Hạt Cát
Nhân dịp lễ kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu ngày 1.10, chúng tôi xin giới thiệu sơ qua về vị thánh nhỏ nhưng lừng lẫy và tuyệt vời của thời nay. Một vị thánh chỉ sống 9 năm âm thầm trong dòng kín Lisieux, đằng sau bốn bức tường nghiêm khắc, lạnh lẽo, cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nhưng lại được Giáo Hội đội triều thiên “quan thày các nơi truyền giáo”, đồng hàng vinh dự với Thánh Phanxico-Savie suốt đời lặn lội trong cánh đồng truyền giáo. Một Nữ Tu chưa từng viết sách, dù chỉ một cuốn, ngoài một số trang tự thuật người viết theo lời yêu cầu của các mẹ bề trên và các chị người, một số tư tưởng chị thánh tỏ bày cùng các chị em nhà tập trong thời gian chị thánh giữ chức mẹ giáo, cùng một số thư chị thánh gưỉ cho các chị và hai Linh Mục mà chị thánh nhận làm anh tinh thần. Tất cả được nhà dòng thu thập và in thành cuốn “Chuyện Một Tâm Hồn”.
Đời “văn nghiệp” chỉ có thế, vậy mà người cũng đã được Giáo Hội nâng lên hàng Tiến Sĩ, đồng hàng với các vị đại thánh làm thơm danh Giáo Hội bằng những tác phẩm kiệt xuất.
Điều làm chị thánh được mọi người biết đến và yêu mến, không phải là ở những tư tưởng cao siêu khó hiểu, mà là ở đường lối tu đức rất độc đáo, đơn sơ, dễ hiểu và đầy sức hấp dẫn, mà Chúa Thánh thần đã soi sáng, tác động trong tâm hồn chị thánh, và dùng chị thánh để cổ võ cho mọi người, đó là đường lối “Tu Đức Thơ Ấu Thiêng Liêng”, một tiểu lộ có thể thay thế cho đường lối tu đức kinh điển và khắc khổ, không phù hợp lắm cho thời đại ngày nay.
Trong chiều hướng tìm hiểu đường lối tu đức mới này, nhưng lại không mới, của thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu, chúng tôi xin dùng cuốn “Chuyện Một Tâm Hồn” của chị thánh (bản dịch của Lm. Kim Thiếu), làm nguồn tài liệu chính trong việc trích dẫn. Ước mong nhờ những bông Hồng chị thánh tung xuống, sẽ kích thích được nhiều tâm hồn mạnh dạn bước vào con đường tiểu lộ chị thánh đã đi, và gặt hái được những thành quả như Ý Chúa.
Thánh nữ Terexa là em út của 8 anh chị, sinh 2.1.1873, tại tỉnh Alencon, miền bắc nước Pháp. Thân phụ người là Louis Martin, thân mẫu là Marie Guérin. Hai ông bà là những bậc cha mẹ gương mẫu, tận tâm giáo dục con cái và là tấm gương sáng cho các con về đàng nhân đức.
Có lẽ do sự an bài, Thiên Chúa muốn dùng cô gái út bé bỏng này, để mai sau Chúa Thánh Thần sẽ linh hứng cho người phát minh một đường lối tu đức mới, làm đơn giản hóa con đường nên thánh, để cổ võ cho mọi người. Cho nên, Thiên Chúa đã ban cho thánh nữ hai đấng phụ mẫu thật tuyệt vời. Nhờ đó, qua cha mẹ người, thánh nữ nhận ra hình ảnh Thiên Chúa là Cha đầy tình thương yêu. Những kỷ niệm êm đềm của thánh nữ có với cha mẹ thời ấu thơ, đã trở thành những hình ảnh sống động thánh nữ dựa vào, để diễn tả về tình yêu Thiên Chúa, một yếu tố làm nền tảng cho đường lối tu đức thơ ấu thiêng liêng.
