Văn

Châu Đốc : Dáng ai còn trong kỷ niệm

Chu Sa Lan

 

Đầu năm học đệ tam, tôi có đứa bạn mới tên Thiều, ngồi ở bàn trước tôi. Sở dĩ tôi chú ý tới nó ngay lần đầu gặp mặt vì nhiều thứ lắm. Thứ nhất, cách ăn mặc tố cáo nó là thằng nhà quê mới lên tỉnh. Thứ nhì cách ăn nói. Cùng một thứ ngôn ngữ mà nó có vài tiếng địa phương tối nghĩa. Lớp tôi có nhiều thằng ở khắp nơi trong nước. Bắc kỳ 54 cũng có. Dân Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang gì cũng có. Còn dân miền nam thì Lục Tỉnh, miền Đông và Đà Lạt xuống học cũng có. Dĩ nhiên đông nhất là dân Sài Gòn. Nói dân Sài Gòn thì cũng đã lẫn lộn trong đó vì trừ những thằng sinh đẻ tại Sài Gòn không kể còn đa số là dân di cư lên Sài Gòn ở rồi tự xem như mình là dân Sài Gòn. Nói tóm lại học sinh đứa nào cũng đều hãnh diện được xem như dân Sài Gòn. Chúng tôi thường nói đùa với nhau một câu: ”Làm dân Việt Nam đã khó mà làm dân Sài Gòn còn khó hơn…”.

Bốn năm trước đây tôi cũng là học trò ở tỉnh lên Sè Gòn học. Nhưng sau bốn năm nấu chữ riết thành cháy hết sách vở của ông bà thì tôi đã lột xác nhà quê rồi. Bởi vậy gặp Thiều thì tôi chú ý liền. Chắc cũng biết thân phận học trò nhà quê lên thủ đô trọ học nên Thiều rất hiền lành và im lặng ít có quậy trong đám học trò. Năm đệ tam là năm vừa học vừa chơi, mà riêng tôi còn đi xa hơn: chơi nhiều hơn học. Nhiều lần trong giờ ra chơi, Thiều lân la bắt chuyện với tôi. Nhờ vậy mà tôi biết nó quê ở Châu Đốc, lên nhà bà cô ở để đi học thi tú tài. Tôi hỏi nó sao hổng học ở dưới Châu Đốc thì được nó trả lời là trên Sài Gòn thầy giỏi hơn. Dĩ nhiên thầy ở Sài Gòn phải giỏi hơn. Tôi hãnh diện nói với nó như vậy. Tôi dấu biệt gốc gác của mình không cho nó biết tôi cũng là thằng học trò nhà quê lên tỉnh như nó. Ước vọng của nó là sau khi thi đậu tú tài toàn phần sẽ thi vào trường đại học sư phạm để thành giáo sư về dạy học tại quê nhà. Đó là ước vọng lớn của thằng học trò nhà quê. Nó hỏi tôi lớn lên muốn làm cái gì. Tôi trả lời tỉnh bơ:” Trời sinh tao ra để chơi chứ không phải để làm…”Thiều trợn trắng con mắt khi nghe tôi phang tiếp một câu:” Ngu sao làm… Phải có những thằng làm như mày thì cũng có thằng chơi như tao. Mày thì dạy chữ còn tao chơi với chữ…”.

Hổng ngờ nó khoái tôi vì câu trả lời này và hai thằng học trò nhà quê bắt đầu thân nhau tới mực tôi dẫn nó về nhà tôi chơi, còn nó cũng đưa tôi về nhà bà cô của nó cho biết nhà. Nó khoái tới nhà tôi chơi vì cái không khí tự do và dân chủ của gia đình tôi. Đó là tự do ăn, tự do nói và tự do làm. Dĩ nhiên tự do trong giới hạn của luật gia đình đã được định bởi mẹ và anh chị của tôi. Mẹ tôi dễ tính, thương bạn của con cũng như thương con mình. Tôi ăn gì thì nó ăn đó. Tôi đi đâu nó đi đó. Nó có thể pha trò, tán dóc và cười đùa tự nhiên với hai bà chị của tôi. Một hôm gặp nhau ở trường, nó nằng nặc kêu tôi tới nhà bà cô để gặp em gái của nó từ dưới Châu Đốc lên thăm anh ở Sài Gòn.

