Elizabeth Nguyễn
Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Giêsu (Thánh Giêrônimô)
Phần đông giáo dân Việt Nam chúng ta thiếu quan tâm đến việc học đạo, hiểu đạo và hành đạo. Một phần vì quý vị mục tử từ thời truyền giáo qua Việt Nam đã không dạy con chiên học Kinh Thánh, đọc Kinh Thánh và sống Kinh Thánh, vì thời gian đó chưa có cuốn Kinh Thánh nào bằng tiếng Việt Nam, nên phần nhiều giáo dân Công Giáo không biết Kinh Thánh là gì! Rồi cứ theo thói quen sống đạo như thế kéo dài đến nhiều thế hệ sau này.
Tuy vậy, ngày nay phần đông Kitô hữu cũng chỉ biết đọc kinh, lần chuỗi và đi dự Thánh Lễ là đủ, là chính. Cũng vì chỉ có một nền tảng giáo lý yếu kém như thế mà nhiều giáo dân sống đạo cách hời hợt, hình thức không chịu đi sâu vào mối tương quan mật thiết thân tình với Chúa Giêsu Kitô. Họ mang danh là Kitô hữu nhưng không hiểu biết Chúa bao nhiêu và không sống chết với Chúa như Chúa mong đợi. Họ không biết thế nào là yêu thương nhau, và không biết, hay đúng hơn không dám yêu Chúa. Thậm chí cũng không biết là Chúa yêu mình nữa cơ. .(Dạ vâng, thưa chính tôi, một tân tòng, là một Kitô hữu đã sống như thế suốt thời gian dài ở VN, từ khi được nhận bí tích Thánh Tẩy làm con của Chúa).
Với đức tin bất cập như thế, trong đó có tôi. Khi đã được hiểu biết hơn về đạo nghĩa, chúng ta không ngạc nhiên khi có nhiều giáo dân khư khư với sự hiểu biết yếu kém của mình mà không chịu trau dồi học hỏi thêm Giáo Lý, Thánh Kinh, Công Đồng, Giáo Huấn xã hội của Giáo Hội. Nhiều người biện minh bằng lý do không có thời giờ. Ai ai cũng được Chúa cho 24 giờ bằng nhau cả, chỉ do mình sắp xếp và đặt bậc thang giá trị, cái gì là quan trọng nhất cho cuộc sống thì dành thời giờ cho chương trình đó nhiều hơn mà thôi.
Biết được như vậy nên trong thâm tâm, tôi có một ước muốn, xin Chúa giúp cho một cơ hội học hỏi về Chúa, thế là, một hôm Chúa Thánh Thần thổi tôi bay sang tận xứ Bỉ Quốc, thành phố Brüssels xinh đẹp và an hòa đã cho tôi gặp được Chúa Giêsu, qua sự giới thiệu của một linh mục dòng Chúa Giêsu trong một khóa Linh Thao. Thế là từ đó tôi đi theo Ngài bằng cách hằng năm tôi đều „lên núi“ tìm gặp lại người mà tôi rất thương mến… và bây giờ đã qua gần 30 năm rồi tôi được Ngài yêu mình tha thiết và tôi cũng không quản ngại chút gì mà không đáp lại cách thiết tha hơn với những giới hạn của con người thụ tạo của tôi.
Tuy vậy chứ, vẫn cứ loay hoay hoài mà thấy mình chẳng tiến được bao nhiêu, song Chúa Thánh Thần thật là diệu kỳ, Ngài biết tôi muốn gì, khao khát điều gì nên Ngài cho tôi gặp được một linh mục trẻ, linh mục này khuyến khích tôi hãy học, đọc, và tìm hiểu về Chúa và Giáo Hội qua hai cuốn sách: Thánh Kinh Trọn Bộ và cuốn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
„Tất cả những gì viét trong Sách Thánh đèu do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành“ (2Tm 3,16-17). Còn cuốn Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo thì có tất cả những gì mà một người khao khát tìm hiểu về Thiên Chúa, về Giáo Hội đều được ghi chi tiết trong đó.
