hủy hoại tất cả mọi thứ, thế tại sao con người vẫn cứ để chiến tranh xảy ra? Thường nghe 1 ông linh mục Công giáo trong lúc giảng thánh kinh hay kể câu chuyện là có 2 người phụ nữ đứng xếp hàng kế nhau chờ rước lễ trong nhà thờ. Bà đứng trước mặc áo dài. Bà đứng sau mặc đồ tây. Chẳng may bà đứng sau giẫm chân lên cái tà áo dài quét đất của bà đứng trước. Bà này liền ngoảnh đầu ra sau, mắt thì lườm bà đứng sau 1 cái sắc như dao cạo, miệng thì hứ 1 cái rõ to, tay thì giật tà áo lên giũ giũ tỏ vẻ khinh bỉ . Đến lúc tan lễ, ra về, bà mặc đồ tây xáp tới gần bà mặc áo dài, và lớn tiếng chửi bới bà này. Thấy um sùm, ông cha liền tới nói với bà mặc đồ tây: “Mới vừa rước lễ xong, Chúa đang ở trong bà ấy đó. Bà chửi bà ấy tức là bà đang chửi Chúa đấy!” Nghe vậy, bà mặc đồ tây mới chịu xì-tốp. Có lẽ vị linh mục rất khó chịu về chuyện này nên hễ có dịp là ông lôi ra kể cho giáo dân nghe đi nghe lại nhiều lần. Việc nhỏ nhặt như thế mà cũng khiến xảy ra cuộc chiến giữa 2 người ngay trong nhà thờ . Huống chi trong xã hội đông người thì chiến tranh còn lớn đến cỡ nào. Và giữa quốc gia này với quốc gia kia thì chiến tranh còn nghiêm trọng đến mức nào nữa. Chẳng qua là do con người không biết kiềm chế “cái tôi” quá lớn của mình. Người Việt Nam thường nói “1 câu nhịn, 9 câu lành”. Nhưng cũng đừng thấy người ta nhịn mà làm tới hoài, thì sẽ có ngày “già néo đứt dây”. Tới chừng đó là chiến tranh bùng nổ, và mọi chết chóc, thảm khốc sẽ đổ lên đầu người thường dân vô tội. Phải chi con người chúng ta biết nhường nhịn, tha thứ, và yêu thương nhau nhiều hơn! Và mỗi người cố gắng làm điều đó bắt đầu từ ngay trong gia đình của chính mình, thì chắc chắn thế giới này sẽ trở thành chốn thiên đường ! Nói thì nghe đơn giản như đang giỡn. Nhưng liệu có làm nổi không đây??? Haizzzz!!!

Minh Diệu Phann Soriya

redotnspoS1hc2lMtm4g65chu792 ,1 1th308amc0tm4m5l3814iyc75m90  ·

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.