Tuy đã 16 tuổi nhưng ” thủa đó nào tôi có biết gì ” về chuyện tình trai gái, song tôi cũng tới nhà để gặp em nó vì tò mò muốn xem mặt con nhỏ mà theo Thiều tả thì đẹp chỉ thua nàng Kiều của ông Nguyễn Du chút xíu thôi. Phải đợi 6 năm sau, tôi mới biết cái ” chút xíu thôi ” đó nó có ý nghĩa gì. Dường như sợ tôi không tới nên Thiều còn tán thêm là em gái nó làm thơ hay hết sẩy. Cô bé nhỏ tuổi (mới 15) mà tài cao, là trưởng thi văn đoàn Thất Sơn (mà sau này khi quen nhau tới độ tôi chọc quê là thi văn đoàn Mất Tiêu ) ở Châu Đốc, học lớp đệ tứ trường trung học Thủ Khoa Nghĩa. Nó đánh trúng vào cái đam mê của tôi. Lúc còn học trung học tôi mê nhất thơ. Tôi hay nói với lũ bạn cùng lớp là làm thơ khỏe và sướng hơn viết văn. Văn viết nhiều mỏi tay và tốn giấy mực. Các thi sĩ như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Tản Đà… được tôi cưng nhất bằng cách thuộc lòng các bài thơ của họ. Nay nghe Thiều giới thiệu em gái của nó làm thơ thì bảo nhảy vào miệng núi lửa tôi cũng chẳng ngần ngại.

Thế rồi một hôm đẹp trời của ngày thứ bảy, tôi diện bộ quần áo đẹp nhất mà tôi có được tới diện kiến cô thi sĩ nhà quê có bút danh Nhật Huyền… Cô bé hổng có đẹp như nàng Kiều của ông Nguyễn Du, song có đôi mắt huyền mơ đen láy đính trên cái mặt trái soan với nụ cười e ấp cùng giọng nói mà thú thật sau này đi khắp nơi của vùng Lục Tỉnh rồi ra tận miền trung và sang tới Mỹ tôi cũng chưa gặp ai có giọng nói như cô bé thi sĩ Nhật Huyền quê ở Châu Đốc. Thiều, tôi và cô bé ngồi trước hàng ba tán dóc hàng giờ. Tôi nghe nhiều hơn nói vì lòng còn ngẩn ngơ bởi cái giọng ngọt như đường thốt nốt của Huyền. ”Mai mốt anh Chu về Châu Đốc chơi nghen… Huyền dẫn anh đi núi Sam, uống nước thốt nốt… ngọt và thơm lắm anh… ”. Lúc đó tôi chưa uống nước thốt nốt nên hỏng biết nó ngọt chua ra sao, nhưng tôi nghĩ nó cũng hổng có ngọt bằng giọng nói và mùi thơm thoang thoảng mà tôi ngửi được từ mái tóc đen dài của Huyền.

Hổng biết có phải do cơ duyên nào xui khiến hay phước đức ông bà để lại mà tuần lễ trước khi nghỉ hè, Thiều rủ tôi về Châu Đốc chơi. Tôi về nhà xin phép và được mẹ cho phép.Tôi thích phong cảnh ở Châu Đốc vì vừa có sông mà lại có núi nữa. Tôi yêu người Châu Đốc. Phong cảnh đẹp, sông núi hữu tình đã hun đúc cho con gái Châu Đốc có nhiều đặc tính như mơ mộng, đam mê và lãng mạn, thứ lãng mạn ngầm, ẩn trong lòng vì vùng quê này còn có phong tục và tập quán ràng buộc họ lại. Tôi thấy được những thứ đó xuyên qua những bài thơ và cách đối xử của Nhật Huyền đối với tôi, một tri kỹ. Sau này, dù xa nhau chúng tôi vẫn thư từ qua lại, mà trong đó chứa nhiều bài thơ Huyền làm. Dường như cô bé cần một người hiểu mình để nghe, đọc và hiểu cái đam mê, mơ mộng và lãng mạn của mình. Tôi thích những đêm có trăng, trăng sáng hay trăng mờ đều thơ mộng, lung linh và huyền ảo.Tôi đã ngồi im lặng bên dòng sông Hậu mênh mông nước chảy có những dề lục bình trôi để đọc tập thơ của Nhật Huyền. Những câu thơ được viết bằng mực tím, bằng ngòi viết lá rong, được nắn nót bởi bàn tay trắng thon dài, nhỏ nhít, đủ nói lên cái đam mê và mơ mộng của cô bé.

