Trần Mỹ Duyệt
“Hãy xé lòng đừng xé áo” (Joel 2:13). Đây là lời tiên tri nói về tinh thần chay tịnh, nhưng cũng được một số các tín đồ “lừng khừng”, giữ đạo “đủ điểm” vào Thiên Đàng dùng để tự bào chữa và cho mình lý do để tránh việc chay tịnh. Điều này có thể áp dụng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Tôi có một người bạn. Anh rất đạo đức, sinh hoạt chăm chỉ trong nhiều hội đoàn nhưng không bao giờ ăn chay. Cứ mỗi Mùa Chay về, đặc biệt là Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh theo luật Giáo Hội là 2 ngày tối thiểu phải ăn chay và kiêng thịt. Nhưng kiêng thịt thì anh kiêng, còn giữ chay thì anh không giữ. Anh viện lời Thánh Kinh “Hãy xé lòng đừng xé áo” (Joel 2:13) để tự bào chữa.
Không chỉ những tín đồ “lừng khừng” giữ đạo đủ điểm cắt nghĩa và áp dụng lề luật về chay tịnh một cách “méo mó”, mà ngay cả những bậc thầy dậy dỗ chân lý cũng nhiều khi cắt nghĩa “dệu dạo” về lề luật. Thí dụ, hồi còn đi học, khi đặt vấn đề ăn chay, kiêng thịt thì đã được nghe dậy rằng nếu ăn chiếc bánh có nhân thịt trong ngày ăn chay kiêng thịt thì vô tội. Cứ việc ăn vui vẻ, lý do thịt trong đó là “nhân bánh” chứ không gọi là thịt. Thịt làm nhân bánh và thịt khác nhau chỗ nào hở trời?! Hoặc cũng có đấng lại cho rằng trong ngày chay tịnh mà mình phải đi đây đó, tạt qua hàng quán bên đường thì cứ thịt mà xơi cũng không sao, vì đó là quán ăn bên đường có gì ăn nấy. Điều này khiến người viết nhớ lại Mùa Chay năm 2019 khi hành hương Đất Thánh, phái đoàn ghé ăn trưa tại một nhà hàng Ả Rập. Ngoài những món khác như bơ, olive, rau, quả, củ còn có món thịt cừu. Một số lữ khách “đạo đức” xua tay, quay mặt làm dấu thánh giá không ăn thịt vì hôm đó là ngày thứ sáu. Còn cha linh hướng sau khi cầu nguyện, ban phép lành rồi hô to ai muốn ăn thịt cứ tự nhiên vì đây là một nhà hàng Ả Rập. Cha còn nói: “Cứ ăn tự nhiên, có tội cha chịu cho”. Báo hại nhiều bà, nhiều cô “vâng lời” cha ăn thịt nhưng lại bối rối, cuối cùng thì lại xếp hàng xin xưng tội!
Vậy câu hỏi mà nhiều người trong chúng ta – các Kitô hữu – muốn biết là: “Thế nào mới là ăn chay, kiêng thịt đúng với ý của lề luật?”
Thật ra, kiêng thịt hay ăn chay ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, hoặc không “ăn thịt” trong toàn Mùa Chay đúng ra chỉ là “cái áo”. Chỉ là hình thức bên ngoài. Là phương tiện để cho các tín hữu có dịp hy sinh, kìm hãm giác quan, dễ dàng hướng lòng về Chúa, và tìm được cái ý nghĩa đích thực của Mùa Chay. Còn lại tinh thần chay tịnh mới là “tấm lòng”, là điều mà Thiên Chúa muốn ta phải chiêm niệm, nắm giữ cùng với việc chay tịnh bề ngoài.
Bạn nghĩ sao?
Ngày thứ Ba (thứ Ba Béo) vừa qua bạn rủ một nhóm bạn bè nhậu nhẹt linh đình, chè chén say sưa tới 12 giờ khuya. Và hôm sau Thứ Tư Lễ Tro chính ngày ăn chay thì bạn lại ngồi nhìn đồng hồ đổ 12 tiếng rồi bắt đầu ăn uống, nhậu nhẹt tiếp?
