VĂN HÓA

Cách thức xưng hô trong gia đình Việt Nam

Lê Nguyễn Quang Dũng

Để Trả Lời Cho Quý Em Hay Về Cách Xưng Hô Tiếng Việt Nam….

  1. CÁCH XƯNG HÔ CÁ BIỆT CỦA TIẾNG NÓI VIỆT NAM TRONG GIA ĐÌNH

Lê Nguyễn nhận thấy, so với nhiều tiếng nói đang phổ biến trong thế giới, lối nói của người Việt chúng ta, trong cách xưng hô có những nét độc đáo và cá biệt không có dân tộc nào có được. Chúng ta có cái nét đẹp ở điểm này. Bởi chúng ta hầu như không dùng đại danh từ để xưng hô.

Chẳng hạn, trong tiếng Pháp :”Je te dis ceci”. Hai chữ “je” và “te” là đại danh từ. Nếu dịch ra ra Việt ngữ theo lối nói ngọng của một số người mới bập bẹ tiếng Việt thì chúng ta có thể nói : tôi nói với mầy cái này. Tôi (tao, tau, tớ) nói với mầy (mày, mi) cái này, là hai đại danh từ có trong tiếng Việt, nhưng không mấy khi dùng đến trong lối xưng hô thực tế cùng linh động của chúng ta.

Hay đúng hơn, Tôi (1) được dùng một cách tổng quát đối với một cử tọa hoặc độc giả, hay trong các bài viết hoặc với một người xa lạ đồng hàng. Tao, tau, tớ và mầy, mày, mi chỉ được sử dụng giữa những bạn hữu bằng tuổi và rất thân, hoặc khi người ta tỏ thái độ giận giữ, miệt thị. Tùy hoàn cảnh, chúng ta nói : Con thưa Cha, Ba, Bố, Thầy, Tía việc này. Chú bảo cháu điều này… Các chữ con, cha, ba, bố, thầy, tía, chú và cháu là danh từ được dùng như đại danh từ.

Qua lối xưng hô đặc biệt và đặc thù ấy, nhiều nhà nghiên cứu đã cho ưng minh và giải thích để đưa ra những nhận xét sau đây :

  1. Quả tiếng Việt ưu tiên sử dụng những lối nói trực tiếp linh động trong từng hoàn cảnh cá biệt. Thay vì ý niệm hóa thành các đại danh từ phổ quát hơn cùng trừu tượng hơn.
  2. Xét về mặt nguyên nhân có tính cách văn hóa, có thể cộng đồng người Việt phân biệt rõ hai cảnh vực khác nhau : một mặt cảnh vực tương quan giữa con người với nhau, hoặc con người với Thần Linh. Và mặt khác, là mối tương quan dựa trên hiểu biết khách quan, trừu tượng, liên hệ đến sinh hoạt và lối tiêp xúc với đồ vật. Đẹp thay, tương quan rất phong phú giữa người với người trong tiếng nói của chúng ta, đó là phản ảnh một sự nhìn nhận PHẨM GIÁ cùng VỊ TRÍ cá biệt của mỗi người. Trong tương quan gặp gỡ “Cha và Con” chẳng hạn, thời chúng ta thấy hai bên nhìn nhận và cần có nhau.

Hiển nhiên, xét theo sự hiểu biết sự vật theo thước đo của thời gian khách quan, thời trước khi có người con bây giờ người Cha đã là một ông A, ông B hay ông C nào đó. Nhưng trong giây phút tiếp xúc giữa hai người qua lời nói, người Cha và người Con đang cùng nhau hiện hữu để thể hiện phẩm giá làm người của mình, trong một vị thế tương giao cụ thể không thể thay thế. Trái lại, khi nói tôi ăn cơm, tôi đánh răng, tôi học bài, tôi làm bài toán, tôi thấy các ngôi sao…, thì các chữ tôi đại danh từ này là chủ từ của bất cứ một sự hiểu biết nào, một hành động nào trong mối tương quan giữa con người với một đối vật nào đó.

Nếu chúng ta chuyển qua ngôn ngữ triết học, thời tương giao linh hoạt giữa Cha và Con chẳng hạn, chúng ta gọi là chều kích cảnh vực con người (cõi người ta). Còn mối tương quan thứ hai giữa người và đối vật (đối tượng này có thể là con người, nhưng con người đây đã từng chuyển vào khung tương giao đối vật), chúng ta gọi là chiều kích đất.