Thiều, từ ngày về lại quê xưa vì có lắm bạn bè cũ nên bận bịu luôn. Nó giao khoán tôi cho em gái của nó. Được cái là ba má của Thiều với Nhật Huyền tính tình hiền lành, vui vẻ và cởi mở. Họ coi tôi như con trong nhà và cũng chẳng nói gì khi thấy tôi và Nhật Huyền suốt ngày ở cạnh nhau, lang thang khắp nơi trong phố và nhiều thắng cảnh khác. Tôi đã cùng với Huyền đạp xe chay rong trên những con đường rợp bóng cây, ngang qua trường Thủ Khoa Nghĩa, để nghe cô bé thỏ thẻ kể chuyện về ngôi trường mang tên vị anh hùng mà toàn dân Châu Đốc đều ngưỡng mộ và thờ kính. Cô bé nhắc tới trường của mình bằng nhiều tự hào và yêu thương và cuối cùng với nụ cười ngây thơ và câu nói đáng yêu làm sao: ”Chắc trường của Huyền không lớn bằng trường của anh…”. Câu trả lời của tôi khiến cho Huyền hồng nét mặt và mắt long lanh vì thẹn thùng lẫn sung sướng: ”Trường của Huyền không lớn nhưng đẹp, đẹp như Huyền…”. Cô bé thi sĩ đã cám ơn lời khen tặng của tôi bằng cách tình nguyện làm hướng dẫn viên tôi đi núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, miểu Bà Chúa Xứ, đi Tịnh Biên xem kinh Vĩnh Tế, thăm Tân Châu, Tri Tôn. Đêm cuối cùng ở Châu Đốc, tôi cùng với Thiều và Nhật Huyền ngồi ăn chè thốt nốt trước sân nhà. Qua ánh trăng mùng mười tôi thấy khuôn mặt của cô bé đẹp lung linh và mong manh như thứ tình cảm mà hai đứa biết sẽ tàn phai theo thời gian cho dù những lá thư vẫn đi lại đều đặn trong suốt hai năm học cuối cùng của trung học đệ nhị cấp và còn kéo dài nhưng thưa dần dần bởi vì mỗi người đều có đời sống riêng để sống.

Tôi vào lính và lang bạt theo bước chân của người lính. Nhật Huyền, sau khi thi đậu tú tài cũng đi dạy học và vẫn còn làm thơ như là thú tiêu khiển hay đúng hơn là cách bày tỏ sự mơ mộng, đam mê và lãng mạn của mình. Chăm chú đọc tờ đơn xin đi phép thường niên của tôi, sếp hơi cau mày hỏi: “Tại sao anh lại đi Châu Đốc… Nhà anh ở Sài Gòn mà? Nghe câu hỏi của sếp tôi hơi bất mãn song cũng rán nhịn vì nếu phát ngôn bừa bải là ổng không chịu ký giấy. Bởi vậy tôi phải giải thích: Thưa chỉ huy trưởng tôi muốn đi thăm một người bạn ở Châu Đốc… Bạn trai hay gái? Dạ… Bạn gái… Nếu là bạn trai thì nó phải thăm tôi. Còn bạn gái thì tôi mới phải đi thăm… Có lẽ khoái câu giải thích của tôi nên ông gật đầu viết thêm một hàng dài rồi mới chịu ký tên đoạn trao giấy phép cho tôi. Ra khỏi phòng của sếp, liếc nhanh tờ giấy phép cầm trên tay tôi thầm cám ơn ông sếp chịu chơi của tôi. Dòng chữ mà ông viết thêm vào là sửa lại thời hạn đi phép của tôi. Thay vì 7 ngày trơn xuông thì ổng lại cho tôi 8 ngày và cộng thêm hai ngày đi và về thành ra 10 ngày. Mô Phật… Hoan hô sếp… Sáng hôm sau tôi có mặt trên chuyến xe đò sớm nhất từ Rạch Giá đi Cần Thơ. Vì lý do an ninh nên tôi phải mặc thường phục. Ngoài ra tôi còn lận lưng khẩu Colt45 dù biết khẩu súng bắn chim này chỉ để hù đàn bà và con nít thôi. Đã nhiều lần đi lại trên quãng đường này nên tôi biết an ninh khá tốt song không có nghĩa là không có bất trắc xảy ra.

10 giờ sáng tôi xuống xe tại ngã ba Ô Môn chờ đón xe khác đi Long Xuyên rồi từ Long Xuyên lại đón xe về Châu Đốc. Đứng tại ngã ba chờ xe tôi tự hỏi tại sao người ta lại đặt tên cho chỗ này là Ô Môn. Sau khi hút hết hai điếu thuốc lá tôi mới được ngồi lên băng chiếc xe đò về Long Xuyên (tôi sẽ kể về Long Xuyên trong một bài viết khác).