Trong “Chuyện Một Tâm Hồn”, thánh nữ Terexa đã ghi lại một số sinh hoạt trong gia đình từ thời thơ ấu cho đến khi người vào tu dòng kín. Qua đó, chúng ta thấy được tình yêu rất dào dạt mà cha mẹ thánh nữ đã dành cho người, nhất là thân phụ, vì thân mẫu thánh nữ mất hồi người mới được hơn bốn tuổi, cũng như tình yêu của thánh nữ đối với cha mẹ. Tất cả được biểu lộ qua những trang tự thuật thật chí thiết, thật sôi nổi, làm say mê hàng triệu đọc giả khi đọc “Chuyện Một Tâm Hồn” của người. Chúng ta hãy lần mở “Chuyện Một Tâm Hồn”, và trước hết, lắng nghe chị thánh tâm sự cùng chị ruột Pauline (và cũng là mẹ bề trên dòng):
“Suốt đời con, Chúa chỉ những thương cùng yêu con lắm. Những kỷ niệm đầu tiên đời con nhuộm toàn màu vui tươi, và đẫm tình yêu thương mơn trớn. Bên ngoài, Chúa để con được chiều chuộng nâng hứng cho hoà nhịp bên trong: Một trái tim non mềm mại, rất dễ yêu và dễ cảm. Không ai có thể tưởng tượng được lòng con yêu mến cha mẹ đến chừng nào! Con đã dùng ngàn cách để tỏ tình yêu tha thiết ấy. Con không thể yêu mà không tỏ tình! Nhưng những cách con tỏ tình khi ấy, nay nghĩ lại đến phải bật cười“.
Terexa yêu cha mẹ bằng một mối tình đơn sơ mà gắn bó. Suốt ngày, Terexa chỉ muốn được quấn quít bên cha mẹ. Điều này được chứng minh qua một số thư mà mẹ người viết cho Pauline, khi ấy, chị còn đang lưu học tại tỉnh Mans:
“Con bé láu lỉnh ấy không rời mẹ lúc nào; theo mẹ cả ngày, và được theo như thế, nó lấy làm sung sướng lắm. Nhất là lúc nó theo mẹ ra vườn. Khi mẹ về, nó cũng chẳng thèm ở vườn. Nó đòi cho kỳ được người ta đem nó về với mẹ mới thôi. Lúc lên thang, cũng không chịu lên một mình, mỗi bước lại mỗi lần: ‘Mẹ ơi! Mẹ ơi!’ Bao nhiêu bậc, bấy nhiêu tiếng: ‘Mẹ ơi’. Mà nếu lỡ lần nào mẹ quên trả lời: ‘Ừ, con ơi!’ là nó đứng lì lại, không lên mà cũng không xuống nữa“.
Còn đối với cha, chị thánh viết: “Nhắc đến tên cha, con sực nhớ đến mấy điều rất vui. Hồi đó, khi cha đi đâu về, bao giờ con cũng chạy ra đón, rồi ngồi lên giầy cha. Cha cứ để con ngồi vậy mà bước đi, đi khắp cả nhà, ra cả vườn, đi mãi đến bao giờ con muốn thôi mới thôi. Một lần mẹ trông thấy phì cười, và nói cha chiều con quá. Cha trả lời: ‘Nhưng nó là công chúa, biết sao được’. Rồi cha ẵm con vào lòng, lại nâng lên thật cao, lại để ngồi xuống vai mà hôn, và vuốt ve mơn trớn đủ cách yêu dấu, chiều chuộng.”
Sau khi thân mẫu chị thánh mất, thân phụ người ở vậy để nuôi dạy con. Tình yêu người cha vốn đã đậm đà, nay lại bao gộp cả tấm lòng người mẹ:
“Trong những cuộc vui gia đình ấy, con thường được ngồi vào lòng cha. Và khi đọc sách xong, bao giờ cha cũng hát, giọng hát rất hay, hát những bài êm tai dịu lòng lắm, dường như để ru con ngủ. Con gục đầu vào lòng cha. Cha lắc lư yêu dấu dường nào. Chơi xong, cả nhà lên gác đọc kinh. Ở trên gác, con vẫn được ngồi bên cha. Con chỉ cần nhìn cha, cũng biết được cách các thánh cầu nguyện“.
