TÔN GIÁO

Về nguồn

Lm. Joseph Nguyễn Huyền

 

Trong tâm trí người Việt nam chúng ta, thường thì ai cũng mong được về quê mẹ một lần trong đời mình. Nơi mảnh đất mẹ mình đã được sinh ra, lớn lên và cuối cùng trở thành người mẹ của mình. Có một liên hệ như một cội nguồn nảo đó, mà mơ ước về nguồn như một hiện thực trong tâm trí mọi người. Hành hương về Thánh Địa thực sự chỉ là một hành trình về đất nước Do Thái. Một cuộc du lịch về Jerusalem, Bethlehem, Nazareth, Galelia, Giêrico và Capernaum.

Nhưng trong mỗi bước đi trên những mảnh đất đó, nhiều người đã bật khóc vì những cảm xúc dâng lên trong lòng. Có một điều gì rất sâu kín trong tâm hồn của những người con cái Chúa và Mẹ Maria, đã nóng lên thành những giòng lệ lăn dài trên khoé mắt, dẫu rằng có nhiều người đã vội lau đi trước đám đông của đoàn hành hương. Nhưng khi họ ngồi bên mộ Chúa suốt đêm, thì những giồng lệ lại rất dài theo đêm khuya.

Trong đời của tín hữu chúng ta luôn luôn có hai người mẹ. Một người mẹ đã sinh ra chúng ta, và Mẹ Maria trên trời. Hành trình về Đất thánh, nhất là về lại Nazareth, chúng ta cảm nghiệm được quê Mẹ Maria, nơi mẹ đã sinh ra, lớn lên và làm Mẹ Chúa Cứu Thế.  Khi chúng ta đi thăm những nơi ngày xưa Chúa đã đi qua, từ sa mạc Chúa ở bốn mươi đêm ngày, cho đến vùng biển hồ Galilea nơi Chúa giảng Tám Mối Phúc Thật, bắt đầu cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng, cho đến đồi Golgotha kết thúc Hy Lễ Cứu Độ,chúng ta như được trở về nguồn của mọi giòng sông đời mình và được tắm mát bằng chính Nước Hằng Sống.

Hành trình đi thăm đất thánh nào cũng có thể khởi đầu bằng việc tham khảo bản đồ chi tiết và lập lịch trình theo thời gian mình có. Bài viết ở đây muốn ghi lại những cảm nghiệm hơn là một hướng dẫn hành hương.

Cảm nghiệm đầu tiên khi đi đến miền Đất Thánh là sa mạc sỏi đá. Dân Do Thái đã đi qua hành trình bốn mươi năm trong sa mạc.  Điều làm mọi người ngạc nhiên là hành trình 40 năm đi trong sa mạc của người Do Thái ngày xưa, bây giờ có thể thẳng đi hành trình đó bằng xe chỉ mất vài tiếng đồng hồ.  Điều đó có nghĩa là ngày xưa, họ đã phải đi quanh co suốt cả một đời người, mới tới được miền đất hứa.  Miền đất hứa là miền đất sỏi đá, nhưng trên miền đát sỏi đá đó, lòng kính mến Thiên Chúa và yêu thương đồng loại sẽ biến sỏi đá thành sữa và mật ong.  Chúa đã dùng 40 năm trời để giáo hóa và tôi luyện dân Do Thái có được một niềm tin vững mạnh vào Chúa.

Khi niềm tin đó vững mạnh đủ để đón nhận ánh sáng của Chúa, thì lúc đó ánh sáng của Chúa đã đến. Chỉ khởi đầu với 12 tông đồ nhỏ bé; một niềm tin mong manh hơn hạt cải, Chúa Giê su đã giáng trần đem ánh sáng của yêu thương, của hy vọng, của phục  sinh đến trần gian.  Dân bước đi trong u tối đã nhìn thấy ánh sáng ban sự sống.  Ngày nay chúng ta cử hành lễ Giáng Sinh trong đêm, không phải vì khí hậu thuận tiện, nhưng để nhắc nhởi chúng ta rằng chúng ta đang đi trong bóng tối của cuộc đời, và cuối cùng sẽ được gặp ánh sáng Thiên Chúa.

Một bài học mà Chúa đã dùng 40 năm trời để dạy con người thì phải là một bài học quan trọng. Chúng ta sống trên đời này, khoảng 40 năm, hoặc 20 năm, 30 năm, 60 năm, 80 năm hoặc trên 90 năm, tất cả đều là những chuỗi thời gian Chúa dùng để vun trồng Đức tin của chúng ta, sẵn sàng ngày gặp Chúa. Và vào ngày ấy, thì hành trình trên chiếc xe tang từ nhà ra nghĩa địa không hơn một tiếng đồng hồ. Vì thế, nhìn lại lịch sử 40 năm trong sa mạc, mà bây giờ chỉ đi vài tiếng bằng xe, chúng ta cùng nhìn lại thời gian quí báu Chúa ban cho chúng ta trên cuộc hành trình đời sống mỗi người, và chuẩn bị gặp Chúa.

Điều mà Chúa gọi Abraham và lời hứa với Đấng Tổ Phụ là lời hứa của lòng Tin và Yêu Thương. Thiên Chúa sẽ dẫn dân Ngài về nhà của Người và sống với Ngài ở trên trời. Con người luôn gặp nhiều đau khổ trên trần gian, bởi vì trần gian không phải là nhà của con người. Chỉ có ở trên trời con người mời sống trọn ý nghĩa là con cái trong đại gia đình yêu thương của Chúa.