Xuống xe tôi vào chợ Long Xuyên ăn tô cháo cá xong lên xe đò trực chỉ Châu Đốc. Ngồi trên chiếc xe đò cũ kỹ chạy trên con lộ có ổ gà, tôi miên man suy nghĩ. Khuôn mặt của cô bé thi sĩ Nhật Huyền hiện ra chập chờn gãy đổ theo sự dằn xóc của chiếc xe. Trong lá thư gởi cho tôi cách đây hơn một năm, Huyền cho biết Thiều vẫn còn ở Sài Gòn học đại học sư phạm. Hình như năm tới nó mới tốt nghiệp. Riêng nàng sau khi đậu tú tài cũng xin được chân dạy học tại trường Thủ Khoa Nghĩa. Nàng muốn học lên cao hơn nữa nhưng vì cần ở cạnh để săn sóc cha mẹ nên cô bé chọn một chân giáo sư quèn nơi tỉnh lỵ. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho Huyền vì chữ hiếu mà đành phải bỏ ngang ước vọng của mình. Trong mấy lá thư trước tôi hỏi sao cô bé không gởi hình cho tôi xem để ”nhìn cho rõ mặt mày ” thì cô bé trả lời ”khi nào gặp lại anh sẽ biết liền”. Bốn năm xa nhau tôi biết chắc là cô bé có nhiều thay đổi. Chắc phải lớn hơn, già dặn và đẹp hơn. Cũng như tôi ngày nào là một anh học trò đầy ắp mơ mộng và lãng mạn mà giờ đây đã thành người lính. Giống như Huyền tôi cũng phải bỏ dở sự học để đi lính, chiến đấu cho điều gì mà mình tin tưởng. Xe chạy qua ngôi làng mà anh lơ xe cho biết tên Chắc Cà Đao. Tên nghe thật ngộ và tôi đoán phiên âm từ tiếng Miên mà ra. Vùng này xưa kia là đất của người Miên. Bây giờ họ vẫn còn sống rải rác và đôi khi sống chung đụng với người Việt. Con lộ nối Long Xuyên- Châu Đốc có khúc chạy sát bờ sông Hậu đục ngầu nước chảy. Tôi cũng không hiểu sao tôi lại muốn gặp Huyền. Dường như có cái gì thôi thúc tôi phải gặp nàng, dù biết cũng chẳng để làm gì. Chỉ để thấy lại cô bé – thi sĩ ngày xưa.

Thế thôi. Gần 3 giờ chiều tôi xuống xe ở bến xe đò tại chợ Châu Đốc. Tới khách sạn An Biên mướn phòng trọ xong định kêu xe lôi tới trường để gặp Nhật Huyền nhưng nghĩ sao tôi lại lên xe lôi tới nhà. Ngồi ở cái bàn lộ thiên của cái quán sát đường, gọi ly trà đá tôi chờ Huyền đi dạy về. Đây rồi. Cô bé ngày xưa hiện ra trong tầm mắt. Sau này, trong một thư gởi vào năm sau, Huyền nói đã thấy tôi từ xa. Dường như cô bé có linh tính sẽ gặp lại tôi dù tôi không hề nói sẽ đi thăm. Chiếc xe đạp dừng lại. Huyền đi bộ thật chậm. Tà áo dài màu trắng bay trong gió chiều. Mái tóc đen dài với chút tóc rối vì gió xoả trên mặt, tôi thấy và tôi biết Huyền đã khóc. Trong không khí êm ả, trong ánh nắng chiều âm ấm, tôi thấy mắt cô bé (bây giờ là một thiếu nữ 19 tuổi) long lanh. Dù những giọt nước mắt không chảy ra song đối với tôi quí giá vô cùng. Đời sống có biến dịch, có đổi thay nhưng tôi biết dù xa nhau tình cảm của hai chúng tôi dành cho nhau vẫn hiện hữu hoài hoài trong tâm hồn. Đó là thứ tình cảm đa dạng. Tình yêu trai gái không chưa đủ mà còn thêm sự quí mến, thông cảm, hiểu biết và cùng tính tình với sở thích nữa. Từ khi biết nhau cho tới bây giờ và mãi về sau tôi không hề nói tiếng yêu. Huyền cũng ngược lại không có tiếng ” yêu anh” đối với tôi, mặc dù cả hai đều biết trái tim đã thuộc về nhau. Sau này, có những lúc buồn ngồi nghĩ lại tôi thấy tình yêu giữa hai chúng tôi có điều kỳ quặc và khó hiểu tới độ không giải thích được. Dường như chúng tôi sinh ra để yêu nhau nhưng không phải sống bên nhau mà để xa nhau. Ở xa mà vẫn nghĩ về nhau. Tôi biết, nếu tôi nói lên tiếng yêu thương thì Huyền sẽ đáp lại. Cũng như nàng nếu mở miệng thì tôi cũng ừ liền. Tuy nhiên chẳng biết có điều gì làm cho tôi không thể mở miệng. Cũng như nàng bằng tia nhìn đằm thắm, dịu dàng và đôi lúc âu yếm đủ tỏ lộ tình yêu nồng nàn song không hề nói một tiếng.Về tới nhà tôi chào ba má Huyền.