Càng lớn, Terexa càng cảm nhận được tấm lòng đầy đặn của cha dành cho mình, cho nên tình nghĩa cha con mỗi ngày một trở nên gắn bó, khăng khít, đến nỗi :
“Dầu nghĩ mà thôi, con cũng chưa có can đảm để nghĩ rằng rồi đây, sẽ có ngày cha phải chết. Một ngày kia, cha đang ở trên ngọn thang, con thì đứng ngay dưới chân thang. Cha bảo con rằng:
“Công chúa cha đứng xa ra, kẻo cha ngã đè bẹp con mất”. Con cảm thấy cả một sự phản động nổi lên trong mình. Con càng bước lại gần chân thang, với ý nghĩ: ‘Nếu cha ngã, ít là mình được chết theo cha, để khỏi phải chịu cái đau đớn đứng nhìn cha chết’. Lòng con yêu mến cha, con không thể nói hết! Con cảm phục cha lắm lắm“.
Terexa cảm nhận được tình yêu của cha mẹ, không phải chỉ ở những chăm sóc, nuông chiều, nhưng còn ở tấm lòng rộng lượng, sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm của con cái nữa. Cũng trong thư gưỉ cho Pauline, mẹ người xác nhận:
“Hễ bao giờ nó làm một tí gì không phải, chẳng mấy chốc ai ai cũng biết hết. Như hôm qua, nó vô ý làm rách một tí giấy dán ở tường, nom bộ nó khổ sở lắm. Nó mong được thú tội ngay với cha. Bốn giờ sau cha mới về, lúc ấy, chẳng còn ai nghĩ đến việc nó làm rách giấy, thế mà nó chạy ngay lại với chị Marie, nói: ‘Chị ra mách cha là em ở nhà làm rách giấy’. Rồi nó đứng sững ra như một tội nhân đứng đợi tuyên án phạt mình. Nhưng nó tin chắc, thế nào nó cũng được tha“.
Niềm tin này của Terexa vào tấm lòng bao la của cha mẹ, đã được chứng minh ở nhiều trường hợp trong cuốn tự thuật của người.
Những kỷ niệm tốt đẹp này đã in sâu trong tâm hồn thánh nữ. Cho nên khi vào tu trong dòng kín, thánh nữ đã nhiều lần nhắc tới, mỗi khi người nói về tình yêu của Thiên Chúa. Một lần trong tuần cấm phòng, thánh nữ bị nhiều cơn bối rối trầm phiền, vì không biết Chúa có hài lòng với tâm hồn mình chăng. Người đã được Linh Mục giảng phòng, vị đã luận đoán rất đúng tình trạng tâm hồn người, an ủi rằng:
“Các lỗi con phạm không mất lòng Chúa đâu! Nay thay mặt Chúa, cha đến cùng con. Vậy nhân danh Chúa, cha nói quyết cùng con rằng, Đức Chúa Trời rất bằng lòng tâm hồn con.
“Ôi, được nghe những lời an ủi êm ái dịu dàng ấy, lòng con ngây ngất vui sướng…Thật xưa nay, con vẫn tin lòng Chúa yêu tha thiết và mềm mại hơn lòng người mẹ, mà lòng người mẹ, con lại đã hiểu rất thấu. Con biết người mẹ hằng sẵn sàng tha thứ những sơ xuất vô tình con mình phạm. Chính con đã được hưởng cái tình độ lượng ấy nhiều lần.”
Lần khác, trong thư gửi cho chị Leonie, thánh nữ viết:
“Em nhận thấy đàng trọn lành rất dễ thực hành: Bằng trái tim, người ta chiếm ngay được Chúa. Này chị xem: Một con nít vừa làm mẹ nó giận, hoặc vì vùng vằng, hoặc vì không vâng lời. Đã thế, lại còn vào xó nhà mà lụng bụng, mà gào, vì sợ phải đòn. Chắc là mẹ nó chẳng tha thứ đâu. Nhưng nếu biết khôn mà chạy lại giơ tay với lấy mẹ mà nói: ‘Mẹ ẵm con đi, từ nay con không dám thế nữa!’. Với trường hợp ngoan ngoãn yêu dấu này, lẽ nào mẹ nó chẳng ôm chặt con vào lòng, hôn hít và quên hết những lỗi con đã phạm?
“Tuy nhiên, người mẹ vẫn biết con nít yêu của mình sau này gặp dịp, lại sai lỗi ngay đấy. Nhưng cái đó không can gì, nếu sau khi sai lỗi, nó lại thật lòng vơ lấy mẹ mà xin lỗi. Nó vẫn được tha thứ như thường“.