Hai bộ sách thật dày và chi chít chữ, toàn chữ là chữ… chữ lớn chữ nhỏ, chữ in đậm, chữ thì không…Khi mới làm quen với hai bộ sách đó tôi cũng ngán ngẩm lắm, không biết đến bao giờ mình mới đọc hết được, vì theo lời linh mục khuyên: không chỉ đọc mà phải học, phải biết, phải hiều, phải tìm tòi, phải thưa hỏi với quý vị mục tử của Chúa nữa và phải ghi lại, phải viết nhật ký v.v… Oh là la! Việc học thật nhiêu khê dữ nhỉ và rắc rối quá đi thôi!? Tự nhủ lòng như thế song khi đã quyết định „muốn là được“ cơ mà.
Cái tình tò mò và tính ham hố nên tôi cũng chăm chỉ bằng cách: Khi đi dự Thánh Lễ Chúa Nhật, hay Thánh Lễ ngày thường (nếu có dịp), tôi ghi nhớ các bài đọc rồi về nhà mở Thánh Kinh ra mà tìm và đọc lại, nghiền gẫm xem mình hiểu ra sao v.v… hoặc khi đi dự Thánh Lễ Rửa Tội, tôi lại phải mở thêm sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, tìm hiểu bí tích là gì?, bí tích rửa tội ra sao? Để làm gì? ích lợi ra sao cho cuộc sống tâm linh!? v.v… nhờ đó tôi được hiểu biết sâu xa hơn về những bí tích. Xin đơn cử đoạn sách nói về „Sự Hiệp thông về các bí tích“. „Hoa trái của các bí tích thuộc về tất cả mọi người. Bởi vì các bí tích, nhất là phép Rửa tội là cửa mở ra cho ta bước vào Giáo Hội, đều là nmhững ràng buộc linh thánh hiệp nhất loài người lại với nhau, và liên kết mọi người với Chúa Kitô. Hiệp thông của các thánh là hiệp thông của các bí tích (…) „Từ Hiệp Thông“ có thể được áp dụng cho mỗi bí tích, bởi mỗi bí tích đều hiệp nhất chúng ta với Thiên Chúa (…) Nhưng tên goiụ này hợp với cho bí tích Thánh Thể hơn hết các bí tích, bởi vì chính Thánh Thể hoàn tất sự hiệp thông này“ (GLGHCG 950).
Vì thế mà bao nhiêu năm rồi tôi vẫn chưa đọc hết được hai bộ sách đó, rồi ghi lại những gì mình nhận đuọc qua Lời nào câu nào… Tất cả những gì mình thắc mắc thì Giáo Hội đã soạn sẵn cho chúng ta trong bộ sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Tạ ơn Chúa, cám ơn vị chủ chăn, quý vị giám mục, linh mục và ban lãnh đạo trong Giáo Hội, qua nhiều thời đại đã có nhiều sáng kiến rất công phu và tận tâm soạn các sách dạy dỗ con cái. Thật là quý giá!
Từ đó tôi thường cầu nguyện và suy niệm với Lời Chúa theo Lịch Phụng Vụ của Giáo Hội, Lời của Thầy Giêsu đã được bốn chàng hào hoa phong nhã là Mattheu, Marco, Luca và Gioan ghi lại, Ngày nay chúng ta gọi họ là bốn Thánh Sử. Mỗi chàng ghi lại theo cách nhìn và sự cảm nhận riêng tư cũng như cảm nếm được cuộc đời của Chúa Giêsu. Bốn vị Thánh sử sống sau thời gian Chúa Giêsu về Trời, có thể vào khoảng năm 60 đến năm 100 sau Công Nguyên. Có nhiều chuyện xảy ra thời Chúa đi rao giảng, Chúa an ủi yêu thương kẻ nghèo khó, Chúa chữa bệnh cho người mù được thấy, người bại liệt được khỏi,người què được đi lại, người chết được sống lại v.v… nhưng mỗi chàng ghi chú một cách, có những dụ ngôn này trong TM Gioan mà không có trong Luca v.v… hoặc có dụ ngôn khác trong Luca mà không có trong Marco, cũng có vài dụ ngôn mà cả bốn Thánh sử đều ghi lại.