Ông bà vẫn còn nhớ tôi. Được biết tôi đã đi lính ông bà tỏ ra quí trọng và đối đãi đặc biệt hơn. Tối hôm đầu tiên gặp lại nhau sau 4 năm xa cách, chúng tôi thức tới mười hai giờ tôi mới trở về khách sạn An Biên ngủ. Chúng tôi nói gì. Có lẽ không nói nhiều mà nhìn nhau và cười với nhau nhiều hơn. ”Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời…”. Tôi hỏi Huyền vẫn còn làm thơ và nàng đem ra khoe tập thơ mới. Vẫn âm điệu cũ. Vẫn cái chất mơ mộng và lãng mạn của cô gái sinh trưởng từ vùng đất có sông có núi hữu tình, ý tưởng mới lạ và một nhận thức chín hơn bởi vì giờ nàng là cô giáo tỉnh lỵ. Huyền hỏi tôi có còn viết văn. Tôi cười cười nói có mà ít lắm. Chắc tại anh bận chuyện lính? Tôi trả lời không mà chỉ vì mãi say với rượu. Anh có yêu cô nào không? Huyền hỏi mà tôi im lặng vì biết nàng đã có sẵn câu trả lời. Thật lâu tôi mới nhẹ nhàng lên tiếng. “Không… Anh không biết tại sao anh không yêu ai được… Có lẽ… ” Tôi ngập ngừng… Nhìn vào đôi mắt của nàng tôi cười trả lời: “Có lẽ vì anh còn bị nhốt trong đôi mắt của Huyền…” Cô giáo – thi sĩ cười hăng hắc vì câu trả lời của tôi.” Tại anh trốn trong đó chứ Huyền không có nhốt anh. Cũng vì anh ở trong đó mà Huyền khóc hoài…” Nói xong nàng chợt nắm tay tôi. Đó là lần duy nhất chúng tôi nắm tay nhau trong suốt 13 năm quen biết. Tám ngày ở Châu Đốc của tôi diễn ra một cách đều đặn và trật tự. Ban ngày khi Huyền đi dạy học thì tôi mướn xe đi long nhong trong phố, ngồi quán cà phê lai rai chai bia, thăm viếng chỗ nào tôi thích. Chiều sau khi cơm nước xong, tôi tới nhà nàng ngồi nói chuyện hoặc hai đứa đi ra công viên cạnh bờ sông ngồi nói chuyện mỏi miệng, mỏi lưng thì đi ăn tối tới khuya mới về nhà rồi tôi trở lại khách sạn. Tôi chỉ mong có vậy thôi. Trở lại Châu Đốc lần này, tôi chỉ muốn có một nơi yên tịnh, một người có thể trò chuyện một cách thoải mái và tự nhiên để tạm quên đi chút nhọc mệt và chán nản của đời lính. Ở bên Huyền, tôi có được cảm giác bình lặng, an nhàn, nhận hưởng sự chiều chuộng và săn sóc của nàng. Ba má nàng, dù không nói ra dường như ngầm chấp nhận sự giao du của con gái. Dù gì nàng cũng đã lớn, ở thời sẵn sàng lập gia đình rồi. Phần tôi cũng rất quí trọng ba má Huyền, những người nghèo mà thanh bạch, không thích bon chen luồn cúi. Hai ngày cuối tuần nàng mượn được chiếc xe gắn máy để tôi chở nàng đi xuống Tịnh Biên thăm kinh Vĩnh Tế và ngắm núi Tà Lơn ở bên kia biên giới Miên và bên này là Thất Sơn. Nàng giải thích một cách rành mạch (cô giáo mà lị…) về nguồn gốc của Thất Sơn. ”Anh biết hông…” Nhật Huyền thường bắt đầu câu chuyện kể cho tôi nghe bằng ba tiếng đó. ”Châu đốc có nhiều núi đồi lắm song lại không nằm trong nhóm Bảy Núi như núi Sam chẳng hạn. Mình đang đứng ở Tịnh Biên…” Nhật Huyền dậm dậm bàn chân nhỏ nhắn của nàng mấy lần trên mặt đất như để gây sự chú ý của tôi vì lúc đó tôi đang mãi mê ngắm phong cảnh toàn vùng. Giọng nói ấm dịu nhẹ êm, thoảng hương thơm của hoa đồng cỏ nội vang vang trong cơn gió nhẹ đến từ mặt kinh Vĩnh Tế. ”Anh biết hông… Đứng đây mình có thể thấy hết bảy ngọn núi chính của Thất Sơn…” Nhật Huyền đưa ngón tay nhỏ nhắn ra chỉ về hướng trước mặt. ”Anh nhìn theo ngón tay Huyền chỉ anh sẽ thấy phía bên trái của mình có hai ngọn là Ngũ Hồ Sơn và Anh Vũ Sơn. Dân chúng ở đây gọi Ngũ Hồ Sơn là núi Dài Năm Giếng vì có 5 hồ nước nhỏ nằm liên tiếp với nhau. Còn Anh Vũ Sơn là núi Két vì trên núi có những viên đá xếp chồng lên nhau giống như mũi con két khổng lồ. Phía bên trái