Cuộc sống êm ấm đầy tình yêu thương của cha mẹ và gia đình như thế, đã ảnh hưởng sâu đậm đến quan niệm về đường lối tu đức của người, và góp phần vào quyết tâm, hứng khởi đi tìm một phương thức nên thánh mới, phù hợp với tâm tình của người hơn. Sau những năm tháng suy tư, chiêm niệm, thánh nữ đã tâm sự với mẹ bề trên:
“Đối với con, chẳng có lời quở trách nào xúc động tâm tình, bằng một cái mơn trớn của người mẹ. Chúa đã phú cho con bản tính này: Với lo sợ, chỉ muốn lùi. Với yêu mến, chẳng những con tiến, còn muốn bay là khác“.
Ở nhiều nơi và trong nhiều dịp, thánh nữ đã xác nhận, đường lối tu đức khắc khổ không phù hợp với người. Một lần, để bắt chước các thánh trong việc hãm mình, phạt xác, thánh nữ đã đeo một tượng Thánh Giá bằng sắt, có nhiều mũi nhọn đâm vào da thịt đau đớn đến làm người bị bệnh. Sau cùng thánh nữ thú nhận “Sở dĩ tôi bị bệnh, là vì Chúa muốn cho tôi biết, những cách các thánh dùng để làm khốn xác, tôi không thể làm được. Cả những tâm hồn bé nhỏ cũng không làm được“.
Lần khác, người viết cho vị Linh Mục mà người nhận làm anh tinh thần:
“Thỉnh thoảng đọc sách, em thấy tả đường trọn lành trơn tuột và dốc, trắc trở và gồ ghề, rất nhiều nhiêu khê. Em cảm thấy choáng váng cả người. Em phải vội vã gấp ngay cuốn sách thông thái ấy lại, kẻo loạn óc, kẻo héo lòng. Em phải chạy đến với Kinh Thánh. Đọc Kinh Thánh, em thấy lòng mở ra trong ánh sáng tưng bừng. Từng lời Chúa phán trong Kinh Thánh đã đủ cởi mở tâm hồn em. Em trông thấy những chân trời mới với muôn màu sắc rực rỡ. Em nhìn thấy đàng trọn lành nhẵn nhụi rất dễ đi. Nếu Thiên Đàng chỉ dành cho những bậc thánh đã sống cuộc đời khổ hạnh, đã đi con đường nhân đức gồ ghề như sách tường thuật mà em không hiểu đó, chắc chắn không đời nào em vào được Thiên Đàng“.
Từ thuở lên ba, thánh nữ Terexa đã nuôi quyết tâm sau này lớn lên sẽ đi tu dòng kín. Và ngay khi còn ở ngoài đời, thánh nữ đã có ước vọng làm thánh:
“Lúc ấy con thầm nghĩ, đã mang danh làm người đứng giữa càn khôn, tất phải có công danh. Mình phải lo phương thế cho tới bước công thành danh toại. Con đang trầm ngâm tư tưởng ấy, thì Chúa soi cho hay rằng, công danh của con là làm thánh. Công danh ấy tuy không rực rỡ trước mắt thế gian, nhưng là vinh hiển thật.”
Tư tưởng này mỗi ngày một trở nên mạnh mẽ và xác quyết hơn. Nó đã là động lực, là kim chỉ nam cho mọi ý nghĩ, hành động của người. Và khi mảnh đất tâm hồn người đã vun sới đủ, Chúa Thánh Thần liền khơi dậy trong người khát vọng đi tìm một đường lối tu đức mới, được chứa đựng trong Kinh Thánh. Người viết cho mẹ bề trên Marie de Gonzague:
“Thưa mẹ, mẹ đã biết bấy lâu con vẫn một lòng ước ao nên thánh. Nhưng cám cảnh, khi sánh mình cùng các thánh, con thấy còn cách xa quá. Tựa hồ trong cảnh thiên nhiên, hòn núi cao ngất tầng mây, sánh cùng hạt cát đen nằm lịm dưới chân khách bộ hành qua lại. Nhưng chẳng ngã lòng. Con nhủ mình rằng: ‘Không khi nào Chúa mở lòng tôi ước ao những điều không thể thực hiện. Cho nên, dù là thân phận hèn mọn, tôi ước ao làm thánh lắm. Ước ao làm thánh lớn, dĩ nhiên không nổi rồi. Tôi nay có thế nào, khuyết điểm làm sao cũng xin đành chịu. Nhưng tôi muốn tìm cách về Thiên Đàng bằng lối đi nhỏ, thẳng băng và vắn tắt, một lối đi hoàn toàn mới“.
