VĂN HÓA

Nhớ một Giáng Sinh khó quên trong đời

Nguyễn Ngọc Thể

 

                             Từ trên không bỗng vang lời thiên sứ

                            Giữa đêm khuya gọi mục đồng dậy đi

                            Đến hang lừa để chiêm ngắm Hài Nhi

                            Vừa hạ sinh nơi hang lừa máng cỏ.

 

                            Chúa giáng trần thương người đầy đau khổ

                            Bởi đeo mang xiềng xích của tội tình.

                            Hãy đứng lên ra khỏi cảnh sinh linh

                            Và vui lên sống trong ân tình Chúa…

 

Cộng sản tràn vào miền Nam năm 1975 như không ai ngờ được. Thực ra, đây chỉ là một toan tính sai lầm của người lãnh đạo. TT Nguyễn Văn Thiệu, người đã từng tuyên bố, “tôi sẽ sống chết, quyết tử với người đồng đội cho đến giây phút cuối cùng” (?). Một lời tuyền bố suông, vì không được Mỹ chi viện, nên ông đã tháu cáy rút bỏ miền Trung ,Vùng 1 chiến thuật (V1CT), rồi V2CT, những mong thấy thế mà Mỹ sẽ chi viện tiếp. Ông Thiệu đã lầm, đã tính sai nước cờ,  và cuối cùng,  ông đã cùng gia đình rời Sài gòn trước khi cộng quân đến. Trước khi Sài gòn dẫy chết thì quốc hội Hoa kỳ,  bàn tính sôi nổi về ngân khoản giúp chính phủ Sài gòn, từ 700 triệu, xuống còn 300 triệu, nhưng rồi cũng không giúp bởi vài thượng nghị sĩ (TNS) quá quắt không chịu chi viện cho miền Nam nữa. Trong số các TNS này có Joe Biden, John Kerry, v.v.

Sài gòn đang trong cơn khủng hoảng, rồi buông súng đầu hàng, theo lệnh của Big Minh (đại tướng Dương Văn Minh) [1]. Trước tình thế này, đã có một ít tướng lãnh phải tự vẫn (killed themselves), như tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Vùng 4 chiến thuật, tướng nguyễn Văn Phú, tư lệnh Vùng 2 chiến thuật, v.v.  vì không thể khuất phục cộng sản. Ở đây, người viết không muốn đề cập thêm về chính trị, mà chỉ nêu vài chi tiết nhỏ đã dẫn đến việc Sai gòn thất thủ.

Cộng sản vào Sài gòn ngày 30.4.1975. Hậu quả là hầu hết các viên chức chính phủ, hàng ngũ quân đội, làm việc dưới chế độ VNCH phải gặp thử thách, tù tội. Những ai cao bay xa chạy sớm như những viên chức làm việc cho Mỹ, quân đội, nếu đã có phương tiện sẵn, thì đã vượt thoát được khỏi Việt nam. Riêng tôi, những ngày trước đó, cũng đã toan tính đưa gia đinh từ Qui nhơn, rồi Nha trang để hướng về  Sài gòn, nhưng nào được. Vì thế, trên đường di chuyển, gia đình tôi phải dừng chân tạm tại Bình Tuy, thì đúng ngày cộng quân vào tiến chiếm dinh Độc lập! Thế là xong cuộc. Sau đó, gia đình tôi vẫn tiếp tục tìm cách vào đến Sài gòn để rồi chờ lệnh của cộng sản!

Đến tháng 6 năm 1975, lệnh tập trung được ban bố trên đài phát thanh Sài gòn, và tùy theo ngành như công chức, tùy theo từng cấp bậc trong quân đội, phải trình diện theo ngày và những địa điểm đã được ấn định để rồi tập trung vào các trại tù (cộng sản gọi là trại cải tạo). Cuối cùng, riêng cá nhân tôi, đã cùng với hàng ngàn sĩ quan, từ thành phố Sài gòn, được đưa vào rừng sâu Tây Ninh. Phải mất một ngày một đêm mới đến nơi. Tại đây, không lều, không trại, không một chút tiện nghi và mỗi người cũng chỉ mang theo vài bộ đồ, một ít tiền, đủ để sống cho 10 ngày “cải tạo” (theo thông báo của chúng).  Đây là một cú lừa đau đớn nhất những người phục vụ dưới chế độ cộng hòa. Nơi cánh rừng này, chỉ thấy toàn là những cây to lớn rậm rạp. Đó đây, toàn những hố bom mà quân đội VNCH và Mỹ đã từng ném xuống trước đây. Sau cùng, đã bỏ ngỏ, mặc cho cộng sản chiếm đóng làm mật khu.