của mình xa về hướng Ba Chúc thì có núi Tượng giống hình con voi hay Liên Hoa Sơn, núi Nước hay Thủy Đài Sơn và núi Dài hay Ngọa Long Sơn. Riêng núi Cô Tô thì xa hơn nằm ở trên miệt Tri Tôn… Phần núi Cấm hay Thiên Cẩm Sơn thì ngay đây nè…”Huyền nắm tay tôi lên chỉ về hướng trước mặt xế về bên trái một chút. Một ngọn núi cao nhất đứng riêng lẻ một mình với cây cối xanh rì nhô lên bầu trời nhiều mây xanh trông đơn độc và nhuốm chút huyền bí. Người ta đồn núi Cấm là nơi linh thiêng vì có nhiều người lên đó tu hành. ”Anh biết hông… em nghe ba má nói núi Cấm rất linh thiêng…” ”Mà Huyền có tin hông? ” Hỏi xong tôi bắt gặp nụ cười lỏn lẻn trên môi của nàng.” Dạ tin thì cũng tin… mà tin chút xíu thôi…”Huyền đưa hai ngón tay cái và trỏ lên làm dấu một khoảng cách rất ngắn khiến cho tôi phì cười và nàng cũng bật cười hăng hắc.” Huyền có hai bàn tay thật đẹp…”. Lần đầu tiên gặp nhau ở Sài Gòn tôi đã có nhận xét đó song lại không nói ra. Rồi trong suốt hai tháng nghỉ hè, tôi đã nhiều lần nhìn ngắm hai bàn tay của nàng mà cũng không hề nói tiếng khen cho tới hôm nay. ”Mấy người bạn dạy cùng trường đều nói Huyền phải là họa sĩ hay nhạc sĩ chứ làm cô giáo không hợp…” Huyền cười nói. Tôi nghe trong giọng nói của nàng chút buồn rầu và nhẫn nhục. Đưa hai bàn tay trắng hồng với những ngón tay thon dài lên như để cho tôi ngắm nghía Huyền thì thầm:” Huyền sẽ dùng mười ngón tay này viết thư cho anh…”” Thư tình hả…”Tôi hỏi trong lúc quay nhìn vào đôi mắt của nàng để thấy bóng mình lung linh trong đó và bên tai văng vẳng câu nói:” Điều đó tùy thuộc ở anh…”.Tôi thầm thở dài. Đời lính của tôi có quá nhiều điều ” không tính trước ” được. Nó làm cho tôi ngần ngại, do dự khi yêu và muốn lập gia đình với người mà mình thương yêu. Tôi là người ít có so sánh, phân biệt trong tình yêu. Xấu đẹp giàu nghèo tôi cóc cần. Ngu dốt, học thức, bằng cấp gì tôi cũng pha luôn. Chỉ cần tôi yêu được thì dù cô gái đó có nghèo rớt mồng tơi, đui mù, tàn phế, câm điếc tôi cũng lấy làm vợ. Đối với Huyền, tôi biết nếu lấy nhau tôi sẽ không lo lắng nhiều về tiền bạc sinh kế cho con cái sau này. Tôi chỉ lo có mỗi một điều. Nếu tôi chết… Tôi không muốn Huyền sống trong cảnh góa bụa hoặc đơn chiếc như mẹ tôi. Bà có chồng mà chồng lại ở xa nhà. Suốt quãng đời xuân xanh của bà là sự chờ đợi, chờ hoài hủy, chờ mõi mòn, chờ rũ buồn ra. Lúc còn nhỏ thì không biết, song từ khi có chút trí khôn, tôi đau nỗi đau của mẹ tôi, tôi buồn chung với nỗi buồn của mẹ tôi. Bà sống không chồng thì tôi sống không cha. Bà chờ một người đi xa chưa về thì tôi cũng chờ một người đi chưa chịu trở lại. Cho nên vào lính, đi đây đó, gặp nhiều người, có tình cảm với họ song tôi lại sợ làm cho họ chờ mình. Tôi sợ khi nghĩ tới vợ tôi cũng lại lâm vào tình cảnh bi thảm của mẹ tôi. Ánh mắt đăm chiêu, dõi trông về phương trời nào xa thẳm có hình bóng ai đó ám ảnh tôi. Tiếng thở dài u uất, những giọt lệ ứa ra âm thầm được lau vội đi vì sợ con thấy làm tôi ngần ngại chuyện lập gia đình. Tôi không thể nói cho Huyền biết ý nghĩ của tôi, cái day dứt mà tôi cưu mang trong trí. ”Anh biết hông…” Ba tiếng quen thuộc của Huyền làm đứt đoạn ý tưởng, tôi quay qua cười. ”Anh biết… anh biết là Huyền sẽ chở anh đi uống nước thốt nốt nguyên chất như Huyền đã hứa…” Câu nói của tôi làm nàng cười hăng hắc. ”Anh muốn Huyền lái xe hả…” ” ừ… Huyền lái để anh ngồi sau ôm eo ếch của Huyền. Cái này gọi là nhập gia tùy tục… có bạn thì tòng bạn… lấy vợ thì tòng thê…”. Cười hắc hắc Huyền