Thánh nữ lý luận rằng, ngày nay người ta đã phát minh ra thang máy, để việc lên xuống tầng lầu được mau lẹ, dễ dàng, thì thánh nữ cũng muốn phát minh ra một thang máy thiêng liêng để cất mình lên cùng Chúa. “Vì tôi bé bủn, leo trèo từng bậc su si, gồ ghề của thang trọn lành không nổi!“. Người viết tiếp cho mẹ bề trên:
“Nghĩ xong thưa mẹ, con liền mở Kinh Thánh ra để tìm xem có tia sáng gì về máy muốn phát minh kia không. Con đã đọc tới lời Đấng Khôn Ngoan vô cùng phán: ‘Nếu ai bé nhỏ nhất, hãy đến cùng Ta.’ (Pro.iX,4) Con nghe vậy bèn chạy đến cùng Chúa, nghĩ bụng đã khám phá ra điều mình muốn tra cứu. Song lại muốn biết Chúa yêu kẻ bé nhỏ nhất như thế nào. Con tiếp tục tìm, và thấy lời này: ‘Như người mẹ mơn trớn con mình thể nào, Ta cũng sẽ an ủi các con, ẵm bế trong lòng và ru ngồi trên gối Ta thể ấy’ (Js. LXVi,13). Ôi Linh Hồn con chưa khi nào được vui sướng nghe lời ân ái dịu dàng dường ấy. Lạy Chúa Giêsu, thang máy cất con lên Thiên Đàng chính là hai Cánh Tay Chúa. Bởi vậy, con chẳng cần phải lớn nữa, trái lại, cứ nhỏ bé là hơn, và càng ngày càng phải nhỏ bé hơn mãi! Lạy Chúa, Chúa đã thương con quá lòng mong ước!“
Đó là đường lối nên thánh của thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu. Đường lối này đặt căn bản trên tâm tình đơn sơ của em bé hoàn toàn phó thác, tin tưởng nơi sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa là cha nhân từ, và hằng cố gắng làm đẹp lòng Người, bằng cách làm các công việc hàng ngày, dù rất bé nhỏ, với lòng mến lớn lao:
“Lạy Chúa Giêsu, con tha thiết nài xin Chúa một sự Tình Ái. Con cố gắng hiểu biết một sự Tình Ái. Còn bao nhiêu công việc cả thể, lẫy lừng, tăm tiếng khác, con xin hàng hết. Con không thể đi rao giảng Phúc Âm, hay ra đi đổ máu đào vì đạo thánh Chúa được. Nhưng có hệ gì điều đó, đã có các anh con làm thay con rồi. Với phận nhỏ bé, con cứ việc đứng hầu bên tòa Chúa ngự, để yêu mến Chúa thay cho các binh tướng đang giao chinh ở chiến trường.
“Biết vậy rồi nhưng phải làm gì để minh chứng lòng mến đó? Tình ái cần phải được minh chứng bằng việc làm. Vậy thì thế này: Con bé sẽ tung hoa, sẽ lấy những cánh hoa làm lễ vật dâng tiến Chúa, sẽ lấy hương hoa làm thơm tho tòa Chúa ngự, sẽ lấy tiếng hát trong như tiếng chuông vàng để ngâm nga Bài Ca Tình Ái.
“Vâng, lạy Chúa chí ái, trót cuộc đời tạm bợ này, con chỉ biết làm bấy nhiêu để tỏ tình yêu mến Chúa. Trước Thánh Nhan Chúa, đời con sẽ qua đi trong khuôn khổ ấy. Con không còn cách nào khác để tỏ Tình Ái, ngoài cách kiếm hoa tiến Chúa, nghiã là con không bỏ qua dịp bé nhỏ mà chẳng tế lễ Chúa ý riêng con, dù là liếc mắt, một hơi thở, một lời nói. Con nhất quyết lợi dụng tất cả những việc rất nhỏ nhặt, và làm tất cả những việc nhỏ nhặt ấy vì Tình Ái. Đó là những cánh hoa con dâng tiến Chúa đây. Con chẳng bỏ qua hoa nào mà chẳng hái dâng Chúa. Con vừa hái vừa hát, hát hoài, hát cả những khi phải chui vào hái hoa Hồng trong bụi gai góc: Gai càng nhọn càng sắc, giọng con càng trong trẻo ngân nga, tiếng con ca càng thanh bai dịu dàng“.