  1. Cách xưng hô tiếng Việt khi tiếp xúc bới bất cứ ai trong xã hội mà mình gặp, bằng những danh từ dùng để chỉ người thân trong gia đình như thưa ông, thưa bà, bác, chú, anh chị, cô dì, cậu mợ…) cho thấy người Việt lấy gia đinh làm nơi khởi đầu cho cộng đồng xã hội. Mặt khác sự kiện ấy, chứng minh hùng hồn cùng cụ thể Tình Huynh Đệ nhân loại ( tứ hải giai huynh đệ) trong cách cư xử hằng ngày.
  2. Về hậu quả, tuyệt vời thay cách xưng hô trong tiếng nói Việt Nam có thể là một cộng đồng con người biết trên dưới, trật tự, phát huy dễ dàng những mối tình cảm thân thiết cùng cách cư xử lễ nghĩa rất linh động, gây ý thức về các Đạo Làm Người trong nhiều mối tương giao riêng như đạo hiếu, đạo vợ chồng, cha mẹ, con cháu, đạo thầy trò, đạo bằng hữu, chủ tớ….

Nhưng hai khuyết điểm sau đây Lê Nguyễn có thể nêu lên :

  1. Trước hết, tương giao xã hội có trật tự trên-dưới được tôn vinh quá mức, mà quên lãng chiều kích Trời và Đất. Đúng vậy, tương quan giữa người và người trong cuộc sống lễ nghĩa chưa đủ, để chi phối hết ý nghĩa và phẩm giá nhân vị. Có những tương quan sâu hơn nữa, người ta gọi là tiếng nói của Trời mà tương quan giữa người với nhau phải lưu ý. Chẳng hạn, không thể nhân danh tương quan cha con, thầy trò để bất chấp Đạo Lý lương tâm, nghĩa là tiếng của Trời nói riêng với mình.

Và điểm tiêu cực dễ nhận ra cả, đó là việc tuyệt đuối hóa các vị trí trên dưới, các lối biểu lộ tương quan trong cách xưng hô thành một xã hội khép kín, mặc cảm tự tri, rụt rè không dám nói thật. Và đó là một trong những nguyên nhân hạn chế việc phát huy kiến thức khoa học trừu tượng, tinh thần dân chủ cùng bình đẳng. Nhất là, một lối nhẫn nhục đến như khiếp nhược của giới trẻ cùng phụ nữ, trong sinh hoạt cộng đồng bên cạnh một nhân cách kẻ cả, cố chấp và lắm lúc vô tâm của các bậc bề trên.

  1. Lê Nguyễn nhận thấy, về kỷ thuật sử dụng tiếng nói Việt Nam, thời ngay cả đối với người Việt bình thường cách xưng hô của chúng ta quả là tế nhị, khó khăn. Không phải chỉ dựa trên tương quan trên dưới, liên hệ huyết tộc, hoàn cảnh xã hội, song còn tùy thuộc tâm tình lúc vui, lúc giận, lúc buồn, lúc cay cứ châm biến, lúc nài nỉ…. chưa kể đến các lối xưng hô tùy vùng địa lý, và dựa trên những cách đánh giá ưu tiên theo giá trị chọn lựa. Chẳng hạn, người Bắc thời gọi chị của mẹ là bác, chồng em gái của mẹ là chú, người Trung và người Nam thời chị hay em gái của mẹ đều gọi là dì, và hễ chồng của dì hay của cô đều gọi là dượng hay trượng.

Một điểm đặc biệt hơn nữa, là phần lớn trong cách xưng hô của người Việt các danh từ cụ thể được dùng, chứ không phải là đại danh từ, mà nhiều khi người ta không dùng đến các danh từ nữa. Đơn cử : thay vì nói “con lấy giùm mẹ ly nước” thì chỉ nói “lấy giùm ly nước”. Trừ ra quá khách sáo hoặc ông Tây bà Đầm mới học tiếng Việt thôi, còn người Việt chúng ta thông thường bỏ hẳn hai chữ con và mẹ trong câu nói này. Xưng hô như vậy, hẳn máy điện toán khó mà thay thế cho lời nói linh hoạt cùng đầy nghệ thuật của con người !