Chiều đang xuống dần trong cánh rừng âm u. Trời đã tối hẳn giữa bao lo toan, phập phồng, vì không biết số phận mình sẽ ra sao?. Lương thực thì chưa có gì để ăn. Đêm đêm, chỉ nghe tiếng thú rừng hú, gà rừng gáy, và rồi giấc ngủ đến lúc nào không hay, vì mệt lả, đói khát suốt đêm ngày qua. Sáng hôm sau, theo chỉ thị của những tên coi tù cộng sản, chúng tôi đã phải đi chặt cây rừng, chặt lá cây để làm lều mà ở, theo từng nhóm 10 người.

Sống ở rừng Tây Ninh này được 1 năm, bọn chúng đã cho một số anh em chúng tôi di chuyển  đến trại tù Biên hòa năm 1976. Trại tù này có tên là “Suối máu.” Nghe tên trại đã thấy rởn tóc gáy rồi! Nơi đây, bọn cộng sản đã phân chia chúng tôi vào 5 phân trại được đặt tên là K1, K2 cho đến K5. Mỗi phân trại như thế gồm có hàng ngàn sĩ quan, từ cấp thiếu úy đến đại úy. Trong số này, có một ít là những vị linh mục tuyên úy công giáo.

  

Dịp gần cuối năm 1978, khi Mùa Giáng sinh đang đến gần.Thấy tình hình trong trại tương đối “dễ thở”, chúng tôi, những sĩ quan công giáo, tìm cách liên lạc giữa các phân trại với nhau để chuẩn bị cho ngày lễ Chúa Giáng sinh. Mỗi phân trại được ngăn cách bằng những vòng rào kẽm gai. Đối với ngày lễ này hay một vài sinh hoạt khác liên quan đến tôn giáo, bọn chúng đã ngăm đe, cấm đoán, vì chúng bảo rằng, “chúng tôi vào đây không còn tôn giáo nữa”. Dù vậy, chúng tôi vẫn âm thầm, lén lút liên kết theo nhóm 5, 7 người để cầu nguyện mỗi tối. Đây là lúc chúng triệt hạ niềm tin của mỗi người con Chúa. Vậy để tổ chức đêm Vọng Giáng sinh sắp tới bằng cách nào? Như vừa nói trên, chúng tôi đã liên lạc nhau, qua hàng rào, để tùy tình hình, hoàn cảnh, giờ giấc, cùng nhau tổ chức lễ vọng GS.

Nơi trại của chúng tôi, có 4 anh em là những người trong ban tổ chức, gồm: 2 cựu giáo sư trường trung học Taberd và 2 cựu chủng sinh. Tôi là một trong số 4 người. Trước lễ 3, 4 tuần, chúng tôi đã quy tụ được một số anh em thích ca nhạc để thành lập ban thánh ca mà đa số là những anh em ngoài công giáo, là những cựu sĩ quan chiến tranh chính trị. Ban hát thánh ca có được 50 người. Trước lễ mấy tuần, chúng tôi đã tập dượt thánh ca Giáng sinh ngay tại hội trường vào những hôm mà bọn chúng không bắt chúng tôi ra khỏi trại đi lao động. Bọn coi tù làm ngơ sao? Không, không phải vậy đâu. Thường thường, bọn chúng  ở ngoài trại. Thỉnh thoảng,  chúng vào bên trong trại, ngày hoặc đêm, là để kiểm soát. Vậy những lúc ban ngày chúng tôi tập dượt thánh ca, chúng tôi đã bố trí những anh em tình nguyện “báo động dây chuyền” từ cổng vào, nên nếu chúng vào trại bất ngờ, và nhờ có báo động, chúng tôi tạm ngưng tập dượt hát. Dĩ nhiên, khi chúng tôi đứng ra tổ chức lễ cũng như những anh em trong ban hát thánh ca, ai nấy đều mặc nhiên chấp nhận những thử thách, tai họa có thể xảy đến.