Qua “Chuyện Một Tâm Hồn”, thánh nữ Terexa đã diễn tả cũng như hết lòng cổ võ cho đường lối tu đức thơ ấu này, mà người gọi là tiểu lộ, là đạo thần đồng. Như một lần, vào những ngày cuối đời, người tiếp mẹ Agnes de Jesus cách vui vẻ khác thường lắm:
– “Mẹ ơi, con vừa nghe từ xa đưa lại mấy cung đàn dịu dàng, con nghĩ ngay mình sắp được nghe những điệu nhạc réo rắt hay vô cùng. Nhưng ý nghĩ ấy chỉ làm con vui trong giây phút, rồi trái tim con lại trở về ấp ủ cái điều: Con sẽ được yêu và con sẽ yêu. Con cảm thấy đã đến ngày phải thi hành thiên chức Chúa đã ủy nhiệm cho con, cái thiên chức thôi thúc người ta kính mến Chúa như con, thu hút các Linh Hồn vào đàng tiểu lộ, đàng con đã đi…
– “Đàng tiểu lộ con muốn dạy các Linh Hồn, là đàng như thế nào?”
– Thưa mẹ, chính là đạo thần đồng, chính là đàng hoàn toàn cậy trông Chúa, và phó thác nơi Thánh Ý Người. Xưa nay con đã dùng phương thế nào hiệu nghiệm, con cũng muốn truyền lại cho các Linh Hồn, làm cho các Linh Hồn hiểu biết, ở thế gian chỉ có một việc phải làm, là tế lễ mình trong những việc nhỏ bé, dường như những hoa thơm tho dâng tiến Chúa, và tỏ hết tình ái thắm thiết cùng Người. Với những việc nhỏ bé tình tứ đó, con đã được lòng Chúa lắm, và Chúa yêu con vô cùng, Người sẵn sàng ẵm bế con cách tình nghĩa dường nào“.
Lần khác, một chị nhà tập hỏi người:
– “Nếu có thể bắt đầu lại đời tu, chị sẽ ăn ở như thế nào?
– “Em tưởng, em sẽ ăn ở y như em đã ăn ở xưa nay!
– “Ồ, thế thì chị không cảm thấy trong chị cái tâm tình của một vị tu hành khi nói, dù tôi đã sống rất nhiều năm hãm mình đền tội, tới giây phút chỉ còn sống một khắc hay một giây, tôi cũng vẫn e sợ, có lẽ chính mình lại luận phạt mình?
– “Không, em không thể đồng ý kiến đó được. Em bé nhỏ lắm, đã biết chi mà dám luận phạt mình. Những trẻ nhỏ chẳng luận phạt mình bao giờ”.
– “Chị hằng tâm niệm ước ao nên như trẻ nhỏ, vậy xin chị cho chúng em biết, phải làm gì để đạt tới tinh thần thơ ấu ấy? ở bé nhỏ là ở như thế nào?
– “Ở bé nhỏ chính là tự biết mình là không, cậy trông tất cả ở Chúa như con nít cậy trông tất cả ở người cha, không phải áy náy gì… Ở bé nhỏ còn là không tự nhận cho mình những nhân đức đã thực hành được. Xét thấy mình có tài cán gì, thì công nhận ngay là Chúa cho chút vật quí ấy trong tay đứa con nhỏ, để nó dùng khi hữu sự; bao giờ vật quí ấy cũng thuộc quyền sở hữu Chúa. Sau cùng, ở bé nhỏ là đừng ngã lòng vì những lỗi lầm đã trót phạm. Các trẻ nhỏ thường hay ngã luôn, nhưng vì quá bé bủn, quá thấp tháp, thành thử ngã cũng chẳng đau gì mấy“.