  1. DANH XƯNG CÙNG CÁCH XƯNG HÔ TRONG GIA ĐÌNH VIỆT NAM
  2. Bậc Bề Trên Cấp Cha Mẹ
  3. Bậc bề trên cha mẹ nói chung : ông bà tổ tiên
    2. Theo thứ tự thời gian : ông-bà cố-tổ, tằng tổ, cao tổ
    3. Cha mẹ của cha hoặc của mẹ : ông bà nội hoặc ngoại
    4. Anh chị em của ông-bà-cố-tổ : xem danh xưng C/ liên quan đến anh chị em của cha mẹ và đặt ở đằng sau tên ông-bà-cố-tổ. Chẳng hạn ông chú ngoại, bà cô nội…
    5. Xưng hô với các bậc này thì dùng chữ cháu
    6. Ở ngôi thứ ba, tương quan với bậc từ cố trở lên thời gọi là chắt.
    7. Ở một vài tỉnh miền Trung ông bà được gọi là “ông mệ”
  4. Cha Mẹ Con Cái Và Anh Chị Em
  5. Cha : Cả ba miền Nam Bắc Trung : gọi cha, ba, trong văn chương cùng ngôi thứ ba thì còn gọi là thân phụ, ông thân sinh, trong thân mật ở ngôi thứ ba thì gọi là ông già. Miền Bắc : gọi bố, thầy, cậu (ngôi thứ ba ông cụ nhà tôi). Miền Nam : gọi tía. Miền Trung : một vài nơi gọi cha bằng chú.
    2. Mẹ : Cả ba miền : gọi Mẹ, thân mẫu, bà thân sinh… bà già… Miền Bắc : gọi me, má, u, bu, đẻ, cái, mợ. Miền Nam : goi má. Miền Trung : gọi mạ. Trước đây trong chế độ đa thê, người con ruột gọi mẹ mình bằng chị, nhưng gọi, nhưng gọi bà vợ chánh của cha mình bằng mẹ.
    3. Anh : Cả ba miền : gọi anh, (tiếng văn chương ở ngôi thứ ba là bào huynh). Miền Trung : một vài nơi gọi là eng. Người anh đầu người Bắc gọi là anh cả, người Nam gọi là anh hai. Ở ngôi thứ ba, danh từ kép anh-em được người miền Trung gọi là eng-am.
    4. Chị : Cả ba miền : gọi chị (bào tỷ). Miền Trung một vài vùng gọi là ả. Miền Băc, chị đầu gọi là chị cả. Miền Nam, chị đầu gọi là chị hai.
    5. Em trai, em gái : Cả ba miền : gọi em hay (bào đệ, bào muội). Miền Trung : gọi út. Nếu người Trung gọi là út, thì chữ út này được người Nam và người Bắc hiểu là người em cuối cùng trong gia đinh. Người Trung dùng chữ tui (là chữ tôi nhưng âm hưởng là em) để xưng hô với anh chị mình.
    6. Chồng chị và chồng em gái gọi là anh rể và em rể. Vợ anh trai và vợ em trai thì gọi là chị dâu cùng em dâu.
    7. Vợ con trai mình gọi là con dâu, chồng con gái mình gọi là con rể.
    8. Cha, mẹ, anh, chị em của chồng gọi là cha chồng, mẹ chồng, chị chồng, anh chồng, em chồng. Cha, mẹ, anh, chị, em của vợ gọi là cha vợ, mẹ vợ, anh vợ, chị vợ và em vợ.

NB : Khi xưng hô với nhau giữa hai người thì các chữ rể, dâu, chồng, vợ sẽ mất đi. Ví dụ, con dâu nói với mẹ chồng :”Con xin phép mẹ” – hoặc cha vợ nói với con rể :”Cha nhờ con việc này” – Khi nói với người thứ ba thì thêm rể… tôi : con rể tôi, con dâu tôi; cha chồng (vợ) tôi, mẹ chồng (vợ) tôi.
9. Cha mẹ gọi con ruột mình là con. Nhưng người Bắc thường xưng hô với con trai cùng con gái đã lớn tuổi của mình bằng anh và cô.
10. Chồng gọi vợ là em, mình. Vợ gọi chồng bằng anh, mình. Khi mới quen còn e ấp, ngượng ngùng thì gọi nhau là đằng ấy. Nhưng khi đã có con cái thì lúc gọi nhau là ba hay mẹ. Tại một vài nơi ở miền Trung người ta gọi cha hoặc mạ và thêm tên đứa con đầu : chẳng hạn đứa con đầu tên là Hùng, thì vợ gọi chồng là cha thằng Hùng, chồng gọi vợ là Mạ thằng Hùng. Và người ngoài xưng hô là ông Hùng, mụ Hùng chứ không gọi tên thật còn gọi là tên tục. Người vợ hoặc người chồng nói về người phối ngẫu của mình với người thứ ba bằng nhà tôi.
11. Chồng của mẹ, không phải là cha ruột mình thì gọi là dượng, người Trung còn gọi là Trượng.
12. Vợ của cha, mà không phải mẹ ruột mình thì gọi là dì ghẻ, nếu là vợ chính của cha, trong chế độ gia đình xưa thì gọi là mẹ.