để yên cho tôi ôm eo và ngã đầu vào lưng của nàng trong lúc xe chạy dọc theo con đường song song với dòng kinh đi về Châu Đốc. Vùng này thưa vắng nhà cửa vả lại cũng xa tỉnh lỵ nên ít người để ý vì thế cô giáo cảm thấy được tự do thành ra dạn dĩ hơn. Chứ còn ở nhà hay đi ra phố chợ, đi song song mà chúng tôi chưa hề có cử chỉ, thái độ nào âu yếm và tình tứ. Càng xa Sài Gòn chừng nào thì văn minh thành thị và ảnh hương của lối sống Âu Mỹ càng ít đi chừng đó. Châu Đốc là thị trấn miền biên giới lại thêm ngăn cách bởi hai con sông vì thế mà ảnh hưởng của Sài Gòn lan tới rất chậm so với những nơi khác như Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ hay Vĩnh Long. Trai gái ở đây vẫn ăn mặc giản dị và không theo mốt.Vì chiến tranh mỗi ngày một lan rộng do đó du khách cũng ít lui tới viếng thăm vùng Thất Sơn. Hàng quán mở ra chủ yếu bán cho dân địa phương thành ra không có chuyện bán hàng giả. Uống nước thốt nốt ở đây là thứ thiệt bởi vì pha thêm nước lả vào thì dân làng biết liền. Huyền ngừng xe ở cái quán bên đường cất dưới chòm cây thốt nốt cao nghều nghệu. Hai đứa ngồi vào cái bàn thấp với mấy cái ghế thấp lè tè. Xa đằng kia là Núi Dài Năm Giếng hay Ngũ Đài Sơn. Tiếp theo là Anh Vũ Sơn hay núi Két quay cái mũi khổng lồ chỉa về hướng năm cái giếng nước của Ngũ Đài Sơn như muốn uống nước. Hai ly nước thốt nốt có thêm phần cơm trăng trắng được mang ra. Vị ngọt mà mùi thơm. ”Ngọt hông anh? ” Huyền hỏi.Tôi cười thì thầm:” ngọt còn hơn…” Thấy tôi dừng nói và nhìn đăm đăm vào môi của mình Huyền chợt hiểu đỏ bừng mặt ”Anh kỳ ghê…”.Tôi yêu nét thẹn thùng của Huyền, cô gái miền Hậu Giang nhiều thuỳ mị, thẹn thùng và hiền thục. Từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Chương Thiện, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Chợ Mới, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến tre, Mỹ Tho, Cai Lậy, Cao Lãnh, các cô gái đều có nét đặc thù riêng làm thành nét duyên dáng làm tôi nhớ mãi không quên. Xin nhắc lại đây là ngày xưa của những năm 1967. Bây giờ thì tôi mù tịt nên chẳng dám viết gì.Ngước nhìn và xem xét cây thốt nốt tôi lên tiếng: ”Thốt nốt giống cây dừa nhưng trái lại khác…” ”Anh nói đúng… Trái thốt nốt màu tím như màu của trái cà tím, còn trái dừa màu xanh lúc còn non và vàng khi già. Trái thốt nốt hổng có nước ngọt như trái dừa đâu. Cơm của trái dừa mỏng và có vị ngọt trong khi cơm thốt nốt lại dày và không có vị… ” ” Ủa mà sao nước lại ngọt như…” Tôi ngắt lời Huyền. Hiểu ý tôi nàng cười sung sướng giải thích tiếp: ” nước thốt nốt được lấy từ cây chứ không phải ở trong trái dừa. Cực khổ lắm mới hứng được nước thốt nốt. Anh thấy cây thốt nốt cao lắm mà người ta phải leo lên tận ngọn, cắt cuống hoa để hứng nước vào ống tre. Bởi vậy nước thốt nốt quí lắm…” Tôi cười nhìn Huyền: ” Cũng như người Châu Đốc phải hông? ”Huyền cười gật đầu sung sướng nhận lãnh lời khen của tôi. Quả thật nước thốt nốt nguyên chất ngọt lịm, có thể nói ngọt như đường chứ không ngọt lờ lợ như nước dừa.” Anh có ăn đường thốt nốt chưa? ”” Chưa… ”” Một hồi Huyền sẽ mua đường thốt nốt cho anh ăn để anh…”Nói tới đó nàng ngưng lại mỉm cười má hồng lên cho tôi biết nàng đang mắc cỡ. Điều chưa nói ra phải có gì làm cho nàng thẹn thùng.” Để anh cái gì…””… Dạ… để anh nhớ hoài một cô gái Châu Đốc…” Huyền bật cười vui vẻ vì tìm được câu trả lời có ý nghĩa. Nhìn thẳng vào mặt tôi nàng lập lại và nhấn mạnh câu nói: ”Một thôi chứ hổng có hai nghen…” Tôi gật đầu: ”Một đủ rồi…”