Khi các chị em đến thảo luận với chị thánh về tinh thần hãm mình của các thánh, chị thánh đã phát biểu ý kiến rằng:
“May quá, Chúa đã tỏ cho chúng ta biết trên Nhà Cha cả có nhiều bậc, nếu không, hẳn là Chúa đã nói rồi. Phải, nếu các Linh Hồn được gọi vào đàng trọn lành để về quê Thiên Đàng, đều phải thực hành sự hãm mình phạt xác nặng nề, hẳn là Chúa đã bảo, và chúng ta cũng đã rất vui lòng chịu đựng. Nhưng Chúa đã tuyên bố có nhiều bậc trên Nhà Cha: Nếu có bậc cho các Linh Hồn cao cả, cho các thánh ẩn tu trong rừng, cho các đấng hãm mình phạt xác cả đời, thì cũng phải có bậc cho các em nhỏ! Bậc đó là bậc dành riêng cho chúng ta đãy“.
Cuối tháng 9.1897, có mấy chị đến thuật lại cùng chị thánh vài điều mà các chị đã thảo luận, liên quan đến trách nhiệm những người có bổn phận coi sóc chị em. Người suy nghĩ một lát, rồi nói:
“Những kẻ bé nhỏ sẽ được phán xét rất êm nhẹ (Sap.Vi,7). Ta có thể ở bé nhỏ lắm, dầu khi phải gánh những trách nhiệm nặng nề, to tát. Nào vua David đã chẳng nói: ‘Ngày sau hết, chúa Giêsu sẽ đứng ra bênh đỡ các kẻ hiền lành và khiêm nhượng thuở bình sinh sao?’ (Ps. LXXV, 9). Thánh vương không nói phán xét, chỉ nói bênh đỡ thôi.”
Sau cùng, để trấn an và cũng là một bảo đảm, thánh nữ Terexa Hài Đồng nói với các chị em nhà tập rằng:
“Nếu con đường tình ái em dẫn chị em đi là đường lạc, chị em chớ ngại, em không để chị em lầm lạc lâu ngày đâu. Em sẽ hiện về cải chính để chị em bỏ mà theo đàng khác. Nhưng nếu em chẳng trở lại cùng chị em nữa, thì chị em cứ chắc tâm tiến hành những lời em đã nói. Đức Chúa Trời phép tắc và nhân lành vô cùng. Ta trông cậy Người chẳng khi nào phải lo quá. Ta cậy trông Người ngần nào, ta được toại nguyện ngần ấy“.
Các chị em nhà tập hết lòng cảm phục gương nhân đức của thánh nữ, và lo ngại thánh nữ sẽ bỏ mình để về trời sớm. Cho nên, một chị nhà tập đã nói cùng thánh nữ:
– “Giả như sáng mai chị rước lễ rồi chết ngay; có lẽ sự chết tốt lành này sẽ an ủi được em trong cơn buồn, vì phải vĩnh biệt chị!
– “Rước lễ rồi chết! Chết trong ngày lễ trọng?” thánh nữ trả lời, “không, không phải thế đâu. Những Linh Hồn thơ ấu không thể học đòi thế được. Trong đàng tiểu lộ em đi, chỉ có những tầm thường, giản dị. Việc gì mà em đã làm, phải là việc các Linh Hồn thơ ấu cũng làm được hết“.
Thật vậy, trong suốt 15 năm sống ngoài đời, và 9 năm trong dòng kín, thánh nữ Terexa đã không làm việc gì to tát, lớn lao, không làm những phép lạ như các thánh thường làm. Người chỉ hết lòng chu toàn mọi bổn phận, cũng như chấp nhận những vui, buồn, sướng, khổ, đến từ cuộc sống, như món qùa Thiên Chúa nhân từ trao ban, bằng một tình yêu nồng nàn con thảo. Người đã thực hiện hoàn hảo câu: “Làm việc tầm thường với tinh thần phi thường”, đến nỗi có một chị dòng đã rỉ tai một chị khác rằng:
“Chị Terexa Hài Đồng Giêsu sắp chết rồi! Chị qua đi, không biết mẹ bề trên phải nói chuyện về chị làm sao? Chắc là mẹ sẽ lúng túng lắm. Vì thực ra, chị Terexa đáng yêu thì đáng yêu thật, nhưng chị chẳng làm gì nên chuyện đáng nói!“.