  1. Anh Chị Em Của Cha Mẹ, Anh Chị Em Họ
  2. Anh của cha : Cả ba miền : gọi bác (bá phụ).
    2. Vợ của anh cha : Cả ba miền : gọi bác (bá mẫu).
    3. Em trai của cha : Cả ba miền : gọi thím (thúc mẫu)
    4. Chị của cha : người Bắc gọi là bác. Người Trung gọi o, Nam gọi cô.
    5. Chồng chị của cha : người Bắc gọi Bác. Người Trung và Nam gọi Dượng, Trượng.
    6. Chồng em gái của cha : người Bắc gọi là chú. Người Nam và Trung gọi dượng, trượng.
    7. Anh trai của mẹ : người Bắc gọi bác. Người Nam và Trung gọi cậu, người Trung còn gọi là cụ.
    8. Vợ anh trai của mẹ : người Bắc gọi Bác. Người Trung và Nam gọi mợ, người Trung còn gọi là mự.
    9. Em trai của mẹ : Cả ba miền gọi cậu. Người Trung còn gọi là cụ.
    10. Vợ em trai của mẹ : Cả ba miền gọi mợ, người Trung còn gọi là mự.
    11. Chị của Mẹ : người Bắc gọi bác. Người Trung và Nam gọi dì.
    12. Chồng chị của mẹ : người Bắc gọi bác. Người Trung và Nam gọi dượng, trượng.
    13. Em gái của Mẹ : Cả ba miền gọi dì.
    14. Chồng em gái của mẹ : người Bắc gọi chú. Người Trung và Nam gọi dượng, trượng.
    15. Anh chị em họ : Cả ba miền vẫn gọi là anh, chị, em như anh chị em ruột. Nhưng cấp bậc anh chị họ có nơi dựa trên tuổi tác cá nhân, có nơi đặc biệt ở miền Trung thì tùy vị thế trên dưới của các bậc cha mẹ. Chẳng hạn người con của chú mình dầu lớn mình cả 20 tuổi, nhưng vẫn gọi mình bằng anh và mình gọi lại bằng chú (tức là chú em).
    16. Bác, chú, cô o, cậu mợ, dì dượng…. gọi các con anh em mình bằng cháu. Trong cách xưng hô với anh chị em của cha mẹ, người Bắc ưu tiên tuổi tác khi gọi anh, chị cha và mẹ là bác, và cấp nhỏ là chú cậu, cô mợ và không dùng chữ dượng, trượng.

Người Nam và Trung ưu tiên về nội ngoại, thân sơ. Dì thì luôn bên ngoại dù tuổi lớn hay nhỏ ; cô hoặc o thì luôn bên nội dù chị hay em của cha. Chú thì chỉ dùng cho em cha, thuộc bên nội thôi. Người không dòng máu cha mẹ thì gọi là dượng hay trượng, mợ, thím để phân biệt với bác trai, chú, cô o, cậu là anh em ruột thịt. Chỉ có cách gọi bác gái vợ anh trai của cha là một ngoại lệ.

III. KẾT LUẬN

Tóm lại để kết thúc bài viết, Lê Nguyễn nghĩ cách xưng hô trong gia đình Việt Nam là một nét đặc thù và là nét độc đáo, duy nhất có người Việt xưng gọi một cách tinh tế, có một không hai trên thế giới này. Lê Nguyễn dám nói mà không sợ sai lầm, cách xưng hô như Lê Nguyễn trình bày ỏ trên là một sự phong phú, đa dạng, một nét văn hóa văn hiến hơn người mà cha ông chúng ta truyền dạy cho con cháu phải bảo tồn và lưu giữ.

Lê Nguyễn tự hào mình sinh ra là NGƯỜI VIỆT NAM có được gần 5000 năm Văn Hiến. Bởi vì Cách xưng hô của người Việt Nam đẹp ở Cái Lễ Nghĩa, nhất là biết tôn trong phẩm giá và giá trị nhân vị mà mấy ngàn năm trước, từ khi lập quốc, tổ tiên, cha ông chúng ta đã biết gọi nhau một cách rất lễ độ, lịch lãm, tinh tế và văn hóa hơn người. Và đó là cái đạo lý làm người, cái nhân cách đáng trân trọng khi chúng ta biết cách xưng hô cho phải phép, cho tao nhã lịch thiệp với những người trong gia đình, thân thuộc và người ta.

  1. Chữ tôi, tớ ở đây là đại danh từ, nhưng có nguồn gốc sinh từ là tôi, tớ (danh từ : có nghĩa là người bên dưới, người giúp việc trong nhà).

Tối Thứ Tư 19 Tháng 8 Năm 2020
Lê Nguyễn Quang Dũng Việt Nam

QuangDung Lê Nguyễn‎ to DIỄN ĐÀN NHÂN BẢN

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.