Ngày lễ Vọng Giáng sinh đến. Bấy giờ khoảng  6 giờ. Trời bắt đầu nhá nhem tối. Tới giờ, nhiều anh em tại các phân trại đều tập trung ở hội trường. Tuy nhiên, tùy tình hình của mỗi trại, giờ giấc có thể thay đổi, sớm hoặc muộn hơn. Riêng tại trại của chúng tôi, nhiều anh em trong trại, và dĩ nhiên,  cũng có những anh em ngoài công giáo, cũng bắt đầu tụ lại ở hội trường. Chúng tôi đã kín đáo nhắc nhở anh em là không làm bất cử điều gì gây huyên náo, khiến bọn chúng nghi ngờ, theo dõi. Mỗi chiều, sau khi ăn uống xong, thường bọn chúng không vào trong trại. Và chúng tôi cử hành nghi thức Vọng GS như thế này. Ban hát thánh ca, hát bài mở đầu “Trời Cao”. Tiếp đến, chúng tôi nói vắn tắc ý nghĩa ngày lễ GS, đọc một đoạn Kinh Thánh về ngày lễ. Tôi đã mang theo được quyển Kinh Thánh loại bỏ túi, và cũng đã nhiều lần cất giấu đủ cách để không bị lộ và bị tịch thu. (Đây chính là thức ăn tinh thần của riêng tôi và một số các bạn mà tôi có thể tin tưởng, trong suốt thời gian bị giam cầm, gần 6 năm trời).

Sau phần giải thích ý nghĩa ngày lễ GS thì hát thánh ca nữa và có phần rước Mình Thánh. (Về phần này, chúng tôi phải chuẩn bị trước, nhờ người nhà, xin nơi các cha bên ngoài. Không biết sao, trong hoàn cảnh này, các cha cũng trao Mình Thánh để gia đình đi thăm nuôi thì mang vào và Mình Thánh được chứa trong bình nhựa nhỏ, bên ngoài đề chữ “mắm ruốt”, để tránh  bị kiểm soát). Lúc trao Mình Thánh, chỉ có những anh em công giáo lên rước Chúa. Có anh, khi lên nhận Mình Chúa, nước mắt chảy giàn giụa vì quá cảm động. Sau đó, anh đã tâm sự, “tôi là người công giáo, nhưng trước đây, sống rất bê bối, không mấy khi đến nhà thờ. Bây giờ, anh nói tiếp, tại sao trong hoàn cảnh này mà các anh dám đứng ra tổ chức (!)”

Nghi thức mừng lễ Vọng GS chấm dứt. Thời gian khoảng nửa giờ. Riêng ban hát thánh ca, được thưởng thức mỗi người chén chè đậu xanh, vì có người chuẩn bị nấu trước. Sau đó, giải tán ngay để về chỗ ngủ trong tĩnh lặng. Tạ ơn Chúa vì Ngài đã giúp những anh em tù như chúng con chuẩn bị mừng lễ Sinh nhật của Ngài trong hoàn cảnh khó khăn, đầy gian nguy này. Tưởng củng xin nói rõ ở đây, những người cộng sản coi tù đã từng công bố: “Các anh ở đây không còn có tự do tôn giáo nữa! Ai vi phạm sẽ bị xử phạt nặng.” Mặc chúng nói gì thì nói, phần anh em chúng tôi vẫn âm thầm tiến hành chuẩn bị và thực hiện.  Vì lòng tin, chúng tôi không ngại ngùng, kể cả có thể bị bắt, tra tấn hay đánh đập. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần như thế rồi. Dù vậy, trong đêm, có vài anh em trong ban tổ chức nơi trại kế bên, sau khi cử hành nghi thức vọng GS như chúng tôi, đã bị bọn chúng vào trại bắt và dẫn riêng ra hỏi cung.