Như trái cây chín thơm ngon, được bọc bởi lớp vỏ bình dị. Người ta chỉ nếm được hương vị của nó, sau khi lớp vỏ đã được bóc đi. Thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu qua đời được một năm, thì nhà dòng cho xuất bản cuốn tự thuật Một Tâm Hồn của người. Cuốn sách đã gây được tiếng vang lớn lao, và được phổ biến khắp nơi trên thế giới. Người ta bắt đầu biết đến và tôn kính người như vị thánh, và người đã làm mưa hoa Hồng trên biết bao tâm hồn, như lời người đã nói khi còn sống: “Chết rồi, tôi sẽ làm những Trận Mưa Hoa Hồng!”
Năm 1907, tức 10 năm sau khi thánh nữ qua đời, Tòa Thánh bắt đầu lập hồ sơ phong thánh cho người. Những cuộc kính viếng riêng tư mỗi ngày một nhiều. Người ta ước tính có đến 80 ngàn người tới kính viếng nhà dòng mỗi năm.
Năm 1923, Đức Giáo Hoàng Pio Xi phong Chân Phước cho thánh nữ. Trong dịp lễ tấn phong, Đức Thánh Cha nói:
“Terexa là bông hoa kín đáo, hương thơm lan tỏa khắp nơi, nhưng sắc đẹp lộng lẫy chỉ dành riêng cho Thiên Chúa“.
Hai năm sau ngày tấn phong Chân Phước, tức 17.5.1925, Đức Thánh Cha Pio XI phong thánh cho người. Hôm đó, Quảng Trường Thánh Phêrô đông ngẹt người. Có 34 vị Hồng Y, hơn 200 Giám Mục, và khoảng 100 ngàn Giáo Dân từ khắp nơi tụ lại.
Năm sau (1927), Đức Thánh Cha Pio Xi đã đặt chị dòng bé nhỏ của dòng kín Lisieux làm quan thày các nơi truyền giáo, có lẽ để thỏa ước vọng thiết tha truyền giáo của người khi người còn sống.
Tháng 8.1997, Đức Thánh Cha Gioan Paulo II đã tặng phong tước hiệu Tiến Sỹ Giáo Hội cho người, để vinh danh đường lối tu đức thơ ấu thiêng liêng mà Chúa Thánh Thần đã linh hứng, để người phát minh và cổ võ.
Để kết thúc, chúng tôi xin ghi lại đây lời cầu nguyện của chị thánh, hay đúng hơn, lời hiệu triệu tới các Linh Hồn thơ ấu, hãy theo gương người bước đi trên con đường tình ái, con đường mà có lần người đã kêu lên: “Ôi! đường tình ngon ngọt lắm!”, rằng:
“Lạy Chúa Giêsu, ước gì con nói hết được cùng các Linh Hồn thơ ấu hiểu cách Chúa thương yêu, chiều đãi chúng con cách lạ lùng dường ấy. Con tin thật rằng, ví dù Chúa gặp một Linh Hồn nào yếu đuối hơn Linh Hồn con, mà Linh Hồn ấy biết hoàn toàn cậy trông ở tình ái hải hà Chúa, hẳn Chúa sẽ vui lòng thi ân thi phúc cho Linh Hồn ấy, nhiều và cả thể hơn gấp bội.
“Song lạy Chúa chí thiết, lạy bạn chí ái, cớ sao con lại ước ao cổ võ phép nhiệm tình ái hải hà Chúa như thế? Nào chính Chúa đã dạy con tình ái, lại chẳng biết chọn người khác để sai đi cổ võ phép màu nhiệm này sao? Thôi con hiểu rồi, con xin im lặng vâng theo Ý Chúa.
“Con chỉ tha thiết nài xin Chúa đoái nhìn đến số đông những Linh Hồn thơ ấu, nài xin Chúa chọn lấy trong thế gian một đoàn quân gồm những Linh Hồn đơn sơ, bé nhỏ, hầu làm của lễ xứng đáng dâng tiến tình ái hải hà Chúa! Ôi Chúa Giêsu! Cúi xin Chúa hãy thương nhận lời con cùng“.
Hạt Cát
Views: 0