Khi bạn “không ăn thịt”, nhưng lại thay bằng tôm hùm, cua, ghẹ, nghêu, sò, ốc, hến, và những thứ hải sản đắt tiền thế cho thịt? Trong thâm tâm bạn, chính bạn cũng biết mình đang đổi món chứ không phải kiêng thịt, vì những món mà bạn chọn ăn đắt tiền, và ngon hơn thịt!
Giữ chay, kiêng thịt mà ngay trong ngày chay tịnh hoặc trong Mùa Chay, bạn vẫn lượn lẹo, gian dối trong mua bán; vẫn áp bức, chèn ép những kẻ làm công cho mình. Bạn vẫn đôi co, tranh chấp, chửi rủa, hành hung và vu khống cho người khác? Hoặc bạn vẫn dan díu, ngoại tình, vẫn mang trong lòng sự thù oán, tức tối, và lỗi bác ái, và vẫn không tha cho kẻ đã xúc phạm đến bạn mặc dù người ấy đã thành tâm thống hối và xin lỗi bạn?
Nếu chay tịnh như trên, thì có nghĩa là bạn chỉ “xé áo”, chứ chưa “xé lòng.” Bạn chỉ giữ những gì bất đắc dĩ phải giữ mà trong lòng không hề muốn. Hoặc bạn chỉ chay tịnh cho có lệ. Vậy, chay tịnh đúng nghĩa nhất phải là gì? Tiên tri Isaia đã nói thay Chúa về điều mà Ngài muốn ta chay tịnh:
6 Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:
mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?
7 Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục…
9 Loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người.
(Isaia 58:6-7,9).
Tóm lại, chay tịnh đúng nghĩa:
-Là nhìn thấy Chúa Giêsu qua những anh chị em nghèo khổ.
-Là mở rộng vòng tay chia cơm, sẻ áo cho những người nghèo đói cùng khổ.
-Là thăm hỏi, giúp đỡ anh chị em đau yếu, tù đày.
-Là tiết độ và kìm hãm những ước muốn, đa mê bất chính.
-Là chấm dứt mối tình bất chính đã và đang làm đổ vỡ hạnh phúc hôn nhân, gia đình của bạn.
-Là tự chế và kìm hãm lời ăn tiếng nói không tục tằn, thô lỗ. Không xúc phạm đến danh giá và phẩm cách của người khác. Không làm chứng gian. Không gian dối lường gạt người khác. Nhưng biết dùng lời lẽ bác ái, chân thật để nâng đỡ và khuyến khích lẫn nhau.
-Là mở xiềng xích trói buộc anh chị em mình. Tha thứ cho những kẻ làm khổ mình….
Chay tịnh đúng nghĩa, do đó, phải là một cảm nghiệm và chia sẻ thật lòng với những ai túng nghèo, đói khát về tinh thần cũng như vật chất trong môi trường và nếp sống hiện tại. Là, “Đặt mầu nhiệm vượt qua vào trung tâm cuộc sống của chúng ta có nghĩa là cảm thấy thương cảm đối với các vết thương của Chúa Kitô bị đóng đinh hiện diện trong nhiều nạn nhân vô tội của chiến tranh, trong các cuộc tấn công vào sự sống, từ sự sống của người chưa sinh đến sự sống của người già và các hình thức bạo lực khác nhau. Các vết thương này cũng hiện diện trong các thảm họa môi trường, sự phân phối không đồng đều của cải trên Trái đất, buôn bán người dưới mọi hình thức và lòng thèm khát lợi nhuận không kiềm chế được, vốn là một hình thức thờ ngẫu tượng.” (Sứ điệp Mùa Chay 2020 của Đức Phanxicô – Vũ Văn An chuyển ngữ)
“Hãy xé lòng, đừng xé áo.” (Joel 2:13)
Mùa Chay 2020
Views: 0