Đêm cuối cùng ở Châu Đốc, sau khi cơm nước xong Huyền rủ tôi ra công viên chơi. Thích ngồi ở nhà hơn song tôi cũng chiều nàng cùng đi bộ ra công viên nằm cạnh bờ sông. Đèn tỉnh lỵ thiếu điện hắt hiu màu vàng buồn và ủ ê. Ngồi cạnh nhau chúng tôi im lặng nhiều hơn nói. Nghĩ tới sáng mai lên xe trở lại đơn vị bỏ lại đây một người con gái mà mình thương yêu, mỏi mòn chờ đợi một người đi biền biệt ngày về tôi cảm thấy xót thương cho thân phận của người đàn bà trong chiến tranh. Câu thơ ” Không chết người trai khói lửa mà chết người gái nhỏ miền xuôi ” trong Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan làm tôi chạnh lòng nghĩ rằng Huyền đã chết nửa tâm hồn rồi khi tôi rời nàng sáng ngày mai. Nghĩ tới thơ tôi yêu cầu Huyền ngâm cho tôi bài thơ của nàng làm nhưng nàng lắc đầu cười: ” Huyền sẽ đọc cho anh nghe bài thơ hổng phải của Huyền mà Huyền thích và biết anh cũng thích nữa…”. Mơ hồ tiếng sóng vỗ, tiếng gió rung cây và tiếng đọc thơ buồn da diết của người ngồi dựa vào mình, tôi nghe như từng giọt nước mắt rơi trong hồn mình: ” Đưa người, ta không đưa qua sông…. Sao có tiếng sóng ở trong lòng… Bóng chiều không thẳm, không vàng vọt… Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?… Đưa người ta chỉ đưa người ấy… Một giã gia đình một dửng dưng… Li khách! Li khách! Con đường nhỏ… Chí lớn chưa về bàn tay không… Thì không bao giờ nói trở lại!… Ba năm ” người tình ” cũng đừng mong…”. Tôi quay qua nhìn Huyền khi nghe nàng đổi hai tiếng mẹ già thành ra người tình. Sóng vỗ bờ đá và sóng ở trong lòng tôi nữa. Bây giờ tôi mới thấm thía những câu thơ của thi sĩ Thâm Tâm. Ôi bóng chiều không thẳm không vàng vọt… Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong. Nhìn vào đôi mắt lóng lánh lệ của Huyền tôi mới biết thế nào là hoàng hôn trong mắt trong. Khóc mà không có âm thanh. Khóc mà không có ngôn từ. Tôi nhớ lại những giọt nước mắt của mẹ tôi. Tôi nghĩ tới một sự chia lìa càng sớm càng tốt. Tôi muốn và tôi cầu xin Huyền hãy quên tôi để sống cho chính mình. Tôi với nàng gặp gỡ là để chia xa thì luyến lưu làm chi…Ta biết người buồn chiều hôm trước… Bây giờ mùa hạ sen nở nốt… Một chị, hai chị cũng như sen… Khuyên nốt em trai dòng lệ sót…. Ta biết người buồn sáng hôm nay… Trời chưa mùa thu tươi lắm thay… Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc… Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay… Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!… Mẹ thà coi như chiếc lá bay… Chị thà coi như là hạt bụi… Em thà coi như hơi rượu say… ”Tình thà coi như mây trắng bay…” Huyền im lặng thật lâu sau khi đọc hết bài thơ Tống Biệt Hành mà nàng đã thêm vào câu cuối cùng. Tôi biết vai mình nặng và ướt vì có người gục đầu vào đó.

Sáng hôm sau, mặc dù Huyền hẹn tôi tới nhà để nàng tiễn tôi ra bến xe nhưng tôi đáp chuyến xe sớm nhất rời Châu Đốc. Tôi sợ gặp lại Huyền. Tôi sợ tiễn đưa. Ngồi trong lòng chiếc xe đò chật hẹp tôi hỏi: ”bao giờ lòng mình mới hết tơ vương…”. Không có câu trả lời.

chu sa lan

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.