Tại sao ông bà cha mẹ vợ chồng con cái lại sống với nhau được mấy chục năm? Bởi vì đó là một hành trình tin tưởng và yêu thương vào nhau. Mấy khi trong đời chúng ta có được những khoảng thời gian trung thành với Chúa như ông bà cha mẹ vợ chồng. Chúng ta phải tìm lại nguồn yêu thương này trong sự liên kết với Chúa. Thiên Chúa là nguồn của tình yêu hoàn hảo. Chính Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn tình yêu này khi Ngài cầu nguyện : “Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Luca 23:34). Điều mà con người phải biết cho mọi đời người là biết Mến Chúa, Yêu Người. Không thực hiện được điều này, đúng là “Không biết việc chúng làm”.

Vì yêu thương, ngày nay một mình Chúa Giêsu vẫn giúp “nuôi” con cháu của Abraham. Trên mảnh đất cằn cỗi sỏi dá Do Thái đó, Chúa Giêsu vẫn là điểm chính cho sinh hoạt du lịch và hành hương để góp phần kinh tế cho dân tộc Do Thái.

Các thế hệ của Abraham sau ngày đã chia ra làm nhiều nhánh: Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo, vv… nhưng mà họ vẫn có một niềm tin vào Thiên Chúa của Abraham. Nhiều khách hành hương đã rất ngạc nhiện khi thăm Đền Thờ Nơi Chúa Giêsu sinh ra. Chính ngôi đền thờ này lại thuộc quyền sở hữu và cai quản của nhiều tôn giáo khác nhau. Cửa này thì thuộc Chính Thống Giáo, cửa kia thì thuộc Do Thái Giáo, phần khác thì thuộc Công Giáo.

Do Thái là nơi phát sinh ra ba tôn giáo lớn cho toàn thế giới: Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giạo. Trên đất nước Do Thái, tín hữu của ba tôn giáo sống trà trộn lẫn nhau qua nhiều biến cố lịch sử, văn hóa, chính trị và tôn giáo phức tạp ngay trong lãnh thổ và các quốc gia có thế lực chính trị chính trên thế giới; khi các thế lực này muốn dùng ảnh hưởng tôn giáo cho mục đích của họ. Hành hương qua bên Do Thái, bây giờ chúng ta vẫn còn thấy phong tục ngày Sabath. Chiều ngày thứ Sáu trong tuần các đường xá, phố phường, các cửa tiệm, công sở bị đóng lại hết để chuẩn bị cho ngày thứ bảy Sabath.

Điều mà mỗi khách hành hương đều tự hỏi là tại sao họ đều là con cái của Abraham, mà không thể nào cùng nhau thống nhất được một niềm tin, nhất là tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa của Abraham?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải suy gẫm về lời Chúa Giêsu: “Không có một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình” (Luca 4:24).  Người Do Thái tại Nazareth đã thấy Chúa Giêsu như một người con của bác thợ mộc, nên họ khó có thể thấy được Chúa Giêsu như một Đấng Cứu Thế theo nhãn quan thời đó. Vì thế cần phải có ơn Chúa mới nhận ra được chân tướng Cứu Thế của Chúa Giêsu. “Lạy Cha, Cha đã che dấu những nhà thông thái mà mạc khải cho những kẻ bé mọn” (Luca 10:21).  Đặt mình vào hoàn cảnh của người Do Thái, chúng ta cùng cầu nguyện ơn Chúa cho họ hiểu và chấp nhận Đấng Cứu Thế. Bởi vì trong niềm tin, con người cảm thấy Thiên Chúa toàn năng hiểu biết mọi tâm tư của mình và gần gũi với mình nhất. Chúa còn hiểu biết mình hơn cả vợ cả chồng. Thiên Chúa đi vào trái tim con người còn sâu sắc hơn cả trong liên hệ của vợ của chồng. Chính vì vậy, phải có ơn Chúa để nhận ra người đồng hương là Chúa của mình.

Trên bước đường hành hương, nhiều khi chúng ta gặp lại những hậu duệ nhiều đời của các Tông đồ Chúa Giêsu ngày xưa. Bây giờ họ có thể là chủ nhân một khách sạn hoặc một nhà hàng hoặc một nơi chốn thánh nào mà mình có thể đi qua. Niềm ước mong của mọi người vẫn luôn là sự hiệp nhất để chuẩn bị cho Nước Chúa trị đến như trong kinh Lạy Cha.

Đất nước Do Thái với nơi chốn và con người, có thể dẫn đưa chúng ta về những cội nguồn trong niềm tin Kitô hữu của chúng ta. Từ Nazareth nơi Thiên Thần truyền tin, đến Bethlehem nơi Chúa sinh ra, đến Galilea, Capharnaum, Giêricô …, và Jerusalem là nơi Chúa đã chết và sống lại để hoàn thành công việc cứu chuộc. Theo từng bước chân Chúa Giêsu và Mẹ Maria ngày xưa trên bước đường các Ngài đã thực đi qua, chúng ta cũng cảm thấy được trở về cội nguồn đời sống tâm linh và cùng đích vẹn toàn mai sau.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.