Cầu nguyện với những lời của bốn vị Thánh này, tôi nhận thấy mỗi vị cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu mỗi vẻ đẹp khác nhau… nhưng tựu trung thì quý vị ấy có cái nhìn thật kính trọng, thật hùng vĩ, thật yêu thương và thật giàu lòng thương xót và rất thú vị về Con Người rất thi vị và trầm lắng trong sự kết hiệp với Chúa Cha thật mật thiết, và yêu thương nhân loại vô cùng vô tận nên đã vâng lời Chúa Cha chịu khổ hình, chịu chết đau thương trên thập giá, được chôn trong mồ, ba ngày sau sống lại, để cứu rỗi chúng ta. Ngài chịu chết cho chúng ta được sống, sự sống đời đời, Ngài bị đâm vì chúng ta phạm tội, Ngài mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả mọi sự xảy ra đều đã được ghi lại trong Thánh Kinh (Cựu Ước). Ngài là Đấng Thiên Sai đầy thiên tính và cũng đầy nhân tính.
Theo Lịch Phụng Vụ của Giáo Hội, chúng ta lần lượt được đọc, học và suy niệm, chiêm niệm Lời Chúa mỗi ngày theo từng năm A,B,C.
Khi đọc Lời Chúa thì luôn luôn phải chuẩn bị lắng đọng tâm hồn, sám hối và nhìn nhận sự hiện diện của Chúa đang với mình, xin Chúa Thánh Thần đến cầu nguyện với mình, lắng nghe Lời vàng ngọc bằng con tim và tập trung vào lý trí thì mới nhận được chút gì ấm áp hay ngọt ngào trong Lời Ngài muốn nói với mình. Đôi khi Lời đó là một Lời mắng: „Đồ ngốc“ chẳng hạn hay Lời đánh thẳng vào trái tim đang bị tổn thương của mình, „sao mà kém tin“ v.v… không phải để tổn thương thêm, mà chính là đem lại cho mình một sự chữa lành, thật là kỳ diệu lắm!
Các bạn thân mến,
Các bạn cứ thử tò mò đọc hai cuốn sách này (hai bộ sách) đi rồi các bạn sẽ thấy mình hạnh phúc như thế nào khi được làm con Chúa, hiểu Chúa, yêu Chúa, thuộc về Chúa, thuộc về Giáo Hội Công Giáo duy nhất trên trái đất này. Đó chẳng là một hồng ân tuyệt vời Thiên Chúa ban cho nhân loại sao! Hai bộ sách này chắc chắn sẽ có mãnh lực biến đổi bạn mỗi ngày mỗi nên giống Chúa Giêsu HƠN và chắc chắn nó tỏa hương thơm thánh thiện đến với những người sống chung quanh bạn, gia đình và cộng đoàn bạn đang sống.
Tạ ơn Chúa! Chúng con ước mong mọi tín hữu đều biết quý trọng và yêu mến Lời Chúa, yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi, hầu trong những công việc cuộc sống của chúng con phản ánh được chút dung mạo và hương thơm của Chúa Cha, ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô và sức nóng của lửa Chúa Thánh Thần. Amen.
(Các bạn thân mến, Có người hỏi tôi: „Làm sao hiểu biết Chúa Giêsu Kitô cho tường tận? Thật sự, tôi chẳng biết trả lời ra sao, xin giới thiệu các bạn hai bộ sách này).
Elisabeth Nguyễn (19.5.2020)
Views: 0