Chúng tôi, nhưng người cùng hoàn cảnh, lo lắng, cầu nguyện cho những anh em này; đồng thời, cũng bàn kế hoạch, nếu nửa đêm mà những anh em này chưa được cho vào trại, chúng tôi sẽ lại tập trung ở hội trường và đưa yêu sách, qua một tuyên cáo thật ngắn, bằng cách kêu gọi tất cả anh em,  qua ngày hôm sau (25/12) sẽ không đi lao động, sẽ không lãnh thực phẩm (tuyệt thực), v.v. Tuy nhiên, cho đến khuya, chúng đã thả ra những anh em này vào trại. Chúng tôi đã theo dõi sát  sự việc này và khi các anh em trại kế bên được thả vào lại trong trại, chúng tôi đã thông báo cho nhau, cả 5 trại đều cùng thức dậy, vỗ tay vang  trời và cùng hát bài  “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…” Từ bên ngoài hàng rào, bọn chúng đã bảo nhau, giọng chí chóe, “Các đồng chí không được vào bên trong trại lúc này, vì có thể sẽ có đổ máu…”   Tiếng hát vang lên giữa trời đêm, đêm mà cả nhân loại, không phân biệt tôn giáo, đang cùng canh thức mừng kỷ niệm Chúa Giê su ra đời. Tất cả, sau đó đều đi ngủ trở lại.

Sáng hôm sau, ngay chính lễ Giáng sinh (25 tháng 12), chúng đã cho tập họp như thường lệ, theo từng trại, và thay vì chúng bắt đi lao động, thì chúng bắt đầu “điểm mặt” để xem ai là những người đã đứng ra tổ chức lễ đêm qua. Chúng còn tuyền bố, ‘chúng tôi đã biết được tên những ai tổ chức việc này. Rồi đây, những anh đó sẽ không bao giờ về với gia đình.”

Chúng tôi nghĩ, chúng đã dọa suông, vì làm sao mà chúng biết được, trừ phi có người trong số anh em chúng tôi điềm chỉ (chúng tôi đặt tên những người này là “những antenna”). Một vài anh em trẻ đã bị gọi riêng ra và dẫn đi, vì chúng lầm tưởng như thế. Chúng tôi, đang âm thầm xin ơn Chúa che chở. Chưa xong, những ngày tiếp theo, bọn công an thường xuyên vào trong trại, sáng, chiều hoặc tối, rảo quanh, gặp bất cứ ai mang kiếng [2],  bắt đưa đi. Thế là những anh em khác báo cho nhau về sự việc này. Cá nhân tôi, vì cũng là người đang mang kiếng, và cũng lại là người ở trong Ban tổ chức lễ, nên đành phải giấu đi mắt kiếng!

Lễ Giáng sinh đã qua. Mọi việc rồi dần dà cũng lắng đọng. Bọn coi tù không còn đề cập đến nữa, nhưng vẫn thường xuyên để ý theo dõi những “phần tử xấu” như chúng tôi.

Nhờ hồng ân Chúa ban cho, sau khi ra khỏi lao tù, và chỉ một lần duy nhất, tôi đã vượt thoát ra khỏi VN để được đến định cư, sống tại một đất nước tự do Hoa kỳ. Nay đang sống xa xứ, lòng vẫn mãi luôn tưởng nhớ đến quê Mẹ Việt nam mà nơi đó bao con dân vẫn còn đang chịu muôn bề thống khổ.  Lễ Giáng sinh hiện tại nơi xứ người, tôi không khỏi nghĩ đến một đêm mừng kỷ niệm Chúa giáng trần trong cảnh tù cộng sản. Thế cho nên, dù sống trong hoàn cảnh nào, sung sướng hay đau khổ, đức tin của chúng ta vẫn luôn bị thử thách. Vì thế, mỗi ngày chúng ta vẫn phải luôn kêu xin Chúa ban thêm đức tin để nhờ đó, cuộc sống đạochúng ta ngày càng thêm kiên vững hơn.

___________________________________

[1] Dương Văn Minh cũng có người em ruột, tên Dương Văn Nhật, thuộc hàng ngũ cộng sản ở miền Bắc.

[2] Bọn chúng không thích những ai đeo kiếng. Có lần, một linh mục cùng trại, buổi sáng đi ra ngoài lao động. Khi đến cổng, tên gác la lên: “anh kia quăng kiếng đi.” Vị Lm  này lập tức ném kiếng vào hàng rào; nhưng sau đó, một anh đại diện đã nói, “anh  này  mắt bị bệnh”, nên tên gác đã cho lấy kiếng lại để mang.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.